07/11/2023 15:26

Người lao động cần làm gì để tránh bị sa thải?

Người lao động cần làm gì để tránh bị sa thải?

Công ty nơi tôi làm, có một nhóm người lao động làm lộ thông tin kinh doanh của công ty nên bị sa thải, tôi cần làm gì để tránh bị đuổi việc? Minh Thiện - Bình Định

Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

1. Sa thải là gì?

Theo quy định tại Điều 124 Bộ Luật Lao động 2019 thì có thể hiểu sa thải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động mức cao nhất được áp dụng cho người lao động khi người lao động vi phạm nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động.

Sa thải đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng với người lao động. Các trường hợp công ty được sa thải người lao động được quy định tại nội quy của tổ chức hoặc theo Điều 125 Bộ Luật Lao động 2019.

Người sử dụng lao động không được phép tự ý sa thải nhân viên của mình, nếu không có căn cứ để sa thải theo quy định pháp luật. Việc sa thải không có căn cứ được xem là trường hợp đơn phương chấm dứt đồng trái pháp luật được quy định tại Điều 39 Bộ Luật lao động 2019, lúc này người sử dụng lao động có thể phải chịu các trách nhiệm pháp lý như bồi thường bằng tiền, buộc nhận lại người lao động hoặc có thể dẫn đến tranh chấp lao động tại tòa án, từ đó uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

2. Người lao động cần làm gì để tránh bị sa thải?

Trong đợt suy thoái kinh tế hiện nay, việc chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thay đổi cơ cấu và vì lý do kinh tế diễn ra vô cùng phổ biến ở doanh nghiệp. Việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trong trường hợp này hoàn toàn thuộc quyết định của doanh nghiệp. Tuy nhiên đối với sa thải lao động, mặc dù cũng được xem là một trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng xuất phát từ hành vi của người lao động vi phạm vào nội quy lao động hoặc quy định pháp luật. 

Căn cứ Điều 125 Bộ Luật lao động 2019 thì người lao động chỉ bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải trong các trường hợp sau:

- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

- Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo thời hạn được quy định tại Bộ Luật Lao động, tính từ ngày bị xử lý kỷ luật;

+ Đối với xử lý kỷ luật nâng lương là 06 tháng kể từ ngày bị xử lý.

+ Đối với xử lý kỷ luật cách chức thời hạn là 03 năm kể từ ngày bị xử lý

- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Nếu trong nội quy lao động của doanh nghiệp có thêm các trường hợp khác sa thải lao động trái với quy định tại Điều 125 Bộ Luật lao động 2019 thì quy định đó không có hiệu lực áp dụng. Điều đó có nghĩa giữa quy định pháp luật và nội quy lao động của doanh nghiệp phải có sự đồng nhất tương đối.

Như vậy, để tránh việc bị xử lý kỷ luật sa thải từ doanh nghiệp, người lao động cần chấp hành đúng nội quy lao động của doanh nghiệp, đồng thời tránh việc vi phạm vào các trường hợp sa thải người người lao động được quy định tại Điều 125 Bộ Luật Lao động 2019

Nguyễn Ngọc Diện
580

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]