Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do oan sai số 109/2020/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 109/2020/DS-PT NGÀY 26/05/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO OAN SAI

Ngày 26 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 90/2020/TLPT-DS ngày 25 tháng 3 năm 2020 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do oan sai”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2020/DS-ST ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 120/2020/QĐ-PT ngày 08 tháng 5 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Tống Thị Thanh T, sinh năm 1985 và anh Trịnh Minh Đ, sinh năm 2001 (đều có mặt) Cùng trú tại: Thôn QT3, thị trấn BT, huyện KA, tỉnh Đắk Lắk.

2. Bị đơn: Viện kiểm sát nhân dân huyện KA Địa chỉ: 60 NTT, thị trấn BT, huyện KA, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Văn Q – Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện KA (có mặt).

Trú tại: Thôn 2, thị trấn BT, huyện KA, tỉnh Đắk Lắk.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Chị Trịnh Thị Minh A, sinh năm 2006.

Trú tại: Thôn QT3, thị trấn BT, huyện KA, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt)

Người đại diện theo pháp luật của chị A: Bà Tống Thị Thanh T (có mặt).

- Người kháng cáo: Bị đơn Viện kiểm sát nhân dân huyện KA.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn bà Tống Thị Thanh T trình bày:

Vào năm 1997 ông Trịnh Công M, sinh năm 1973, trú tại thôn QT3, thị trấn BT bị Cơ quan cảnh sát Điều tra công an huyện Krông Ana khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản công dân”, bị bắt tạm giam từ ngày 02/02/1997 đến ngày 22/7/1998 được thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Vụ án bị tạm đình chỉ điều tra vào ngày 27/7/1998, ông M đã kêu oan đến các cơ quan tiến hành tố tụng. Do không chứng minh được hành vi phạm tội của ông M đến ngày 19/3/2015 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Ana đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01/QĐ-CQĐT (HS) đối với ông Trịnh Công M, ông M tiếp tục gửi đơn đến kêu oan nhưng không được cơ quan nào giải quyết. Ngày 13/02/2018 ông M đã chết do bị bệnh.

Bà T là vợ của ông Trịnh Công M, có đăng ký kết hôn hợp pháp vào ngày 17/8/2005 tại UBND thị trấn BT, huyện KA, tỉnh Đắk Lắk. Vợ chồng bà T, ông M có hai con chung là Trịnh Minh Đ, sinh ngày 12/8/2001 và Trịnh Thị Minh A, sinh ngày 16/8/2006. Bố đẻ ông M là ông Trịnh Công P, sinh năm 1922, đã chết vào ngày 23/9/1987 và mẹ đẻ là bà Đinh Thị S, sinh năm 1930, đã chết ngày 17/11/2006 (bố mẹ ông M đều chết tại quê xã AV, huyện QP, tỉnh Thái Bình, có giấy xác nhận của UBND xã AV, huyện QP, tỉnh Thái Bình vào ngày 14/12/2019).

Bà T, anh Đ và cháu A là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Trịnh Công M. Bà T, anh Đ có đơn khởi kiện yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện KA phải bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng xử lý oan sai đối với ông M, bà T yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện KA bồi thường thiệt hại cho bà T, anh Đ và cháu A các khoản tiền sau:

1. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất:

- Thiệt hại trong thời gian ông M bị tạm giam từ ngày 02/02/1997 đến ngày 22/7/1998 là [535 ngày x 150.000 đồng/ngày công lao động ] = 80.250.000 đồng;

- Quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn có yêu cầu bồi thường thiệt hại do mất thu nhập trong thời gian tại ngoại từ ngày 22/7/1998 đến ngày 19/3/2015 (ngày có quyết định đình chỉ điều tra bị can) là 6.083 ngày x 150.000 đồng/ngày = 912.450.000 đồng, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm bà T không yêu cầu bồi thường khoản tiền này.

2. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần:

- Trong thời gian bị tạm giam từ ngày 02/02/1997 đến ngày 22/7/1998 là [ 535 ngày x 68.000 đồng/ngày x 5 lần] = 181.900.000 đồng.

- Trong thời gian tại ngoại từ ngày 22/7/1998 đến ngày 19/3/2015 là 6.083 ngày là [6.083 ngày x 68.000 đồng/ngày x 2 lần] = 827.288.000 đồng.

3. Các chi phí khác:

- Chi phí in ấn tài liệu, thuê phòng nghỉ, đi lại: Bà T không cung cấp được chứng từ vì thời gian đã quá lâu, gia đình bị thất lạc, chỉ nhớ thời gian ông M bắt đầu đi kêu oan là năm 2010 cho đến năm 2018 khi ông M chết.

Yêu cầu tính thời gian là 10 năm x mỗi năm được tính 06 tháng lương cơ sở x 1.490.000 đồng/tháng = 89.400.000 đồng - Chi phí gửi đơn thư đến cơ quan Nhà nước:

Trong thời gian 10 năm (mỗi năm 01 tháng lương cơ sở ) x 1.490.000 đồng/ năm = 14.900.000 đồng.

- Chi phí thăm gặp thân nhân: Trong thời gian tạm giam là 18 tháng, được thăm nuôi là 18 lần x 300.000 đồng/ lần thăm nuôi = 5.400.000 đồng.

Tổng cộng các khoản yêu cầu bồi thường là: 1.199.138.000 đồng.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Bùi Văn Q trình bày:

Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ thu thập được và các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trên cơ sở các mục đề nghị bồi thường của nguyên đơn bà Tống Thị Thanh T, anh Trịnh Minh Đ, Viện kiểm sát nhân dân huyện KA chấp nhận bồi thường các khoản như sau:

1. Thu nhập bị mất trong thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 02/02/1997 đến ngày 22/7/1998 là 535 ngày x 57.300 đồng/ngày (tính theo mức lương cơ sở chia cho 26 ngày) = 30.655.500 đồng.

2. Thiệt hại về tinh thần: Tính lương cơ sở/ 22 ngày = 68.000 đồng.

+ Thời gian tạm giữ, tạm giam: 535 ngày x 68.000 đồng x 5 lần = 181.900.000 đồng.

+ Thời gian tại ngoại chỉ tính từ ngày 23/7/1998 đến ngày 05/01/2003 là:

1261 ngày x 68.000 đồng x 2 lần = 171.496.000 đồng.

Lý do không tính phần còn lại: Theo báo cáo xác minh thiệt hại bồi thường, sau khi ông M được hủy bỏ biện pháp tạm giam ngày 22/7/1998 và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 22/7/1998, đến ngày 01/12/2002 ông Trịnh Công M phạm tội mới bị khởi tố và có Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì đương nhiên Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 22/7/1998 hết hiệu lực pháp luật, không thể lệnh mới chồng lệnh cũ được (trước đây khi thương lượng thì tính, nhưng sau khi tham khảo một số hồ sơ bồi thường oan sai thấy cách tính trước đây không có căn cứ nên tính lại như trên).

3. Chi phí khác: 19.083.000 đồng Chi phí đi kêu oan tính từ năm 2013 sau khi ông Trịnh Công M chấp hành xong bản án năm 2012 đến năm 2015 khi có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can ngày 19/3/2015.

Tổng cộng chấp nhận bồi thường là: 403.124.000 đồng.

Tại Bản án số 01/2020/DS-ST ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Căn cứ vào: Khoản 14 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Khoản 1 Điều 227; khoản 1, khoản 3 Điều 228, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 6, khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 9, khoản 3 Điều 18, Điều 22, điểm c khoản 1 Điều 24, điểm b, c khoản 3 Điều 27, Điều 28, khoản 4 Điều 35, Điều 52, điểm c khoản 1 Điều 53, khoản 1 Điều 76 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

1/ Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện nguyên đơn.

Buộc Viện kiểm sát nhân dân huyện KA, tỉnh Đắk Lắk phải bồi thường thiệt hại do oan sai cho bà Tống Thị Thanh T, anh Trịnh Minh Đ và cháu Trịnh Thị Minh A (là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Trịnh Công M) số tiền 1.150.216.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/02/2020 và tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn Viện kiểm sát nhân dân huyện KA kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana với nội dung: Đề nghị cấp phúc thẩm căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng Đắk Lắk để xem xét lại mức bồi thường mất thu nhập, tính lại số ngày bồi thường về tổn thất tinh thần và xem xét lại các khoản chi phí bồi thường khác, do bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải bồi thường với mức quá cao.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn bà Tống Thị Thanh T giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện, đại diện theo ủy quyền của bị đơn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng:

Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án Hội đồng xét xử, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung:

- Về bồi thường do thu nhập bị mất: Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự thống nhất được với nhau về số ngày mất thu nhập được bồi thường theo quy định của pháp luật là 535 ngày.

Tại biên bản xác minh ngày 16/01/2020, Tòa án xác định mức thu nhập bình quân của người lao động phổ thông tại thôn QT, thị trấn BT, huyện KA là khoảng 200.000 đồng/ngày nhưng không thể hiện thu nhập trung bình được xác định tại thời điểm thu nhập thực tế của ông M bị mất. Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bà T đều xác định ông M làm nghề máy múc, được trả tiền công nhưng bà không cung cấp được chứng cứ chứng minh, hơn nữa, các quyết định tố tụng tại thời điểm ông M bị bắt đều xác định nghề nghiệp của ông M là làm nông. Do vậy, căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 24 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước; điểm d, khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 và danh mục ban hành kèm theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng của huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk là 3.070.000 đồng. Mức bồi thường do thu nhập bị mất là: 3.070.000 đồng/26 ngày x 535 ngày = 63.171.000 đồng. Cấp sơ thẩm áp dụng điểm c khoản 1 Điều 24 để tính khoản tiền mất thu nhập nhưng xác định số tiền 150.000 đồng/ngày công lao động là không đúng. Do đó nội dung kháng cáo này của VKSND huyện KA là có căn cứ chấp nhận.

- Về bồi thường tổn thất tinh thần trong thời gian không bị tạm giam:

Ngày 02/2/1997 ông M bị bắt tạm giam. Ngày 22/7/1998 ông M được thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau khi được tại ngoại, năm 2002 ông M bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản, ngày 05/01/2003 ông M bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 22/9/2003 Viện kiểm sát nhân dân huyện KA ban hành Quyết định đình chỉ bị can số 01/KSĐT, miễn trách nhiệm hình sự đối với ông M. Như vậy, thời gian từ ngày 05/01/2003 đến ngày 22/9/2003 (8 tháng 17 ngày) ông M bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú do bị khởi tố về tội Trộm cắp tài sản nên khoảng thời gian này không tính để bồi thường tổn thất tinh thần;

Năm 2004 ông M lại phạm tội đánh bạc. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 31/HSST ngày 23/8/2004 ông M bị tuyên án 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và 01 năm thử thách, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Khoảng thời gian từ ngày 23/8/2004 đến 23/5/2006 (21 tháng) không áp dụng tính bồi thường tổn thất tinh thần cho ông M, bởi lẽ trong khoảng thời gian này ông M tiếp tục phạm tội và bị khởi tố về một tội phạm khác nên không bị tổn thất về mặt tinh thần;

Năm 2012 ông M phạm tội đánh bạc. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 25/2012/HSST ngày 06/8/2012 tuyên phạt ông M 18 tháng cải tạo không giam giữ. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 408/2012/HSPT ngày 09/11/2012 tuyên giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm. Như vậy, khoảng thời gian 18 tháng kể từ ngày tuyên án ngày 06/8/2012 đến ngày chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ thì không tính bồi thường tổn thất tinh thần trong khoảng thời gian này cho ông M.

Như vậy, căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 3 Điều 27 Luật trách nhiệm bồi thường năm 2017 thì các khoảng thời gian ông M phải chấp hành hình phạt của tội phạm khác ông M không được tính khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần của tội “Trộm cắp tài sản công dân” năm 1997. Viện KSND huyện KA kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm tính số ngày bồi thường về tổn thất tinh thần cho người được bồi thường là quá cao, đề nghị giảm mức bồi thường là có căn cứ, cần chấp nhận. Ngoài ra, cấp sơ thẩm tính số ngày bồi thường đến ngày 19/3/2015 là không đúng, chỉ tính đến ngày 16/3/2015. Theo đó số ngày được bồi thường tổn thất tinh thần trong thời gian không bị tạm giam là 4.653 ngày x 67,727đ/ngày x 2 = 630.267.000đ.

Cần chấp nhận một phần nội dung kháng cáo này của VKSND huyện KA.

- Đối với chi phí kêu oan: Thời gian ông M đi kêu oan là từ ngày 20/01/2014, bà T làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường nhưng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ nên Tòa sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 28 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước để tính là có căn cứ, nên không chấp nhận kháng cáo này của Viện KSND huyện KA về yêu cầu này.

Từ những phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận một phần đơn kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân huyện KA - Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20/02/2020 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk như phân tích trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ các tài liệu chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

Xét nội dung kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân huyện KA, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1] Về khoản bồi thường do thu nhập thực tế bị mất trong khoảng thời gian ông M bị tạm giam từ ngày 02/02/1997 đến ngày 22/7/1998 (535 ngày):

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: “Thu nhập không ổn định theo mùa vụ được xác định là thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.

Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày”.

Như vậy, thu nhập thực tế bị giảm sút phải được xác định tại thời gian thu nhập thực tế ông M bị mất. Cấp sơ thẩm chấp nhận mức thu nhập bị mất của ông M tại thời điểm xét xử là 150.000đồng/ngày theo biên bản xác minh ngày 16/01/2020 là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân huyện KA về nội dung này có căn cứ để chấp nhận.

Tại biên bản xác minh ngày18/5/2020 chính quyền địa phương không xác định được mức thu nhập trung bình thời điểm ông M bị tạm giam từ ngày 02/02/1997 đến ngày 22/7/1998 (535 ngày) là bao nhiêu nên cần áp dụng mức lương tối thiểu vùng để tính khoản thu nhập thực tế bị mất của ông M. Theo quy định hiện nay mức lương tối thiểu vùng tại khu vực huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk là 3.070.000đồng/tháng. Do đó, mức thu nhập thực tế của ông M bị mất được tính như sau: 3.070.000đồng /26 ngày x 535 ngày = 63.171.000đồng (sáu mươi ba triệu một trăm bảy mươi mốt nghìn đồng).

[2] Về khoản bồi thường do thiệt hại về tinh thần: Viện kiểm sát nhân dân huyện KA kháng cáo cho rằng, ngày 22/7/1998 ông M được hủy bỏ biện pháp tạm giam và vụ án bị tạm đình chỉ điều tra vào ngày 27/7/1998. Khi có quyết định tạm đình chỉ thì đương nhiên mọi hoạt động điều tra và biện pháp ngăn chặn đối với vụ án, bị can đều bị chấm dứt, nên không còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của ông M. Mặc khác, sau thời gian tạm đình chỉ điều tra ông M liên tiếp ba lần có hành vi vi phạm pháp luật. Đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn để xử lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, thời gian tính bồi thường tổn thất tinh thần cho ông M chỉ từ ngày bắt khẩn cấp đến ngày tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can đối với ông Trịnh Công M.

Xét kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân huyện KA Hội đồng xét xử xét thấy, vụ án hình sự khởi tố đối với ông Trịnh Công M vào ngày 02/2/1997, ngày 15/4/1998 Viện kiểm sát ban hành lệnh tạm giam số 41/KSĐT, ngày 22/7/1998 ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam số 14/KSĐT thay thế bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 16/3/2015 Viện kiểm sát nhân dân huyện KA ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú số 01/KSĐT đồng thời ban hành quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và đến ngày 19/3/2015 ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can.

Như vậy, vụ án của ông M bị khởi tố từ ngày 02/02/1997 cho đến ngày 16/3/2015 Viện kiểm sát nhân dân huyện KA mới ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 27 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và khoản 1 Điều 11 Nghị định 68/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quy định thời gian được tính thiệt hại về tinh thần từ ngày bị tạm giữ đến ngày chấp hành xong biện pháp ngăn chặn. Cấp sơ thẩm buộc Viện kiểm sát nhân dân huyện KA phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho ông M trong thời gian ông M phải chấp hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú trước khi có quyết định hủy bỏ là có căn cứ. Tuy nhiên, ngày 16/3/2015 Viện kiểm sát đã ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cấp sơ thẩm chấp nhận thời gian bồi thường từ ngày 23/7/1998 đến ngày 19/3/2015 là chưa phù hợp mà phải tính bồi thường thiệt hại tinh thần cho ông M từ ngày 23/7/1998 đến ngày 16/3/2015 là: [6.080 ngày x 67,727 đồng/ngày x 2 lần] = 823.560.320đồng (tám trăm hai mươi ba triệu năm trăm sáu mươi nghìn ba trăm hai mươi đồng).

Do vậy, chấp nhận một phần kháng cáo về nội dung này của Viện Kiểm sát nhân dân huyện KA

[3]. Về bồi thường các chi phí khác:

- Chi phí in ấn tài liệu, thuê phòng nghỉ, đi lại; Chi phí gửi đơn thư đến cơ quan Nhà nước thời gian ông M gửi đơn kêu oan đến các cơ quan tiến hành tố tụng từ tháng 01 năm 2014 đến năm 2020 nhưng bà T không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, biên lai cước phí cứ để làm căn cứ chứng minh. Do đó, cấp sơ thẩm căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tính chi phí in ấn tài liệu, thuê phòng nghỉ, đi lại cho người được bồi thường với tổng số tiền 62.130.000đồng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân huyện KA về nội dung này là không có căn cứ.

Từ nhận định trên Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bị đơn Viện kiểm sát nhân dân huyện KA – Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4]Về án phí dân sự phúc thẩm: Viện kiểm sát nhân dân huyện KA không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân huyện KA – Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Căn cứ vào: Khoản 14 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Khoản 1 Điều 227; khoản 1, khoản 3 Điều 228, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 6, khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 9, khoản 3 Điều 18, Điều 22, điểm c khoản 1 Điều 24, điểm b, c khoản 3 Điều 27, Điều 28, khoản 4 Điều 35, Điều 52, điểm c khoản 1 Điều 53, khoản 1 Điều 76 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

1. Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện nguyên đơn.

Buộc Viện kiểm sát nhân dân huyện KA, tỉnh Đắk Lắk phải bồi thường thiệt hại do oan sai cho bà Tống Thị Thanh T, anh Trịnh Minh Đ và cháu Trịnh Thị Minh A (là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Trịnh Công M) tổng số tiền 1.132.731.320 đồng ( Một tỷ một trăm ba mươi hai triệu bảy trăm ba mươi mốt nghìn ba trăm hai mươi đồng), trong đó:

-Tiền thu nhập bị mất trong khoảng thời gian bị tạm giữ, tạm giam (từ 02/02/1997 đến ngày 22/7/1998) là: 63.171.000 đồng.

-Tiền bù đắp tổn thất tinh thần trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam (từ ngày 02/02/1997 đến ngày 22/7/1998) là: 181.170.000 đồng.

-Tiền bù đắp tổn thất tinh thần trong thời gian tại ngoại (từ ngày 23/7/1998 đến ngày 16/3/2015) là: 823.560.320 đồng.

- Tiền chi phí khác (chi phí in ấn tài liệu, thuê phòng nghỉ, đi lại, chi phí gửi đơn thư đến cơ quan Nhà nước) là 62.130.000 đồng.

- Chi phí thăm gặp thân nhân là 2.700.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu án án phí.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

335
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do oan sai số 109/2020/DS-PT

Số hiệu:109/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về