Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm số 42/2023/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 42/2023/HS-PT NGÀY 20/03/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ HIẾM

Ngày 20 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 44/2023/TLPT-HS ngày 10 tháng 02 năm 2023. Do Bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2022/HS-ST ngày 05/01/2023 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa bị kháng cáo.

* Bị cáo kháng cáo:

Họ và tên: Cao Thị L, tên gọi khác: Không - Sinh năm 1990 tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi cư trú: Khu phố C, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Cộng tác viên Công ty tài chính FE Credit; Trình độ văn hóa: Lớp 12/12; Dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không; Con ông Cao Văn U (SN 1964) và bà Phạm Thị T (SN 1964); Chồng: Lê Văn Độ (SN 1984); Con: Có 01 con (SN 2015); Tiền sự; Tiền án: Không. Bị tạm giữ từ ngày 21/9/2022 đến ngày 27/9/2022 được thay đổi biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” (Có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo: Bà Lê Thị Thu Vân - Trợ giúp viên pháp lý Nhà nước - Chi nhánh Trợ giúp pháp lý Nhà nước số 2, thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa (Có mặt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Không kháng cáo): Anh Lê Văn Vinh - Sinh năm 1994. Nơi cư trú: Khu phố Phống Bàn, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa (Vắng mặt).

* Người làm chứng: Anh Nguyễn Văn Sơn - Sinh năm 1985. Nơi cư trú: Khu phố Lê Lai, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào sáng ngày 21/9/2022 Cao Thị L, có nhận được cuộc gọi và tin nhắn zalo từ một người có tài khoản zalo là “Nguyễn Nam” hỏi mua cầy sống, do không có nên L nói để hỏi xem có mua được ở đâu không thì sẽ báo lại. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày L gọi điện cho Lê Văn An hỏi An để mua, nhưng An nói để tìm xem nếu có sẽ thông báo lại. Sau khi đã nhận lời với L thì Lê Văn An đi tìm mua và đến khu vực xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh thì gặp hai người đàn ông không quen biết đang đi bộ và xách trên tay 02 con cầy còn sống đựng trong hai túi lưới, An dừng lại hỏi mua với giá là 800.000đ (Tám trăm nghìn đồng). Sau khi mua được 02 con cầy An gọi điện thoại cho báo cho L và thống nhất bán cho L với giá 1.000.000đ/1kg. Sau đó L trao đổi và thống nhất với người có tài khoản zalo là “Nguyễn Nam” với giá là 1.200.000đ/1 kg, người tên “Nguyễn Nam” đồng ý mua và hẹn L đem xuống thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lăc để giao. Đến khoảng 22 giờ 45 phút cùng ngày, Lê Văn An dùng chiếc xe ô tô biển kiểm soát 36A-375.90 cùng với Cao Thị L chở 02 con cầy đến khu vực sân bóng, thuộc khu phố Lê Lai, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá để bán cho người có tài khoản zalo “Nguyễn Nam” thì bị lực lượng Công an huyện Ngọc Lặc kiểm tra, phát hiện, lập biên bản bắt quả tang Lê Văn An và Cao Thị L đang có hành vi mua bán động vật nguy cấp, quý, hiếm và thu giữ vật chứng liên quan để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Bản kết luận giám định số 1420/STTNSV ngày 26/9/2022 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Công nghệ Việt Nam kết luận:

“Xác định tên loài động vật: 02 (hai) cá thể động vật còn sống lần lượt có trọng lượng khoảng 1,3kg (cá thể đực) và khoảng 3,0kg (cá thể cái) là của loài Cầy vằn bắc, có tên khoa học “Chrotogale owstoni”. Xác định tình trạng bảo tồn theo quy định của pháp luật: Loài Cầy vằn bắc “Chrotogale owstoni” có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/07/2019 của Chính phủ. Loài Cầy vằn bắc “Chrotogale owstoni” có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ.” Việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật; xử lý vật chứng:

Đối với 02 cá thể cầy vằn sống có tên khoa học Chrotogale owstoni, sau khi giám định đã bàn giao cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương để chăm sóc, bảo tồn theo quy định của pháp luật.

Đối với 01 điện thoại di động, nhãn hiệu SAMSUNG màu đen của Lê Văn An và 01 điện thoại di động, nhãn hiệu OPPO màu xanh của Cao Thị L là phương tiện liên lạc để thực hiện hành vi phạm tội, đã được chuyển đến Kho vật chứng của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Ngọc Lặc, chờ xử lý theo pháp luật.

Đối với xe ô tô nhãn hiệu KIA Morning màu trắng, biển kiểm soát 36A- 375.90, quá trình điều tra xác định chủ sở hữu là Lê Văn Vinh (SN 1994), ở khu phố Phống Bàn, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh (là con trai của Lê Văn An), Lê Văn An sử dụng xe ô tô để thực hiện hành vi phạm tội anh Vinh không biết, nên Cơ quan điều tra đã trả lại cho chủ sở hữu quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật.

Bản án sơ thẩm số 06/2022/HS-ST ngày 05/01/2023 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã tuyên bị cáo Cao Thị Lâm phạm “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Căn cứ a khoản 1 Điều 244, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58 và Điều 38 Bộ luật Hình sự. Xử phạt Cao Thị Lâm 20 (Hai mươi) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án, trừ thời gian tạm giữ vào thời gian chấp hành án. Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh, hình phạt đối với bị cáo Lê Văn An (không kháng cáo), xử lý vật chứng, nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Trong hạn luật định, ngày 10/01/2023 bị Cao Thị Lâm có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét chuyển hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng với nội dung của Bản án sơ thẩm đã tuyên.

Người bào chữa cho bị cáo tại phiên toà có quan điểm: Sau khi bị bắt, bị cáo rất thành khẩn khai báo, phạm tội do không hiểu biết pháp luật, lần đầu phạm tội. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, hành vi của bị cáo chưa gây thiệt hại về vật chất. Gia đình là hộ cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng không có công việc làm hay thu nhập ổn định, có con đang cong nhỏ. Mục đích bị cáo vận chuyển 02 cá thể cầy để bán cho người khác để kiếm lời, không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tại đơn trình bày của bị cáo được chính quyền địa phương xác nhận và đề nghị Toà án, Viện kiểm sát nhân tỉnh xem xét cho được cải tạo tại địa phương. Từ đó đề nghị HĐXX áp dụng Điều 65 của BLHS, cho được hưởng án treo.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thanh Hóa sau khi phân tích tính chất vụ án, nhân thân, hành vi phạm tội của bị cáo cũng như tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới được bổ sung tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt và cho hưởng án treo. Ấn định thời gian thử thách đối với bị cáo.

Bị cáo không có ý kiến bổ sung và không có ý kiến tranh luận với quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Lời nói sau cùng, bị cáo nhận thức được lỗi lầm, hứa không vi phạm pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được cải tạo tại địa phương.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Xét về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo trong thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 333 BLTTHS, nên đơn kháng cáo được coi là hợp pháp. Do vậy, HĐXX chấp nhận đơn của bị cáo để xem xét nội dung kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội của mình, cụ thể:

Khoảng 23 giờ 45 phút ngày 21/9/2022 tại sân bóng chuyền khu phố Lê Lai, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tổ công tác Công an huyện Ngọc Lặc đã bắt quả tang Lê Văn An và Cao Thị L có hành vi buôn bán trái phép 02 cá thể cầy sống. Kết quả giám định 02 cá thể động vật còn sống lần lượt có trọng lượng khoảng 1,3kg (cá thể đực) và khoảng 3,0kg (cá thể cái) là loài Cầy vằn bắc, có tên khoa học Chrotogale owstoni, có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Đối với 02 cá thể cầy vằn sống trên, sau khi giám định đã bàn giao cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương để chăm sóc, bảo tồn theo quy định của pháp luật.

[3]. Tính chất vụ án đối với hành vi của bị cáo: Hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất nghiêm trọng. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là bột phát, không có sự bàn bạc, cấu kết chặt chẽ nên chỉ ở dạng đồng phạm giản đơn. Lời thừa nhận về hành vi phạm tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cấp sơ thẩm và phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án được kiểm tra tại phiên tòa nên hành vi của bị cáo đã cấu thành “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo quy định tại khoản 1 Điều 244 BLHS.

Nhận thấy hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, làm thay đổi sự bền vững của môi trường sinh thái, vi phạm Công ước Quốc tế về bảo vệ những loài động vật nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tiệt chủng. Để đảm bảo trật tự xã hội, có tác dụng giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa tội phạm thì việc truy tố, đưa ra xét xử và buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự là cần thiết, cũng là bài học để răn đen và phòng ngừa chung. Cấp sơ thẩm đã xác định tội danh và khung hình phạt cho bị cáo là có cơ sở pháp luật.

[4] Xét kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo:

[4.1] Nhận thấy, khi lượng hình cấp sơ thẩm có xem xét, đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đều “thành khẩn khai báo”. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Tình tiết giảm nhẹ nói trên cấp sơ thẩm áp dụng là phù hợp với quy định của pháp luật. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[4.2] Tại cấp phúc thẩm HĐXX nhận thấy: Mặc dù hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên 02 cá thể cầy sống đã được thu giữ, chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương để nuôi dưỡng. Bị cáo là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật rất hạn chế, không biết 02 cá thể cầy sống là loài Cầy vằn bắc, có tên khoa học Chrotogale owstoni, có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Gia đình là hộ cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng không có công việc làm hay thu nhập ổn định, có con đang cong nhỏ sinh năm 2015. Mục đích bị cáo vận chuyển 02 cá thể cầy để bán cho người khác để kiếm lời, không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tại đơn trình bày của bị cáo được chính quyền địa phương xác nhận và đề nghị Toà án, Viện kiểm sát nhân tỉnh xem xét cho được cải tạo tại địa phương. Do đó HĐXX cần xem xét áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS khi xem xét, áp dụng hình phạt đối với bị cáo.

[4.3] Xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại cấp phúc thẩm cũng như nhân thân, điều kiện hoàn cảnh gia đình, động cơ, mục đích, hành vi phạm tội của bị cáo. HĐXX xét thấy: Bản thân bị cáo là lao động chính trong gia đình, phạm tội do không hiểu biết pháp luật, nhất thời và lần đầu phạm tội. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, hành vi của bị cáo chưa gây thiệt hại về vật chất, có khả năng tự cải tạo ngoài xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục và răn đe nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chỉ cần giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú và gia đình có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, giáo dục cũng đủ điều kiện để bị cáo học tập trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo được tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Do đó cần áp dụng Điều 65 của BLHS, để xem xét chuyển hình phạt, cho được hưởng án treo để bị cáo thấy được tính nhân đạo của Nhà nước và sự khoan hồng của pháp luật và cũng nhằm giáo dục, giúp đỡ bị cáo nhận thức, sửa chữa sai lầm. Giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi cư trú giám sát, giáo dục là phù hợp.

[4.4] Từ phân tích và nhận định nêu trên, HĐXX nhận thấy, kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo cũng như quan điểm bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo là có cơ sở chấp nhận. Đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là đề nghị HĐXX áp dụng Điều 357 của BLTTHS, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa phần hình phạt của Bản án sơ thẩm là có căn cứ pháp luật.

[5] Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị HĐXX không xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Cao Thị L. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2022/HS-ST ngày 05/01/2023 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa về phần hình phạt.

Tuyên bố: Bị cáo Cao Thị L phạm “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.

Áp dung: Điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 50; Điều 58 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Cao Thị L 20 (Hai mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 40 (Bốn mươi) tháng. Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (20/3/2023).

Giao bị cáo Cao Thị L cho Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật Thi hành án Hình sự. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án Hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước đó và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.

Về án phí phúc thẩm: Bị cáo Cao Thị L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

471
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm số 42/2023/HS-PT

Số hiệu:42/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về