01/06/2019 17:00

Người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ thường không kiểm soát được suy nghĩ cũng như hành vi của mình nên sẽ có những hành động thiếu chín chắn. Chỉ cần một cái liếc mắt cũng có thể dẫn tới xô xát đánh nhau, chỉ vì một hành động nhỏ mà gây hậu quả nghiêm trọng dẫn tới bản thân vướng vào vòng lao lý. Nhưng, vì là người chưa thành niên, mà pháp luật cũng khoan hồng hơn với họ.

Điển hình, tại bản án 64/2018/HS-PT ngày 24/08/2018 tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai về tội cố ý gây thương tích đối với bị cáo Đàm Duy K.

Cụ thể, ngày 25/7/2017, Đàm Duy K, sinh ngày 19/4/2001 (khi thực hiện hành vi phạm tội mới 16 tuổi 3 tháng 06 ngày) mang theo người 01 con dao dạng dao gọt hoa quả dài 23 cm đi bộ từ nhà mình sang nhà của Phạm Thế M1, Phạm Đình Hướng chơi thì gặp Đào Ngọc P. Sau đó, cả nhóm rủ nhau đi bộ đi chơi. Khi đi đến đoạn đường thuộc thôn Đ, xã LĐ thì cả nhóm gặp Cao Ngọc M đi cùng với Nguyễn Trịnh K, Đàm Hưng N, Phạm Văn T, Nguyễn Trịnh Khải Đ, Hoàng Trung H1 đi ngược chiều. Do Cao Ngọc M và Đào Ngọc P có mâu thuẫn từ trước nên Cao Ngọc M đã dùng tay, chân đấm đá vào P, P cũng dùng tay đánh lại. Phạm Văn Thắng chạy vào can ngăn. Thấy Cao Ngọc M và Đào Ngọc P đánh nhau, Đàm Hưng N chạy vào hỗ trợ M. Khi N xông vào đánh P thì P có gọi “K ơi K”. Thấy vậy, K dùng dao gọt hoa quả dài khoảng 23 cm giấu sẵn trong người đâm 01 nhát vào cẳng tay phải của N, N bỏ chạy. K xông đến chỗ P và M đánh nhau, đứng phía sau M và đâm 03 nhát vào người M. Hậu quả làm Cao Ngọc M tổn thương 33% cơ thể.

Tòa án đã áp dụng khoản 3 Điều 134, Điều 51; Điều 91; Điều 54; Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS) xét xử bị cáo Đàm Duy K  về tội “Cố ý gây thương tích”. Đàm Duy K bị xử phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Trong vụ án này, ta thấy rằng Tòa án đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ khung hình phạt đối với bị cáo.

Đối chiếu với quy định của pháp luật hình sự tại Điều 91 khi xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:

“1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người dưới 18 tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này ....”

Bị cáo Đàm Duy K phạm tội gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm nhưng được tòa án áp dụng thêm Điều 54, Điều 91 BLHS nên được xử phạt theo hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt áp dụng, bị cáo chỉ còn bị xử phạt theo Khoản 1 Điều 134 BLHS. Điều này thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên.

Đặc biệt trong vụ án, tuy có hành vi mang theo dao và đâm 3 nhát vào người bị hại, nhưng Tòa án không áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” đối với bị cáo mặc dù đại diện Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu Tòa án dụng tình tiết tăng nặng này.

Theo Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 1995, khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…

Tình tiết này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của từng người, không có sự thống nhất áp dụng chung dễ dẫn đến thực trạng các thẩm phán, kiểm sát viên… xác định có tính chất côn đồ là khác nhau điển hình như trong vụ án.

Qua vụ án, ta thấy rằng Hội đồng xét xử đã xem xét toàn diện xét đến mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của bị cáo khi gây án, nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo có hành vi phạm tội... Không những thế, tòa án nhận thấy rằng bị cáo còn đang trong độ tuổi chưa thành niên, khả năng nhận thức pháp luật còn hạn chế, hành vi của bị cáo chỉ mang tính chất bộc phát, tức thời vì vậy khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, Tòa án đã hạn chế áp dụng hình phạt tù. Việc xử lý bị cáo chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ bị cáo sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bản án mà Tòa án đã tuyên là hoàn toàn xác đáng.

Thu Linh
10992

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn