Một số vấn đề chung về sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) là tình tiết có trong một vụ án cụ thể, theo đó sẽ làm giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội khi lượng hình. Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhằm thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS); đây là trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm.
Sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục là ba hành vi có nội dung khác nhau điều chỉnh ba hoạt động khác nhau của người phạm tội nên có thể nói điểm b khoản 1 Điều 51 quy định tới 3 tình tiết giảm nhẹ chứ không phải là một tình tiết giảm nhẹ; nhưng tính chất của các tình tiết này có nét tương đồng nhau về bản chất nên được quy định trong cùng một điểm để áp dụng cho người phạm tội.
Sửa chữa là sửa lại, chữa lại những tài sản đã bị hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra. Ví dụ: Sửa lại điện thoại, chiếc xe bị hỏng; sửa lại chiếc bàn, chiếc ghế bị gãy...
Bồi thường là đền bù bằng tài sản cho những thiệt hại mà tội phạm gây ra. Ví dụ: Một người đã trộm cắp chiếc điện thoại bán lấy tiền, khi vụ án bị phát hiện, chiếc điện thoại đó không thu hồi lại được, người phạm tội đã tự nguyện trả cho chủ sở hữu một khoản tiền để đền bù chiếc điện thoại. Chỉ những gì không còn nữa mới đặt vấn đề bồi thường và cũng chỉ bồi thường được những thiệt hại về vật chất chứ không thể bồi thường được những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự.
Khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt này không thể bồi thường hay sửa chữa được. Ví dụ: Đối với trường hợp giết người, cố ý gây thương tích, người phạm tội tự nguyện đưa cho người bị hại hoặc đại diện của họ một khoản tiền mai táng, tiền chữa bệnh, tiền trợ cấp khó khăn về vật chất hoặc tinh thần... thì đó là tự nguyện khắc phục hậu quả. Không phải khắc phục hết mọi hậu quả thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ mà có thể người phạm tội chỉ khắc phục được một hoặc một số hậu quả cũng có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục càng nhiều thì được xem xét giảm nhẹ càng nhiều.
Người phạm tội phải tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nếu do tác động của người khác hoặc của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả, người phạm tội mới thực hiện theo thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng. Sự tự nguyện của người phạm tội bao gồm cả hành vi tác động đến gia đình, người thân, bạn bè... bồi thường thay cho mình trong lúc họ đang bị tạm giam giữ hoặc khi họ không có khả năng. Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì người giám hộ tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt đối với họ.
Việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ. Ví dụ: Trước khi xét xử sơ thẩm, người phạm tội chưa tự nguyện bồi thường thiệt hại, nhưng trước khi xét xử phúc thẩm họ lại tự nguyện bồi thiệt hại thì tòa phúc thẩm coi đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm khi quyết định hình phạt.
Khi áp dụng tình tiết này, nếu người phạm tội chỉ tự nguyện sửa chữa thì xác định người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa thiệt hại, không được xác định cả tình tiết bồi thường hoặc khắc phục hậu quả; nếu người phạm tội vừa tự nguyện sửa chữa, vừa tự nguyện bồi thường, vừa tự nguyện khắc phục hậu quả thì phải coi họ có cả ba tình tiết giảm nhẹ nếu hành vi của họ chỉ xâm phạm trực tiếp một khách thể. Ví dụ: A đốt nhà của B làm hư hỏng căn nhà và cháy toàn bộ tài sản có trong nhà. Sau khi sự việc xảy ra, A đã sửa lại nhà cho B và bồi thường toàn bộ số tài sản bị cháy, đồng thời giao nhà của mình cho gia đình B ở trong thời gian chưa sửa chữa xong nhà cho B.
Vướng mắc, bất cập khi áp dụng tình tiết này
Điều luật không quy định mức độ sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là bao nhiêu, toàn bộ hay một phần. Nhưng qua thực tiễn xét xử, Tòa án vẫn coi trường hợp người phạm tội chỉ sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả một phần là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng bồi thường một phần dù nhỏ vẫn áp dụng tình tiết này; có quan điểm lại cho rằng phải bồi thường đáng kể mới áp dụng tình tiết này; lại có quan điểm cho rằng nếu bị cáo đã bán hết tài sản nhưng cũng chỉ bồi thường được một phần rất nhỏ so với hậu quả xảy ra thì cũng phải áp dụng. Trên thực tế hiện nay nhiều vụ án gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, như vậy nếu bị cáo bồi thường vài triệu mà được áp dụng điểm b thì có thỏa đáng không. Vấn đề này còn phải tùy thuộc vào mức thiệt hại, khả năng kinh tế của bị cáo; nếu trường hợp bị cáo đã bán hết tài sản để bồi thường được một phần rất nhỏ thì cũng xem xét áp dụng giảm nhẹ cho bị cáo. Có trường hợp tài sản trộm cắp đã được bị cáo trả lại sau khi chiếm đoạt, có quan điểm cho rằng đây không phải là tiền bồi thường nên không áp dụng tình tiết “tự nguyện bồi thường” là đúng, nên chăng áp dụng tình tiết “khắc phục hậu quả” cho bị cáo.
Trong trường hợp nếu người phạm tội có đủ cả ba tình tiết “sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” nhưng do quy định này chỉ thể hiện trong một điểm của khoản 1 Điều 51 BLHS. Do đó, chỉ được xem là một tình tiết giảm nhẹ. Vấn đề này trong thực tế áp dụng sẽ bất lợi cho người phạm tội.
Kiến nghị
Để đảm bảo có lợi cho người phạm tội, khi họ có hai hoặc ba hành vi được thể hiện tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS thì được xem xét giảm nhẹ nhiều hơn người phạm tội chỉ có một hành vi. Điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS cần tách thành ba tình tiết độc lập quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Cụ thể: (1) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa thiệt hại, (2) Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại, (3) người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả.
Các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này về tỷ lệ sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả như thế nào thì được xem xét giảm nhẹ. Cụ thể, có thể hướng dẫn theo hướng tính tỷ lệ:
+ Nếu người phạm tội sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả được đến 20% tỷ lệ thiệt hại thì xem xét giảm nhẹ ở mức không quá 20% mức thiệt hại đã tuyên.
+ Nếu người phạm tội sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả được đến 50% tỷ lệ thiệt hại thì xem xét giảm nhẹ ở mức không quá 50% mức thiệt hại đã tuyên.
+ Nếu người phạm tội sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả được đến 100% tỷ lệ thiệt hại thì xem xét giảm nhẹ ở mức không quá 100% mức thiệt hại đã tuyên.
Tóm lại, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết có lợi cho người phạm tội khi lượng hình được áp dụng để giảm nhẹ mức hình phạt cho họ. Đây là quy định thể hiện tính nhân đạo nên quá trình áp dụng cần phải được Hxét chi tiết và trong quy định cũng cần thể hiện cụ thể từng trường hợp. Do đó, khi người phạm tội có từng hành vi độc lập thì cần tách ra thành các tình tiết riêng lẻ để áp dụng.
HUỲNH HẢI DUY
Tòa án Quân sự Quân khu 9
Nguồn: Luật sư Việt Nam