Bản án về tội cố ý gây thương tích số 60/2022/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ V, TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

BẢN ÁN 60/2022/HS-ST NGÀY 28/03/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 28 tháng 03 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố V, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 15/2022/TLST-HS ngày 21 tháng 01 năm 2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 61/2022/QĐXXST-HS ngày 21 tháng 02 năm 2022 và thông báo về việc thay đổi thời gian xét xử vụ án hình sự số 16/2022/TB-TA ngày 15 tháng 3 năm 2022, đối với bị cáo:

PHẠM VŨ K, sinh năm 1980 tại Bà Rịa – Vũng Tàu; Hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn H, xã L, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Trình độ học vấn: 4/12; Nghề nghiệp: Lái xe; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Phật; Cha: Phạm Văn N (chết); Mẹ: Nguyễn Thị X, sinh năm 1948; Có 08 chị em, bị cáo là con thứ 5; Vợ tên Nguyễn Thị T, sinh năm 1987;

- Tiền án, tiền sự: không.

- Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn ngày 25/10/2021 “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, hiện đang trú tại: Thôn H, xã L, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).

Bị hại: Ông Đỗ Văn T1, sinh năm 1977; Địa chỉ: Thôn N, xã L, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).

Người làm chứng:

1. Ông Nguyễn Đức N, sinh năm 1986; Địa chỉ: Thôn M, xã L, thành phố, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt).

2. Ông Phan Văn S, sinh năm 1973; Địa chỉ: Thôn M, xã L, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).

3. Bà Nguyễn Thị T2, sinh năm 1987; Địa chỉ: Thôn H, xã L, thành phố, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).

4. Ông Lê Văn T3, sinh năm 1984; Địa chỉ: Thôn S, xã L, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt – có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).

5. Ông Trần Văn T4, sinh năm 1957; Địa chỉ: Thôn M, xã L, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt – có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phạm Vũ K có ba xe cuốc và một xe tải hành nghề đào móng, san lấp… tại xã L, thành phố V. K mượn bãi đất trống nhà ông Trần Văn T4, sinh năm 1957, địa chỉ: Thôn M, xã L, thành phố V để đậu những phương tiện trên và tập kết gạch, đá, xà bần xin được từ các nơi tháo dỡ, bỏ đi. Vào sáng ngày 01/10/2021, ông Lê Văn T3, sinh năm 1984, địa chỉ: Thôn S, xã L, thành phố V, hợp đồng với K cho xe cuốc vào dọn rẫy trong khu đất trống của ông Thành tại thửa đất số 211, tờ bản đồ 16 thuộc Thôn M, xã L, thành phố V. Sau khi dọn đất cho ông Thành xong, cùng ngày, K thuê Nguyễn Đức N sinh năm 1986, địa chỉ: Thôn M, xã L, thành phố V, điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 72C-xxxxx của K chở xà bần xin được đang để ở khu đất trống của ông Thích qua nhà em trai K là ông Phạm Thanh P, sinh năm 1984, địa chỉ: Thôn B, xã L, thành phố V để san lấp sân bị ngập nước. Khi thực hiện công việc, K điều khiển xe mô tô hiệu Honda Vision, biển kiểm soát 72C- xxxxx đi trước dẫn đường cho N điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 72C-xxxxx kéo theo 01 (một) xe cuốc loại nhỏ, bánh xích bằng kim loại đi đến khu đất nhà ông T3, sau đó đi đến nhà ông T4.

Tại đây, K điều khiển xe cuốc có sẵn tại đó để xúc xà bần lên xe ô tô tải cho N chở qua nhà P để san lấp sân. Đến chuyến chở xà bần thứ hai, khi N đang điều khiển xe trên đường thì bị ông Đỗ Văn T1, sinh năm 1977, địa chỉ: Thôn N, xã L, thành phố V là công chức địa chính, phụ trách công tác về đất đai, xây dựng và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân xã L, thành phố V cùng ông Trịnh Hải L, sinh năm 1963, địa chỉ: Thôn N, xã L, thành phố V, cũng là thành viên trong tổ kiểm tra xây dựng của xã đang trên đường đi làm nhiệm vụ, yêu cầu N dừng xe để kiểm tra hành chính vì thấy xe chở đất, cát (nghi ngờ khai thác cát trái phép) và không có bạt che (ảnh hưởng đến môi trường). N đã gọi cho K để thông báo vụ việc bị ông T1 kiểm tra. Sau đó N nói với ông T1 rằng lấy đất, xà bần ở khu vực nhà ông T4. Ông T1 nói với N đã kiểm tra chụp lại hình xe ô tô rồi và cho N đi. Ông T1 và ông L tiếp tục đi về hướng Ủy ban nhân dân xã L thì gặp K đi ngược chiều. Lúc này K đi đến chỗ ông T1 và hỏi về việc lý do ông T1 yêu cầu dừng xe ô tô tải của K. Ông T1 hỏi K về nguồn đất, cát chở trên xe tải của K, K trả lời lấy chỗ nhà ông T4 và ông T3. K nói với ông T1 nếu không tin K đưa ông T1 vào kiểm tra. Sau đó, K đưa ông T1 cùng ông L đi đến đất trống nhà ông T4 rồi K đi về còn ông T1 tiếp tục đi theo vết bánh xe ô tô trên đường đi qua nhà ông Thích để đến khu đất của ông T3 thì phát hiện 01 (một) xe cuốc của K để tại mép hố đất trên nên thông báo về Ủy ban nhân dân xã L. Đến khoảng 13 giờ 15 phút cùng ngày, N đến nhà K để trả xe ô tô và nói: “Em chạy xe mà anh T1 cứ bắt bớ như vậy làm em áp lực quá, Em bỏ” khiến K tức giận vì ông T1 thường xuyên chặn xe kiểm tra làm tài xế của K sợ nên nghỉ hết. Khoảng 14 giờ cùng ngày, K chở vợ là bà Nguyễn Thị T2, sinh năm 1987, địa chỉ: Thôn H, xã L, thành phố V đi đến chợ LS thì thấy ông T1 đang đứng nói chuyện với ông Phan Văn S (tên gọi khác là Le), sinh năm 1973, địa chỉ: Thôn M, xã L, thành phố V đối diện nhà ông T1. K liền quay xe lại chỗ ông T1 và nói: “Đù má, Anh làm gì mà chặn xe tôi, anh có quyền gì mà chặn xe tôi. Vì anh mà làm lính tôi nghỉ hết”. Ông T1 không nói gì. K liền dùng tay phải đấm vào mặt ông T1 01 (một) cái rồi lấy mũ bảo hiểm đánh vào mặt ông T1 thì ông Sang can ngăn lại nhưng bị phần quai mũ đánh trúng vào mặt ông T1 gây thương tích. Ông T1 trình báo cơ quan chức năng và có đơn yêu cầu khởi tố hình sự đối với hành vi của K.

Tại bản kết luận giám định pháp y số 273/Tgt ngày 14/8/2021 của Trung tâm pháp y thuộc sở y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kết luận thương tích đối với ông Đỗ Văn T1 như sau:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- 01 sẹo vùng mặt 2. Về đặc điểm vật gây ra thương tích, cơ thể:

- Thương tích nêu trên khả năng gây ra bởi sự tác động của vật rắn tày, tác động trược tiếp vào vết thương theo hướng từ trước ra sau.

3. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra hiện tại là: 03% (ba phần trăm).

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Phạm Vũ K đã khai nhận hành vi phạm tội như trên, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (Bút lục điều tra từ số 45-59).

Việc thu giữ và xử lý vật chứng: 01 mũ bảo hiểm màu xám đen, hiệu Mikko (Hiện đang do Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố V quản lý).

Về trách nhiệm dân sự: Trong giai đoạn điều tra, truy tố và trước khi mở phiên tòa, bị cáo Phạm Vũ K đã tự nguyện nộp số tiền 20.000.000 đồng nhằm khắc phục hậu quả. Ông Đỗ Văn T1 chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và chưa nêu rõ các yêu cầu bồi thường.

Tại phiên tòa, bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường các khoản gồm: 1.000.000đ (một triệu đồng) tiền thuốc và khám điều trị thương tích và yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần bằng 49.000.000đ (bốn mươi chín triệu đồng), tổng cộng là 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng). Bị cáo đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bị hại vì bản thân đã nhận thức được sai phạm về hành vi do nóng nảy của mình, đồng thời bị cáo ăn năn hối cải, xin lỗi bị hại ngay tại phiên tòa.

Bản cáo trạng số 28/CT-VKS ngày 18/01/2022 Viện kiểm sát nhân dân thành phố V đã truy tố bị cáo Phạm Vũ K về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố V giữ nguyên nội dung Cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phạm Vũ K phạm tội “Cố ý gây thương tích”, đề nghị:

Về hình phạt: Áp dụng điểm a, k khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự, đề nghị xử phạt bị cáo mức án từ 06 (sáu) đến 09 (chín) tháng tù.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị tịch thu tiêu hủy 01 mũ bảo hiểm màu xám đen, hiệu Mikko là công cụ thực hiện hành vi phạm tội, không còn giá trị sử dụng.

Về trách nhiệm dân sự: Tại tòa, bị cáo và bị hại đã thống nhất thỏa thuận giải quyết về trách nhiệm dân sự. Theo đó, bị cáo và bị hại thống nhất, bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại tổng số tiền là 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng). Nên đề nghị ghi nhận và buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường.

- Quá trình điều tra cũng như tại phiên toà, bị cáo thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như nội dung cáo trạng và ý kiến luận tội của Viện kiểm sát. Chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt. Lời nói sau cùng, bị cáo thể hiện ăn năn hối hận về hành vi sai phạm của mình. Xin lỗi bị hại, mong bị hại tha thứ, Pháp luật khoan hồng.

Bị hại đồng ý với tội danh và khung hình phạt như đại diện Viện kiểm sát đã thay đổi truy tố và đề nghị, không có ý kiến tranh luận. Thống nhất thỏa thuận giải quyết về trách nhiệm dân sự như các khoản, mức bồi thường, đề nghị Hội đồng xét xử vụ án, bị cáo theo qui định của Pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quá trình tiến hành tố tụng đã thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Về sự vắng mặt của người tham gia tố tụng: Người làm chứng là ông Nguyễn Đức N, Lê Văn T3, Trần Văn T4 vắng mặt nhưng đã có biên bản ghi lời khai, nội dung trình bày ý kiến trong quá trình điều tra và việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Nên căn cứ Điều 293 Bộ luật Tố tụng Hình sự, xét xử vắng mặt những người này.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo:

Căn cứ lời khai nhận về hành vi, sự việc của bị cáo tại phiên tòa, đối chiếu lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai của bị hại, người làm chứng, bản kết luận giám định pháp y về thương tích và các chứng cứ, tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa là hoàn toàn phù hợp, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định:

Do bức xúc từ sự việc sáng ngày 01/10/2021, ông Đỗ Văn T1 (công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân xã L, thành phố V) yêu cầu Nguyễn Đức N, sinh năm 1986 (địa chỉ: Thôn M, xã L, thành phố V) là người lái xe thuê cho Phạm Vũ K dừng xe ô tô tải biển kiểm soát 72C-xxxxx để kiểm tra hành chính, khiến N lo ngại nên thông báo cho K là N xin nghĩ việc. Nên khoảng 14 giờ cùng ngày, K chở vợ đi chợ thì gặp ông Đỗ Văn T1 đang đứng nói chuyện với ông Phan Văn S là hàng xóm đối diện nhà ông T1, bị cáo quay xe lại chỗ ông T1 và chữi tục, thắc mắc tại sao lại chặn xe của K (“Đù má, Anh làm gì mà chặn xe tôi, anh có quyền gì mà chặn xe tôi. Vì anh mà làm lính tôi nghỉ hết”). Ông T1 không nói gì. K liền dùng tay phải đấm vào mặt ông T1 01 (một) cái rồi lấy mũ bảo hiểm vung ngang vào mặt ông T1 02 cái, phần quai mũ bảo hiểm quất trúng vào mặt ông T1 gây thương tích. Thấy vậy, ông S vào can ngăn nên vụ việc chấm dứt. Qua giám định theo Kết luận giám định pháp y số 273/Tgt ngày 14/8/2021 của Trung tâm pháp y thuộc sở y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết luận: Thương tích của ông T1 ở mí trên vùng đuôi mắt trái (kích thước 1,2cm x 0,2cm), với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 03% (ba phần trăm).

Hành vi của bị cáo Phạm Vũ K đã thực hiện đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” Điều 134 Bộ luật Hình sự như Viện kiểm sát đã truy tố.

* Hội đồng xét xử đáng giá về tình tiết cấu thành tội phạm, tình tiết định khung theo Viện kiểm sát đã truy tố đối với bị cáo:

- Tình tiết “Dùng hung khí nguy hiểm”: Bị cáo dùng mũ bảo hiểm đánh vào vùng mặt gây thương tích cho bị hại với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 3%, nên tình tiết cấu thành tội phạm theo điểm a khoản 1 Điều 134 như Viện kiểm sát truy tố là có căn cứ.

- Tình tiết “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”:

+ Tình tiết “Đối với người đang thi hành công vụ”: Xét thấy, vào thời điểm bị cáo K có hành vi đánh ông T1, ông T1 hoàn toàn không thực hiện nhiệm vụ nào về công vụ nên không có căn cứ để xử lý bị cáo ở tình tiết này.

+ Riêng đối với tình tiết “Vì lý do công vụ của nạn nhân”, thì Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Trên đường làm nhiệm vụ trở về, ông T1 thấy Nguyễn Đức N điều khiển xe ô tô tải chở đất, cát (nghi ngờ khai thác cát trái phép) và không có bạt che (ảnh hưởng đến môi trường) nên yêu cầu dừng xe để hỏi và nhắc nhỡ. Sau đó, khi gặp K được K dẫn đi xem nơi K lấy xà bần để xác định hành vi có vi phạm hay không của K. Tại các thời điểm này, ông T1 không có hành vi, thái độ áp đảo, lập biên bản, xử lý gì hoặc vượt phạm vi thẩm quyền của mình; K cũng không có hành vi gì đối với ông T1 vào lúc này. Chính bị cáo K cũng thừa nhận, đến chiều, sau khi nghe N thông báo nghỉ việc với lý do bị áp lực vì thường bị ông T1 kiểm tra xe (sáng ngày 01/10/2021 là lần thứ 2 N bị ông T1 yêu cầu dừng xe để kiểm tra, xử lý hành chính), bị cáo mới bức xúc nên khi chở vợ đi chợ và gặp ông T1 đang đứng nói chuyện riêng với ông Phan Văn S, bị cáo đã thiếu kiềm chế nên đã đánh và gây thương tích cho ông T1.

Hành vi bị cáo đánh ông T1 vì lý do bức xúc từ việc kiểm tra hành chính của ông T1 vào sáng cùng ngày. Hoàn toàn không từ hiềm khích cá nhân, mâu thuẫn riêng tư với nhau. Nên K phạm tội cố ý gây thương tích do bị cáo thấy bức xúc từ việc ông T1 thực hiện công vụ của mình. Vì vậy, tình tiết truy tố bị cáo K theo điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” phải giới hạn hơn so với truy tố của Viện kiểm sát, cụ thể là “Vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Từ đó, đủ căn cứ để qui kết bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự như đã nhận định ở trên.

[3] Xét tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội bị cáo gây ra đã xâm phạm đến sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ; gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy, cần áp dụng hình phạt tương xứng với hành vi, mức độ, hậu quả phạm tội của bị cáo nhằm giáo dục cải tạo riêng đối với bị cáo và bảo đảm phòng ngừa tội phạm chung.

[4] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

- Tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng.

- Tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã tự nguyện nộp tiền bồi thường thiệt hại cho bị hại. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tại phiên tòa, bị cáo đã cầu thị nhìn nhận sai trái của bản thân và thuận tình bồi thường theo toàn bộ yêu cầu của bị hại. Ngoài ra, trong đợt giản cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong yêu cầu phòng chống đại dịch Covid, bị cáo K đã tích cực tham gia chống dịch; đóng góp tiền của, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người gặp khó khăn, được địa phương ghi nhận và xác nhận; bị cáo là lao động chính của gia đình. Vì vậy, Hội đồng xét xử áp dụng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo các điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự khi lượng hình là phù hợp.

Xét bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng, đủ điều kiện để Hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo khi lượng hình, cũng đủ mức cải tạo giáo dục bị cáo và không gây nguy hiểm cho xã hội.

[5] Về xử lý vật chứng:

Đề xuất xử lý vật chứng của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ nên chấp nhận, cụ thể: Tịch thu tiêu hủy 01 mũ bảo hiểm màu xám đen, hiệu Mikko là công cụ thực hiện hành vi phạm tội, không còn giá trị sử dụng.

[6] Về trách nhiệm dân sự:

Tại phiên tòa, bị hại yêu cầu bị cáo K bồi thường các khoản gồm: 1.000.000đ (một triệu đồng) tiền thuốc và khám điều trị thương tích và yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần bằng 49.000.000đ (bốn mươi chín triệu đồng), tổng cộng là 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng). Bị cáo đồng ý bồi thường theo các khoản và mức yêu cầu của bị hại. Xét sự thỏa thuận giải quyết về trách nhiệm dân sự của bị cáo và bị hại không trái qui định của Pháp luật, không trái đạo đức, nên ghi nhận và buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường.

[7] Về án phí:

Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định (Bị cáo không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với khoản tiền 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) để bồi thường thiệt hại cho bị hại mà bị cáo đã nộp trước khi mở phiên tòa – Áp dụng qui định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/UBTVQH ngày 30/12/2016).

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Phạm Vũ K phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

1. Áp dụng điểm a, k khoản 1 Điều 134, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 65 Bộ luật Hình sự, Xử phạt Phạm Vũ K 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 12 tháng kể từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho UBND xã L, phối hợp với gia đình giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Người được hưởng án treo vắng mặt, thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc phải thực hiện và chấp hành theo qui định của Luật Thi hành án Hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo qui định của Luật Thi hành án Hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước đó và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo qui định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự; các điều 584, 585, 590 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ghi nhận và buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại tổng số tiền là 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng). Bị cáo đã nộp trước 20.000.000đ, nên bị cáo có trách nhiệm thực hiện bồi thường tiếp cho bị hại 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng).

Bị hại có quyền liên hệ với cơ quan Thi hành án Dân sự thành phố V để nhận số tiền 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) mà bị cáo đã nộp trước đó, theo Biên lai số 0000578 ngày 22/01/2022 và Biên lai số 0000626 ngày 16/3/2022 của Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố V.

Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường số tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất được qui định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Tịch thu tiêu hủy 01 (một) mũ bảo hiểm màu xám đen, hiệu Mikko.

Thực hiện xử lý vật chứng theo Biên bản giao nhận vật chứng số 73/BB.CCTHA ngày 24/01/2022 của Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố V.

4. Án phí: Bị cáo phải nộp 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 1.500.000đ (một triệu năm trăm ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm (án phí dân sự sơ thẩm của 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng) bị cáo chưa thi hành).

5. Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày tính từ ngày tuyên án, để yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

673
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 60/2022/HS-ST

Số hiệu:60/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Vũng Tàu - Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về