Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Điều 1 Luật Công đoàn 2012 thì công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ quy định trên, có thể thấy công đoàn có vai trò quan trọng đối với người lao động, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Việc xử lý kỷ luật người lao động được quy định tại Điều 122 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, khi xử lý kỷ luật người lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên.
Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ở đây là công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Hay nói cách khác, việc xử lý kỷ luật người lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên bao gồm: công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì phải có sự tham gia của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Thêm vào đó, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì trong trường hợp công đoàn không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn được tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, từ những điều trên, có thể hiểu, người sử dụng lao động có quyền tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật mà không có sự tham gia của công đoàn trong trường hợp công đoàn không xác nhận tham dự cuộc họp, công đoàn vắng mặt tại cuộc họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo trước hoặc khi cuộc họp đã có sự tham gia của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật người lao động khi không có công đoàn được quy định tại Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP và được tiến hành theo các bước sau:
- Bước 1: Người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản và gửi thông báo đến công đoàn cơ sở.
+ Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động phải tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến công đoàn cơ sở nơi mà người lao động là thành viên;
+ Trong trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì người sử dụng lao động phải thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.
- Bước 2: Doanh nghiệp gửi thông báo về cuộc họp đến những người phải tham dự họp.
+ Ít nhất trong vòng 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động có nhiệm vụ phải thông báo nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật đến các thành phần phải tham dự họp;
+ Thành phần phải tham dự họp bao gồm người sử dụng lao động, người lao động, công đoàn nơi người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên, người đại diện theo pháp luật đối với người chưa đủ 15 tuổi và luật sư trong trường hợp người lao động nhờ bào chữa.
- Bước 3: Các thành phần tham dự họp xác nhận tham dự cuộc họp
+ Sau khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động về nội dung, thời gian và địa điểm tiến hành tổ chức cuộc họp, các thành phần phải tham dự họp trong đó có công đoàn phải gửi xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động;
+ Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp. Nếu các bên không thỏa thuận được thời gian, địa điểm họp thì người sử dụng lao động được quyền quyết định thời gian, địa điểm;
+ Trường hợp các thành phần tham dự họp không xác nhận tham dự họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo quy định.
- Bước 4: Doanh nghiệp tổ chức họp xử lý kỷ luật người lao động
+ Doanh nghiệp tiến hành tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật, nếu xét thấy người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi quyết định này đến các thành phần phải tham dự cuộc họp;
+ Cần lưu ý, người sử dụng lao động chỉ có quyền ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động trong khoảng thời gian còn thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Khi hết thời hiệu này, người sử dụng lao động không được quyền xử lý kỷ luật người lao động nữa.
Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.
Ngoài ra, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì người sử dụng lao động được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.