TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 310/2022/HS-ST NGÀY 22/09/2022 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC Ở LẠI VIỆT NAM TRÁI PHÉP
Ngày 20 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 872/2022/TLPT- HS ngày 22 tháng 9 năm 2022 đối với bị cáo BTPT do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 310/2022/HS-ST ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
- Bị cáo có kháng cáo: BTPT, sinh năm 1992 tại B; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: Tiểu khu I, thị trấn N, huyện N, tỉnh B; nơi ở khi phạm tội: Số 5, Ngõ 110, đường N, phường L, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Tày; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông T1 và bà V; chồng, con: chưa có; tiền án, tiền sự: không; bị cáo hiện đang tại ngoại và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú”. (có mặt)
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Đức N - Luật sư Công ty Luật TNHH Năng & Partner thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (có mặt) Ngoài ra trong vụ án còn có 02 bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị, nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Qua các ứng dụng Zalo, Facebook và Wechat, BTPT có quen biết người phụ nữ tên Viên Viên (người Trung Quốc) là khách thường xuyên mua rượu và xì gà của T. Chiều 10/12/2020, Viên Viên gọi điện và nhờ T đặt phòng cho 03 người Trung Quốc có hộ chiếu nhưng không có thị thực nhập cảnh vào Việt Nam; T biết các đối tượng trên nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhưng vẫn nhận lời và liên hệ với khách sạn Đ đặt phòng rồi cung cấp địa chỉ nơi ở của T để Viên Viên dẫn người Trung Quốc đến. Khoảng 20 giờ ngày 10/12/2020, có 03 người đàn ông Trung Quốc đi Taxi đến nơi ở của T (địa chỉ: số 126 N, Hà Nội), T đưa 03 người Trung Quốc đến khách sạn Đ, dùng hộ chiếu của T số C8978843 để đặt phòng 601, nhận chìa khóa và đưa khách lên phòng rồi T rời khỏi khách sạn. Do có yêu cầu của Công an về việc rà soát các đối tượng người nước ngoài cư trú trên địa bàn, nên chị Phạm Thị Hoài L (nhân viên lễ tân khách sạn Đ) đã gọi điện cho T yêu cầu đến khách sạn cung cấp giấy tờ của khách tại phòng 601 để khai báo tạm trú; T hẹn 15 phút sau sẽ quay lại nhưng T tắt máy, không đến theo yêu cầu và xóa bỏ những nội dung đã trao đổi với Viên Viên trên điện thoại. Khoảng 21 giờ 15 phút cùng ngày, lực lượng Công an đến khách sạn Đ kiểm tra thì chỉ phát hiện 01 đối tượng người Trung Quốc (tên Qin Jian B, sinh năm 1981) đang ở tại phòng 601 còn 02 đối tượng khác đã rời khỏi khách sạn trước khi bị kiểm tra.
BTPT khai nhận, do người phụ nữ tên “Viên Viên” đã nhiều lần mua xì gà và rượu của T, nên T đã giúp đỡ và thuê phòng cho các đối tượng người Trung Quốc không có thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Sau đó, T thay đổi khai và trình bày là không biết các đối tượng này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Thực tế, BTPT đã nhiều lần nhập cảnh vào Trung Quốc, biết được để cư trú hợp pháp tại nước bạn thì phải được Cơ quan có thẩm quyền của nước bạn cấp thị thực; T là người cung cấp địa chỉ của T cho các đối tượng người nước ngoài tìm đến, trực tiếp đưa các đối tượng này đến khách sạn Đ, dùng hộ chiếu của mình để đặt phòng cho những người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép; khi được nhân viên khách sạn yêu cầu đến để cung cấp giấy tờ và làm thủ tục lưu trú cho khách thì T đã không đến, tắt máy điện thoại và xóa hết tin nhắn trên điện thoại đối với các nội dung trao đổi với “Viên Viên”. Do vậy, việc T thay đổi lời khai là nhằm trốn tránh trách nhiệm về hành vi tội phạm đã thực hiện.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 310/2022/HS-ST ngày 24/8/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo BTPT phạm tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Áp dụng khoản 1 Điều 348; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 3 Điều 54 và Điều 38 Bộ luật Hình sự:
Xử phạt bị cáo BTPT 09 (chín) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh, hình phạt đối với các bị cáo khác; về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 26/8/2022, bị cáo BTPT có đơn kháng cáo kêu oan, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị cáo BTPT thay đổi nội dung đơn kháng cáo từ kêu oan sang xin được hưởng án treo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét đến nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng như: Bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội; có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; bị cáo là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thuộc hộ cận nghèo; tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã khai rõ hành vi phạm tội, đã thay đổi nội dung đơn kháng cáo từ kêu oan sang xin được hưởng án treo, thể hiện thái độ chấp hành pháp luật, sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của bản thân, đồng thời bị cáo xuất trình thêm tài liệu mới chứng minh có ông nội Bế Sỹ Trọng là Liệt sỹ, hiện đang được gia đình bị cáo thờ cúng; đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng theo quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án hình sự nêu trên đối với bị cáo BTPT theo hướng giữ nguyên hình phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung.
Người bào chữa cho bị cáo T hoàn toàn nhất trí với quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến thái độ chấp hành pháp luật, sự thành khẩn, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm để chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, cho bị cáo nhận được sự khoan hồng của pháp luật, được hưởng mức án treo, tạo điều kiện cho bị cáo được có cơ hội cải tạo ngoài xã hội, nhằm giúp bị cáo sớm trở thành công dân có ích. Bị cáo nhất trí với lời bào chữa của Luật sư và không bổ sung gì thêm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại phiên tòa, bị cáo không có khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp. Đơn kháng cáo của bị cáo gửi trong thời hạn luật định, nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo BTPT đã thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin được hưởng án treo; việc thay đổi kháng cáo của bị cáo phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 342 của Bộ luật Tố tụng hình sự, nên được xem xét theo quy định của pháp luật [2] Về hành vi phạm tội của bị cáo BTPT:
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo BTPT đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân. Lời khai của bị cáo hoàn toàn phù hợp với lời khai của những người làm chứng, chứng cứ thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án. Như vậy đã có đủ cơ sở khẳng định: Do quen biết một người Trung Quốc tên “Viên Viên” thường mua Rượu và thuốc Xì gà của bị cáo BTPT, nên ngày 10/12/2020, Viên Viên có gọi điện thoại nhờ bị cáo đặt phòng cho 03 người Trung Quốc có hộ chiếu nhưng không có thị thực nhập cảnh vào Việt Nam; mặc dù bị cáo biết các đối tượng này đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhưng vẫn liên hệ đặt phòng với Khách sạn Đ. Khoảng 20 giờ ngày 10/12/2020, 03 người đàn ông Trung Quốc nêu trên đi Taxi đến nơi ở của bị cáo, sau đó bị cáo đã đưa 03 người Trung Quốc này đến khách sạn Đ (địa chỉ: số 28 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), dùng hộ chiếu của bị cáo để đặt phòng 601, nhận chìa khóa và đưa khách lên phòng rồi bị cáo rời khỏi Khách sạn. Đến khoảng 21 giờ 15 phút cùng ngày, Công an quận Cầu Giấy kiểm tra hành chính thì phát hiện có 01 đối tượng người Trung Quốc (tên Qin Jian B, đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam) và đang ở tại phòng 601 của Khách sạn Đ là phòng do bị cáo BTPT đã thuê và tổ chức cho những người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép.
Ngoài ra, theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa thể hiện: Bị cáo BTPT có biết tiếng Trung và đã nhiều lần nhập cảnh vào Trung Quốc, nên bị cáo biết rõ các thủ tục hành chính về xuất, nhập cảnh, thủ tục người Việt Nam lưu trú ở nước ngoài và thủ tục lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam; khi được Viên Viên nhờ đặt phòng khách sạn cho 03 người Trung Quốc có hộ chiếu nhưng không có thị thực nhập cảnh vào Việt Nam, bị cáo đã biết rõ các đối tượng này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhưng vẫn cố ý dùng hộ chiếu của mình để đặt phòng khách sạn nhằm giúp họ ở lại Việt Nam trái phép. Bị cáo T quen biết đối tượng “Viên Viên”, do đối tượng này nhiều lần mua Rượu và thuốc Xì gà của bị cáo, nên việc bị cáo giúp “Viên Viên” là nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ thân thiết, mức độ tin cậy và nâng cao uy tín, tạo các điều kiện thuận lợi của bị cáo trong quan hệ buôn bán và quan hệ với người nước ngoài, nên đây được coi là bị cáo đã được nhận lợi ích phi vật chất từ đối tượng “Viên Viên”, đúng như hướng dẫn tại Công văn số 1557/VKSTC- V1 ngày 20/4/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã kết tội bị cáo BTPT phạm tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo quy định tại khoản 1 Điều 348 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.
Hành vi phạm tội của bị cáo BTPT là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và quản lý việc lưu trú người nước ngoài tại Việt Nam, gây mất trật tự trị an xã hội, nên cần xử phạt nghiêm minh để giáo dục, cải tạo đối với bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung.
[3] Tuy nhiên, xét nhân thân, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ của bị cáo thấy: Bị cáo BTPT không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào; bị cáo có nhân thân tốt, đây là lần đầu phạm tội; có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; bị cáo là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã khai rõ hành vi phạm tội, đã thay đổi nội dung đơn kháng cáo từ kêu oan sang xin được hưởng án treo, thể hiện thái độ chấp hành pháp luật, sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của bản thân, đồng thời bị cáo xuất trình thêm tài liệu mới chứng minh có ông nội Bế Sỹ Trọng là Liệt sỹ, hiện đang được gia đình bị cáo thờ cúng; đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng theo quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đến nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ, mức độ phạm tội và thực tế trong vụ án này bị cáo chưa thu lợi bất chính bằng vật chất, nên đã tuyên phạt bị cáo hình phạt tù là có căn cứ. Song ở vụ án này, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội có mức độ, do tình cảm chi phối, không đòi hỏi tiền công, chỉ với mục đích là duy trì mối quan hệ làm ăn; ngoài lần phạm tội này, bị cáo luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, của người bào chữa và bị cáo cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành công dân có ích, không ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, cũng là thể hiện chính sách nhân đạo, sự độ lượng khoan hồng của pháp luật Nhà nước ta.
[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[5]. Về án phí: Do kháng cáo của bị cáo BTPT được chấp nhận, nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chấp nhận kháng cáo của bị cáo BTPT. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 310/2022/HS-ST ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Áp dụng khoản 1 Điều 348; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 3 Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự. Tuyên bố bị cáo BTPT phạm tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Xử phạt bị cáo BTPT 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (mười tám) tháng, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo BTPT cho Ủy ban nhân dân thị trấn N, huyện N, tỉnh B giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo BTPT không phải chịu.
Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép số 86/2023/HS-PT
Số hiệu: | 86/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/09/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về