TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 77/2018/HC-PT NGÀY 30/05/2018 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ TRỢ CẤP CHẾ ĐỘ THƯƠNG BÌNH
Ngày 30 tháng 5 năm 2018 tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 77/2017/TLPT-HC ngày 21/11/2017 về việc “Khiếu kiện quyết định về đình chỉ trợ cấp chế độ thương binh”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số 41/2017/HC-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 77A/2017/QĐ-PT ngày 10 tháng 5 năm 2018, giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Ông Phạm Viết K; địa chỉ: xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk - Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Ông Nguyễn Đình B – Luật sư thuộc văn phòng luật sư Đ; địa chỉ: tỉnh Đắk Lắk - Có mặt.
2. Người bị kiện:
2.1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ: tỉnh Đắk Lắk - Vắng mặt.
2.2. Giám đốc sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm P - Phó giám đốc sở Lao đông – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk (Văn bản ủy quyền ngày 18/5/2018) - Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Về Yêu cầu khởi kiện theo trình bày của người khởi kiện là ông Phạm Viết K có nội dung như sau:
Vào tháng 8-1973 ông K nhập ngũ, thuộc Đoàn 22B đóng quân tại huyện H, tỉnh Hà Tĩnh. Đến đầu năm 1974, ông K cùng đơn vị hành quân vào chiến trường B tại miền Đông Nam Bộ và nhập vào đơn vị mới tại Đại đội 7, tiểu đoàn 5, trung đoàn 2, sư đoàn 9 (gọi tắt là C7D5E2F9) và tham gia chiến đấu tại đây ở nhiều địa điểm khác nhau như: Chốt chặn tại Lộ 7, Tây B, huyện B, tỉnh Bình Dương, thị xã P, tỉnh Phước Long (nay là tỉnh B); quận C (nay là huyện C); ngày 30-4-1975 đánh vào Sài Gòn và tiếp quản Bệnh viện Vì Dân. Sau đó một tháng thì chuyển sang đóng quân tại đường H, quận 5, thuộc Đại đội 7, ở trong trường đại học Y Dược làm ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến tháng 12/1975, ông K được đơn vị cho nghỉ an dưỡng với thời gian một tháng tại trường huấn luyện sỹ quan của Mỹ Ngụy, ở huyện H, sau đỏ xuất ngũ về phục viên tại địa phương. Quá trình tham gia chiến đấu với quân địch tại thị xã P, tỉnh Bình Phước vào tháng 12/1974, ông K đã bị thương, các vết thương cụ thể như sau: Vết thương trán,…tay trái, gãy xương bàn 3; chấn thương cột sống, việc bị thương tật được đơn vị biết.
Đối với giấy tờ bản gốc chứng minh thời gian nhập ngũ và việc bị thương trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của ông K đã bị mất vào năm 1978 do bão lụt. Đến năm 1989, ông K đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Đắk Lắk. Năm 1996, khi nghe tin Nhà nước có chế độ chính sách cho những người tham gia chiến đấu và bị thương nên ông K đã liên hệ với Huyện đội huyện N, tỉnh Nghệ An để xin quyết định phục viên và làm hồ sơ xin hưởng chế độ trợ cấp thương binh theo quy định của Nhà nước, hồ sơ ban đầu nộp tại Huyện đội N. Đến năm 2000, ông K rút hồ sơ và nộp cho Huyện đội huyện K và Huyện đội đã chuyển hồ sơ lên Tỉnh đội Đắk Lắk. Tỉnh đội Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận bị thương số 821/GCNBT ngày 18-01-2002. Đến ngày 19-8-2002, tại Biên bản giám định thương tật số 6395/GĐYK ngày 19-8-2002 của Hội đồng giám định y khoa Quân khu 5 đã kết luận ông K bị thương tật với tỷ lệ là 31%. Sau khi hoàn tất hồ sơ Tỉnh đội Đắk Lắk đã chuyển hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk xét chế độ trợ cấp. Trên cơ sở đó bắt đầu từ tháng 8/2002, ông K được Nhà nước cho hưởng trợ cấp hàng tháng chế độ thương binh. Tính đến nay ông K đã nhận được tổng số tiền trợ cấp 143.765.400đ.
Ngày 26-02-2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định số 186/QĐ-SLĐTBXH về việc đình chỉ trợ cấp hàng tháng chế độ thương binh đối với ông Phạm Viết K, với lý do: Hồ sơ thương binh của ông Phạm Viết K không đảm bảo đúng quy định. Không đồng ý với quyết định nói trên, ông K có đơn khiếu nại yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk xem xét lại. Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 53/QĐ- SLĐTBXH ngày 06-02-2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết khiếu nại và giữ nguyên quyết định số 186/QĐ-SLĐTBXH, ngày 26-02-2016.
Ông K xác định việc ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường thị xã Phước Long và bị thương là có thật, ông đã cung cấp đầy đủ chứng cứ về người làm chứng biết việc ông bị thương. Do đó việc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk ra quyết định đình chỉ trợ cấp hàng tháng chế độ thương binh đối với ông là không đúng và đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Ông K khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk giải quyết hủy Quyết định số 186/QĐ-SLĐTBXH ngàỵ 26-2-2016 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk và Quyết định giải quyết khiếu nại số 53/QĐ- SLDTBXH ngày 06-2-2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk.
Ý kiến trình bày của người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện có nội dung như sau:
Hồ sơ thương binh của ông Phạm Viết K được giải quyết căn cứ Hướng dẫn số 548/CS ngày 25-8-2000 của Cục chính sách Tổng cục chính trị bổ sung về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA, ngày 25-11-1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an. Sau khi nhận được đơn của công dân tố cáo ông Phạm Viết K khai man hồ sơ đê được hưởng chế độ thương binh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã tỉến hành kiểm tra lại hồ sơ, kết quả xác minh hồ sơ thương binh của ông Phạm Viết K cho thấy:
Đối với người làm chứng: Trong hồ sơ thương binh của ông Phạm Viết K có hai người làm chứng, đó là ông Tô Bá X đã chết và ông Bùi P cùng cư trú tại xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Qua làm việc với ông Bùi P, ông P cho biết: Ông không cùng đơn vị với ông K, không biết trường hợp bị thương của ông K, ngày 02-6-2001 ông K viết sẵn giấy xác nhận và nhờ ông ký, do nể nang nên ông đã xác nhận cho ông K. Như vậy, theo quy định hồ sơ thương binh của ông K phải có hai người làm chứng, nhưng qua xác minh ông Bùi P không cùng tham gia chiến đấu và biết trường họp bị thương của ông K. Như vậy hồ sơ kê khai để được hưởng chế độ thương binh của ông K không đúng trình tự thủ tục theo quy định.
Đối với quyết định phục viên: Qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại Ban chỉ huy quân sự huyện N, tỉnh Nghệ An, thì không tìm thấy tên vả quyết định phục viên của ông Phạm Viết K. Như vậy, khẳng định bản sao quyết định phục viên của ông K được sao tại Ban chỉ huy quân sự huyện N ngày 14-8-1996 do trung tá Nguyễn Đức T ký là không có cơ sở. Vì vậy, chưa có cơ sở để xác định ông K tham gia chiến đấu và bị thương tại đơn vị C7, D5, E2, F9 cùng với ông Tô Bá X, là người làm chứng thứ hai trong hồ sơ thương binh của ông K.
Căn cứ vào kết quả xác minh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định số 186/QĐ-SLĐTBXH ngày 26-2-2016 về việc đình chỉ trợ cấp hàng tháng và thu hồi chế độ ưu đãi thương binh đối với ông Phạm Viết K. Không đồng ý với quyết định trên, ông K đã có đơn khiếu nại. Sau khi tiếp nhận đơn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành xác minh tại ủy ban nhân dân xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, kết quả như sau: Đối với Biên bản đề nghị xác nhận thương binh của phiên họp tập thể hội đồng xác nhận xã, phường nơi người bị thương cư trú: Ngày 29-12-2016 Thanh tra Sở đã làm việc với đại diện Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã C và ông Nguyễn Văn H, ông Hà Ngọc L. Qua làm việc ông H cho biết Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã C không tổ chức họp xét mà ông K viết sẵn và đưa đến cho từng người ký; làm việc với ông Hà Ngọc L (là hàng xóm của ông K và đã bị đình chỉ chế độ thương binh) ông L cho biết: Toàn bộ hồ sơ thương binh của ông K đều do ông L viết kể cả biên bản đề nghị xác nhận thương binh của Đảng ủy, ủy ban nhân dân và các đoàn thể nhân dân xã Cư Kbô.
Từ những căn cứ trên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 53/QĐ-SLĐTBXH ngày 06-2-2017, kết luận nội dung khiếu nại của ông K là không có cơ sở và giữ nguyên Quyết định số 186/QĐ-SLĐTBXH ngày 26-02-2016 về việc, đình chỉ trợ cấp hàng tháng chế độ thương binh đối với ông Phạm Viết K.
Đại diện theo ủy quyền của người bị kiện xác định, ông Phạm Viết K đã kê khai, làm hồ sơ thương binh và hưởng chế độ ưu đãi không đúng trình tự thủ tục theo quy định, do đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định đình chỉ trợ cấp hàng tháng chế độ thương binh đối với ông Phạm Viết K, là đúng quy định của pháp luật. Nên việc ông K khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 186/QĐ-SLĐTBXH ngày 26-02-2016 về việc đình chỉ trợ cấp hàng tháng chế độ thương binh và Quyết định giải quyết khiếu nại số 53/QĐ-SLĐTBXH ngày 06-2-2017 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, là không có căn cứ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông K.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 41/2017/HC-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
- Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, Điều 164, điểm a khoản 2 Điều 193 của Luật tố tụng hành chính năm 2015;
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 66 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09-4- 2013 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có cô ng với Cách mạng; Hướng dẫn số 548/CS ngày 25-8-2000 của Cục chính sách - Tổng cục chính trị bổ sung về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA, ngay 25-11-1998;
- Áp dụng khoản 1 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Viết K về việc yêu cầu hủy Quyết định số 186/QĐ-SLĐTBXH ngày 26-2-2016 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk về việc đình chỉ trợ cấp hàng tháng chế độ thương binh với ông Phạm Viết K và Quyết định giải quyết khiếu nại số 53/QĐ- SLĐTBXH ngàỵ 06-02-2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, về việc giải quyết khiếu nại của ông Phạm Viết K.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 05/10/2017, người khởi kiện ông Phạm Viết K kháng cáo toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm số 41/2017/HC-ST ngày 22/9/2017 Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Lý do kháng cáo:
+ Việc ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ và bị thương tật với tỉ lệ 31% là có thật và được những người cùng đơn vị như ông Lê Văn N, Hà Văn H, Phan Ngọc T, Bùi P biết và chứng kiến. Thủ trưởng cũ của ông là trung tướng Nguyễn Năng N cũng bảo lãnh và xác nhận việc ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại đại đội 7, tiểu đoàn 5, trung đoàn 2, sư đoàn 9 và xuất ngủ ngày 16/01/1976.
+ Biên bản đề nghị xác nhận thương binh của phiên họp hội đồng tập thể hội đồng xã C ông không nhờ các thành viên ký hộ như lời khai của ông Hà Ngọc L tại biên bản làm việc của thanh tra Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Đăk Lăk ngày 29/12/2016 và nếu có sai phạm này thì là do UBND xã C, ông không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm.
+ Biên bản là việc ngày 26/3/2015 không phải là chữ ký của ông.
+ Quá trình làm việc của Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk với Ban chỉ huy quân sự huyện N không tìm thấy Quyết định phục viên của ông là do khi nhập ngũ ông tên là Phạm Văn K nhưng sau khi vào Đắk Lắk ông đổi tên thành Phạm Viết K.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Ông Phạm Viết K không rút đơn khởi kiện và giử nguyên kháng cáo.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện cho rằng trình tự thủ tục ra các quyết định số 186/QĐ-SLĐTBXH ngàỵ 26-2-2016 và Quyết định giải quyết khiếu nại số 53/QĐ- SLDTBXH ngày 06-2-2017 không đúng và ông K tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ và bị thương tật với tỉ lệ 31% là có thật, có nhiều nhân chứng xác nhận nên ông K phải được hưởng chế độ thương binh theo quy định.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu ý kiến: HĐXX chấp nhận kháng cáo và hủy bản án sơ thẩm.
Sau khi nghe người kháng cáo trình bày nội dung kháng cáo, ý kiến của các bên liên quan đến nội dung kháng cáo và tranh luận tại phiên tòa; Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát. Sau khi thảo luận và nghị án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Căn cứ Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng và Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25-11-1998 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; Thông tư 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 3-11-1999 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và hướng dẫn số 548/CS ngày 28-8-2000 của Cục Chính sách- Tổng cục Chính trị QĐNDVN về thực hiện Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA, thủ tục công nhận thương binh cho những người đã bị thất lạc hồ sơ được quy định như sau:
Đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị thương trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 31-12-1994 trở về trước, có vết thương thực thể, đang phục vụ tại ngũ hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ, được quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành, hưu trí, mà hiện nay không lưu được hồ sơ gốc, thì làm hồ sơ xin xác nhận thương binh, gồm có:
- Bản kê khai cá nhân (theo mẫu), đồng thời gửi kèm theo bản sao lý lịch (lý lịch quân nhân, lý lịch đảng viên) hoặc quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành, hưu trí để chứng minh sự liên quan đến trường hợp bị thương. Trường hợp không còn lưu được những giấy tờ này thì phải có xác nhận của Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú.
- Giấy xác nhận (viết bằng tay) của 2 người làm chứng cùng đơn vị cũ (từ cấp tiểu đoàn hoặc tương đương trở xuống) với người bị thương biết rõ trường hợp bị thương của người bị thương. Nội dung xác nhận cần nói rõ quá trình tham gia cách mạng của người làm chứng, nhất là thời gian cùng công tác với người bị thương (ghi rõ thời gian công tác, cấp bậc, chức vụ, đơn vị, địa bàn công tác, lý do biết bị thương, nơi bị thương). Giấy xác nhận này được cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương nơi người làm chứng đang công tác hoặc cư trú, căn cứ vào hồ sơ lý lịch đang quản lý của người làm chứng để xác nhận cả về nội dung khai và chữ ký của người làm chứng.
- Biên bản đề nghị xác nhận thương binh của phiên họp tập thể Hội đồng xác nhận xã, phường, thị trấn nơi người bị thương cư trú (Hội đồng do UBND chủ trì, gồm đại diện Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc, Ban thương binh xã hội, Hội Cựu chiến binh, Công an, Xã đội và đại diện quần chúng cao tuổi) hoặc của cơ quan đơn vị đang quản lý người bị thương (gồm đại diện cấp ủy, chính quyền đoàn thể).
Tuy nhiên, căn cứ vào quy định trên thì hồ sơ thương binh của ông Phạm Viết K đã không thực hiện đầy đủ và không đúng. Cụ thể:
- Về giấy xác nhận của 2 người làm chứng cùng đơn vị cũ, gồm:
+ Ông Tô Bá X (đã chết) có nêu thời điểm ông K bị thương nhưng không cụ thể thời gian cùng công tác với ông K và không nêu rõ vì sao biết ông K bị thương; địa điểm (thôn, xã; hoặc trận đánh ở đâu...) ông K bị thương. Hơn nữa, tại Quyết định phục viên của ông X do Tư lệnh Quân khu V cấp ngày 25/10/1987 thể hiện tại thời diểm ông K bị thương (tháng 12/1974) ông Xuân đang công tác tại Trung đòan 572, Quân khu V; không cùng đơn vị với ông K.
+ Ông Bùi P: Ông Bùi P khai quá trình chiến đấu cũng như bị thương của ông K ông P không biết và việc ông làm giấy xác nhận cho ông K vào ngày 02/6/2001 để ông K làm hồ sơ thương binh là do nể nang nên ông ký vào giấy xác nhận do ông K đã làm sẵn. Lời khai này của ông P đã được ông P trình bày tại đơn xin vắng mặt tại phiên tòa ngày 27/3/2018: “Ông Phạm Viết K cùng nhập ngủ một lần vả cùng huấn luyện chung tại xã S, huyện H, tỉnh Hà Tỉnh
...thời gian 06 tháng và cùng đi B một lần vào chiến trường B2 thì mỗi người mỗi nơi...Từ đó chúng tôi không liên lạc được với nhau, do đó tôi không thể làm chứng là ông Phạm Viết K đã tham gia trận đánh và bị thương tại mặt trận nào thì tôi hoàn toàn không biết.”
Như vậy, xác nhận của hai người làm chứng tại hồ sơ thương binh của ông K do ông K cung cấp là những người không cùng đơn vị với ông K và không biết rõ trường hợp bị thương của ông K.
- Về biên bản đề nghị xác nhận thương binh của phiên họp tập thể Hội đồng xác nhận xã, phường, thị trấn nơi ông K cư trú:
+ Biên bản không ghi thời điểm và thời gian tổ chức cuộc họp.
+ Theo lời khai của ông Nguyễn Văn H (đại diện Ban thương binh xã hội tham gia phiên họp) thể hiện UBND xã C không tổ chức cuộc họp để xem xét và Biên bản đề nghị xác nhận thương binh của phiên họp tập thể Hội đồng do ông Hà Ngọc L soạn thảo theo yêu cầu của ông K và ông L đến đưa cho những người có tên trong hội đồng ký. Tuy việc lập biên bản không phải là trách nhiệm của ông Phạm Viết K nhưng sự thừa nhận của thành viên trong hội đồng xác nhận thương binh xã C và thừa nhận của nhân chứng Hà Ngọc L đã thể hiện thủ tục tại hồ sơ thương binh của ông K không đúng theo quy định.
- Về bản sao lý lịch (lý lịch quân nhân, lý lịch đảng viên) hoặc quyết định phục viên...: Hồ sơ thương binh của ông K chỉ có Quyết định phuc viên:
+ Quyết định phục viên của ông K là bản sao nhưng theo tài liệu lưu trữ tại Ban chỉ huy quân sự huyện N thì không có tên và Quyết định phục viên của ông K. Mặt khác, theo lời trình bày của ông K tại đơn kháng cáo cho rằng trong thời gian quân đội ông có tên là Phạm Văn K, sau khi ra quân và vào tỉnh Đăk Lăk lập nghiệp (theo kê khai lý lịch của ông K thì ông K vào tỉnh Đăk Lăk vào tháng 02/1992) ông đổi là Phạm Viết K: “khi tôi nhập ngũ có tên là Phạm Văn Khuyên, sau này khi vào Đăk Lăk tôi đổi tên thành Phạm Viết K...”. Lời trình bày của ông K hoàn toàn không phù hợp với Quyết định phục viên do ông K cung cấp có tại hồ sơ thương binh; vì Quyết định phục viên của ông K có tại hồ sơ thương binh được phát hành vào ngày 16/01/1976 đã mang họ tên là Phạm Viết K là trước ngày ông K đổi thành Phạm Viết K. Lời trình bày của ông K này cũng đã chứng tỏ Quyết định phục viên của ông K có tại hồ sơ thương binh là không đúng sự thật. Cho nên bản sao quyết định phục viên của ông K không đủ cơ sở làm tài liệu trong hồ sơ thương binh.
+ Công văn số 138/SĐ-PCT ngày 18/4/2017 của Bộ chỉ huy sư đoàn 9 xác định ông Phạm Viết K không có tên trong danh sách quân nhân bị thương và không có tên trong hồ sơ phục viên tại Sư đoàn 9 như ông K đã trình bày (ông K khai công tác tại Trung đoàn 2, sư đoàn 9 và bị thương điều trị tại bệnh xá sư đoàn 9). Do đó, chưa có căn cứ cho rằng ông Phạm Viết K đã được “Phục viên về tại địa phương” như hồ sơ thương binh thể hiện.
Như đã phân tích trên, các tài liệu tại hồ sơ thương binh của ông Phạm Viết K tại thời điểm ông K kê khai để được hưởng chế độ đã thực hiện chưa đầy đủ, không đúng theo quy định và chưa bảo đảm sự thật khách quan- đây là lỗi của ông Phạm Viết K. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Viết K là có căn cứ và đúng pháp luật. Cho nên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Viết K.
[2]. Hồ sơ vụ án có các tài liệu do ông K xuất trình như xác nhận của ông Lê Văn N, Hà Văn H, Phan Ngọc T và ông Nguyễn Năng N chứng minh về việc ông K nhập ngũ, tham gia chiến đấu và bị thương tại thị xã P nhưng như đã phân tích trên; các xác nhận của ông N, ông H, ông T và ông N chưa có căn cứ rõ ràng và chưa được xác lập tại hồ sơ thương binh. Hơn nữa, ông K muốn được hưởng chế độ thương binh thì ông K phải thực hiện các thủ tục hồ sơ theo quy định. Trường hợp ông K có đủ điều kiện được hưởng chế độ thương binh thì ông K được quyền tiếp tục hoàn tất thủ tục để được hưởng hưởng chế độ thương binh theo như lời trình bày của đại diện Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Đăk Lăk tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay và theo quy định của pháp luật.
[3]. Do kháng cáo của ông K không được chấp nhận nên ông K phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 349 Luật tố tụng hành chính và khoản 1, Điều 34 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính. Bác kháng cáo của ông Phạm Viết K và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 66 Nghị Định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính Phủ; Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25-11-1998 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; Thông tư 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 3-11-1999 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và hướng dẫn số 548/CS ngày 28-8-2000 của Cục Chính sách- Tổng cục Chính trị QĐNDVN.
Xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Viết K; về yêu cầu hủy Quyết định số 186/QĐ-SLĐTBXH ngày 26/02/2016 của Sở lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Đăk Lăk và yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại số 53/QĐ-SLĐTBXH ngày 06/02/2017 của Gíam đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk
- Án phí: Ông K phải chịu án phí hành chính phúc thẩm là 300.000đ. Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm đã nộp là 300.000đ, theo biên lai thu số 04422 ngày 24/7/2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh tỉnh Đắk Lắk.
Các quyết định khác còn lại của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 77/2018/HC-PT ngày 30/05/2018 về khiếu kiện quyết định đình chỉ trợ cấp chế độ thương binh
Số hiệu: | 77/2018/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 30/05/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về