04/11/2023 09:50

Người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội có được không?

Người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội có được không?

Tôi là pháp chế doanh nghiệp, cho tôi hỏi người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội có được không? Minh Hiếu - Đà Nẵng

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Bảo hiểm xã hội là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy đinh: "Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội."

Bảo hiểm xã hội được chia ra làm hai loại bao gồm: bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Có thể thấy, bảo hiểm xã hội có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các cá nhân khỏi rủi ro về sức khỏe, bệnh tật, tai nạn lao động và một số rủi ro tài chính khác đến một cách bất ngờ. Mặc khác việc tham gia bảo hiểm còn đóng góp vào hoạt động đầu tư của quỹ nhằm thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia.

2. Người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội có được không?

Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy đinh: "Bảo hiểm xã hội bắt buộc loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia"

Đồng thời, Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đối tượng người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc. Theo quy định này, những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Do đó, nếu khi các bên ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng BHXH bắt buộc.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 19 và khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

Căn cứ Khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

"Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định."

 

Như vậy, người lao động bắt buộc phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật, ngoài đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì hằng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Nếu người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: "Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất"

Đồng thời, tại quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì: "Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc"

Như vậy, đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động có thể chọn tham gia hoặc không. Tuy nhiên, việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là cần thiết, nhằm mục đích đảm bảo một mức sống tối thiểu trong trường hợp mất việc làm, bệnh tật, hưu trí, tử vong hoặc các rủi ro xã hội khác.

Nguyễn Ngọc Diện
509

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn