20/08/2021 13:49

Quy định BLDS năm 2015 về bồi thường thiệt hại do tính mạng, thi thể bị xâm phạm và thực tiễn xét xử

Quy định BLDS năm 2015 về bồi thường thiệt hại do tính mạng, thi thể bị xâm phạm và thực tiễn xét xử

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và bồi thường thiệt hại do tính mạng, thi thể bị xâm phạm nói riêng là một chế định rất quan trọng trong việc giải quyết bồi thường của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Pháp luật dân sự Việt Nam quy định như thế nào về việc bồi thường khi một người vừa có tính mạng bị xâm phạm, vừa có thi thể bị xâm phạm. Việc giải quyết bồi thường có được kết hợp không ? Khả năng kết hợp bồi thường thiệt hại về vật chất của Bộ luật dân sự (BLDS) quy định như thế nào về những vấn đề này ?

1. Quy định của pháp luật

Tính mạng là mạng sống của con người và nó là vô giá, không thể tính toán được bằng tiền và khi nó bị xâm phạm thì người gây ra thiệt hại phải bồi thường. Việc bồi thường này chỉ nhằm hạn chế, khắc phục đến mức thấp nhất những thiệt hại về kinh tế đã xảy ra đối với người thân thích, gần gũi người bị thiệt hại chứ không thể khắc phục được hậu quả đã xảy ra bởi vì khi tính mạng đã bị tước đoạt thì người bị thiệt hại đã mất đi tất cả. Tại Điều 591 BLDS năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm, theo đó có hai loại thiệt hại được bồi thường, đó là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Những thiệt hại vật chất được bồi thường trong trường hợp này bao gồm:

Thứ nhất, “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết”.

Vậy “Chi phí hợp lý” được hiểu như thế nào? Mục 4 phần I của Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP hướng dẫn “Chi phí hợp lý là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí”.

Theo quy định nêu trên, chúng ta có thể hiểu được trước khi người bị hại chết thì họ phải trải qua một quá trình (hay còn gọi là một khoảng thời gian) điều trị rồi mới chết, nên những người thân thích hoặc cũng có thể là gia đình họ phải chăm sóc, nuôi dưỡng người bị thiệt hại. Nhưng theo quy định chúng ta không thể rõ được người chăm sóc, nuôi dưỡng người bị thiệt hại có được bồi thường chi phí hoặc thu nhập bị mất trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại không? Khi cụ thể hóa điều luật, Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP hướng dẫn theo hướng “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết bao gồm: các chi phí được hướng dẫn tại tại các tiểu mục 1.1 (chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại), 1.4 (chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại- Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người bị tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú) và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này”.

So với Điều 610 BLDS năm 2005 thì BLDS 2015 đã có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 591 BLDS 2015 quy định “1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này”. Theo quy định này thì toàn bộ thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được kết hợp với thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, đồng nghĩa với việc tất cả những thiệt hại về vật chất của người bị thiệt hại đều được bồi thường trước khi người đó chết.

Thứ hai, “Chi phí hợp lý cho việc mai táng”. Đây là khoản bồi thường sau khi người bị thiệt hại chết.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 591 BLDS năm 2015 thì người bị thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm còn được bồi thường “Chi phí hợp lý cho việc mai táng”. Tuy nhiên, quy định này không rõ chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm những khoản nào. Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP đã hướng dẫn tại mục 2.2 phần II là: “Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hoả táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP cũng cho biết thực tế có thể gia đình nạn nhân yêu cầu đòi bồi thường các khoản chi cho việc tổ chức, ăn uống linh đình hoặc xây mộ, bốc mộ... cho nên đã giới hạn bởi cụm từ “không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...” dù có liên quan đến chi phí mai táng.

Như vậy, Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP đã liệt kê những khoản tiền được bồi thường của chi phí mai táng, đồng thời không chỉ dừng lại ở việc liệt kê cụ thể những chi phí được bồi thường nêu trên mà còn cho chúng ta biết danh sách bồi thường còn được mở rộng bởi đã quy định “... và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hoả táng nạn nhân theo thông lệ chung”.

So với BLDS 2005 thì BLDS 2015 vẫn giữ nguyên quy định nêu trên và được ghi nhận tại điểm b khoản 1 Điều 591 là: “Chi phí hợp lý cho việc mái táng”.

Thứ ba, “Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng”.

Theo điểm c khoản 1 Điều 591 BLDS 2015 so với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 610 BLDS 2005, trong trường hợp gây thiệt hại về tính mạng thì ngoài việc bồi thường chi phí mai táng, người gây thiệt hại còn phải bồi thường tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng khi họ còn sống là khoản tiền mà người gây thiệt hại phải thực hiện nghĩa vụ thay cho người bị thiệt hại để nuôi dưỡng người mà khi còn sống người bị thiệt hại có nghĩa vụ phải cấp tiền nuôi dưỡng. Khoản tiền cấp dưỡng này nhằm mục đích đảm bảo cho những người được cấp dưỡng có một cuộc sống tối thiểu như lúc nạn nhân còn sống cho đến khi họ trưởng thành hoặc có thu nhập đủ nuôi sống bản thân hay đến khi họ chết.

Theo đó, người được hưởng khoản tiền này mà chỉ quy định “người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng”, Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP đưa ra danh sách những người có thể được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng theo quy định tại điểm b mục 2.3 gồm: “ông bà nội, ngoại; cha hoặc mẹ; vợ hay chồng còn sống; anh, chị em hay con, cháu của người có tính mạng bị xâm phạm”. Trong danh sách này chúng ta có thể hiểu được những người được bồi thường là những người có quan hệ gia đình với người bị thiệt hại, đồng thời những người đó phải là “nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng”. Quy định này tránh được tình trạng thực tế người đại diện hoặc những người có liên quan khác của người bị thiệt hại có yêu cầu cấp dưỡng, nhưng trước thời điểm tính mạng bị xâm phạm họ không hề cấp dưỡng cho người bị thiệt hại cho nên đây cũng là điều kiện cần và đủ khi giải quyết tranh chấp liên quan đến cấp dưỡng.

Về thiệt hại vật chất được bồi thường cho người bị thiệt hại và Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP đã cụ thể hóa điều luật, hướng dẫn chi tiết về những khoản tiền được bồi thường cho gia đình người bị thiệt hại trước và sau khi chết, theo đó Nghị quyết và điều luật đã có sự liên kết hay nói cách khác Nghị quyết đang dần chấp nhận cho kết hợp bồi thường giữa tính mạng và sức khỏe của một cá nhân khi nó bị xâm phạm.

Đối với thi thể, thì thi thể được hiểu là xác của một cá nhân đã chết. Việc xâm phạm thi thể được hiểu là người gây thiệt hại chiếm đoạt một bộ phận trong thi thể của người chết với mục đích khác nhau mà không được sự đồng ý của chính người đó khi còn sống hoặc đại diện gia đình người chết.

Về bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể được quy định Điều 606 BLDS 2015 (Điều 628 BLDS 2005), thiệt hại về vật chất do thi thể của một người bị xâm phạm được bồi thường là giống nhau, không có sự thay đổi giữa hai Bộ luật. BLDS 2015 so với BLDS 2005 thì có sự thay đổi về “chủ thể”, cụ thể là khoản 1 Điều 628 BLDS 2005 quy định là “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại” trong khi đó khoản 1 Điều 606 BLDS 2015 có nội dung “Cá nhân, pháp nhân xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại” và như vậy BLDS 2015 đã bỏ cụm từ “chủ thể khác” do không còn hộ gia đình, tổ hợp tác với tư cách là chủ thể được quy định trong BLDS 2015 nữa.

Quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể chỉ đề cập đến việc người xâm phạm phải bồi thường “Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại” và không cho chúng ta biết cụ thể những chi phí này bao gồm những loại chi phí nào. Còn Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP thì bỏ ngỏ, không hướng dẫn như thế nào là chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại khi thi thể bị xâm phạm. Thực ra, đây là tính hợp lý cho những khoản chi phí mà gia đình người bị thiệt hại đã bỏ ra để lo chi phí cho việc thi thể bị xâm phạm như: chi phí cho việc tìm kiếm, thuê người, thuê các phương tiện, máy móc để phục vụ hoạt động tìm kiếm bộ phận nào đó của thi thể mà người xâm phạm chiếm đoạt hoặc phi tang nhằm che giấu hành vi vi phạm hoặc các khoản chi phí khác có liên quan đến việc hạn chế, khắc phục thiệt hại của thi thể bị xâm phạm. Do pháp luật không quy định cụ thể về những khoản chi phí này như thế nào cho nên chúng ta có thể hiểu những khoản chi phí mà điều luật quy định phải mang tính hợp lý. Tính hợp lý của những khoản thiệt hại đó nghĩa là thực tế gia đình người bị thiệt hại đã chi phí cho việc xâm phạm đến thi thể, nhưng trong suốt quá trình chi phí họ không có chứng cứ chứng minh cho những khoản thiệt hại đó nhưng vẫn được Tòa án chấp nhận và buộc người gây ra thiệt hại phải bồi thường.

Minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề nêu trên là bản án số 513/2014/HSST ngày 05/12/2014 của TAND Tp H xét xử đối với bị cáo N.M.T về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và tội “Xâm phạm thi thể”. Qua thực tế xét xử của bản án nêu trên cho thấy mặc dù văn bản không quy định cụ thể như thế nào là chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại do thi thể bị xâm phạm, nhưng Tòa án đã chấp nhận và cho người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại được bồi thường những khoản chi phí có liên quan đến việc thi thể bị xâm phạm mà những chi phí đó không có chứng cứ chứng minh. Ở đây, Tòa án đã khai thác tính hợp lý của các loại chi phí mà gia đình người bị thiệt hại đã chi trả trong thực tế để chấp nhận cho họ được bồi thường. Hướng giải quyết của Tòa án là hoàn toàn phù hợp và cần được duy trì trong các vụ việc tương tự.

2. Bất cập trong quy định

Kế thừa và phát huy những quy định nêu trên, tại Điều 591 BLDS 2015 quy định: “1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; d) Thiệt hại khác do luật định”. Với quy định vừa nêu, toàn bộ thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được kết hợp với thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm vì điều luật vừa nêu không viện dẫn tới một hay một số thiệt hại của trường hợp sức khỏe bị xâm phạm như BLDS 2005 đã làm mà tới toàn bộ Điều 590 BLDS 2015 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, đồng thời quy định này còn theo hướng mở rộng những thiệt hại được bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm, đó là thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại và chi phí hợp lý, phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (thiệt hại trước khi chết). Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều TAND địa phương vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết vấn đề do tính mạng bị xâm phạm và do thi thể bị xâm phạm; cụ thể:

Thứ nhất: Thiếu quy định về sự kết hợp bồi thường thiệt hại vật chất do tính mạng bị xâm phạm và do thi thể bị xâm phạm

Bên cạnh các đối tượng là tính mạng và sức khỏe bị xâm phạm nêu trên, còn có những đối tượng khác bị xâm phạm là tính mạng và thi thể. Vậy, khi tính mạng và thi thể của một người bị xâm phạm pháp luật dân sự có cho kết hợp bồi thường thiệt hại vật chất hay không?

Thực tế hiện nay xảy ra rất nhiều các vụ án đối với trường hợp một chủ thể có hai hay nhiều đối tượng được pháp luật bảo vệ bị xâm phạm cùng một lúc như trường hợp tính mạng và thi thể của cá nhân bị xâm phạm. Tương ứng với từng loại đối tượng bị xâm phạm này, BLDS đều có quy định thiệt hại về vật chất được bồi thường. Cụ thể, đối với tính mạng bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường gồm: “a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng” Điều 591 BLDS 2015 (Điều 610 BLDS 2005). Còn đối với thiệt hại do xâm phạm thi thể thì tại khoản 2 Điều 606 BLDS 2015 (khoản 2 Điều 628 BLDS 2005) quy định: “Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại”, nay vẫn được duy trì và quy định tại. Khi nghiên cứu các quy định này, chúng ta có thể thấy mặc dù tính mạng và thi thể là hai đối tượng khác nhau, nhưng chúng có liên quan đến nhau nên pháp luật quy định khi các đối tượng này bị xâm phạm thì đều có chế tài bồi thường thiệt hại khác nhau, tương ứng với từng loại thiệt hại và chúng “đều tồn tại trên thực tế xuất phát từ hành vi xâm phạm đến tính mạng và từ hành vi xâm phạm tới thi thể”. Tuy vậy, pháp luật về dân sự lại không có quy định cho kết hợp bồi thường mà trong đó đối tượng xâm phạm vào cùng một thời điểm và về bản chất đây đều là trách nhiệm dân sự phát sinh ngoài hợp đồng.

Mặc dù, BLDS 2015 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 đã khắc phục và cho kết hợp bồi thường giữa tính mạng và sức khỏe khi nó bị xâm phạm. Còn đối với các đối tượng là tính mạng và thi thể bị xâm phạm lại không có quy định cho kết hợp và đến nay vẫn chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cho nên, ở dưới góc độ văn bản thì pháp luật dân sự không cho tính mạng và thi thể được kết hợp để bồi thường khi nó bị xâm phạm là một thiếu sót, chưa có sự đồng bộ trong pháp luật.

Thứ hai: Bất cập từ việc chưa có quy định ghi nhận cho kết hợp bồi thường về vật chất do tính mạng và do thi thể bị xâm phạm

Pháp luật dân sự không quy định cụ thể căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng và do xâm phạm thi thể mà chỉ quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, vì vậy, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng và thi thể.

Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tại Điều 584 BLDS 2015 quy định: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Quy định này khó có thể áp dụng được cho trường hợp xâm phạm đến thi thể vì “thi thể” không nằm trong danh sách các đối tượng vừa nêu.

Ở một góc độ khác, tại Điều 606 BLDS 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến thi thể cũng không đề cập gì đến những thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng. Điều đó có nghĩa là pháp luật chỉ cho phép áp dụng khi mỗi đối tượng bị xâm phạm thì tương ứng với mỗi loại thiệt hại đó người gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng hay thi thể, không cho phép các đối tượng là tính mạng và thi thể được kết hợp bồi thường mặc dù chúng tồn tại độc lập, không bị chi phối hoặc gây ảnh hưởng gì đến nhau và đồng thời quyền, lợi ích của các bên đương sự vẫn bảo đảm.

Qua phân tích và bình luận các điều luật nêu trên chúng ta có thể nhận thấy quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại rất khó để nhận biết cho trường hợp bồi thường do thi thể bị xâm phạm bởi điều luật đã sử dụng thật ngữ tương đối rộng là “quyền và lợi ích hợp pháp khác” mà không đề cập đến đối tượng là “thi thể”, đồng thời pháp luật chưa cho ghi nhận kết hợp bồi thường đối với các đối tượng là tính mạng và thi thể trong khi trách nhiệm bồi thường thiệt hại này đều là một loại trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm đó chính là thái độ của người gây ra thiệt hại đối với người bị thiệt hại, trách nhiệm đó cũng là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được áp dụng đối với người vi phạm, buộc người vi phạm phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà họ đã gây ra.

Còn thực tế hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau trong việc áp dụng pháp luật, cụ thể chúng ta cùng nghiên cứu bản án sau:

Bản án số 513/2014/HSST ngày 05/12/2014 nêu trên của TAND Tp H xét xử đối với bị cáo NMT có nội dung như sau: Do các vi phạm trong quy trình khám, chữa bệnh, pha chế thuốc của T gây hậu quả một người chết. Sau khi người bị hại chết không giữ nguyên hiện trạng, có hành vi mang xác vứt xuống sông. Hành vi của T đã phạm tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và tội “Xâm phạm thi thể”.

Bản án có xem xét, giải quyết về phần dân sự như sau: “Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa anh B đại diện hợp pháp của chị H yêu cầu bồi thường 1.387.113.837 đồng gồm các khoản sau: Chi phí thuê thuyền trên sông; Thuê thuyền và thợ lặn; Thuê xe ô tô; Chi phí nhân công tìm kiếm; Chi phí tang lễ; Chi phí mua đồ lễ rước vong lên chùa; Chi phí thuê nhà nghỉ; Chi phí tín ngưỡng tâm linh; Chi phí cấp dưỡng nuôi cháu H; Chi phí cấp dưỡng nuôi cháu K; Chi phí mai táng bổ sung lần II; Chi phí tìm kiếm lần II; Đền bù tổn thất về tinh thần cho người thân; Đền bù tổn thất tinh thần do xâm phạm thi thể”(...).

Bản án đã nhận định và xét các yêu cầu nêu trên của người đại diện hợp pháp và đã chấp nhận các khoản bồi thường gồm: “chi phí thuê thuyền, rà câu, thợ lặn tìm kiếm thi thể chị H; chi phí thuê xe đi lại các tỉnh tìm kiếm chị H; chi phí cho người đi tìm kiếm; chi phí mai táng 2 lần (kể cả hương hoa,…); chi phí nhà nghỉ; tiền tổn thất tinh thần cho hàng thừa kế thứ nhất của chị H (gồm chồng, bố mẹ đẻ và hai con của chị H) là 60 tháng lương tối thiểu. Tổng cộng: 585.033.000đ; cấp dưỡng nuôi hai con của chị H và anh B mỗi cháu 1.000.000đ/1 tháng kể từ ngày chị H mất cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi”.

Từ những yêu cầu của người bị thiệt hại, chúng ta có thể nhận thấy người đại diện hợp pháp của chị H là anh B có yêu cầu các khoản bồi thường xuất phát từ việc xâm phạm đến tính mạng gồm: chi phí mai táng 2 lần (kể cả hương hoa,…) và các khoản bồi thường do xâm phạm đến thi thể bao gồm: chi phí thuê thuyền, rà câu, thợ lặn tìm kiếm thi thể chị H; chi phí thuê xe đi lại các tỉnh tìm kiếm chị H; chi phí cho người đi tìm kiếm..

Tuy nhiên, khi xét xử, Tòa án lại nhận định không rõ về đối tượng được bồi thường, không tách hoặc phân loại ra chi phí nào là bồi thường cho tính mạng và chi phí nào là bồi thường cho thi thể mà quyết định “buộc bị cáo Tường bồi thường cho người đại diện hợp pháp người bị hại và đại diện được ủy quyền là anh B tiền chi phí mai táng, tổn thất tinh thần, chi phí tìm kiếm thi thể nạn nhân” là chưa chính xác, chưa xem xét hết các yêu cầu của phía gia đình người bị thiệt hại. Có lẽ, theo quy định của khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 (khoản 1 Điều 604 BLDS 2005), về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại không đề cập đến đối tượng là thi thể trong điều luật nên Tòa án không viện dẫn chúng khi buộc T bồi thường thiệt hại.

Qua phân tích và bình luận các bản án nêu trên chúng ta có thể nhận thấy văn bản chưa rõ về khả năng kết hợp bồi thường thiệt hại vật chất do xâm phạm đến tính mạng và do xâm phạm đến thi thể, còn thực tiễn xét xử các cơ quan tài phán đã chấp nhận cho bồi thường các thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng và do xâm phạm đến thi thể, thế nhưng Tòa án hầu như xem nhẹ vấn đề bồi thường do xâm phạm đến thi thể bởi mặc dù có chấp nhận phần bồi thường nhưng lại không áp dụng điều luật về bồi thường do xâm phạm đến thi thể, không nhận định những thiệt hại thực tế mà gia đình người bị thiệt hại đã bỏ ra để lo chi phí cho việc thi thể bị xâm phạm. Nhiều bản án HĐXX lại lúng túng trong việc xác định phần nào là yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và phần nào bồi thường do thi thể bị xâm phạm trong khi gia đình người bị hại có yêu cầu tách bạch rõ ràng về những khoản chi phí do xâm phạm đến tính mạng, do xâm phạm đến thi thể (như vụ án trên).

Do đó, việc xác định được các đối tượng bị xâm phạm, thiệt hại này hoàn toàn được kết hợp với nhau để bồi thường. Việc kết hợp cho bồi thường nhằm mục đích thống nhất pháp luật, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một cách và áp dụng pháp luật một cách khác nhau làm cho tính thượng tôn pháp luật không nghiêm trong thực tiễn, đồng thời việc cho phép kết hợp bồi thường mới đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại.

3. Kiến nghị hoàn thiện

Qua thực tiễn xét xử cho thấy cùng một sự việc và cùng một Tòa án xét xử nhưng lại có nhiều cách hiểu, nhiều cách áp dụng pháp luật khác nhau. Việc áp dụng pháp luật dân sự phần nhiều phụ thuộc vào nhận thức và quan niệm của từng Hội đồng xét xử được giao nhiệm vụ xét xử mà chưa có một căn cứ pháp lý hay nguyên tắc xác định cụ thể. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu chúng tôi nhận thấy mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là buộc người gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại đã xảy ra nhằm khôi phục lại trạng thái ban đầu và nhằm bù đắp, khắc phục những thiệt hại đã xảy ra cho người bị thiệt hại.

Mục đích này được cụ thể hóa trong nguyên tắc bồi thường thiệt hại, đó là thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ được quy định tại Điều 585 BLDS 2015 (Điều 605 BLDS 2005). Theo đó, khoản 1 Điều 585 BLDS 2005 quy định: “Nguyên tắc bồi thường thiệt hại. 1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời…”. Nghĩa là, tất cả các thiệt hại mà thực tế gia đình người bị thiệt hại đã bỏ ra để chi phí cho việc có liên quan đến tính mạng hoặc thi thể khi nó bị xâm phạm thì được bồi thường. Có thể khẳng định việc quy định cho kết hợp giữa tính mạng và thi thể khi nó bị xâm phạm để buộc người gây ra thiệt hại phải bồi thường là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc bồi thường toàn bộ.

Cho đến nay, chưa có quy định cụ thể về sự kết hợp giữa thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và thiệt hại do thi thể bị xâm phạm. Có chăng những quy định cho kết hợp chỉ nằm rải rác trong những điều luật khác nhau hoặc những nguyên tắc bồi thường mà những quy định đó rất khó để nhận biết khi áp dụng hoặc khi áp dụng các điều luật này để giải quyết trong những vụ việc cụ thể thì tính thuyết phục không cao. Mặt khác, cũng có thể dẫn đến trường hợp người áp dụng pháp luật lại chủ quan, chỉ nghiên cứu trong phạm vi giới hạn của những điều luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà không nghiên cứu đến những quy định pháp luật khác, dẫn đến không chấp nhận các yêu cầu của người bị thiệt hại, gây thiệt hại cho họ mà lẽ ra người bị thiệt hại được quyền hưởng những quyền lợi chính đáng đó. Còn Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP không còn hiệu lực áp dụng đối với BLDS 2015, vì vậy, để đảm bảo cho việc áp dụng thống nhất và tạo ra sự phù hợp giữa các Tòa án, theo chúng tôi, nên chăng cần ban hành một Nghị quyết khác tương tự để hướng dẫn thi hành về việc cho kết hợp bồi thường khi tính mạng và thi thể của một cá nhân bị xâm phạm.

LƯU ANH TUẤN ( Thẩm phán TAND Tp Pleiku, tỉnh Gia Lai )

Nguồn: Tạp chí Tòa án

11070

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn