TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 25/2022/HS-PT NGÀY 28/04/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 28 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 13/2022/TLPT-HS ngày 02 tháng 3 năm 2022 do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 151/2021/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng.
- Bị cáo bị kháng nghị:
Bùi Thị T (tên gọi khác C), sinh năm X, tại Hải Phòng; nơi cư trú: Tổ dân phố Q, thị trấn M, huyện T, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 07/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Văn Ch và bà Lê Thị T (đều đã chết); chồng là Trần Quang D (đã chết); có 03 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/6/2021; có mặt.
- Bị hại:
Bà Bùi Thị M, sinh năm 1943; nơi cư trú: Tổ dân phố Q, thị trấn M, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bùi Thị T và bà Bùi Thị M, sinh năm 1943, trú tại tổ dân phố Q, thị trấn M, huyện T, thành phố Hải Phòng có quan hệ họ hàng (bị cáo T gọi bà M là cô).
Do T nghe được thông tin bà M nói xấu mình về việc T đi làm có tiền mà không thờ cúng bố mẹ đoàng hoàng nên đã tìm gặp bà M để nói chuyện. Khoảng 19 giờ ngày 13/02/1998, T gặp bà M ở chòi bảo vệ khoan đá (tại tổ dân phố Q nơi bà M đang làm việc) hai bên xảy ra đôi co, T dùng chiếc bu-lông (dài khoảng 18cm, đường kính 02-03cm) đập vào người vùng đầu bà M. Hai bên giằng co, T kéo lê bà M đến khu vữ giếng nước ở gần đó, cách khoảng 13m, T tiếp tục nhặt gạch đá dưới đất đánh bà M nhưng không trúng do bà M giằng co lại. Bà M giằng được chiếc bu-lông trên tay T đánh lại thì được mọi người can ngăn. Bà M bị chảy máu được mọi người đưa đi cấp cứu, T bỏ trốn. Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra vụ việc thu thập các dấu vết: tại căn nhà xây bằng đá xanh (chiều dài 06m, rộng 03m, cao 3,5m, mái lợp ngói tôn prôximăng. Cách chiếu giường (dài 02m, rộng 0,8m) ở gian nhà ngoài khoảng 1,2m về phía nam đi theo cửa sau ra ngoài có nhiều vết máu. Ngay sát cửa ra vào phía đông có 01 chiếc rổ con có nhiều vết máu đã khô để trong 01 thùng gỗ đựng bát đũa. Nắp thùng để nghiêp, cạnh thùng có nhiều vết máu dã khô. Cửa nhà hướng nam được che bằng tấm bạt vải nhựa màu xanh thẫm (Trung Quốc sản xuất) trên mặt bàn có nhiều vết máu đã khô. Dưới gầm giường có 01 chiếc cào đá, cán còn bám dính nhiều vết máu đã khô. Phía Đông Nam cách căn nhà trên có 01 giếng nước (đường kính 0,8m, xung quang miệng giếng là đất hòn) có nhiều vết máu bám trên đất đã khô. Trong khám nghiệm có thu giữ vật chứng là chiếc bu-lông bị can T dùng đánh bà M đã nhập kho vật chứng, do thời gian đã lâu, chuyển trụ sở công tác bảo quản vật chứng không tốt nên không tìm thấy chiếc bu-lông trên tại kho vật chứng của Công an huyện T. Quá trình điều tra cơ quan điều tra đã cho bị can và những người biết mô tả lại đặc điểm vật chứng dùng tấn công bà M. Bà M bị thương tích điều trị tại Bệnh viện huyện T từ ngày 13/02/1998 đến ngày 25/02/1998 ra viện. Tổng chi phí điều trị thương tích là 6.730.000 đồng. Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 259/GĐPY ngày 25/02/1998 của Tổ chức giám định pháp y Hải Phòng kết luận: Nạn nhân Bùi Thị M bị đa vết thương vùng đầu có biểu hiện chấn động nào làm giảm 15% sức khỏe và khả năng lao động của bản thân. Ngày 20/6/2021 Bùi Thị T bị công an xã Nam Dương, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông bắt theo lệnh truy nã của Công an thành phố Hải Phòng.
Bản án số 151/2021/HS-ST ngày 28/12/2021, Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng đã xác định ngày 13/02/1998 bị cáo T đã có hành vi dùng chiếc bu-lông bằng sắt đánh vào người, đầu bà Bùi Thị M làm giảm 15% sức khỏe và khả năng lao động. Thời điểm bị cáo phạm tội ngày 13/02/1998 (thời điểm BLHS năm 1985 có hiệu lực pháp luật) đối chiếu các quy định giữa tại Điều 109 của Bộ luật hình sự năm 1985 với các quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì các quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015 nhẹ hơn. Do vậy Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp dụng Nghị quyết 41/2017, ngày 20/6/2017 của Quốc hội, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo người phạm tội, xử lý hành vi của bị cáo T theo quy định tại BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là phù hợp thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với bị cáo. Từ những phân tích và nhận định hành vi nêu trên đủ cơ sở kết luận bị cáo Bùi Thị T phạm tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự. Đồng thời Bản án số 151/2021/HS-ST ngày 28/12/2021, Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng đã căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s, o khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử: Phạt bị cáo Bùi Thị T 36 (Ba mươi sáu) thàng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 05 năm từ ngày tuyên án về tội “Cố ý gây thương tích”. Giao bị cáo Bùi Thị T về Ủy ban nhân dân thị trấn M, huyện T, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ-VKSTN ngày 04/01/2022 kháng nghị Bản án số 151/2021/HS-ST ngày 28/12/2021, Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng về việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo đối với bị cáo Bùi Thị T, đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng sửa một phần bản án sơ thẩm, áp dụng Điều 38 Bộ luật Hình sự áp dụng hình phạt tù (không cho hưởng án treo) đối với bị cáo Bùi Thị T.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Bị cáo Bùi Thị T thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu, bị cáo hiện nay đã già yếu xin được sự khoan hồng của pháp luật.
- Ý kiến của Kiểm sát viên: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho thấy Bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo Bùi Thị T là đúng tội và đúng pháp luật, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo là vi phạm Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành để hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo, không cho bị cáo được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 04/01/2022 Viện kiểm sát nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng kháng nghị bản án sơ thẩm đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng sửa một phần bản án sơ thẩm, áp dụng Điều 38 BLHS áp dụng hình phạt tù (không cho hưởng án treo) đối với bị cáo Bùi Thị T. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo, bị hại không kháng cáo.
Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng về không cho bị cáo hưởng án treo:
[2] Ngày 13/02/1998 bị cáo Bùi Thị T đã có hành vi dùng chiếc bu-lông bằng sắt đánh vào người, đầu bà Bùi Thị M mà tỷ lệ tổn thương cơ thể là 15%. Thời điểm bị cáo phạm tội ngày 13/02/1998 là thời điểm Bộ luật Hình sự năm 1985 có hiệu lực pháp luật. Đối chiếu các quy định giữa tại Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 1985 với các quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì các quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nhẹ hơn. Do vậy Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp dụng Nghị quyết 41/2017, ngày 20/6/2017 của Quốc hội, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo người phạm tội, xử lý hành vi của bị cáo Bùi Thị T theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là phù hợp thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với bị cáo. Tòa án cấp sơ thẩm đã kết luận bị cáo Bùi Thị T phạm tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ.
[3] Căn cứ tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo chưa có tiền án tiền sự, lần đầu phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại; người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s, o khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; bị cáo có thành tích trong lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chứng nhận Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn, ngày 07/7/1989 là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên đối với bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.
[4] Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Sau khi phạm tội bị cáo đã bỏ trốn đến ngày 20/6/2021 bị cơ quan Công an bắt theo Lệnh truy nã. Hành vi của bị cáo thể hiện sự liều lĩnh, coi thường pháp luật. Tuy nhiên, xét bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; nhân thân chưa từng bị kết án; trong quá trình bỏ trốn không có hành vi vi phạm pháp luật khác; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng; đến thời điểm hiện nay bị cáo đã 74 tuổi là người già nhiều bệnh tật (bệnh huyết áp cao, tim) nên tính nguy hiểm cho xã hội không còn, việc cho bị cáo được cải tạo giáo dục tại địa phương có sự giám sát của gia đình và chính quyền địa phương nơi cư trú cũng không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ-VKSTN ngày 04/01/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng đã nêu Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Bùi Thị T 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 năm là không tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo gây ra và vi phạm các quy định về những trường hợp không được hưởng án treo tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành để hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.
Trong khi đó Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện. 2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”. Hành vi phạm tội của bị cáo thực hiện từ năm 1998. Như vậy, Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện T cho rằng bản án sơ thẩm cho bị cáo được hưởng án treo là vi phạm các quy định về những trường hợp không được hưởng án treo tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và đề nghị cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm không cho bị cáo được hưởng án treo là không phù hợp với quy định tại Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên. Do đó, Hội đồng xét xử nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 05 năm từ ngày tuyên án về tội “Cố ý gây thương tích”, không bắt bị cáo phải chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ đã thể hiện sự khoan hồng đối với người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
[5] Từ những phân tích như trên, Hội đồng xét xử xét thấy cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[6] Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[7] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 151/2021/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng.
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s, o khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt bị cáo Bùi Thị T 36 (Ba mươi sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là (05) năm năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Bùi Thị T cho Ủy ban nhân dân thị trấn M, huyện T, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.
Việc giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thực hiện theo quy định tại Điều 68 Luật Thi hành án hình sự. Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo.
2. Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số: 151/2021/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 25/2022/HS-PT
Số hiệu: | 25/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/04/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về