Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính đối với việc xem xét cho hưởng trợ cấp số 403/2023/HC-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 403/2023/HC-PT NGÀY 06/06/2023 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI VIỆC XEM XÉT CHO HƯỞNG TRỢ CẤP

 Ngày 06 tháng 06 năm 2023, tại điểm cầu Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và điểm cầu Tòa án nhân dân tỉnh TB, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử trực tuyến, phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 570/2023/TLPT-HC ngày 01 tháng 12 năm 2022 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính đối với việc xem xét cho hưởng trợ cấp”, do có kháng cáo của người khởi kiện đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 45/2022/HC-ST ngày 17 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh TB.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 5280/2023/QĐPT-HC ngày 15/5/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, giữa các đương sự:

* Người khởi kiện: Ông Phạm Xuân B, sinh năm 1953, thôn Xuân Bảng, xã Bình Nguyên, huyện KX, tỉnh TB (có mặt).

* Người bị kiện: Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh TB (Giám đốc Sở LĐ TB&XH tỉnh TB).

Người đại diện: Ông Phí Ngọc T - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh TB (vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện, đơn bổ sung đơn khởi kiện, bản tự khai và trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, người khởi kiện trình bày:

Tháng 8/1972, ông B tham gia kháng chiến chống Mỹ tại mặt trận CV, tỉnh Quảng Trị đến tháng 12 năm 1974 ông về địa phương. Quá trình tham gia kháng chiến ông đã bị nhiễm chất độc hóa học nên khi về địa phương sức khỏe của ông bị suy giảm và sinh con bị dị dạng dị tật. Sau khi về địa phương ông bị bệnh phong hoành hành, bị viêm thận, rối loạn tuần hoàn não, nấm tóc, mẩn ngứa toàn thân do di chứng của bệnh phong và giảm khả năng lao động. Năm 1976, ông sinh con là Phạm Thị H bị dị tật, vẩy nến bàn tay trái bẩm sinh, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt. Năm 1993, con đẻ của ông sinh ra bị chết ngay sau khi sinh do đầu mềm nhũn, não úng thủy.

Năm 2008, ông được Nhà nước cho đi giám định sức khỏe và kết luận bị giảm 81% sức khỏe nên đã được hưởng chế độ trợ cấp đối với người bị nhiễm chất độc hóa học. Quá trình hưởng trợ cấp ông được tăng lương đều nhưng đến năm 2020 ông bị ngừng chi trả chế độ trợ cấp theo Quyết định số 1870/QĐ-SLĐTBXH ngày 24/12/2020 của Giám đốc Sở LĐ TB&XH tỉnh TB (viết gọi tắt là Quyết định số 1870). Việc ngừng trợ cấp làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của ông vì ông không còn khả năng lao động và ông không có chế độ trợ cấp gì khác.

Ông B nhận thấy việc ngừng thực hiện chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của Giám đốc Sở LĐ TB&XH tỉnh TB với lý do ông không đủ điều kiện căn cứ pháp lý để hưởng trợ cấp là không đúng. Vì vậy, ông khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 1870 của Giám đốc Sở LĐ TB&XH tỉnh TB về việc ngừng thực hiện chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

* Người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện trình bày:

Triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư số 07/2006/TT- BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH ngày 15/11/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Công văn số 98/UBND-VX ngày 24/01/2007 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh TB về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 54/2006/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh TB, ông Phạm Xuân B đã có Bản khai cá nhân ghi ngày 20/5/2007, trong đó ông B khai có con đẻ là Phạm Thị H, sinh năm 1976, bị dị dạng, dị tật (DDDT): Vẩy nến bàn tay trái bẩm sinh. Các giấy tờ thể hiện thời gian tham gia Hoạt động kháng chiến (HĐKC) tại vùng Quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học (CĐHH) trong chiến tranh ở Việt Nam trong thời gian từ 01/8/1961 đến 30/4/1975 gồm có (bản sao): Giấy chứng nhận huy chương; Quyết định xuất ngũ của Trung đoàn 36. Các giấy tờ chứng minh con đẻ mắc dị dạng, dị tật của cấp huyện và cấp xã bao gồm:

+ Giấy xác nhận số 89/XN ngày 21/5/2007 của UBND Huyện KX xác nhận ông B có con đẻ là Phạm Thị H, sinh năm 1976 bị dị dạng, dị tật: vẩy nến bàn tay trái bẩm sinh;

+ Biên bản của Hội đồng chính sách xã Bình Nguyên;

+ Giấy xác nhận của UBND xã Bình Nguyên;

+ Giấy xác nhận của Trạm y tế xã Bình Nguyên, xác nhận ông B có con đẻ là Phạm Thị H sinh năm 1976, bị dị dạng, dị tật: vẩy nến bàn tay trái bẩm sinh, suy giảm khả năng tự lực được trong sinh hoạt.

Sau khi xét duyệt hồ sơ đầy đủ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu ông B đến giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật tại Hội đồng giám định y khoa tỉnh TB; ngày 10/10/2008, Hội đồng giám định y khoa tỉnh TB có biên bản giám định bệnh tật số 2378/GĐYK kết luận ông B có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật là 81%.

Căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa, ngày 14/11/2009, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông báo số 535/SLĐTBXH về việc giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có nêu rõ “ông Phạm Xuân B là người đã có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ trước 30/4/1975 ở các vùng quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi trở về mắc bệnh nên bị suy giảm khả năng lao động. Ông Phạm Xuân B được Hội đồng GĐYK giám định ngày 10/10/2008 kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81%. Ông Phạm Xuân B có con đẻ là Phạm Thị H, sinh năm 1976, bị dị dạng, dị tật “vẩy nến bàn tay trái bẩm sinh”, gửi về UBND xã Bình Nguyên, yêu cầu niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và thông báo trên Đài truyền thanh xã. Qua quá trình công khai tại địa phương, UBND xã Bình Nguyên không nhận được ý kiến thắc mắc, ngày 05/12/2008, xã Bình Nguyên có biên bản đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp người HĐKC bị nhiễm CĐHH gửi về Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện KX để gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trên cơ sở biên bản kết quả công khai và đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi người có công đối với ông B của UBND xã Bình Nguyên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-SLĐTBXH ngày 20/12/2008 về việc trợ cấp người HĐKC bị nhiễm CĐHH đối với ông B kể từ tháng 12/2008, với mức trợ cấp 1.083.000 đồng/tháng (mức trợ cấp bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên).

Năm 2014, Bộ Lao động thương binh và xã hội tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng tại tỉnh TB. Kết luận thanh tra số 44/KL-TTr, ngày 02/4/2015 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thể hiện: tại điểm 2.1, mục 2, phần III kết luận việc xác lập hồ sơ người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH khi thực hiện Nghị định 54/2006/NĐ-CP và Thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH có thiếu sót: “Khi các cơ quan có thẩm quyền (như Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế) chưa có hướng dẫn về danh mục dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH làm cơ sở để xác lập hồ sơ nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh TB đã căn cứ vào danh mục 125 loại dị dạng, dị tật do CĐHH ban hành kèm theo Hướng dẫn số 06 ngày 08/3/2007 của Sở Y tế TB để tiến hành xác lập, xét duyệt, xác nhận hồ sơ đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH sinh con dị dạng, dị tật; trong đó có nhiều trường hợp y tế cấp xã, huyện chưa đủ cơ sở để xác định là dị dạng, dị tật bẩm sinh như: cận thị bẩm sinh, mẩn ngứa bẩm sinh, biến dạng lồng ngực, hoặc xác nhận những loại bệnh không phải là dị dạng, dị tật nhưng vẫn được giải quyết chế độ như: gai cột sống, pholip hậu môn, nhược cơ chu kỳ...” Đồng thời, kiến nghị đối với toàn bộ 11.559 hồ sơ hưởng trợ cấp ưu đãi người HĐKC bị nhiễm CĐHH xác lập theo Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH (Tại đoạn h, tiết 1.2.2, khoản 1, Mục IV kiến nghị và các biện pháp xử lý trong đó có trường hợp của ông Phạm Xuân B) như sau: Giám đốc Sở LĐ TB&XH tỉnh TB báo cáo UBND tỉnh lập kế hoạch phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm giám định y khoa thành lập Tổ công tác để tiến hành kiểm tra, rà soát thực chứng về tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ làm điều kiện để giải quyết chế độ ... báo cáo kết quả về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Sau khi thực hiện việc rà soát xong các đối tượng thuộc huyện Đông Hưng và KX thì tiến hành việc rà soát, thực chứng đối với tất cả các đối tượng của các huyện còn lại trong toàn tỉnh. Việc rà soát, thực chứng kết thúc trước ngày 31/12/2016 và báo cáo toàn bộ kết quả rà soát về Bộ LĐTBXH trước ngày 31/3/2017.

- Thực hiện Văn bản số 1182/UBND-KGVX ngày 03/4/2017 của UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra số 44/KL-TTr của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành:

+ Quyết định số 324/QĐ-SLĐTBXH, ngày 13/6/2017 về việc thành lập Tổ công tác tiến hành thực chứng tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người HĐKC liên quan đến phơi nhiễm CĐHH (thành phần Tổ công tác gồm có đại diện các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng).

+ Kế hoạch số 32/KH-SLĐTBXH, ngày 20/6/2017 triển khai công tác thực chứng dị dạng, dị tật của con đẻ người HĐKC có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH.

- Tháng 11/2017, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra đột xuất, trọng tâm Thanh tra bộ kiểm tra việc xác nhận đối tượng và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ và ban hành Kết luận thanh tra số 482/KL-TTr, ngày 29/11/2017. Tại đoạn c, tiết 1.2.2, điểm 1.2, khoản 1, Mục IV kiến nghị của Kết luận thanh tra số 482/KL-TTr, nêu:

“Đối với 70 trường hợp hồ sơ được xác lập theo Thông tư số 07/2006/TT- BLĐTBXH nhưng đến tháng 9/2009 hoặc có những trường hợp đến tháng 6/2010 Sở LĐ TB&XH tỉnh TB mới ban hành Quyết định hưởng trợ cấp nêu tại đoạn d, tiết 2.2.1, điểm 2.2, khoản 2 Mục II Kết luận thanh tra này, đề nghị Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh TB thực hiện như sau:

- Tiến hành kiểm tra, thực chứng về tình trạng bệnh, tật, dị dạng, dị tật làm điều kiện giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH đối với 70 trường hợp nêu trên. Việc rà soát, thực chứng kết thúc trước ngày 31/12/2017 - Sau khi có kết quả kiểm tra, thực chứng, những trường hợp không bị mắc bệnh tật, dị dạng, dị tật theo quy định thì ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền đã hưởng sai nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện 02 Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ (số 44/KL-TTr, ngày 02/4/2015 và số 482/KL-TT, ngày 29/11/2017) ngày 22/01/2018, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì cuộc họp tại TB để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Kết luận thanh tra. Tại Thông báo kết luận số 554/TB-LĐTBXH, ngày 06/02/2018 đã thống nhất với việc UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện việc rà soát lại từng trường hợp đang hưởng chế độ người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, sau khi tiến hành rà soát, những trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ thì đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền hưởng sai nộp ngân sách Nhà nước.

Căn cứ các Kết luận thanh tra số 44/KL-TTr, ngày 02/4/2015 và số 482/KL- TT, ngày 29/11/2017 của Thanh tra Bộ LĐTB&XH, Thông báo kết luận số 554/TB-LĐTBXH, ngày 06/02/2018 của Bộ LĐTB&XH, việc rà soát hồ sơ hưởng chế độ người HĐKC bị nhiễm CĐHH của ông B được thực hiện và trình tự các bước cụ thể sau:

- Ngày 08/8/2017, Tổ công tác tiến hành thực chứng tình trạng DDDT của con đẻ của ông Phạm Xuân B là chị Phạm Thị H đã kê khai trong hồ sơ và lập Phiếu kiểm tra, xác định tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người HĐKC, trong đó kết luận của Tổ thực chứng: Vẩy nến, viêm da.

- Ngày 01/3/2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp với đại diện các Tổ công tác để rà soát, thảo luận kết quả thực chứng và kết luận đối với từng trường hợp và lập thành danh sách gồm: (1) Các trường hợp con đẻ người HĐKC mắc DDDT bẩm sinh do hậu quả của CĐHH; (2) Các trường hợp con đẻ người HĐKC không mắc DDDT bẩm sinh do hậu quả của CĐHH (có trường hợp của chị Phạm Thị H); (3) Các trường hợp có ý kiến thắc mắc với kết quả thực chứng, hướng dẫn đối tượng có đơn đề nghị kiểm tra, đánh giá lại tình trạng dị dạng dị tật của con đẻ gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực chứng phúc quyết hoặc giới thiệu giám định y khoa (theo yêu cầu) xác định lại tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người HĐKC làm cơ sở giải quyết chính sách theo quy định.

- Ngày 08/5/2018, Tổ công tác của tỉnh đã làm việc với ông ông Phạm Xuân B để thông báo lại Kết quả thực chứng và kết luận chị Phạm Thị H không mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh do hậu quả của chất độc hóa học, đề nghị dừng trợ cấp theo quy định. Ông B đã đồng ý ký biên bản làm việc với Tổ công tác.

- Trong quá trình rà soát, thực chứng, ngày 13/5/2019 liên ngành Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế có Công văn số 824/SLĐTBXH-NCC gửi UBND huyện, thành phố đề nghị các địa phương hướng dẫn đối tượng còn có ý kiến thắc mắc với kết luận của tổ thực chứng, tổ rà soát về tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người HĐKC bị nhiễm CĐHH hoàn thiện hồ sơ, đề nghị giám định y khoa. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở không nhận được ý kiến thắc mắc của ông B hoặc chị H về kết luận của tổ thực chứng về tình trạng dị dạng dị tật của chị Phạm Thị H.

Để tạo điều kiện cho những trường hợp thuộc diện phải phải rà soát, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Văn bản số 722/SLĐTBXH, ngày 14/5/2018, hướng dẫn bổ sung hồ sơ các trường hợp người HĐKC có con đẻ mắc DDDT để báo cáo xin ý kiến Bộ Lao động - TBXH và giải quyết theo quy định.

Tháng 8/2018, ông B có bổ sung hồ sơ có con đẻ mắc DDDT đã chết. Hồ sơ được lập trên cơ sở xác nhận của người làm chứng, họp xét duyệt công khai tại địa phương… và được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện KXnộp về Sở. Các giấy tờ của thôn, xã, Trạm Y tế xã, đều xác nhận ông B có con đẻ sinh năm 1993 bị tật não úng thủy bẩm sinh (sinh ra được vài tiếng thì chết). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp hồ sơ của các trường hợp bổ sung con đẻ mắc DDDT đã chết (trong đó có hồ sơ của ông Phạm Xuân B), báo cáo UBND tỉnh. Ngày 27/5/2020, UBND tỉnh có Báo cáo số 41/BC-UBND gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó “đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép người HĐKC được bổ sung hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở xác nhận của Trạm y tế cấp xã, ý kiến làm chứng của cán bộ Trạm y tế xã thời kỳ điều trị, ý kiến của người cùng thôn, xóm nơi đối tượng cư trú..., được công khai minh bạch tại thôn, xóm, được địa phương và Hội đồng chính sách cấp xã xác nhận và kết luận rõ tình trạng dị dạng, dị tật bẩm sinh của con đẻ người HĐKC (đã chết), được UBND cấp huyện thẩm định, thống nhất đề nghị sẽ đủ điều kiện xác nhận là người HĐKC bị nhiễm CĐHH sinh con dị dạng, dị tật đã chết để tiếp tục hưởng chính sách theo quy định”. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 2319/LĐTBXH-TTr ngày 25/6/2020 trả lời là không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 54/2006/NĐ-CP thì điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH là:

- Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học;

- Bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hóa học.

Căn cứ vào kết quả rà soát, kết quả thực chứng của Tổ công tác đối với con đẻ kê khai trong hồ sơ, không kết luận chị H mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh do hậu quả của chất độc hóa học.

Ngày 24/12/2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1870/QĐ-SLĐTBXH về việc ngừng thực hiện chế độ đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH; theo đó, ông Phạm Xuân B bị ngừng thực hiện chế độ ưu đãi người HĐKC bị nhiễm CĐHH kể từ ngày 01/01/2021.

Như vậy, việc Giám đốc Sở LĐ TB&XH ban hành Quyết định số 1870/QĐ- SLĐTBXH ngày 24/12/2020 về việc ngừng thực hiện chế độ ưu đãi người HĐKC bị nhiễm CĐHH đối với ông Phạm Xuân B là đúng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh TB bác Đơn khởi kiện của ông Phạm Xuân B.

* Tại Bản án sơ thẩm số 45/2022/HC-ST ngày 17 tháng 8 năm 2022, Tòa án nhân dân tỉnh TB đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30; khoản 3 Điều 32; điểm a khoản 2 Điều 116; Điều 164; điểm a khoản 2 Điều 193, Điều 204, Điều 206 và khoản 1 Điều 348 của Luật Tố tụng hành chính.

Căn cứ Điều 26 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11; Điều 22, 23 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ; Mục VII phần I Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH và Điều 3 Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH; Khoản 16 Điều 1 Quyết định số 09/2008/QĐ-BYTQuyết định số 1488/2012/QĐ-BYT của Bộ Y tế; Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng số 26/2005/PL;Điểm c khoản 2 Điều 39 mục 8 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính Phủ; điểm b khoản 3 Điều 27 mục 8 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 cuả Bộ LĐTBXH; khoản 16 Điều 2 Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 của Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH; điểm 5.2 Điều 5 phần I Quyết định số 3459/2017/QĐ-BYT ngày 31/7/2017 của Bộ Y tế. Xử:

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Xuân B về yêu cầu hủy Quyết định số 1870/QĐ-SLĐTBXH ngày 24/12/2020 của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh TB về việc ngừng thực hiện chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với ông Phạm Xuân B.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/08/2022, người khởi kiện kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

* Tại phiên toà phúc thẩm:

- Người khởi kiện giữ nguyên quan điểm kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện, trả lại chế độ cho ông cũng như cho con của ông; việc cắt chế độ của ông là làm mất danh dự của ông trong khi ông thực tế có tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong suốt thời gian quân ngũ ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, khu vực ông tham gia chiến đấu là khu vực bị giải chất độc hóa học màu da cam, bản thân ông bị thiệt hại 81% sức khỏe do bị nhiễm chất độc da cam nên các con của ông cũng bị nhiễm, việc cho ông được hưởng trợ cấp là đúng nên đề nghị hủy Quyết định số 1870 của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh TB; giữ nguyên Quyết định số 488.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu ý kiến đánh giá việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm là đúng; kháng cáo của người khởi kiện trong thời hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Về nội dung: Qua xem xét toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh luận tại phiên tòa thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính, bác kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên quyết định của bản án hành chính sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của đương sự; Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy:

[1]. Về tố tụng:

Người bị kiện vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt, căn cứ vào Điều 158 Luật tố tụng hành chính, Tòa án xét xử vắng mặt họ.

Ông Phạm Xuân B khởi kiện Quyết định hành chính của Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh TB nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh TB theo quy định tại khoản 1 Điều 30; khoản 3 Điều 32 của Luật tố tụng hành chính.

Ngày 24/12/2020 Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội ban hành Quyết định số 1870/QĐ-SLĐTBXH ngừng thực hiện chế độ ưu đãi người HĐKC bị nhiễm CĐHH đối với ông Phạm Xuân B. Ngày 14/12/2021, ông Phạm Xuân B nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh TB là còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Phạm Xuân B có đơn kháng cáo hợp lệ theo quy định tại Điều 205 và Điều 206 Luật tố tụng hành chính.

[2]. Về nội dung:

[2.1]. Triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11; Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng, theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, ông Phạm Xuân B đã lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Hồ sơ của ông Phạm Xuân B có các tài liệu thể hiện ông đã có thời gian chiến đấu tại chiến trường quân đội Mỹ sử dụng CĐHH, ông sinh con gái bị “vẩy nến bàn tay trái bẩm sinh”. Sau quy trình công khai, niêm yết theo quy định, hồ sơ hưởng chế độ của ông B không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại, Giám đốc Sở LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-SLĐTBXH ngày 20/12/2008 về việc trợ cấp người HĐKC bị nhiễm CĐHH đối với ông B.

Tuy nhiên, thời điểm các năm 2006-2007 các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành danh mục DDDT bẩm sinh của con đẻ người HĐKC có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH. Đến ngày 20/02/2008, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ban hành danh mục DDDT có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH/dioxin, trong đó khoản 16 Điều 1 quy định: “Các DDDT bẩm sinh (đối với con của người HĐKC bị nhiễm CĐHH/dioxin)”. Như vậy, quy định của Bộ Y tế yêu cầu DDDT của con đẻ người HĐKC phải là bẩm sinh thì mới là một trong những điều kiện để người HĐKC hưởng trợ cấp. Tại thời điểm này, Bộ Y tế cũng không quy định cụ thể các DDDT bẩm sinh là những DDDT gì.

Ngày 04/5/2012, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1488/2012/QĐ-BYT phê duyệt tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán bệnh, tật, DDDT có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH”. Tuy nhiên, trong quyết định này không quy định về DDDT “Vảy nến bàn tay trái” như hồ sơ của ông B đã lập.

Ngày 09/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng số 26/2005/PLUBTVQH và số 04/2012/PL-UBTVQH, tại mục 8, Điều 39 quy định về điều kiện xác nhận người HĐKC bị nhiễm CĐHH: điểm c khoản 2 “sinh con DDDT theo danh mục DDDT do Bộ Y tế quy định”. Như vậy, chỉ những DDDT được Bộ Y tế quy định mới là điều kiện xác nhận người HĐKC bị nhiễm CĐHH.

Ngày 15/5/2013, Bộ LĐ TB&XH ban hành Thông tư số 05/2013/TT- BLĐTBXH hướng dẫn về lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với Cách mạng và thân nhân, tại điểm b khoản 3 Điều 27 mục 8 quy định “Người HĐKC bị nhiễm CĐHH không mắc bệnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 của Nghị định nhưng sinh con DDDT được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận”. Như vậy, văn bản này đã quy định, để xác định con của người HĐKC bị DDDT bẩm sinh phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền.

Đối chiếu với quy định trong các văn bản nêu trên thì thấy hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp người HĐKC bị nhiễm CĐHH của ông Phạm Xuân B là chưa đúng quy định.

Kết luận thanh tra số 44/KL-Ttr ngày 02/4/2015 của Thanh tra Bộ LĐTBXH kết luận thiếu sót của Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình khi tiến hành xác lập, xét duyệt, xác nhận hồ sơ đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH sinh con DDDT; trong đó có nêu “…nhiều trường hợp y tế cấp xã, huyện chưa đủ cơ sở để xác định là DDDT bẩm sinh như: cận thị bẩm sinh, mẩn ngứa bẩm sinh, biến dạng lồng ngực…”.

Thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ LĐTBXH, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình đã triển khai rà soát, thực chứng lại toàn bộ hồ sơ người HĐKC bị nhiễm CĐHH tại tỉnh Thái Bình, trong đó có trường hợp của ông B. Quá trình thực chứng, tổ thực chứng không kết luận chị Phạm Thị H bị DDDT bẩm sinh.

Để tạo điều kiện cho người HĐKC bổ sung hồ sơ theo đúng quy định pháp luật để tiếp tục được hưởng chế độ trợ cấp, Sở LĐTBXH hướng dẫn ông B nếu bản thân ông mắc bệnh theo Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH hoặc có con khác mắc DDDT bẩm sinh, kể cả con đẻ mắc DDDT đã chết thì lập hồ sơ bổ sung. Hướng dẫn này của Sở LĐTBXH nhằm tạo điều kiện cho người HĐKC hoàn thiện hồ sơ theo quy định để duy trì trợ cấp.

Ông Phạm Xuân B đã bổ sung hồ sơ sinh con DDDT đã chết (sinh năm 1993 bị tật não úng thủy bẩm sinh, chết sau khi sinh được vài tiếng), tuy nhiên tài liệu bổ sung là các văn bản xác nhận của cơ sở y tế và nhân viên y tế, xác nhận lại sự việc mà không có hồ sơ gốc hợp pháp, hợp lệ. Hồ sơ bổ sung của ông B không đảm bảo điều kiện theo quy định tại điểm 5.2 Điều 5 phần I của Quyết định số 3459/QĐ- BYT ngày 31/7/2017 của Bộ Y tế về việc phê duyệt tài liệu hướng dẫn giám định y khoa bệnh, tật, DDDT có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH/Dioxin: “Trường hợp con đẻ người HĐKC bị phơi nhiễm với CĐHH/dioxin bị DDDT đã chết, mà tại thời điểm khám giám định đối với người HĐKC có cung cấp hồ sơ điều trị (Giấy ra viện hoặc Bệnh án điều trị của cơ sở y tế) hợp lệ, hợp pháp xác định được DDDT bẩm sinh của con đẻ người HĐKC, thì Hội đồng GĐYK căn cứ hồ sơ này để kết luận đối với cha đẻ, mẹ đẻ là người HĐKC bị phơi nhiễm với CĐHH/dioxin theo quy định hiện hành”.

UBND tỉnh TB đã có Báo cáo số 41/BC-UBND ngày 27/5/2020 đề nghị Bộ LĐTBXH cho phép người HĐKC được bổ sung hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở xác nhận của Trạm Y tế cấp xã, ý kiến làm chứng của cán bộ Trạm Y tế xã thời kỳ điều trị, theo dõi tình trạng DDDT của con đẻ người HĐKC, ý kiến của người cùng thôn xóm nơi đối tượng cư trú… được công khai minh bạch tại thôn, xóm, được địa phương và Hội đồng chính sách cấp xã xác nhận và kết luận rõ tình trạng DDDT của con đẻ của người HĐKC (đã chết), được UBND cấp huyện thẩm định, thống nhất sẽ đủ điều kiện xác nhận người HĐKC bị nhiễm CĐHH sinh con DDDT đã chết để tiếp tục hưởng chính sách. Tuy nhiên, Bộ LĐ TB&XH đã có văn bản số 2319/LĐTBXH-TTr ngày 25/6/2020 trả lời đề nghị đó của UBND tỉnh TB là không có căn cứ pháp lý để chấp nhận.

Do đó, hồ sơ bổ sung của ông Phạm Xuân B không đủ điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cũng tạo mọi điều kiện và động viên ông B thực hiện việc giám định để xác định ông B có bị phơi nhiễm với CĐHH/dioxin hay không nhưng ông B không thực hiện việc giám định.

Vì vậy, ngày 24/12/2020, Giám đốc Sở LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 1870/QĐ-SLĐTBXH ngừng thực hiện chế độ đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH là đúng quy định pháp luật.

[2.2]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công và điểm 1, 3 khoản 1 mục VII phần I Thông tư 07/2006/TT- BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động thương binh và xã hội Hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì việc Giám đốc Sở LĐ TB&XH ký quyết định ngừng chế độ trợ cấp là đúng thẩm quyền.

Từ những phân tích trên, thấy Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Xuân B là có căn cứ, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phát biểu tại phiên tòa là có căn cứ được chấp nhận. Mặc dù không được chấp nhận kháng cáo nhưng ông Phạm Xuân B là người cao tuổi nên không phải nộp án phí hành chính phúc thẩm.

Vì các lẽ trên; căn cứ Điều 241 Luật tố tụng hành chính; Luật phí và lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Xuân B. Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 45/2022/HC-ST ngày 17 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh TB.

2. Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Phạm Xuân B không phải nộp.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

99
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính đối với việc xem xét cho hưởng trợ cấp số 403/2023/HC-PT

Số hiệu:403/2023/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành:
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: đang cập nhật
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về