22/02/2019 09:04

Chấm dứt hợp đồng lao động thì có được hưởng trợ cấp thôi việc?

Chấm dứt hợp đồng lao động thì có được hưởng trợ cấp thôi việc?

Đối với người lao động, ngoài tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm thì trợ cấp thôi việc cũng là một trong những vấn đề được quan tâm. Vậy khi nào thì người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc?

Căn cứ Điều 36 và Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 thì những trường hợp dưới đây được hưởng trợ cấp thôi việc:

- Hết hạn hợp đồng lao động;

- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động;

- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án;

- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;

- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 Bộ Luật lao động;

- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ Luật lao động;

Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên trong các trường hợp trên. Tuy nhiên, trên thực tế không phải người lao động nào cũng được người sử dụng lao động của mình trả đầy đủ tiền trợ cấp thôi việc.

Điển hình, tại Bản án 02/2016/LĐ-ST ngày 21/10/2016 của Tòa án nhân dân Quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng xét xử về tranh chấp đòi tiền trợ cấp thôi việc giữa Ông Trần Quang D và Công ty cổ phần Chế tạo kết cấu thép V. Cụ thể:

Tháng 02.1984 đến tháng 6.2002, ông Trần Quang D là công nhân xây lắp đường dây cao thế thuộc Công ty X (nay là Tổng Công ty cổ phần xây dựng điện V) quản lý. Ngày 15.8.2002, ông được giám đốc Công ty X điều về nhận công tác tại Nhà máy chế tạo kết cấu thép Đ thuộc Công ty X (nay là Công ty cổ phần chế tạo kết cấu thép V). Đến ngày 10.8.2015, ông D chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty cổ phần chế tạo kết cấu thép V.nhưng Công ty chỉ trả trợ cấp thôi việc được 06 năm 06 tháng kể từ tháng 7.2002 đến  ngày 31.12.2008. Thời  gian trước đó  từ tháng 02.1984  đến tháng 6.2002, Công ty không chi trả tiền trợ cấp thôi việc.

Tòa án nhân dân Quận Liên Chiểu xét thấy, việc chuyển từ Nhà máy Chế tạo kết cấu thép Đ sang Công ty cổ phần Chế tạo kết cấu thép V chỉ là thay đổi mô hình hoạt động, người lao động vẫn làm việc và chưa được giải quyết chế độ. Công ty cổ phần Chế tạo kết cấu thép V kế thừa nên phải giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho ông D đối với thời gian ông D làm việc trước đó tại Công ty X, Nhà máy Chế tạo kết cấu thép Đ là phù hợp với Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12.01.2015 của Chính phủ và Điều 48 của Bộ luật Lao động. Do đó, Hội đồng xét xử buộc Công ty cổ phần Chế tạo kết cấu thép V phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông D từ tháng 02.1984 đến tháng 06.2002 với thời gian 18 năm 06 tháng.

Như vậy, ta cần chú ý rằng, khi chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp thay đổi mô hình hoạt động mà doanh nghiệp này chưa giải quyết chế độ trợ cấp trước đó, thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động trả tiền trợ cấp thôi việc đối với thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển đổi mô hình, đảm bảo được quyền cũng như lợi ích của người lao động.

Thu Linh
1010

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn