Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng số 06/2022/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K - TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 06/2022/HS-ST NGÀY 10/02/2022 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 10 tháng 02 năm 2022, tại hội trường xét xử, Tòa án nhân dân Huyện K, tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 06/2022/TLST-HS ngày 13 tháng 01 năm 2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05/2022/QĐXXST-HS ngày 27 tháng 01 năm 2022, đối với bị cáo:

Phùng Xuân L, tên gọi khác: Phùng Văn L, sinh năm 1978 tại Con Cuông, Nghệ An; nơi thường trú: Thôn 1, xã N, Huyện K, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp trước khi phạm tội: Nhân viên bảo vệ rừng; là Đảng viên Đảng CSVN (bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo quyết định số 24-QĐ/UBKTHU ngày 01/6/2021 của UBKT Huyện ủy Kbang); trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; tiền án, tiền sự: Không. Con ông Phùng Xuân Th và bà Nguyễn Thị L, vợ là Đỗ Thị Hồng N, có 02 con sinh năm 2003 và 2005.

Bị cáo bị bắt từ ngày 02/6/2021 cho đến nay có mặt tại phiên tòa.

*Bị hại: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L;

Đại diện theo pháp luật: Ông Đoàn Văn H - Chức vụ: Giám đốc công ty (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Địa chỉ: Xã L, Huyện K, tỉnh Gia Lai.

*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Đỗ Thị Hồng N, sinh năm 1976 (có mặt);

Địa chỉ: Thôn 1, xã N, Huyện K, tỉnh Gia Lai.

*Người làm chứng:

1. Anh Trần Ngọc B, sinh năm 1985 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

2. Anh Nguyễn Thanh H, sinh năm 1990 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

3. Anh Đinh K, sinh năm 1991 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

4. Anh Nguyễn Mậu V, sinh năm 1985 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

5. Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1976 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

Địa chỉ: Nhân viên Bảo vệ rừng công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L;

6. Anh Bế Hoài N, sinh năm 1995 (vắng mặt);

Địa chỉ: Hạt kiểm lâm Huyện K, tỉnh Gia Lai.

7. Anh Trương Đình N1, sinh năm 1986 (vắng mặt);

Địa chỉ: Công an xã Kr, Huyện K, tỉnh Gia Lai.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phùng Xuân L là nhân viên bảo vệ rừng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp L, Huyện K. Ngày 04/4/2020 Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L ban hành Quyết định về việc điều động lao động và bổ nhiệm số:

22/QĐ-CT, theo đó Phùng Xuân L được điều động đến nhận công tác tại Chốt Bảo vệ rừng khu vực Lồ ô, giữ chức vụ Chốt trưởng và trực tiếp phụ trách, quản lý Tiểu khu 100 thuộc loại rừng Phòng hộ; trạng thái rừng thường xanh trung bình (TXB) và rừng thường xanh phục hồi (TXP), Khoảnh 1, 4, 6, 9, Tiểu khu 99. Cùng ngày, L gọi điện thoại cho Nguyễn Mậu V (nguyên là Chốt trưởng Chốt Bảo vệ rừng Lồ ô và quản lý Tiểu khu 100, Khoảnh 1, 4, 6, 9, Tiểu khu 99 trước đó) nói để L đi kiểm tra rừng thực tế tại các Tiểu khu 99, 100, nếu phát hiện vụ việc vi phạm về quản lý bảo vệ rừng xảy ra sẽ ghi nhận rồi bàn giao cụ thể sau, V đồng ý và nói: “Khi nào kiểm tra xong thì gọi em vào rừng cùng đi kiểm tra và tiến hành bàn giao”. Sau đó, từ ngày 04/4/2020 đến thời điểm phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép tại Lô 8, 9, Khoảnh 3, Tiểu khu 100 là ngày 15/5/2020, Phùng Xuân L đã trực tiếp tuần tra, kiểm soát rừng tại Tiểu khu 100 do L trực tiếp quản lý 04 lần cụ thể như sau:

Lần thứ nhất: Vào ngày 06/4/2020, L kiểm tra Tiểu khu 100. Khi đến khu vực bờ suối thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 99, L quan sát thấy khu vực rừng tại đây vẫn rậm rạp, không có dấu vết bị con người tác động, các cây gỗ Trám hồng, Bằng Lăng gần bờ suối vẫn còn đứng chưa bị chặt hạ. Thấy không có đường đi nên L đi dọc theo bờ suối đến Lô 13, Khoảnh 3, Tiểu khu 100 rồi đi qua cầu nhỏ do người dân làm để đi kiểm tra rừng tại Khoảnh 4, 5, Tiểu khu 100. Lần kiểm tra này, L không phát hiện thấy có vi phạm rừng.

Lần thứ hai: Vào sáng ngày 30/4/2020, L đi kiểm tra rừng tại Tiểu khu 100 cùng Nguyễn Mậu V để tiến hành bàn giao thực tế. L và V đi qua cầu do người Ba Na làm thuộc Lô 13, Khoảnh 3, Tiểu khu 100 để đi kiểm tra rừng tại các Khoảnh của Tiểu khu 100. Khi đến Lô 8, 9, Khoảnh 3, Tiểu khu 100, L có nói với V đã kiểm tra kỹ khu vực này và không thấy dấu vết bị con người tác động nên cả hai không kiểm tra rừng tại đây. Sau khi kiểm tra Tiểu khu 100 không phát hiện vụ phá rừng làm nương rẫy hay khai thác, cất giấu gỗ trái phép, L và V đã lập biên bản bàn giao ghi nhận cụ thể vào buổi trưa cùng ngày.

Lần thứ ba: Vào ngày 02/5/2020, L đi kiểm tra rừng cùng Trần Ngọc B tại Khoảnh 4, Tiểu khu 100 giáp khu vực nhà đầm làng Tà Leng, xã Kr và cũng không phát hiện có vi phạm.

Lần thứ tư: Vào ngày 10/5/2020, L đi kiểm tra rừng tại Khoảnh 4, Tiểu khu 100 giáp khu vực nhà đầm làng Tà Leng, xã Kr và không phát hiện vụ việc vi phạm lâm luật.

Cả 04 lần kiểm tra rừng trên, L chưa lần nào trực tiếp kiểm tra thực tế tại Lô 8, 9, Khoảnh 3, Tiểu khu 100 mà chỉ 01 lần duy nhất đứng bên bờ suối thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 99 vào ngày 06/4/2020 để quan sát hiện trạng rừng tại Lô 8, Khoảnh 3, Tiểu khu 100. Quá trình kiểm tra Tiểu khu 100, L đi theo các đường mòn trong rừng, đường phân lô, khoảnh, khi không phát hiện dấu vết con người, phương tiện đi lại thì L không kiểm tra thực tế các khu vực sâu trong rừng nơi có suối ngăn cách, không có đường đi. Trong khoảng thời gian này các đối tượng lợi dụng việc không thường xuyên kiểm tra của L nên đã khai thác trái phép 11 cây gỗ và dựng cầu gỗ bắc qua suối phục vụ cho việc vận chuyển gỗ xẻ trong một thời gian dài tại Lô 8, 9, Khoảnh 3, Tiểu khu 100 lâm phần do Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp L quản lý thuộc địa giới hành chính xã Kr, Huyện K do L phụ trách. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép ngày 27/5/2020 xác định: Vụ khai thác xảy ra tại Lô 8, 9, Khoảnh 3, Tiểu khu 100 lâm phần do Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp L quản lý thuộc địa giới hành chính xã Kr, Huyện K, tỉnh Gia Lai; thuộc loại rừng Phòng hộ; trạng thái rừng thường xanh trung bình (TXB) và rừng thường xanh phục hồi (TXP). Xác định 11 cây gỗ gồm: Bằng Lăng, Trám Hồng, Trâm Tía bị khai thác trái phép, toàn bộ số cây bị chặt hạ, cưa xẻ, bổ hộp trái phép bằng phương tiện cưa xăng. Quá trình khám nghiệm và mở rộng hiện trường phát hiện có 03 bãi tập kết gỗ, 01 chiếc cầu gỗ. Tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại của 11 cây gỗ là: 73,475 m3 (trong đó, 09 cây Bằng Lăng, khối lượng 56,239 m3; 01 cây Trám Hồng, khối lượng 15,044 m3; 01 cây Trâm Tía, khối lượng 2,192 m3). Theo bản Kết luận định giá số 23/KL-HĐĐG ngày 23/6/2020 của HĐ ĐGTS TTHS kết luận giá trị thiệt hại của 11 cây gỗ bị khai thác trái phép với khối lượng 73,475 m3 tại thời điểm tháng 6/2020 là 445.811.700 đồng.

Với trách nhiệm được giao, L đã làm không đúng, không đầy đủ và thiếu trách nhiệm trong công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng tạo điều kiện cho nhóm các đối tượng khai thác gỗ trái phép tại Lô 8, 9, Khoảnh 3, Tiểu khu 100 gây hậu quả nghiêm trọng với thiệt hại về lâm sản là 73,475 m3 gỗ tròn, thành tiền là 445.811.700 đồng, giá trị thiệt hại đối với rừng tự nhiên (thiệt hại về môi trường) của 73,475 m3 gỗ tròn là 1.301.455.104 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 1.747.266.804 đồng.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ý kiến hay khiếu nại gì về các bản Kết luận định giá nói trên.

Tại Bản cáo trạng số: 31/CT-VKS ngày 01/11/2021, Viện kiểm sát nhân dân Huyện K đã truy tố Phùng Xuân L về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 360 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS).

Tại phiên tòa, bị cáo Phùng Xuân L đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng đã nêu.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Huyện K, tỉnh Gia Lai vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như bản Cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phùng Xuân L phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" .

Đề nghị áp dụng điểm c khoản 3 Điều 360; Điều 38; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của BLHS để xử phạt Phùng Xuân L từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù ; cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời hạn từ 02 năm đến 03 năm sau khi chấp hành xong bản án. Xét thấy bị cáo không có tài sản gì nên đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị HĐXX tuyên sung vào Ngân sách Nhà nước số tiền bị cáo L đã nộp bồi thường là 5.000.000 đồng.

Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí HSST theo quy định của pháp luật.

Bị cáo và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có ý kiến tranh luận với đại diện Viện kiểm sát.

Bị cáo Phùng Xuân L nói lời sau cùng: Bị cáo biết việc làm của bị cáo là sai, vi phạm pháp luật nên xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Huyện K, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân Huyện K, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, lời khai của bị cáo Phùng Xuân L phù hợp với lời khai tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Huyện K, với bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Huyện K và với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, thể hiện:

Phùng Xuân L là nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L, Huyện K. Ngày 04/4/2020 Giám đốc công ty ban hành Quyết định về việc điều động lao động và bổ nhiệm số: 22/QĐ-CT, theo đó Phùng Xuân L được điều động đến nhận công tác tại Chốt bảo vệ rừng khu vực Lồ ô, giữ chức vụ Chốt trưởng và trực tiếp phụ trách, quản lý Tiểu khu 100 thuộc loại rừng Phòng hộ; trạng thái rừng thường xanh trung bình (TXB) và rừng thường xanh phục hồi (TXP), Khoảnh 1, 4, 6, 9, Tiểu khu 99. Quá trình thực hiệm nhiệm vụ, L đã thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao. Sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của bị cáo đã tạo điều kiện cho các đối tượng lâm tặc vào khu vực rừng do bị cáo phụ trách khai thác lâm sản trái phép, gây thiệt hại về lâm sản là 73,475 m3 gỗ tròn, thành tiền là 445.811.700 đồng, giá trị thiệt hại đối với rừng tự nhiên (thiệt hại về môi trường) của 73,475 m3 gỗ tròn là 1.301.455.104 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 1.747.266.804 đồng.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng dẫn tới rừng bị khai thác trái phép gây thiệt hại với số tiền nêu trên của Phùng Xuân L đã phạm vào tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 360 của BLHS như VKSND Huyện K đã truy tố là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3] Bị cáo Phùng Xuân L là người đã thành niên, có đủ khả năng nhận thức về hành vi của mình và đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi của bị cáo là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xuất phát từ ý thức cẩu thả, thiếu trách nhiệm đối với chức trách, nhiệm vụ được giao là quản lý và bảo vệ rừng nên bị cáo L đã có hành vi phạm tội như đã nói ở trên. Bị cáo L phạm tội với lỗi vô ý do cẩu thả, hành vi của bị cáo đã gián tiếp gây thiệt hại đến nguồn tài nguyên rừng của đất nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty TNHH MTV LN L nên cần phải được xem xét, xử lý nghiêm minh và áp dụng mức phạt tù nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người L thiện và nâng cao hiệu quả phòng ngừa chung.

[4] Về nhân thân: Bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đây là lần đầu bị cáo phạm tội.

[5] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Không có.

[6] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải; bị cáo đã tác động gia đình tự nguyện bồi thường khắc phục một phần hậu quả thiệt hại cho Nhà nước. Do đó, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Ngoài ra, bị cáo có nhân thân tốt, đây là lần đầu bị cáo phạm tội; đại diện hợp pháp của bị hại đã có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; gia đình bị cáo thuộc diện có công với cách mạng, bố vợ bị cáo có thời gian dài cống hiến trong quân đội, là thương binh và được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì; bị cáo có sức khỏe yếu do bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, vợ bị cáo thường xuyên đau ốm, 02 con còn nhỏ nên hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Do đó, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.

Do bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng, không có động cơ vụ lợi và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, để bị cáo có điều kiện cải tạo, khắc phục những sai lầm đã phạm phải và thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, HĐXX thấy cần áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS để xử phạt bị cáo mức hình phạt tù dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 360 BLHS và ở mức đầu khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 360 BLHS là đã đảm bảo tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Cần cấm bị cáo làm công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù nói trên.

[7] Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng: Do giá trị thiệt hại về lâm sản và môi trường cùng vật chứng đã được giải quyết trong các vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản đã xét xử. Vì vậy, không xem xét phần dân sự và xử lý vật chứng trong vụ án Phùng Xuân L phạm tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với số tiền 5.000.000 đồng bị cáo đã tự nguyện bồi thường thì cần sung vào ngân sách Nhà nước.

[8] Xét quan điểm đường lối giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Huyện K đề nghị HĐXX áp dụng điều luật, mức hình phạt đối với bị cáo là phù hợp nên được HĐXX chấp nhận.

[9] Về các vấn đề khác của vụ án:

Liên quan trong vụ án còn có Trần Ngọc B, Nguyễn Thanh H và Đinh K là nhân viên bảo vệ rừng thuộc quyền quản lý của L nhưng họ không được phân công phụ trách Tiểu khu 100 cùng với L mà họ đều được giao phụ trách, quản lý riêng các Tiểu khu 136, 137, 139, 140 nên phải thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại các khu vực rừng được phụ trách nên cơ quan điều tra không đề nghị xem xét trách nhiệm đối với họ là có căn cứ. Vì vậy, HĐXX xem xét họ với vai trò là người làm chứng trong vụ án.

Đối với Bế Hoài N là Kiểm lâm địa bàn phụ trách các Tiểu khu 99,100,103 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L quản lý, quá trình thực hiện nhiệm vụ, hàng tháng Nam đã tham mưu cho Chủ tịch UBND xã Kr xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét lâm tặc và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở L tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra bảo vệ rừng. Bản thân N đã tích cực tham gia cùng Tổ liên ngành xã Kr kiểm tra, phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép tại Tiểu khu 100 và báo cáo các cơ quan chức năng. Như vậy, Bế Hoài N đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao nên cơ quan điều tra không đề nghị xem xét trách nhiệm đối với N là có căn cứ. Vì vậy, HĐXX xem xét N với vai trò là người làm chứng trong vụ án.

Đối với Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L, xét thấy cần kiến nghị trong Bản án này để lãnh đạo Công ty chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng; khắc phục các thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm tra và giám sát nhân viên bảo vệ rừng, không để tiếp diễn tình trạng rừng bị khai thác trái phép như trong thời gian vừa qua.

[10] Về án phí: Bị cáo Phùng Xuân L phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Về Điều luật áp dụng: Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 360; Điều 38, các điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của BLHS.

[2] Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Phùng Xuân L phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

[3] Về hình phạt:

Xử phạt bị cáo Phùng Xuân L 03 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt (ngày 02/6/2021).

Cấm bị cáo Phùng Xuân L làm công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời hạn 02 (hai) năm kể từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù nói trên.

- Áp dụng Điều 264 của BLTTHS;

Kiến nghị Giám đốc Công ty TNHH MTV LN L chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng; khắc phục các thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm tra và giám sát nhân viên bảo vệ rừng, không để tiếp diễn tình trạng rừng bị khai thác trái phép như trong thời gian vừa qua.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự;

Tuyên nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 5.000.000 đồng do bị cáo Phùng Xuân L tự nguyện bồi thường (theo Biên lai thu tiền số 0002753 ngày 12/11/2021 của Chi cục thi hành án dân sự Huyện K, tỉnh Gia Lai).

[5] Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sựNghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

Buộc bị cáo Phùng Xuân L phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

[6] Về quyền, thời hạn kháng cáo: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm. Thời hạn trên đối với bị hại vắng mặt tại phiên toà được tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

578
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng số 06/2022/HS-ST

Số hiệu:06/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện KBang - Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/02/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về