TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ PHỔ YÊN, TỈNH THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 82/2022/HS-ST NGÀY 27/07/2022 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN
Ngày 27 tháng 7 năm 2022, tại Hội trường Tòa án nhân dân thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, tiến hành xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 79/2022/TLST-HS ngày 07/7/2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 89/2022/QĐXX ngày 14/7/2022, đối với bị cáo:
Họ và tên: Bàn Vần T ; Tên gọi khác: Không. Sinh ngày 01/3/2004 Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Xóm Tổng Sơ, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Dao; tôn giáo: Không. Nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 9/12; con ông Bàn Chàn M (đã chết), con bà Bàn Mùi P , sinh năm 1961. Bị cáo có 08 anh chị em, Tòng là con thứ tám; Vợ, con: Chưa có.
Tiền án, tiền sự: Không.
Biện pháp ngăn chặn: Bàn Vần T bị bắt, tạm giữ từ ngày 22/4/2022, đến ngày 01/5/2022 chuyển tạm giam cho đến nay tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên. (Có mặt tại phiên tòa).
Người bào chữa cho Bị cáo T: Ông Đào Anh T - Trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thái Nguyên. Có mặt tại phiên toà.
* Người bị hại: Anh Nguyễn Phi L , sinh năm 1995;
ĐKHKTT: Xóm Làng Đèn, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên; ĐK tạm trú: TDP M, phường T, T.P Phổ Yên, Thái Nguyên.
(có đơn xin xét xử vắng mặt)
* Người làm chứng:
1. Anh Nguyễn Công M , sinh năm 2000;
ĐKHKTT: Xóm Đ, xã L, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
2. Anh Lê Văn B , sinh năm 1969;
ĐKHKTT: TDP M, phường T, T.P Phổ Yên, Thái Nguyên. (Những người làm chứng đều vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bàn Vần Tòng là đối tượng lang thang, không nghề nghiệp. Khoảng 05 giờ 00 phút ngày 22/4/2022, Bàn Vần T thuê xe ôm từ Công ty Glonics thuộc địa phận thành phố Thái Nguyên đến thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đến địa phận tổ dân phố M, phường T, thành phố Phổ Yên với mục đích ai sơ hở tài sản thì chiếm đoạt, khi đến nơi thì T bảo xe ôm dừng lại rồi trả tiền, sau đó T đi bộ theo đường dân sinh thì thấy khu nhà trọ của ông Lê Văn Bản, sinh năm 1969, trú tại tổ dân phố M, phường T, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, có cổng đang đóng nhưng không khoá, Tòng quan sát vào bên trong thấy nhà trọ này có nhiều xe mô tô dựng ở hành lang trước cửa các phòng trọ, lúc này T quan sát xung quanh không có ai nên đã nảy sinh ý định trộm cắp xe mô tô. T mở cổng đi vào trong nhà trọ, T quan sát thấy hành lang có dựng 01 xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Sirius, màu xám bạc, mang biển kiểm soát 20B1-xxx.49 của anh Nguyễn Phi L (sinh năm 1995, trú quán xóm Làng Đen, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đang dựng chân chống phụ, đầu xe quay vào trong, còn đuôi xe quay ra phía cổng vào phòng trọ và không có ai trông coi. Thấy chiếc xe này dễ mở khoá nên T đến gần xe mô tô, dùng tay trái cầm vào tay lái xe, tay phải cầm xách xe rồi xoay ngang xe để dắt ra ngoài, nhưng khi vừa xoay được ngang xe thì bị anh Nguyễn Công M (sinh năm 2000, trú quán xóm Đ, xã L, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cùng một số người khác trong khu nhà trọ phát hiện, giữ Tòng lại và báo cho lực lượng Công an phường T đến lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Tòng.
Toàn bộ người, tài sản, đồ vật được bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Phổ Yên giải quyết theo thẩm quyền. Để có căn cứ xác định giá trị thiệt hại tài sản có ý định chiếm đoạt, CQĐT Công an thành phố Phổ Yên đã ra Yêu cầu định giá số 25/CSĐT ngày 24/4/2022 đối với Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự thành phố Phổ Yên để xác định giá trị chiếc xe mô tô Tòng chiếm đoạt.
Tại bản Kết luận định giá số 25/KLĐG ngày 26/4/2022 của Hội đồng định giá tài sản thành phố Phổ Yên, kết luận: 01 chiếc xe mô tô hai bánh nhãn hiệu YAMAHA SIRIUS, BKS 20B1-xxx.49 (màu sơn xám-bạc; Số máy: 3S31086583; Số khung: S3106Y086583, phương tiện đã qua sử dụng, hiện trạng phương tiện còn nguyên vẹn và sử dụng bình thường) có giá trị còn lại là 6.500.000 đồng.
Vật chứng: Chiếc xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA, số loại: SIRIUS, biển số đăng ký: 20B1 – xxx.49 và 01 chứng nhận đăng ký xe được CQĐT trả lại cho chủ sở hữu tài sản anh Nguyễn Phi L quản lý, sử dụng; 01 (một) chìa khoá xe mô tô của Bàn Vần T được chuyển đến kho vật chứng của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Phổ Yên chờ xử lý.
Về trách nhiệm dân sự: Anh Nguyễn Phi L đã nhận lại tài sản và không có yêu cầu đề nghị gì về việc bồi thường dân sự.
Với nội dung nêu trên, tại bản Cáo trạng số 93/CT-VKSPY ngày 06/7/2022, của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã truy tố Bàn Vần Tòng về tội “Trộm cắp tài sản” - phạm tội chưa đạt theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự.
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội:
Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo Bàn Vần T tại phiên tòa thể hiện hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”. Do đó, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố theo toàn bộ nội dung bản cáo trạng.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng ” quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự.
Đề nghị Hội đồng xét xử, tuyên bố bị cáo Bàn Vần T phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
* Hình phạt chính: Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 173; Điều 15; điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 38, Điều 57 Bộ luật hình sự:
Xử phạt: Bàn Vần T từ 6 - 9 tháng tù.
Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 22/4/2022.
* Hình phạt bổ sung: Miễn hình phạt tiền cho bị cáo.
* Về trách nhiệm dân sự: Bị hại đã nhận lại được tài sản không có yêu cầu bồi thường gì thêm nên không xem xét.
* Về vật chứng: 01 (một) chìa khoá xe mô tô của Bàn Vần Tòng đề nghị tiêu huỷ theo quy định.
* Án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế đặc biết khó khăn nên được miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Phần tranh tụng:
Người bào chữa cho Bị cáo T đưa thể hiện luận cứ bào chữa:
Đánh giá tính chất vụ án: Đồng ý quan điểm của đại diện VKS truy tố bị cáo là đúng tội, vụ án thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, qua phân tích để HĐXX cân nhắc mức án khi lượng hình thấy: Bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật của bị cáo còn hạn chế. Tại phiên tòa bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn, hối cải, phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại i, s khoản 1 Điều 51 và Điều 15 BLHS. Đề nghị khi lượng hình có tính răn đe nhưng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.
Về hình phạt đề nghị hội đồng xét xử quyết định mức phạt 6 tháng tù cho bị cáo sớm trở lại cộng đồng.
Về hình phạt bổ sung: Đề nghị xem xét miễn hình phạt tiền do bị cáo là dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, theo quy định của Chính phủ nên đề nghị Hội đồng xét xử miễn án phí.
Bị cáo T nhất trí lời bào chữa của trợ giúp viên, không có ý kiến bổ sung.
VKS đối đáp quan điểm bào chữa của Trợ giúp viên đối với bị cáo:
Giữa nguyên quan điểm luận tội không tranh luận thêm.
Kết thúc phần tranh tụng bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phổ Yên không đưa ra quan điểm đối đáp, tranh luận gì thêm.
Lời nói sau cùng của bị cáo trước khi Hội đồng xét xử nghị án: Bị cáo đã thấy việc làm của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo xin Hội đồng xét xử cho mức án thấp nhất.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1]. Thủ tục tố tụng:
[1.1]. Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng: Trong quá trình điều tra vụ án, các quyết định và các hành vi tố tụng của Điều tra viên và Kiểm sát viên đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tất cả các Quyết định tố tụng trong vụ án đều được lập, giao nhận cho những người tham gia tố tụng theo đúng trình tự mà pháp luật quy định. Các tài liệu, chứng cứ đã thu thập đều phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, phù hợp với diễn biến của phiên tòa và có đủ cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.
[1.2]. Về sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa, người bị hại, người làm chứng đều vắng mặt. Tuy nhiên, Người bị hại đã có đơn xin xét xử vắng mặt, trước đó những người này đều đã có lời khai rõ ràng, đầy đủ. Người làm chứng vắng mặt không có lý do. Căn cứ khoản 1 Điều 292, 293 của Bộ luật Tố tụng hình sự, xét thấy sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng nêu trên không gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[1.3]. Bị cáo Bàn Vần T là dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng nên được Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thái Nguyên cử Trợ giúp viên tham gia bào chữa cho bị cáo, bị cáo nhất trí người bào chữa theo quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017; Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định phê duyệt các xã vùng I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý.
[2]. Xác định tội danh đối với bị cáo: Tại phiên tòa, bị cáo Bàn Vần T giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, những người làm chứng; Kết luận định giá tài sản; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định: Lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân trong việc quản lý tài sản, nên khoảng 05 giờ 00 phút ngày 22/4/2022 tại tổ dân phố M, phường T, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; Bàn Vần Tòng đã có hành vi lén lút, dùng tay cầm vào tay lái và xách chiếc xe mô tô nhãn hiệu nhãn hiệu Yamaha Sirius, biển kiểm soát 20B1-xxx.49 của anh Nguyễn Phi L có giá trị là 6.500.000 đồng, dịch chuyển xoay ngang chiếc xe mục đích để chiếm đoạt mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên, khi Tòng vừa xoay ngang chiếc xe trên chưa kịp dịch chuyển tài sản thì bị người dân phát hiện bắt quả tang.
Hội đồng xét xử nhận thấy: Bị cáo Bàn Vần T tuy chưa chiếm đoạt được tài sản (xe máy), nhưng với mục đích chiếm đoạt để tiêu thụ chi tiêu cho mục đích cá nhân, việc bị cáo chưa chiếm đoạt được chiếc xe là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Do vậy, hành vi, ý thức của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” nhưng chưa đạt, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 173 và Điều 15 của Bộ luật hình sự. Do đó, cáo trạng số 93/CT-VKSPY ngày 06/7/2022 của VKS nhân dân thành phố Phổ Yên đã truy tố Bàn Vần T về tội danh và điều luật viện dẫn tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng luật.
Điều 173 Bộ luật hình sự quy định: Trộm cắp tài sản “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Điều 15 Bộ luật hình sự quy định: Phạm tội chưa đạt “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.
[3]. Đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo được hưởng và phải chịu:
Vụ án thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Bị cáo là người đủ năng lực, trách nhiệm hình sự, nhận biết việc chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện, do lười lao động và không có nghề nên đã lợi dụng sự thiếu cảnh giác trong quản lý tài sản của bị hại để thực hiện tội phạm. Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác là khách thể được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ, đồng thời còn làm mất trật tự trị an tại địa phương, gây lo lắng cho quần chúng nhân dân trong việc quản lý tài sản. Do vậy, việc đưa ra xét xử là cần thiết giáo dục bị cáo và nâng cao sự cảnh giác của người dân trong việc tự quản lý tài sản.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng ” quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự.
[4]. Hội đồng xét xử nhận định về hình phạt cần áp dụng: Đánh giá tính chất vụ án cũng như nhân thân của người thực hiện hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử thấy: bị cáo phạm tội với lỗi cố ý. Việc bị cáo chưa chiếm đoạt được tài sản (xe mô tô) là ngoài ý muốn chủ quan nên xác định thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Để giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư cũng như nhằm mục đích răn đe người phạm tội, cần áp dụng hình phạt tù có thời hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội chưa đạt, giúp bị cáo nhanh hoàn lương, hòa nhập cộng đồng.
[5]. Về hình phạt bổ sung: Bị cáo không có việc làm và thu nhập. Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.
[6]. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã trình bày luận tội đối với bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử kết tội bị cáo như Cáo trạng đã truy tố, đề nghị mức hình phạt tù đối với bị cáo. Xét đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ của vụ án và diễn biến, kết quả tranh tụng tại phiên tòa cũng như nhận định của Hội đồng xét xử vì vậy, được chấp nhận.
[7] Xét quan điểm của người bào chữa thể hiện tại bản luận cứ của trợ giúp viên cho bị cáo Bàn Vần T tại phiên toà có căn cứ nên chấp nhận.
[8]. Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra, người bị hại anh Nguyễn Phi L đã nhận lại được tài sản bị chiếm đoạt là chiếc xe mô tô nhãn hiệu nhãn hiệu Yamaha Sirius, biển kiểm soát 20B1-xxx.49, tài sản không bị hư hỏng gì nên anh L không ý kiến và không yêu cầu bị cáo bồi thường. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.
[9]. Về xử lý vật chứng: Đối với 01 (một) chìa khoá xe mô tô của Bàn Vần T mang theo người nhằm mục đích để đi trộm cắp tài sản nên cần tịch thu tiêu hủy.
[10]. Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế đặc biết khó khăn nên được miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm theo quy định. Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
[11]. Các vấn đề khác: Không.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Bàn Vần T phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
2. Về hình phạt:
2.1. Hình phạt chính: Áp dụng khoản 1 Điều 173; điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 38, Điều 15 (Phạm tội chưa đạt), khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Bàn Vần T 06 (Sáu) tháng tù.
Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 22/4/2022.
Căn cứ Điều 329 Bộ luật tố tụng hình sự: Quyết định tạm giam bị cáo Bàn Vần T 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án để đảm bảo thi hành án.
2.2. Về hình phạt bổ sung: Miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.
3. Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại không có yêu cầu về bồi thường thiệt hại nên Hội đồng xét xử không xem xét.
4. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 BLHS; khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự - Tịch thu tiêu huỷ: 01 (một) phong bì niêm phong có dấu đỏ ký hiệu CK bên trong có 01 (một) chìa khóa xe mô tô.
(Vật chứng trên hiện đang được quản lý tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phổ Yên, đặc điểm vật chứng theo biên bản giao nhận giữa Công an thành phố Phổ Yên với Chi cục thi hành án dân sự thành phố Phổ Yên ngày 28/6/2022).
5. Án phí: Áp dụng Điều 135, khoản 2 Điều 136 BLTTHS, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Bàn Vần Tòng.
6. Quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 331, 332, 333 BLTTHS;
Án xử công khai sơ thẩm có mặt bị cáo tại phiên tòa; Báo cho biết bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Người bị hại anh Nguyễn Phi L vắng mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc bản án được niêm yết công khai hợp lệ theo quy định của pháp luật./.
Bản án về tội trộm cắp tài sản số 82/2022/HS-ST
Số hiệu: | 82/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thị xã Phổ Yên - Thái Nguyên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/07/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về