02/02/2021 11:44

Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp dùng xăng đốt gây thương tích

Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp dùng xăng đốt gây thương tích

Hiện nay, việc áp dụng Điều 134 BLHS năm 2015 có bất cập đối với trường hợp dùng xăng đốt gây thương tích, cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này.

1. Tình huống cụ thể

1.1. Tình huống: Nguyễn Văn A mượn một can nhựa (loại 20 lít) của tiệm tạp hóa rồi mua 10 lít xăng và 1 bật lửa ga để đi vào rẫy. Sau đó, khi đang đi bộ trên đường về nhà thì A nhìn thấy Nguyễn Văn B đang điều khiển xe mô tô chở Nguyễn Văn C thì A yêu cầu B dừng xe để nói chuyện, trong quá trình nói chuyện A, B và C có mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau. Lúc này, A tay phải cầm can nhựa chứa xăng tạt theo chiều từ dưới lên trên làm một phần dung dịch xăng trong can văng ra ngoài trúng vào người B và cánh tay trái của A. B nhanh chóng dùng tay hất can nhựa rơi xuống đất và dùng chân đá can nhựa ra xa. Trong lúc đó, A dùng tay trái đang cầm bật lửa ga bật lửa làm lửa bốc lên người B và cánh tay A, B liền chạy vào nhà dân gần đó để được dập lửa. Sau đó, cả A và B được đưa đi cấp cứu.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Đ kết luận B bị sẹo bỏng diện tích 16%, tỷ lệ thương tật là 23%; sẹo bỏng cổ tay trái gây di chứng hạn chế gấp duỗi cổ tay, tỷ lệ thương tật 6,16%; tổng tỷ lệ thương tật là 29%.

1.2. Quan điểm giải quyết vụ án: Hiện nay, có hai quan điểm giải quyết vụ án như sau:

Quan điểm thứ nhất: Xét xử và xử phạt bị cáo A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung hình phạt là “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai: Xăng không phải là hung khí nguy hiểm nên trong trường hợp này, tỷ lệ thương tật của B là 29% thì xét xử và xử phạt A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

2. Vướng mắc khi áp dụng pháp luật

Điều 134 BLHS năm 2015 quy định: 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; …       

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm: …  đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.”

 Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể Điều 134 BLHS năm 2015; nhưng các văn bản hướng dẫn BLHS năm 1999 hướng dẫn như sau: Tại tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999 quy định: “Dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao[1] để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Ví dụ: Theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì dao nhọn là phương tiện nguy hiểm và đã được A sử dụng gây thương tích cho B thì thuộc trường hợp "dùng hung khí nguy hiểm".

Mặt khác, tại văn bản số 70/TANDTC-PC ngày 24-3-2016 của TANDTC về việc xác định chất cháy quy định tại điểm b khoản 2 Điều 143 BLHS năm 1999 (trả lời Công văn số 216/CV-TA ngày 23-11-2015 của TAND tỉnh Đăk Nông về vướng mắc xăng có phải là chất cháy theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 143 BLHS năm 1999 hay không) thể hiện: “Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2 phần I mục B Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07-01-1995 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn áp dụng Điều 95, 96 của Bộ luật Hình sự năm 1985 thì: “Chất cháy là chất có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với oxy trong không khí, nước hoặc khi có tác động của các yếu tố khác và những chất dễ tự bốc cháy ở nhiệt độ không cao, như diêm tiêu (ka-li-nitrat), phốt pho, thuốc đạn…”. Đồng thời, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) thì tình tiết định khung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 143 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”; khoản 2 Điều 3 Luật Phòng cháy, Chữa cháy (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định “chất nguy hiểm về cháy nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hóa, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ”. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Phòng cháy, chữa cháy thì xăng là chất nguy hiểm về cháy, nổ.”

Như vậy, theo quan điểm của tác giả việc xét xử và xử phạt bị cáo A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung hình phạt là “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 theo quan điểm thứ nhất là chưa phù hợp với các hướng dẫn nêu trên. Tuy nhiên, nếu theo quan điểm thứ hai xét xử và xử phạt A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 thì chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả cho hành vi phạm tội của A gây ra; việc dùng xăng đốt gây ra tỷ lệ thương tật 29%, không khác dùng dao nhọn chém gây ra tỷ lệ thương tật 29%, vì dao nhọn hay xăng đốt đều rất nguy hiểm.

3. Kiến nghị

Tác giả kiến nghị bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 “Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” thêm tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm”[2] đây sẽ là căn cứ để Tòa án các cấp xét xử nghiêm trị những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của người khác.

TRƯƠNG THỊ DIỄM MY (Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

[1] Tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số: 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999 quy định:

2. Về khái niệm "vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự

2.1. "Vũ khí" là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).

2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

a. Về công cụ, dụng cụ

Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra

Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...

c. Về vật có sẵn trong tự nhiên

Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...

[2] Tác giả tham khảo mục 5 Phần I Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999.

1809

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn