TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 06/2021/LĐ-PT NGÀY 31/12/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 31 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Long an tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 05/2021/TLPT-LĐ ngày 04 tháng 10 năm 2021 về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 07/2020/LĐ-ST ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện L bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 04/2021/QĐ-PT ngày 29 tháng 10 năm 2021 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lê Minh B, sinh năm 1975. Địa chỉ: Số 123, ấp M1, xã H, huyện H, tỉnh Hậu Giang.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Thành T, sinh năm 1961; Địa chỉ: Số 37, Tổ 15, ấp 8, xã Lương H1, huyện L, tỉnh Long An. (Là người đại diện theo ủy quyền, Văn bản ủy quyền ngày 12/11/2020).
- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bê tông V.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Hoàng T1 - Giám đốc.
Địa chỉ trụ sở: đường tỉnh 830, ấp 4, xã Lương B, huyện L, tỉnh Long An.
Người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 24/3/2021):
1. Bà Mai Tiểu M, sinh năm 1994. Địa chỉ: Ấp 5, xã L1, huyện L, tỉnh Long An.
2. Ông Đặng Minh T2, sinh năm 1986. Địa chỉ: Ấp Phước Toàn, xã Long Hiệp, huyện L, tỉnh Long An;
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Lê Minh B.
(Tất cả các đương sự có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Trong đơn khởi kiện ngày 12/11/2020 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Lê Minh B và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Nguyễn Thành T trình bày:
Ông Lê Minh B và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bê tông V (sau đây gọi tắt là Công ty V) thỏa thuận ký hai hợp đồng đào tạo nghề, thời hạn 03 tháng, thời gian bắt đầu đào tạo nghề tính từ ngày 11/4/2019 đến ngày 29/9/2019. Ngày 01/10/2019, Công ty V ký hợp đồng lao động chính thức với ông B theo hợp đồng số 141/2019/HĐLĐ/PVLA ngày 01/10/2019, thời hạn 01 năm, mức lương 3.970.000 đồng/tháng, thời gian làm việc 48 giờ/tuần. Tuy nhiên, thực tế ông B làm việc 12 giờ/ngày với mức lương thực nhận bình quân từ tháng 5 đến tháng 10/2019 là 8.960.749 đồng, nhưng bảng lương không thể hiện số giờ tăng ca, mức lương này được thể hiện tại phiếu lương hàng tháng mà Công ty V đã trả cho ông B.
Ngày 16/11/2019, ông B trên đường đi làm về từ Công ty V về đến nhà trọ của ông B tại ấp 5, xã Lương B, huyện L thì bị tai nạn giao thông, hậu quả ông B bị gãy xương đòn vai phải, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An từ ngày 16/11/2019 đến ngày 25/11/2019. Sau đó, ông B đến Công ty V để trình báo sự việc bị tai nạn giao thông. Tại các Biên bản làm việc ngày 13/01/2020, ngày 06/3/2020 và ngày 19/3/2020, ông B yêu cầu Công ty V lập biên bản xác định tai nạn lao động, yêu cầu Công ty V giới thiệu ông B ra cơ quan để tiến hành giám định y khoa về tai nạn lao động nhưng Công ty V yêu cầu ông B phải cung cấp cho Công ty V biên bản tai nạn do Cơ quan cảnh sát giao thông hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận tai nạn của ông B để Công ty V cấp giấy giới thiệu giám định tỷ lệ thương tật của ông B nhưng ông B không thể cung cấp được. Sau đó, ông B khiếu nại việc này đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An nhưng không có kết quả. Thời gian sau đó, ông B không đến Công ty V làm việc vì ông B không được Công ty V giải quyết thỏa đáng chế độ cho ông B. Khoảng giữa tháng 8/2020, Công ty V thông báo cho ông B biết là Công ty V sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với ông B và yêu cầu ông B nộp lại sổ bảo hiểm xã hội để Công ty V quyết toán các chế độ lao động cho ông B.
Ngày 01/10/2020, Công ty V ban hành Quyết định số 61/2020/QĐNV-PVLA về chấm dứt hợp đồng lao động với ông B. Quyết định này là trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông B nên ông B khởi kiện yêu cầu Công ty V có trách nhiệm bồi thường các khoản sau:
(1) 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, 02 tháng tiền lương do không nhận người lao động trở lại làm việc với số tiền là 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 4 = 32.953.250 đồng;
(2) Vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày: 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 30 = 9.505.745 đồng;
(3) 07 tháng tiền lương mất việc làm tính từ 30/9/2020 đến ngày 30/5/2021:
8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 7 = 57.668.187 đồng;
(4) 07 tháng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tính từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021: 3.970.000 đồng x 21.5% x 7 = 5.974.850 đồng;
(5) 05 tháng tiền lương nghỉ dưỡng bệnh: 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 5 = 41.191.562 đồng.
(6) Tiền thuê người chăm sóc, nuôi bệnh 10 ngày: 300.000 đồng x 10 = 3.000.000 đồng;
(7) Truy thu tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đào tạo nghề:
3.970.000 đồng x 21.5% x 7 tháng = 5.974.850 đồng;
Tổng cộng số tiền 156.268.444 đồng.
Đối với các yêu cầu còn lại theo đơn khởi kiện ngày 12/11/2020, ông Tươi đại diện cho ông B rút lại các yêu cầu này, gồm:
(8) Truy thu tiền tăng ca làm thêm giờ ban ngày: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng : 8 tháng x 1,5 : 2 x 4 x 101,5 ngày công = 8.040.276 đồng;
(9) Truy thu tiền tăng ca làm thêm giờ ban đêm được tính từ 22 giờ đến 02 giờ sáng: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng : 8 x 30% x 101,5 công giờ làm ban đêm = 4.824.092 đồng;
(10) Truy thu tiền giờ làm ban đêm từ 02 giờ đến 06 giờ sáng: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng : 8 x 100% x 4 x 101,5 = 16.080.552 đồng;
(11) Truy thu phép năm: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng x 17 = 5.386.588 đồng;
(12) Truy thu tiền lễ 30/4; giỗ tổ Hùng Vương; 1/5, 2/9 năm 2019: 316.858 đồng x 4 = 1.267.432 đồng – 570.770 đồng Công ty trả, còn lại 696.662 đồng.
* Bà Mai Tiểu M và ông Đặng Minh T2 là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bê tông V trình bày:
Công ty V và ông Lê Minh B thỏa thuận ký hai hợp đồng đào tạo nghề, thời hạn 03 tháng, thời gian bắt đầu đào tạo nghề tính từ ngày 11/4/2019 đến ngày 29/9/2019, công việc được đào tạo là công nhân kỹ thuật sản xuất cọc bê tông. Khi kết thúc thời hạn đào tạo nghề, ngày 01/10/2019 Công ty V ký hợp đồng lao động chính thức với ông B theo hợp đồng số 141/2019/HĐLĐ/PVLA ngày 01/10/2019, thời hạn 01 năm, mức lương 3.970.000 đồng/tháng, thời gian làm việc 48 giờ/tuần.
Từ ngày 16/11/2019, ông B liên tục nghỉ việc nhưng không báo cho Công ty V biết. Công ty V mời ông B đến làm việc thì ông B báo bị tai nạn giao thông, bị gãy xương đòn vai phải, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An từ ngày 16/11/2019 đến ngày 25/11/2019 nên Công ty V yêu cầu ông B làm đơn nghỉ phép từ ngày 16/11/2019 đến ngày 30/11/2019 để được hưởng lương và chế độ lao động tháng 9/2019. Sau đó, ông B làm đơn yêu cầu Công ty V điều tra vụ tai nạn lao động đối với ông B. Tại các biên bản làm việc ngày 13/01/2020, ngày 06/3/2020 và ngày 19/3/2020 Công ty V yêu cầu ông B cung cấp biên bản vụ tai nạn giao thông do Cơ quan cảnh sát giao thông hoặc cơ quan có thẩm quyền để Công ty cấp giấy giới thiệu giám định tỷ lệ thương tật, làm thủ tục để ông B được hưởng chế độ tai nạn lao động nhưng ông B không thực hiện mà cố tình vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng lao động, ông B tự ý nghỉ việc mà không báo cho Công ty V biết. Đến giữa tháng 8/2020, Công ty V mời ông B đến thông báo cho ông B biết hợp đồng lao động số 141/2019/HĐLĐ/PVLA ngày 01/10/2019 ký kết giữa các bên sẽ hết hạn vào ngày 30/9/2020 và Công ty V sẽ không tiếp tục ký kết lại hợp đồng lao động này mà đề nghị ông B chuyển sang làm công việc khác phù hợp với sức khỏe của ông B nhưng ông B không đồng ý, ông B nộp lại sổ bảo hiểm xã hội và yêu cầu Công ty V chấm dứt hợp đồng lao động với ông B để ông B hưởng các chế độ lao động. Ngày 01/10/2020, Công ty ban hành Quyết định số 61/2020/QĐNV-PVLA về chấm dứt hợp đồng lao động với ông B là phù hợp với ý chí của các bên và phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Do đó, Công ty V không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông B.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 07/2021/LĐ-ST ngày 10/6/2021, Toà án nhân dân huyện L căn cứ a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm c Khoản 1 Điều 217, Khoản 2 Điều 244, Điều 227, Điều 271, khoản 1 Điều 273 và khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm c khoản 1 Điều 217; khoản 2 Điều 244; Điều 271; khoản 1 Điều 273 và khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ Điều 36, 47, 201, 202 của Bộ luật Lao động năm 2012;
Căn cứ Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 12, 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Minh B về yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bê tông V bồi thường cho ông Lê Minh B các khoản sau:
- 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, 02 tháng lương không nhận người lao động trở lại làm việc với số tiền là 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 4 = 32.953.250 đồng;
- Vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày: 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 30 = 9.505.745 đồng;
- 07 tháng lương mất việc làm tạm tính từ 30/9/2020 đến ngày 30/5/2021: 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 7 = 57.668.187 đồng;
- 07 tháng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tạm tính từ tháng 10 đến tháng 5/2021: 3.970.000 đồng x 21.5% x 7 = 5.974.850 đồng;
- 05 tháng lương nghỉ dưỡng bệnh: 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 5 = 41.191.562 đồng.
- Tiền lương người chăm sóc, nuôi bệnh 10 ngày: 300.000 đồng x 10 = 3.000.000 đồng;
- Truy thu tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đào tạo nghề: 3.970.000 đồng x 21.5% x 7 tháng = 5.974.850 đồng;
2. Đình chỉ xét xử đối với các yêu cầu của ông Lê Minh B, gồm:
- Truy thu tiền tăng ca làm thêm giờ ban ngày: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng : 8 tháng x 1,5 : 2 x 4 x 101,5 ngày công = 8.040.276 đồng;
- Truy thu tiền tăng ca làm thêm giờ ban đêm được tính từ 22 giờ đến 02 giờ sáng: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng : 8 x 30% x 101,5 công giờ làm ban đêm = 4.824.092 đồng;
- Truy thu tiền giờ làm ban đêm từ 02 giờ đến 06 giờ sáng: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng : 8 x 100% x 4 x 101,5 = 16.080.552 đồng;
- Truy thu phép năm: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng x 17 = 5.386.588 đồng;
- Truy thu tiền lễ 30/4; giỗ tổ Hùng Vương; 1/5, 2/9 năm 2019: 316.858 đồng x 4 = 1.267.432 đồng – 570.770 đồng Công ty trả, còn lại 696.662 đồng.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự. Ngày 28/6/2021, nguyên đơn ông Lê Minh B gửi đơn kháng cáo không đồng ý toàn bộ bản án lao động sơ thẩm, ông B đề nghị Tòa phúc thẩm giải quyết sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông B.
Nhận thấy, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Thành T là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, người kháng cáo không rút yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng và quan điểm về việc giải quyết vụ án:
- Ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử phúc thẩm nghị án, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm, Thư ký phiên tòa tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Quan điểm về việc giải quyết vụ án: Đơn kháng cáo của ông Lê Minh B thực hiện đúng về hình thức, nội dung và thời hạn theo quy định tại các Điều 272, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên vụ án được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Về nội dung: Ông B cho rằng hợp đồng đào tạo nghề lần 2 là không đúng quy định dẫn đến hợp đồng này là hợp đồng xác định thời hạn có thời hạn 12 tháng và hợp đồng giao kết lần 3 là hợp đồng không xác định thời hạn là không có cơ sở, vì Bộ luật lao động không quy định giới hạn số lượng hợp đồng đào tạo nghề, hợp đồng đào tạo nghề lần 2 được xác lập trên cơ sở tự nguyện, không trái đạo đức xã hội, sau khi hết thời gian học nghề hai bên giao kết hợp đồng lao động lần 3 có nội dung và hình thức phù hợp với quy định tại Điều 16, Điều 23 Bộ luật Lao động 2012. Đến ngày 01/10/2020 Công ty V ra quyết định 61 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông B là hoàn toàn đúng quy định theo khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012.
Vì vậy các yêu cầu của ông B về việc: bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, 02 tháng tiền lương do không nhận người lao động trở lại làm việc, vi phạm thời gian báo trước 30 ngày, 07 tháng lương mất việc làm tạm tính từ 30/9/2020 đến ngày 30/5/2021, 07 tháng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tạm tính từ tháng 10 đến tháng 5/2021 là không có cơ sở.
Đối với các yêu cầu liên quan đến tai nạn lao động gồm 05 tháng lương nghỉ dưỡng bệnh: Xét thấy ông B chỉ cung cấp giấy ra viện của Bệnh viện đa khoa Long An ngày 25/11/2019, nội dung chỉ định thời gian nghỉ dưỡng sức là 05 ngày, trường hợp có gì lạ hoặc hết thuốc thì tái khám lại tại y tế địa phương. Theo hồ sơ địa phương thì ngoài giấy ra viện nêu trên không có tài liệu nào thể hiện sức khỏe của ông có biểu hiện xấu. Nhưng sau 05 ngày nghỉ bệnh thì ông B vẫn không tiếp tục đến làm việc. Hơn nữa công ty cũng có đề nghị ông B đến làm việc và bố trí công việc khác phù hợp với ông nhưng ông không đồng ý. Do đó yêu cầu này của ông là không có cơ sở chấp nhận.
Đối với yêu cầu thanh toán tiền lương người chăm sóc, nuôi bệnh 10 ngày: Theo Điều 52 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. Theo Điều 57 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định hồ sơ hưởng chế độ lao động lần đầu phải có biên bản điều tra tại nạn lao động, trường hợp tai nạn giao thông được xác định là tại nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và hồ sơ hiện trường tai nạn giao thông. Công ty V có yêu cầu ông B cung cấp các tài liệu này thông qua buổi làm việc ngày 13/01/2020 và 06/3/2020 để công ty hoàn thành các thủ tục chuyển sang cơ quan bảo hiểm để cho ông được hưởng chế độ nhưng hết thời hạn yêu cầu ông B vẫn không cung cấp được. Như vậy việc không cung cấp được hồ sơ này là do lỗi ông B nên yêu cầu của ông B là không có cơ sở.
Đối với yêu cầu truy thu tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đào tạo nghề: Thấy 02 hợp đồng đào tạo nghề mà 2 bên đã ký kết chỉ thỏa thuận Công ty V có trách nhiệm trả lương học nghề và các phụ cấp khác, không bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Do đó yêu cầu này của ông B là không có cơ sở.
Từ ý kiến và quan điểm trên, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lê Minh B, giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ, vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến và quan điểm của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
Về thủ tục tố tụng:
[1] Tòa án cấp sơ thẩm xác định thẩm quyền Tòa án giải quyết, quan hệ pháp luật tranh chấp và xét xử có mặt các đương sự là phù hợp với quy định tại các Điều 26, 35, 39, 227 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Đơn kháng cáo của ông Lê Minh B thực hiện đúng về hình thức, nội dung và thời hạn theo quy định tại các Điều 272, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên vụ án được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Về việc giải quyết yêu cầu kháng cáo:
[3] Nguyên đơn ông Lê Minh B khởi kiện yêu cầu Công ty V phải bồi thường cho ông số tiền là 156.268.444 đồng với các khoản như đã nêu vì cho rằng lẽ ra sau khi ký hợp đồng đào tạo lần thứ nhất thì Công ty V phải ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng và lần sau phải ký hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng nhưng Công ty V lại ký hai hợp đồng đào tạo, sau đó ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng là trái pháp luật dẫn đến ngày 01/10/2020 Công ty V ban hành Quyết định số 61/2020/QĐNV-PVLA về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông B là trước thời hạn, thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử xét thấy:
[3.1] Ngày 12/4/2019, ông B và Công ty V thỏa thuận ký hợp đồng đào tạo nghề lần thứ nhất, thời gian đào tạo nghề 03 tháng, công việc được đào tạo là kỹ thuật sản xuất cọc bê tông. Khi hết thời hạn đào tạo nghề lần thứ nhất, ngày 01/7/2019, ông B và Công ty V tiếp tục ký hợp đồng đào tạo nghề lần thứ hai với thời gian đào tạo nghề là 03 tháng, công việc được đào tạo là kỹ thuật sản xuất cọc bê tông. Việc ông B và Công ty V thỏa thuận ký kết các hợp đồng đào tạo nghề là tự nguyện và phù hợp với quy định tại chương IV của Bộ luật Lao động năm 2012. Sau khi kết thúc thời gian đào tạo nghề, ngày 01/10/2019, ông B và Công ty V ký kết hợp đồng lao động số 141/2019/HĐLĐ/PVLA ngày 01/10/2019 với thời hạn 12 tháng.
Xét thấy hợp đồng lao động này có hình thức và nội dung phù hợp theo quy định tại các Điều 16, 22 và 23 Bộ luật Lao động năm 2012, hợp đồng được xác lập trên cơ sở tự nguyện, không trái đạo đức xã hội nên đây là hợp đồng hợp pháp.
[3.2] Về căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động giữa Công ty V và ông B là hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm, từ ngày 01/10/2019 đến hết 30/9/2020. Sau khi Hợp đồng lao động hết hạn, các bên không ký kết hợp đồng lao động mới nên ngày 01/10/2020, Công ty V ban hành Quyết định số 61/2020/QĐNV-PVLA về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông B do hợp đồng lao động hết hạn là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012.
[3.3] Về thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động: Đến giữa tháng 8/2020, Công ty V mời ông B đến thông báo cho ông B biết hợp đồng lao động số 141/2019/HĐLĐ/PVLA ngày 01/10/2019 ký kết giữa các bên sẽ hết hạn vào ngày 30/9/2020 và Công ty V sẽ không tiếp tục ký kết hợp đồng lao động mới với ông B. Ngày 01/10/2020, Công ty V ban hành Quyết định số 61/2020/QĐNV-PVLA về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông B là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012.
[3.4] Đối với yêu cầu bồi thường tại các mục (1) (2) (3) và (4): Từ những nhận định tại đoạn [3.1] [3.2] và [3.3], Hội đồng xét xử có căn cứ xác định Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 61/2020/QĐNV-PVLA ngày 01/10/2020 của Công ty V là đúng quy định pháp luật nên các yêu cầu bồi thường này của ông B là không có cơ sở chấp nhận.
[3.5] Đối với yêu cầu bồi thường tại các mục (5) (6), Hội đồng xét xử xét thấy: Theo Điều 57 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 và Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ lao động lần đầu phải có biên bản điều tra tại nạn lao động, trường hợp tai nạn giao thông được xác định là tại nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và hồ sơ hiện trường tai nạn giao thông. Tại các biên bản làm việc ngày 13/01/2020, ngày 06/3/2020 và ngày 19/3/2020 thể hiện Công ty V yêu cầu ông B cung cấp cho Công ty V biên bản vụ tai nạn giao thông do Cơ quan cảnh sát giao thông hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận vụ tai nạn của ông B để Công ty V cấp giấy giới thiệu giám định tỷ lệ thương tật và làm các thủ tục khác cho ông B được hưởng chế độ lao động nhưng ông B không cung cấp được các giấy tờ này. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông B cũng không cung cấp được căn cứ chứng minh nên Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận các yêu cầu này là đúng quy định pháp luật.
[3.6] Đối với yêu cầu bồi thường tại mục (7), xét thấy: Theo 02 các hợp đồng đào tạo nghề, từ ngày 12/4/2019 đến ngày 29/9/2019, ông B được Công ty V trả lương học nghề là 3.710.000đ/tháng và phụ cấp khác theo quy định của Công ty V, không bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, yêu cầu truy thu tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đào tạo nghề của ông B là không có căn cứ chấp nhận.
[4] Các khoản khác của bản án lao động sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[5] Từ những nhận định ở đoạn [3], Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lê Minh B, giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm như đề nghị của Kiểm sát viên.
[6] Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí lao động sơ thẩm, án phí lao động phúc thẩm theo quy định tại các Điều 147, 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 26, 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuy nhiên, do ông Lê Minh B khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên ông B được miễn án phí lao động sơ thẩm và án phí lao động phúc thẩm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 nói trên.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo ông Lê Minh B.
Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 07/2021/LĐ-ST ngày 10 tháng 6 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện L, tỉnh Long An.
Căn cứ các Điều 32, 35, 39, 147, 148, khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ các Điều 16, 17, 22, 23, 36, 47 của Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 57 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; điểm a khoản 1 Điều 12, các Điều 26, 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Minh B về việc yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bê tông V bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động gồm các khoản sau:
- 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, 02 tháng lương không nhận người lao động trở lại làm việc với số tiền là 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 4 = 32.953.250 đồng;
- Vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày: 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 30 = 9.505.745 đồng;
- 07 tháng lương mất việc làm tạm tính từ 30/9/2020 đến ngày 30/5/2021: 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 7 = 57.668.187 đồng;
- 07 tháng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tạm tính từ tháng 10 đến tháng 5/2021: 3.970.000 đồng x 21.5% x 7 = 5.974.850 đồng;
- 05 tháng lương nghỉ dưỡng bệnh: 8.960.749 đồng: 28,28 công/tháng x 5 = 41.191.562 đồng.
- Tiền lương người chăm sóc, nuôi bệnh 10 ngày: 300.000 đồng x 10 = 3.000.000 đồng;
- Truy thu tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đào tạo nghề: 3.970.000 đồng x 21.5% x 7 tháng = 5.974.850 đồng;
2. Đình chỉ xét xử đối với một phần yêu cầu khởi kiện mà ông Lê Minh B đã rút gồm các khoản sau:
- Truy thu tiền tăng ca làm thêm giờ ban ngày: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng : 8 tháng x 1,5 : 2 x 4 x 101,5 ngày công = 8.040.276 đồng;
- Truy thu tiền tăng ca làm thêm giờ ban đêm được tính từ 22 giờ đến 02 giờ sáng: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng : 8 x 30% x 101,5 công giờ làm ban đêm = 4.824.092 đồng;
- Truy thu tiền giờ làm ban đêm từ 02 giờ đến 06 giờ sáng: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng : 8 x 100% x 4 x 101,5 = 16.080.552 đồng;
- Truy thu phép năm: 8.960.749 đồng : 28,28 công/tháng x 17 = 5.386.588 đồng;
- Truy thu tiền lễ 30/4; giỗ tổ Hùng Vương; 1/5, 2/9 năm 2019: 316.858 đồng x 4 = 1.267.432 đồng – 570.770 đồng Công ty trả, còn lại 696.662 đồng.
3. Về án phí lao động sơ thẩm: Ông Lê Minh B được miễn án phí lao động sơ thẩm.
4. Về án phí lao động phúc thẩm: Ông Lê Minh B được miễn án phí lao động phúc thẩm.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 06/2021/LĐ-PT
Số hiệu: | 06/2021/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Long An |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 31/12/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về