TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 420/2019/LĐ-PT NGÀY 15/05/2019 VỀ TRANH CHẤP CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI ĐỐI THỦ CẠNH TRANH
Trong các ngày 25 tháng 4, ngày 09 và ngày 15 tháng 5 năm 2019, tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử công khai vụ án lao động phúc thẩm thụ lý số: 18/2019/TLPT-LĐ ngày 19 tháng 02 năm 2019 về việc: “Tranh chấp chấm dứt hợp đồng lao động với đối thủ cạnh tranh”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 34/2018/LĐ-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 1492/2019/QĐ-PT ngày 01/4/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 2758/2019/QĐ-PT ngày 25/4/2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty U; Trụ sở tại: 12 đường T, phường P, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Kolbjorn U1, sinh năm 1977 – Chức vụ: Giám đốc; Cư trú tại: 31-33 đường P, phường P, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Huỳnh Thị Thanh H, sinh năm 1983; Cư trú tại: Phòng 2C, Tầng L, Tòa nhà S, 65 đường L, phường N, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy ủy quyền ngày 27/9/2018 của Công ty U) (có mặt).
Bị đơn: Ông Phan Thanh B, sinh năm 1984; Cư trú tại: 11/2 đường C, Khu phố C, phường K, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty P; Trụ sở tại: Lầu 5, tòa nhà L, số 6 đường V, phường P, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Thomas Maria E, sinh năm 1991 – Chức vụ: Tổng giám đốc; Cư trú tại: Phòng C, B76, Khu dân cư S, phường P, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).
Người kháng cáo: Nguyên đơn là Công ty U.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Huỳnh Thị Thanh H trình bày:
Ông Phan Thanh B làm việc cho Công ty U (gọi tắt là Công ty U) từ ngày 01/11/2012 đến ngày 25/8/2017, công việc là nhân viên thiết kế. Trong quá trình làm việc tại Công ty, ông có ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin và thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ và không cạnh tranh số 07/2016/SHTT&CtrUR ngày 29/01/2016. Theo đó, ông cam kết sau khi nghỉ việc vẫn bảo mật toàn bộ thông tin thuộc quyền sở hữu của Công ty U và không làm việc cho Công ty đối thủ của Công ty U. Tuy nhiên, vừa qua Công ty U phát hiện ông B đang làm việc cho Công ty P (gọi tắc là Công ty P), Công ty P có lĩnh vực hoạt động chính là hậu kỳ đồ họa trong lĩnh vực bất động sản; là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Công ty U. Việc ông B làm việc tại Công ty P với công việc tương tự như công việc ông đã làm tại Công ty U là vi phạm thỏa thuận nêu trên. Cụ thể: Ông B đã vi phạm mục 9.1 khoản 9 của Thỏa thuận bảo mật thông tin: “...phục vụ cho đối thủ cạnh tranh với sản phẩm, công nghệ của Công ty”; vi phạm mục 2.1 khoản 2 của Thỏa thuận sở hữu trí tuệ và không cạnh tranh: “Người lao động cam kết không làm việc, hỗ trợ hoặc hợp tác trực tiếp hoặc gián tiếp với đối thủ cạnh tranh Công ty và khách hàng Công ty”. Công ty U đã gửi văn bản yêu cầu ông tôn trọng các thỏa thuận về bảo mật và không cạnh tranh đã ký kết, đồng thời chấm dứt ngay những vi phạm nêu trên bằng cách không làm việc cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty U là Công ty P nhưng ông B vẫn không hợp tác. Do vậy, Công ty U khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, buộc ông Phan Thanh B không được tiếp tục làm việc cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty U là Công ty P.
Tại phiên tòa ngày 30/11/2019, bà H trình bày: Bà vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc ông Phan Thanh B không được tiếp tục làm việc cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty U là Công ty P vì ông Phan Thanh B đã vi phạm mục 9.1 và 9.8 khoản 9 Thỏa thuận Bảo mật thông tin số: 07/2016/SHTT&CTr-UR cụ thể: “Người lao động sau khi nghỉ việc không sử dụng bất kỳ thông tin mật để thu hút khách hàng hiện tại hoặc tương lai của Công ty cũng như phục vụ cho đối thủ cạnh tranh của Công ty”. Đối với Thỏa thuận sở hữu trí tuệ và không cạnh tranh thỏa thuận số 07/2016/SHTT&CTr-UR có hiệu lực theo hợp đồng lao động, nhưng hợp đồng lao động đã chấm dứt nên bà không ý kiến gì.
Theo bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, bị đơn ông Phan Thanh B trình bày:
Cuối năm 2012, ông B xin vào làm việc tại Công ty U với vị trí nhân viên 3D, qua thời gian làm việc Công ty cho ông làm nhân viên chỉnh sửa hình ảnh và sau đó làm ở vị trí APC (nhân viên nhận hàng và phân phối hàng cho các đồng nghiệp làm). Năm 2016, ông B ký kết hợp đồng lao động với Công ty U theo Hợp đồng lao động số: 07/2016/HĐLĐ ngày 01/02/2016 loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn; với chức danh công việc là Trưởng nhóm và Training (huấn luyện) cho các đồng nghiệp mới vào làm.
Đồng thời ngày 29/01/2016, Công ty U có yêu ông ký thêm các thoả thuận gồm Thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ và không cạnh tranh số: 07/2016/SHTT&CTr-UR và Thỏa thuận Bảo mật thông tin số: 07/2016/SHTT&CTr- UR. Tuy nhiên, Hợp đồng lao động nêu trên đã chấm dứt vào ngày 31/08/2017 theo quyết định nghỉ việc số: 07/2017/QĐCDHĐ. Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty U thì ông B làm việc cho Công ty P theo Hợp đồng lao động số: /2017/HDLD-P được ký kết vào ngày 26/10/2017 loại hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm từ ngày 01/11/2017 đến 31/10/2018; với chức danh chuyên môn: Giám Sát phòng Floorplan/3D Visuals, được Công ty P đào tạo về phần mềm riêng để ứng dụng trong Công ty và thuận tiện cho việc giám sát; chịu trách nhiệm tuyển dụng và phỏng vấn ứng viên mới; làm hợp đồng thử việc, hợp đồng lao động, quyết định thôi việc các đồng nghiệp mà ông B giám sát. Ông không lấy thông tin hay bí mật kinh doanh từ Công ty U để sử dụng từ sau khi nghỉ việc.
Ngày 27/8/2018, ông B được triệu tập hoà giải với Công ty U tại Phòng Lao động và Thương binh Xã hội Quận G. Sau khi hòa giải, Phòng Lao động và Thương binh xã hội Quận G không chấp nhận yêu cầu hoà giải từ phía Công ty U về việc buộc ông B không được tiếp tục làm việc cho đối thủ cạnh tranh của Công ty U là Công ty P. Do đó, ông B không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc ông B không được tiếp tục làm việc cho đối thủ cạnh tranh của Công ty U là Công ty P vì như vậy gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông B.
Theo bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty P có người đại diện theo ủy quyền là bà Phan Thị Diệu H1 trình bày:
Công ty P đã tuyển dụng ông Phan Thanh B vào làm việc tại Công ty theo đúng quy định của pháp luật lao động Việt Nam và tại thời điểm Công ty tuyển dụng thì ông B cũng đã chấm dứt quan hệ hợp đồng lao động với Công ty U. Ông B chính thức làm việc cho Công ty P từ ngày 01/11/2017 với chức danh Giám sát - Phòng Floorplan/3D. Do đó quan hệ lao động giữa Công ty P với ông B là hợp pháp nên Công ty không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc ông B chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty P.
Tại phiên tòa ngày 30/11/2018, bà H1 trình bày: Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì quan hệ lao động giữa Công ty P với ông B là hợp pháp. Hơn nữa, Công ty U và Công ty P không cùng ngành nghề kinh doanh, không cùng khách hàng nên không là đối thủ cạnh tranh, công việc của ông Phan Thanh B tại Công ty P khác với công việc của ông B tại Công ty U và ông B cũng đã chấm dứt quan hệ hợp đồng lao động với Công ty U nên các thỏa thuận trên đều hết hiệu lực.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 34/2018/LĐ-ST ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên xử:
- Căn cứ vào các Điều 21, khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228, khoản 1 Điều 273 và khoản 1 Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Việc làm năm 2013;
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 10 của Bộ luật Lao động năm 2012;
- Căn cứ khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty U về việc buộc ông Phan Thanh B không được tiếp tục làm việc cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty U là Công ty P.
2. Về án phí: Công ty U chịu án phí lao động sơ thẩm số tiền là 300.000 (ba trăm nghìn) đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm Công ty U đã nộp là 300.000 (ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu số AA/2017/0025972 ngày 04/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty U đã nộp đủ án phí.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 13 tháng 12 năm 2018, nguyên đơn là Công ty U có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn là Công ty U không rút đơn khởi kiện, đồng thời cũng không rút đơn kháng cáo. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nên các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là bà Huỳnh Thị Thanh H trình bày: Nguyên đơn vẫn giữ yêu cầu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Mã ngành của Công ty U và Mã ngành của Công ty P khác nhau nên hai Công ty không phải là đối thủ cạnh tranh. Mục 2.1 và mục 5.6 của thỏa thuận sở hữu trí tuệ và không cạnh tranh vi phạm Luật lao động năm 2012 và Luật việc làm năm 2013 và cho rằng các thỏa thuận trên đã hết hiệu lực theo hợp đồng để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa hợp tình, hợp lý. Do nguyên đơn làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nên những công nghệ, dữ liệu, sản phẩm của Công ty cần được bảo vệ, việc ký kết thỏa thuận sở hữu trí tuệ và không cạnh tranh và thỏa thuận bảo mật thông tin là cần thiết. Ông B đã ký kết Thỏa thuận thì phải có trách nhiệm với cam kết của mình. Do ông B vi phạm thỏa thuận làm việc cho Công ty P là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty U nên Công ty khởi kiện yêu cầu ông B thực hiện theo thỏa thuận là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa Bản án lao động sơ thẩm.
Bị đơn ông Phan Thanh B và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty P có người đại diện theo pháp luật là ông Thomas Maria E vắng mặt tại phiên tòa.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:
Về hình thức: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Về nội dung: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 34/2019/LĐ-ST ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
- Về hình thức: Đơn kháng cáo của nguyên đơn Công ty U làm trong hạn luật định nên được chấp nhận.
- Về thủ tục tố tụng: Bị đơn ông Phan Thanh B và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty P do ông Thomas Maria E là người đại diện theo pháp luật có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 1 Điều 227 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt các đương sự nêu trên.
- Về nội dung: Nguyên đơn Công ty U kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xác định là Công ty P không phải là đối thủ cạnh tranh của Công ty U để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ. Mặc dù Công ty P và Công ty U không cùng Mã ngành và ngành kinh doanh nhưng thực tế Công ty P đã hoạt động kinh doanh cùng ngành nghề với nguyên đơn là xử lý hình ảnh trong lĩnh vực bất động sản, cụ thể là Công ty P đã tuyển dụng nhân viên trên trang web của Công ty trong đó có tuyển dụng nhân viên chỉnh sửa hình ảnh trong lĩnh vực bất động sản, điều này được đại diện Công ty P và ông B thừa nhận tại phiên tòa sơ thẩm. Như vậy Công ty P hoạt động kinh doanh có ngành nghề tương tự với Công ty U nên là đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn. Do ông B đã vi phạm mục 9.1 khoản 9 của Thỏa thuận bảo mật thông tin: “...phục vụ cho đối thủ cạnh tranh với sản phẩm, công nghệ của Công ty”; vi phạm mục 2.1 khoản 2 của Thỏa thuận sở hữu trí tuệ và không cạnh tranh: “Người lao động cam kết không làm việc, hỗ trợ hoặc hợp tác trực tiếp hoặc gián tiếp với đối thủ cạnh tranh Công ty và khách hàng Công ty”. Nên Công ty U yêu cầu ông Phan Thanh B không được tiếp tục làm việc cho Công ty P là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty U. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[1]. Xét, kháng cáo của nguyên đơn cho rằng hoạt động kinh doanh của Công ty P cùng ngành nghề với Công ty U. Hội đồng xét xử nhận thấy:
Căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty U - Chứng nhận điều chỉnh lần thứ 1 ngày 26/9/2016 thì Công ty U thực hiện dự án đầu tư; tên ngành là Dịch vụ xử lý dữ liệu: Mã ngành theo VSIC: 6201, mã CPC: 842.
Căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty P - Chứng nhận thay đổi lần thứ 01 ngày 02/5/2018 thì Công ty P Mã ngành theo VSIC là 6202; mã CPC: 841: “Tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính”.
Căn cứ vào Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/04/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam thì Công ty U Mã ngành theo VSIC là 6201, mã CPC: 842: “Lập trình máy tính”. Công ty P Mã ngành theo VSIC là 6202; mã CPC: 841: “Tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính”. Như vậy, Công ty P không hoạt động cùng ngành kinh doanh với Công ty U.
[2]. Xét việc nguyên đơn cho rằng Công ty P hoạt động kinh doanh có ngành nghề tương tự với Công ty U. Chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình là các tờ giấy A4 (bút lục từ 70 đến 80) được in ra từ trang web của Công ty P về việc tuyển dụng nhân viên. Xét thấy, đây là những trang giấy được in từ máy tính, không có bản chính để đối chiếu, không được thu thập chứng cứ theo đúng trình tự theo quy định của pháp luật nên không có cơ sở để xem xét. Đồng thời tại (bút lục số 160) của biên bản phiên tòa ngày 30/11/2018, đại diện bị đơn trình bày: Công ty P hoạt động trong lĩnh vực xử lý hình ảnh về nội và ngoại thất, Công ty mẹ bên Hà Lan thực hiện vẽ thiết kế 2D chuyển về Công ty P chỉnh sửa 3D. Ngoài ra, không có sự thừa nhận nào của đại diện Công ty P cũng như ông B cho rằng ngành nghề mà Công ty P hoạt động giống ngành nghề Công ty U như nguyên đơn trình bày. Xét thấy, ngoài lời trình bày ra nguyên đơn không có chứng cứ gì chứng minh là Công ty P hoạt động kinh doanh có ngành nghề tương tự với Công ty U.
Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Công ty P không cùng ngành kinh doanh với Công ty U nên không phải là đối thủ cạnh tranh của Công ty U là có căn cứ.
[3]. Xét, kháng cáo của nguyên đơn về yêu cầu buộc ông Phan Thanh B không được tiếp tục làm việc cho Công ty P là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty U. Hội đồng xét xử nhận thấy:
Theo khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”.
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người lao động có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”và khoản 1 Điều 10 quy định: “Người lao động được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm”.
Theo khoản 1 Điều 4 Luật việc làm năm 2013 quy định tại nguyên tắc về việc làm: “Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc” và khoản 6 Điều 9 quy định cấm các hành vi “Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”.
Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu của nguyên đơn buộc ông Phan Thanh B không được tiếp tục làm việc cho Công ty P là trái với quy định của pháp luật nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng.
Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 34/2019/LĐ-ST ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
[4]. Về án phí phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Công ty U không được chấp nhận nên phải chịu án phí lao động phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào các Điều 21, khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228, khoản 1 Điều 273, Điều 301, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 10 của Bộ luật Lao động năm 2012;
- Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Việc làm năm 2013;
- Căn cứ khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013;
- Căn cứ khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Công ty U.
Giữ nguyên quyết định của Bản án lao động sơ thẩm số 34/2018/LĐ-ST ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
[1]. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty U về việc buộc ông Phan Thanh B không được tiếp tục làm việc cho Công ty P là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty U.
[2]. Về án phí:
- Án phí lao động sơ thẩm: Công ty U phải chịu án phí lao động sơ thẩm số tiền là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí Công ty U đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu số AA/2017/0025972 ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Án phí lao động phúc thẩm: Công ty U phải chịu án phí lao động phúc thẩm số tiền là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí Công ty U đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu số AA/2017/0026490 ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án dân sự, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp chấm dứt hợp đồng lao động với đối thủ cạnh tranh số 420/2019/LĐ-PT
Số hiệu: | 420/2019/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 15/05/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về