06/06/2019 08:16

Tiêu thụ tài sản trộm cắp sẽ bị xử lý ra sao?

Tiêu thụ tài sản trộm cắp sẽ bị xử lý ra sao?

Trong xã hội hiện nay, phần lớn con người bị chi phối bởi đồng tiền. Vì tiền, họ có thể bất chấp đúng sai ngay cả khi biết hành vi đó là trái pháp luật. Và việc mua bán, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng không ngoại lệ. Vậy, hành vi tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có sẽ bị xử lý ra sao?

Cụ thể tại Bản án 111/2017/HSPT ngày 13/07/2017 về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có do Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm:

" Khoảng 20 giờ ngày 23/9/2016 Lê Tử Q và Lê Hữu C đến nhà văn hóa thôn 2 xã M, trèo tường vào lấy 02 loa thùng, 01 âm ly, 01 đầu kỹ thuật số, 01 đầu đọc đĩa, 01 micro loại có dây, 02 đèn trang trí, 02 cuộn dây điện. Q đưa cho C 500.000đ còn tài sản lấy được Q để dùng. C cầm tiền và lấy thêm cuộn dây điện màu vàng đem đi. Ngày 24/9/2016 Công an huyện Triệu Sơn phát hiện và thu giữ số tài sản trên. Hội đồng định giá số tài sản trộm cắp là 5.580.000đ. Lê Tử Q đã bị khởi tố H được tại ngoại và tiếp tục trộm cắp nhiều vụ.... ".

Theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 (nay là Điều 323 Bộ luật hình sự 2015)

Điều 250. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến  bảy năm:

a) Có tổ chức;

b)  Có tính chất chuyên nghiệp ;

c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;

d)  Thu lợi bất chính lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ  năm năm đến mười năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Trong vụ án này Vũ Trọng B là người đó có hành vi bán hộ tài sản cho các đối tượng trộm cắp 02 lần, còn Hà Quang H là người đó có hành vi mua lại tài sản của các đối tượng trộm cắp 02 lần. Tuy các bị cáo không hứa hẹn trước H biết rõ số tài sản do phạm tội mà có, H vì hám rẻ mà mua hoặc được hưởng lợi nên đã tích cực tiêu thụ tài sản của các đối tượng trộm cắp.

Với hành vi nêu trên, Vũ Trọng B và Hà Quang H bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 (khoản 1 Điều 323 Bộ luật hình sự 2015) là có căn cứ. Các bị cáo cũng thừa nhận có tội như cấp sơ thẩm xử, chỉ xin được hưởng  án treo.

Theo hướng dẫn bởi Điều 1, 2 và Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội Rửa tiền thì:

“ 1. Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua)”.

2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.

Theo đó, tài sản do phạm tội mà có ở đây là bất kể đồ vật có giá trị vật chất (kể cả các loại giấy tờ có giá trị) được sử dụng để đáp ứng nhu cầu của con người, không phụ thuộc tài sản giá trị bao nhiêu. Giá trị tài sản nhỏ, lớn, rất lớn … là tình tiết để áp dụng các khung hình phạt khác nhau cho người phạm tội.

Dấu hiệu nhận biết của tội “ Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” có thể xác định qua các hành vi như: mua để tiêu dùng, kinh doanh, bán lại hoặc môi giới, giới thiệu cho người khác mua, chuyển giao tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội chuyển giao tài sản cho người khác. 

Như vậy, khi mua bán tài sản nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc cụ thể của tài sản đó. Đừng vì ham rẻ mà cố tình mua những tài sản bất hợp pháp để rồi phải vướng vào cảnh tù tội.

Thanh Ngân
9306

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn