02/12/2023 18:24

Lý lịch trích ngang là gì? Công ty có phải trả hồ sơ khi người lao động nghỉ việc không?

Lý lịch trích ngang là gì? Công ty có phải trả hồ sơ khi người lao động nghỉ việc không?

Cho hỏi, lý lịch trích ngang có phải là đơn xin việc không? Thành phần hồ sơ xin việc gồm những gì? Công ty có phải trả hồ sơ khi người lao động nghỉ việc không? Văn Nam-Bình Định

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Lý lịch trích ngang là gì?

Lý lịch trích ngang hay còn gọi là sơ yếu lý lịch là một tài liệu được sử dụng để ghi nhận, tóm tắt quá trình làm việc và kỹ năng của người xin việc. Lý lịch trích ngang ghi nhận các thông tin về kỹ năng, giáo dục, kinh nghiệm làm việc, đây là một tài liệu quan trọng trong thành phần hồ sơ xin việc.

Như vậy, lý lịch trích ngang là sơ yếu lý lịch chứ không phải là đơn xin việc trong thành phần hồ sơ xin việc. 

2. Thành phần hồ sơ xin việc gồm những gì?

Tại Điều 1 Bộ Luật lao động 2019 quy định về phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật lao động, như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Bộ luật Lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động

Như vậy, thành phần hồ sơ xin việc không thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật lao động 2019. Bởi vì quan hệ lao động chỉ được xác lập kể từ thời điểm các bên giao kết hợp đồng lao động, trong khi thành phần hồ sơ xin việc thường diễn ra sau thời điểm này, vì thế thành phần hồ sơ xin việc không phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật lao động 2019.

Trong thực tế, các công ty thường yêu cầu ứng viên phải nộp bộ hồ sơ xin việc, bao gồm các giấy tờ do người lao động yêu cầu, nhằm mục đích thu thập thông tin về người ứng tuyển, để tuyển dụng người lao động vào vị trí phù hợp với công việc.

Thành phần hồ sơ xin việc thường bao gồm các giấy tờ sau:

- Sơ yếu lý lịch (lý lịch trích ngang). Sơ yếu lý lịch là một tài liệu tóm tắt về quá trình học vấn, kinh nghiệm làm việc và các thông tin cá nhân khác của một người. Sơ yếu lý lịch giúp công ty hiểu về quá trình phát triển nghề nghiệp, kiến thức, kỹ năng và đặc điểm cá nhân của ứng viên.

Một sơ yếu lý lịch thường bao gồm các thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại, học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, chứng chỉ, hoạt động xã hội, và một số thông tin cá nhân khác. Mục đích chủ yếu của sơ yếu lý lịch là làm nổi bật những điểm mạnh của ứng viên.

- Đơn xin việc. Đơn xin việc là một thành phần giấy tờ quan trọng có trong hồ sơ xin việc, đơn xin việc được ví như một lá thư để ứng viên gửi tới nhà tuyển dụng, trong đó trình bày súc tích sự phù hợp của bản thân người gửi với vị trí ứng tuyển đồng thời thể hiện tâm tư, nguyện vọng, mong muốn được ứng tuyển đối với công ty.

- CV (là từ viết tắt của Curriculum Vitae). có thể coi giấy tờ này là sơ yếu lý lịch thứ hai. Xét về bản chất của CV là bản tóm tắt những thông tin của ứng viên về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, những kỹ năng mà ứng viên muốn có và muốn phát triển.

- Bản sao giấy tờ tùy thân. Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại thì giấy tờ tùy thân của người ứng tuyển là căn cước công dân bản sao, có thể công chứng hoặc chứng thực.

- Giấy khám sức khỏe. Giấy khám sức khỏe là một loại giấy tờ cần thiết trong hồ sơ xin việc, Mục đích của giấy khám sức khỏe trong thành phần hồ sơ xin việc nhằm chứng minh người ứng tuyển đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện công việc.

- Bản sao các bằng cấp liên quan. Đây là một loại giấy tờ phổ biến trong hồ sơ xin việc, đặc biệt là đối với các nhóm công việc yêu cầu bằng cấp và trình độ. Một số loại công việc cần bằng cấp nhằm đáp ứng điều kiện tuyển dụng của công ty và tính chất của công việc.

3. Người lao động nghĩ việc có phải trả hồ sơ xin việc không?

Dựa vào quy định tại điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ Luật lao động 2019 quy định về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động, thì người lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.

Như vậy, công ty chỉ có nghĩa vụ trả lại bản chính giấy tờ nếu giữ lại của người lao động, đối với các giấy tờ bản sao, công ty không có trách nhiệm trả lại cho người lao động.

Bên cạnh đó, quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ Luật lao động 2019 thì nghiêm cấm người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động

Hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bản chứng chỉ của người lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 đến 25 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Diện
849

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn