Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 226/2021/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 226/2021/HS-PT NGÀY 29/04/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 29 tháng 4 năm 2021, tại Trụ sở Toà án Nhân dân thành phố Cần Thơ, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 103/2021/TLPT-HS ngày 08 tháng 02 năm 2021 đối với bị cáo Đỗ Thành S.

Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2020/HS-ST ngày 29/12/2020 của Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Đỗ Thành S, sinh năm: 1982 tại Hà Nội.

Nơi cư trú: , thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Tài xế; trình độ văn hóa:

12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Đỗ Thành M và bà: Lê Thị H (đã chết), vợ: Nguyễn Lan A, có 01 người con chung sinh năm 2002; tiền án: không, tiền sự: không; Bị cáo bị tạm giam từ ngày 16/3/2020. (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Tháng 12/2019, Đỗ Thành S xuất cảnh sang nước Cộng hòa Mozambique. Đến tháng 02/2020, S nhận vận chuyển hàng hóa là sừng tê giác cho người đàn ông tên Domigos từ Mozambique về Việt Nam, với tiền công là 1.000 USD, chi phí chuyến đi do Domigos chi trả. Ngày 29/02/2020, Domigos mua vé máy bay cho S đi từ Mozambique về sân bay Tân S Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. S mang theo 11 sừng tê giác, để trong vali, gửi kèm theo loại hình hành lý mang theo. Hành trình bay về Việt Nam, S quá cảnh tại sân bay Ethiopia và Hàn Quốc. Khi quá cảnh tại Hàn Quốc, S được thông báo do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên lịch trình chuyến bay sẽ thay đổi, không đến sân bay Tân S Nhất mà bay đến sân bay quốc tế Cần Thơ. S liên lạc với nhân viên nhà hàng của Domigos tại Mozambique nhờ thông báo cho Domigos về sự thay đổi chuyến bay, sau đó S xóa hết thông tin dữ liệu trên điện thoại di động, xóa các tài khoản đăng nhập mạng xã hội về liên hệ giữa S với Domigos. Đến ngày 02/3/2020, S nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, qua soi chiếu hành lý khách nhập cảnh, cán bộ Hải quan phát hiện hành lý số thẻ 05231P766632 của S có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên yêu cầu S phối hợp kiểm tra thực tế hành lý, phát hiện bên trong kiện hành lý của S mang về Việt Nam là 11 sừng động vật.

Theo kết luận giám định số 116/KL-PC09 ngày 20/3/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Cần Thơ, kết luận 11 sừng động vật có tổng khối lượng 28,2495 kg.

Theo kết luận giám định động vật số 206/STTNSV ngày 24/3/2020 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, kết luận như sau:

- 11 chiếc sừng động vật, ký hiệu từ 01 đến 11 là sừng tê giác.

- Kết quả phân tích ADN của 11 chiếc sừng động vật là sừng tê giác trắng có tên khoa học là Ceratotherium simum simum.

- Loài tê giác trắng Ceratotherium simum simum thuộc Phụ lục II (chỉ áp dụng đối với các quần thể của Nam Phi và Swaziland; các quần thể khác quy định tại Phụ lục I. Mẫu vật chỉ được quy định là mẫu vật thuộc Phụ lục II khi buôn bán quốc tế đối với mẫu vật sống đến các địa điểm phù hợp và được chấp nhận và các chiến lợi phẩm săn bắn. Tất cả các mẫu vật khác sẽ được quy định như mẫu vật thuộc Phụ lục I và việc buôn bán chúng sẽ phải tuân thủ theo quy định đối với loại thuộc Phụ lục I). Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp CITES (Ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2020/HS-ST ngày 29/12/2019 của Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ đã quyết định:

Căn cứ: Điểm d khoản 3, khoản 4 Điều 244, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự.

Tuyên bố: Bị cáo Đỗ Thành S phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Xử phạt: Bị cáo Đỗ Thành S 12 năm 06 tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày 16/3/2020.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo S có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo S thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như án sơ thẩm quy kết, bị cáo chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của bị cáo giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo xuất trình tình tiết giảm nhẹ có ông nội là người có công với cách mạng.

Đại diện Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm phát biểu:

Căn cứ vào chứng cứ có tại hồ sơ và được thẩm vấn tại phiên tòa thì có đủ cơ sở để kết luận bị cáo S đã vận chuyển trái phép 11 chiếc sừng tê giác trắng có tên khoa học là Ceratotherium simum simum với tổng khối lượng 28,2495 kg từ nước Cộng hòa Mozambique về Việt Nam, hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm d khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ.

Khi quyết định hình phạt Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo đúng quy định pháp luật và xử phạt bị cáo S 12 năm 06 tháng tù là phù hợp, không nặng. Bị cáo có xuất trình tình tiết có ông nội là người có công với cách mạng nhưng xét tình tiết này đã được Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Đỗ Thành S có đơn kháng cáo theo đúng quy định của pháp luật nên kháng cáo của bị cáo được chấp nhận và đưa vụ án ra xét xử theo trình tự thủ tục phúc thẩm.

[2] Vì mục đích tư lợi nên vào ngày 02/3/2020, bị cáo Đỗ Thành S có hành vi vận chuyển trái phép 11 chiếc sừng tê giác trắng có tên khoa học là Ceratotherium simum simum với tổng khối lượng 28,2495 kg từ nước Cộng hòa Mozambique về Việt Nam, nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ

[3] Theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, tê giác trắng là loài thuộc Phụ lục II (chỉ áp dụng đối với các quần thể của Nam Phi và Swaziland; các quần thể khác quy định tại Phụ lục I. Mẫu vật chỉ được quy định là mẫu vật thuộc Phụ lục II khi buôn bán quốc tế đối với mẫu vật sống đến các địa điểm phù hợp, được chấp nhận và các chiến lợi phẩm săn bắn. Tất cả các mẫu vật khác sẽ được quy định như mẫu vật thuộc Phụ lục I và việc buôn bán chúng sẽ phải tuân thủ theo quy định đối với loại thuộc Phụ lục I).

[4] Quá trình điều tra, xét xử bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nêu trên. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến chế độ quản lý, bảo vệ động vật thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Do khối lượng sừng tê giác bị cáo S vận chuyển là 28,2495 kg nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết đinh khung tăng nặng “sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên” theo điểm d khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bi cáo; Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Khi quyết định hình phạt Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo theo điểm s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, cũng như xem xét về nhân thân của bị cáo, đánh giá tính chất hành vi, hậu quả của tội phạm và xử phạt bị cáo mức án 12 năm 06 tháng tù, là phù hợp, không nặng. Tại phiên toà hôm nay bị cáo xuất trình tình tiết có ông nội là người có công với cách mạng nhưng tình tiết giảm nhẹ này đã được Toà án cấp sơ thẩm áp dụng, xem xét cho bị cáo rồi, vì vậy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[6] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm, đề nghị bác kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên Bản án sơ thẩm là có căn cứ nên được chấp nhận.

[7] Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

[8] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đỗ Thành S.

Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 61/2020/HS-ST ngày 29/12/2019 của Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ.

Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 244, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Bị cáo Đỗ Thành S 12 năm 06 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 16/3/2020.

Bị cáo Đỗ Thành S phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự phúc thẩm.

c quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

192
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 226/2021/HS-PT

Số hiệu:226/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về