Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản số 01/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

BẢN ÁN 01/2022/DS-PT NGÀY 04/01/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 04 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 68/2021/TLPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2021 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản”.Do bản án dân sự sơ thẩm số 12/2021/DS-ST ngày 28-6-2021 của Tòa án nhân dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 106/2021/QĐ-PT ngày 03 tháng 12 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 112/2021/QĐPT- DS ngày 16 tháng 12 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1985 (có mặt) Địa chỉ: Ấp N, xã M, huyện C, tỉnh Trà Vinh.

- Bị đơn: Anh Trần Văn G, sinh năm 1976 (có mặt) Địa chỉ: Ấp T, xã M, huyện C, tỉnh Trà Vinh.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1971 (có mặt) Địa chỉ: Ấp N, xã M, huyện C, tỉnh Trà Vinh.

2. Anh Thạch C, sinh năm 1987 (vắng mặt) Địa chỉ: Ấp S, xã Đ, huyện D, tỉnh Trà Vinh.

3. Anh Thạch Sa V, sinh năm 1987 (có mặt) Địa chỉ: Ấp T, xã N, huyện D, tỉnh Trà Vinh.

- Người kháng cáo: Anh Nguyễn Văn T là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 01/12/2020 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn anh Nguyễn Văn T trình bày: Ngày 06/6/2020, anh thu hoạch tôm thẻ chân trắng và thuê anh Thạch C và anh Thạch Sa V vận chuyển tôm bằng xe mô tô đi ngang qua cầu Bảy T được vài lần không ai ngăn cản. Đến khoảng 09 giờ cùng ngày, anh C và anh Sa V chạy xe đến cầu Bảy T thì bị anh Đ và anh G ngăn cản không cho vận chuyển tôm qua cầu, với lý do anh không có hùn tiền sửa chữa cầu; lúc đó, anh C và anh Sa V điện thoại thông báo cho anh biết, anh đề nghị anh C và anh Sa V tiếp tục vận chuyển, anh sẽ chạy xe theo sau. Khi anh Sa V chạy gần đến chân cầu Bảy T thì thấy anh Đ đang cầm dao đứng ở chân cầu và hăm dọa nên anh Sa V không dám chạy xe qua cầu. Thấy vậy, anh lấy xe của anh Sa V điều khiển xe chạy qua cầu thì bị anh Đ cầm dao chặt trúng phần ngá cây và tiếp tục điều khiển xe chạy đến vỉ sắt thứ 3, lúc này anh G chạy lên cầu và rút vỉ sắt thứ 4 làm cho chiếc xe bị vướng trên cây cầu và một phần tôm trong giỏ để phía trước chiếc xe bị rơi xuống Kênh, hai giỏ tôm để phía sau vẫn còn trên xe. Khi sự việc xảy ra, anh trình báo Công an xã M đến giải quyết nhưng không thành nên anh quay trở lại hồ tôm tiếp tục thu hoạch tôm và vận chuyển tôm qua lối đi khác. Đến khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, Công an xã có xuống hiện trường và nhờ chị A (là người thu mua tôm) cân số lượng tôm còn lại trong 3 giỏ là 113,25kg, chị A mua với giá là 80.000 đồng/1kg. Như vậy, số tôm bị rơi xuống kênh là 66,75 kg, thiệt hại số tiền bằng 12.015.000 đồng (66,75kg x 180.000 đồng/1kg = 12.015.000 đồng); số tôm còn lại là 113,25kg giá bán bị giảm là 100.000 đồng/1kg, thiệt hại số tiền bằng 11.325.000 đồng. Tổng cộng giá trị tôm của anh bị thiệt hại bằng 23.340.000 đồng. Ngoài tra, còn thiệt hại tiền sửa chữa chiếc xe cho anh Sa V bằng 2.900.000 đồng. Vì vậy, anh yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh Trần Văn G và anh Nguyễn Văn Đ bồi thường thiệt hại cho anh bằng 26.200.000 đồng.

Tại bị đơn anh Trần Văn G trình bày: Cây cầu Bảy T tọa lạc ấp Năm, xã M thuộc quyền sở hữu của ông Bảy T. Do xây cầu bị hư hỏng nên anh, anh Đ và một số hộ dân khác hùn tiền để sửa chữa lại cây cầu. Đồng thời, mọi người cùng thống nhất cho anh và anh Đ quản lý và đặt ra quy định ai không hùn tiền sửa chữa cầu thì chỉ được đi lại qua cầu mà không được phép vận chuyển hàng hóa qua cầu. Ngày 06/6/2020, anh nghe tin anh T thu hoạch tôm nên anh và anh Đ đến kiểm tra xem có vận chuyển tôm qua cầu Bảy Tra hay không và thấy có người vận chuyên tôm chạy qua cầu Bảy T, anh và anh Đ có nói các chuyến sau không được phép vận chuyển qua cây cầu nữa vì anh T không có hùn tiền sửa chữa cầu. Một lát sau, người vận chuyển tôm tiếp tục chạy xe đến gần chân cầu thì anh Đ cầm dao đứng ở chân cầu, còn anh đứng dưới dốc cầu nên người này không dám chạy xe lên cầu, lúc đó anh T kêu người này giao xe cho anh T điều khiển chạy lên cầu. Khi xe anh T tới chân cầu thì bị anh Đ cầm dao chém vào phần cây của yên xe nhưng anh T không dừng lại mà tiếp tục chạy xe lên vỉ sắt thứ 1, thấy vậy, anh đi lên phía trước cây cầu và rút vỉ sắt thứ 4 giáp với tấm Đal, anh T cũng không dừng lại mà vẫn tiếp tục điều khiển chiếc xe chạy đến vỉ sắt thứ 4 đã bị rút, làm chiếc xe bị vướng và một phần tôm trong giỏ bị rơi xuống Kênh khoảng 02 kg, hai giỏ tôm còn lại vẫn trên xe. Riêng chiếc xe thì bị hư hỏng nhẹ. Trong vụ việc này, anh T là người có lỗi nên anh không đồng ý bồi thường thiệt hại cho anh T theo số tiền mà anh T yêu cầu.

Theo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Văn Đ trình bày: Anh thống nhất theo lời trình bày của anh G, không có ý kiến bổ sung thêm.

Theo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Thạch C và anh Thạch Sa V trình bày: Ngày 06/6/2020, hai anh có nhận vận chuyển tôm thuê cho anh T đi qua cầu Bảy T. Khi vận chuyển được vài chuyến thì có người ngăn cản và yêu cầu hai anh thông báo cho anh T biết, do anh T không hùn tiền sửa chữa cây cầu nên không được phép vận chuyển tôm đi qua cây cầu. Hai anh có thông báo lại cho anh T biết, nhưng anh T kêu hai anh tiếp tục vận chuyển, còn anh T điều khiển chiếc xe chạy theo phía sau và khi đến gần chân cầu thì thấy anh Đ cầm dao đứng ngăn cản nên hai anh dừng lại. Lúc này, anh T kêu anh S đưa chiếc xe cho anh T điều khiển chạy lên cây cầu, khi đến chân cầu thì anh Đ cầm dao chém trúng vào ngá cây của chiếc xe nhưng anh T tiếp tục chạy xe lên cầu và đến vỉ sắt thứ 4 thì chiếc xe bị vướng lại. Sau khi sự việc xảy ra, hai anh vận chuyển tôm đi qua cây cầu khác. Riêng chiếc xe mô tô biển số 84F1-080.28 là tài sản của anh S và anh T đã sửa chữa xe cho anh S xong nên hai anh không có yêu cầu gì trong vụ án này.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số số 12/2021/DS-ST ngày 28-6-2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Trà Vinh đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 20, Điều 91, Điều 92, Điều 93, Điều 94, Điều 147, Điều 228, Điều 235 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 584, Điều 585, Điều 588 và Điều 589 của Bộ luật Dân sự; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Văn T về việc yêu cầu anh Trần Văn G và anh Nguyễn Văn Đ bồi thường thiệt hại tôm bằng 23.300.000 đồng và bồi thường thiệt hại tiền sửa xe bằng 2.900.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ nộp án phí và quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/7/2021, anh Nguyễn Văn T làm đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án phúc thẩm xét xử lại theo hướng buộc anh Trần Văn G và anh Nguyễn Văn Đ bồi thường cho anh tiền thiệt hại tôm bằng 23.300.000 đồng và tiền sửa xe bằng 2.900.000 đồng.

Ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa: Về tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký đã tiến hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Xét kháng cáo của anh T về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại tôm là không có căn cứ, vì sau khi anh G và anh Đ không cho vận chuyển tôm đi qua cây cầu Bảy T thì anh T không vận chuyển tôm đi qua cây cầu khác và khi chiếc xe bị vướng trên cầy, anh T cũng không di chuyển các giỏ tôm sang phương tiện khác để vận chuyển đi bán mà anh T bỏ các giỏ tôm lại tại hiện trường, bỏ mặc cho tôm chết, đây là lỗi hoàn toàn thuộc về anh T. Anh G và anh Đ không có lỗi và cũng không có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Riêng khoản thiệt hại tiền sửa chiếc xe của anh Sa V là do anh T yêu cầu anh Sa V giao chiếc xe cho anh T điều khiển lên cây cầu làm chiếc xe của anh Sa V bị hư hỏng nên anh T phải có trách nhiệm sửa chữa chiếc xe lại cho anh Sa V. Do đó, Tòa án sơ thẩm xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh T là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Th, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và không rút đơn kháng cáo; các đương sự cũng không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Qua các chứng cứ có trong hồ sơ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên; Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về thiệt hại: Theo đơn khởi kiện của anh T, ý kiến trình bày của anh G, anh Đ, anh C và anh Sa Va thì sau khi anh T điều khiển chiếc xe của anh Sa V lên cây cầu Bảy T và đến vị trí vỉ sắt đã rút (Vỉ sắt thứ 4), bánh xe trước bị lọt vào chính giữa hai thanh sắt dùng để đỡ các vỉ sắt, làm cho chiếc xe của anh Sa V bị hư hỏng một số bộ phận, phải sửa chữa; một phần con tôm trong giỏ để phía trước chiếc xe bị đổ xuống Kênh là có thiệt hại xảy ra.

[2] Về hành vi trái pháp luật: Khi anh G và anh Đ không cho anh C và anh Sa V tiếp tục điều khiển chiếc xe vận chuyển tôm đi qua cây cầu Bảy T, anh C và anh Sa V đã dừng lại; đồng thời, còn có cây cầu khác để vận chuyển tôm, nhưng anh T không yêu cầu anh C và anh Sa V điều khiển chiếc xe vận chuyển tôm đi đường khác mà anh T lại yêu cầu anh Sa V giao chiếc xe của anh Sa V cho anh T điều khiển lên cây cầu Bảy T. Hành vi của anh T thể hiện cách xử sự và hành động không tôn trọng, bất chấp sự ngăn cản của anh G và anh Đ. Còn hành vi của anh Đ dùng dao chém vào chiếc xe của anh Sa V và hành vi của anh G rút tấm vỉ sắt thứ 4 không cho anh T điều khiển chiếc xe đi qua cây cầu Bảy T, với lý do anh T không hùn tiền để sửa chữa cây cầu, là những xử sự và hành động không phù hợp với quy định của pháp luật về việc cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ. [3] Về mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật:

Thiệt hại chiếc xe của anh Sa V bị hư hỏng và một phần con tôm trong giỏ để phía trước chiếc xe bị đổ xuống Kênh là kết quả từ hành vi của anh T điều khiển chiếc xe của anh Sa V vận chuyển tôm lên cây cầu Bảy T bất chấp sự ngăn cản của anh G và anh Đ. Và từ nguyên nhân anh T điều khiển chiếc xe của anh Sa V vận chuyển tôm lên cây cầu Bảy T bất chấp sự ngăn cản của anh G và anh Đ dẫn đến hậu quả chiếc xe của anh Sa V bị hư hỏng một số bộ phận và một phần con tôm trong giỏ để phía trước chiếc xe bị đổ xuống Kênh. Đồng thời, thiệt hại chiếc xe của anh Sa V bị hư hỏng một số bộ phận và một phần con tôm của anh T trong giỏ để phía trước chiếc xe bị đổ xuống Kênh là một phần kết quả từ hành vi của anh G rút tấm vỉ sắt thứ 4. Và từ hành vi của anh G rút tấm vỉ sắt thứ 4 là một phần nguyên nhân dẫn đến hậu quả chiếc xe của anh Sa V bị hư hỏng một số bộ phận và một phần tôm của anh T bị đổ xuống Kênh. Riêng khoản thiệt hại do con tôm bị giảm trong lượng và bị giảm sút giá trị là kết quả từ hành vi của anh T bỏ các giỏ tôm lại tại hiện trường mà không di chuyển con tôm qua phương tiện khác để vận chuyển đến nơi thu mua. Và từ nguyên nhân anh T bỏ các giỏ tôm lại tại hiện trường mà không di chuyển qua phương tiện khác để vận chuyển đến nơi thu mua dẫn đến kết quả con tôm trọng lượng và bị giảm sút giá trị so với trọng lượng và giá trị ban đầu. Khoản thiệt hại con tôm của anh T bị trọng lượng và bị giảm sút giá trị không phải từ kết quả và nguyên nhân do anh G rút vỉ sắt thứ 4.

[4] Về yếu tố lỗi: Việc anh T yêu cầu anh Sa V giao chiếc xe của anh Sa V cho anh T điều khiển vận chuyển tôm đi lên cây cầu Bảy T là lỗi cố ý, vì anh T nhận thức rõ hành vi của mình sẽ làm căng thẳng thêm mâu thuẫn với anh G và anh Đ, sẽ gây thiệt hại tài sản là chiếc xe của anh Sa V, kể cả thiệt hại con tôm của anh T nhưng anh T vẫn thực hiện. Khi chiếc xe bị vướng lại trên cây cầu Bảy T, lẽ ra anh T phải di chuyển các giỏ tôm qua phương tiện khác để vận chuyển đến nơi thu mua, nhưng anh T để các giỏ tôm lại tại hiện trường, bỏ mặc cho thiệt hại xảy ra, cũng là lỗi cố ý của anh T. Đối với anh G, anh G phải biết hoặc có thể biết trước khi anh G rút tấm vỉ sắt thứ 4 thì sẽ xảy ra thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt cho anh T, nhưng anh G cho rằng anh T sẽ dừng lại, không dám điều khiển chiếc xe đến vỉ sắt thứ 4 và không xảy ra thiệt hại thuộc về lỗi vô ý của anh G. Tòa án sơ thẩm xác định lỗi hoàn toàn thuộc về anh T là chưa chính xác, chưa xem xét lỗi của anh G.

[5] Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án sơ thẩm, anh T chỉ cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại tiền sửa chữa xe cho anh Sa V tại Công ty TNHH MTV Đ Trà Vinh, địa chỉ khóm M, thị trấn C, huyện C, tỉnh Trà Vinh bằng 2.900.000 đồng (Hai triệu chín trăm nghìn đồng). Riêng khoản thiệt hại con tôm, anh T chỉ trình bày mỗi giỏ tôm có trọng lượng là 60kg, giá bán bằng 180.000 đồng/1kg, trừ đi trọng lượng tôm còn lại trong 3 giỏ được cân vào lúc 17 giờ 30 phút, cách thời gian xảy ra vụ việc hơn 08 tiếng đồng hồ là 113,25kg và giá bán bằng 80.000 đồng/1kg để tính thiệt hại con tôm bị rơi xuống Kênh là 66,75kg, mà không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh trọng lượng tôm của anh T bị thiệt hại như anh T khai, trong khi đó anh G và anh Đ khai con tôm bị đổ xuống Kênh khoảng 02kg.

[6] Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại: Theo khoản 5 Điều 585 của Bộ luật Dân sự quy định “Bên có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”. Đối chiếu quy định tại khoản 5 Điều 585 của Bộ luật Dân sự, cho thấy: Khi anh G và anh Đ không cho anh Sa V tiếp tục điều khiển chiếc xe vận chuyển tôm đi qua cây cầu Bảy Tra thì anh Sa V đã dừng lại, coi như anh Sa V đã áp dụng biện pháp cần thiết và hợp lý để không thiệt hại tài sản của anh Sa V; việc anh T yêu cầu anh Sa V giao chiếc xe của anh Sa V cho anh T điều khiển lên cây cầu Bảy T và khi đến vỉ sắt thứ 1, thứ 2 thì anh G đã rút vỉ sắt thứ 4 nhưng anh T không dừng lại mà tiếp tục điều khiển đến vỉ sắt thứ 4, làm chiếc xe của anh Sa V bị vướng trên cây cầu và bị hư hỏng một số bộ phận, là do anh T không áp dụng biện pháp cần thiết và hợp lý để không gây thiệt hại tài sản của anh Sa V và không gây thiệt hại tôm của anh T. Khi chiếc xe bị vướng trên cây cầu Bảy T, lẽ ra anh T phải di chuyển các giỏ tôm qua phương tiện khác để vận chuyển đến nơi thu mua, không để con tôm bị chết và giảm sút giá trị; việc anh T để các giỏ tôm lại tại hiện trường, bỏ mặc cho con tôm chết và giảm sút giá trị tôm, là do anh T không áp dụng biện pháp cần thiết và hợp lý để hạn chế thiệt hại cho chính anh T. Do đó, Tòa án sơ thẩm xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T là có căn cứ, đúng quy định tại khoản 5 Điều 585 của Bộ luật Dân sự. Anh T kháng cáo yêu cầu anh G và anh Đ bồi thường thiệt hại cho anh T số tiền bằng 26.200.000 đồng (Hai mươi sáu triệu hai trăm nghìn đồng), là không có căn cứ chấp nhận.

[7] Xét thấy ý kiến của Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh T, giữ nguyên bản án sơ thẩm, là có căn cứ chấp nhận.

[8] Về án phí: Theo khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định “Đương sự kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm”. Anh Nguyễn Văn T là người kháng cáo không được Tòa án phúc thẩm chấp nhận và anh T không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm. Do đó, buộc anh Nguyễn Văn T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm bằng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng).

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Nguyễn Văn T.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 12/2021/DS-ST ngày 28-6-2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Trà Vinh.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Văn T về việc yêu cầu anh Trần Văn G và anh Nguyễn Văn Đ bồi thường thiệt hại con tôm bằng 23.300.000 đồng và bồi thường thiệt hại tiền sửa xe bằng 2.900.000 đồng.

2. Về án phí: Buộc anh Nguyễn Văn T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm bằng 1.310.000 đồng (Một triệu ba trăm mười nghìn đồng), nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm anh Nguyễn Văn T đã nộp bằng 655.000 đồng (Sáu trăm năm mươi lăm nghìn đồng) theo biên lai số 0002764 ngày 15/12/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Trà Vinh. Án phí dân sự sơ thẩm anh Nguyễn Văn T phải nộp tiếp bằng 655.000 đồng (Sáu trăm năm mươi lăm nghìn đồng).

Buộc anh Nguyễn Văn T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm bằng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm anh Nguyễn Văn T đã nộp bằng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai số 0004507 ngày 07/7/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Trà Vinh, nên không phải nộp tiếp.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

309
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản số 01/2022/DS-PT

Số hiệu:01/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Trà Vinh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về