Bản án 774/2017/LĐ-PT ngày 28/08/2017 về xử lý kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động, đòi tiền lương

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 774/2017/LĐ-PT NGÀY 28/08/2017 VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG, ĐÒI TIỀN LƯƠNG

Trong các ngày 16, 22 và 28 tháng 8 năm 2017 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 22/2017/TLPT-LĐ ngày 05/5/2017 về việc: “Xử lý kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động, đòi tiền lương”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 108/2017/LĐ-ST ngày 24 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1635/2017/QĐ-PT ngày 31 tháng 7 năm 2017 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 4738/2017/QĐPT-LĐ ngày 16/8/2017, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông V, sinh năm 1972 Địa chỉ: đường A, Khu phố K1, phường P1, quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Trường Cao đẳng X Thành phố Hồ Chí Minh.

Đia chỉ: đường B, Khu phố K2, phường P2, quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông T – Chức vụ: Hiệu trưởng. Người đại diện theo ủy quyền:

1. Bà ĐD1, sinh năm 1969 Địa chỉ: đường C, Khu phố K2, phường P3, Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ông ĐD2, sinh năm 1984 Địa chỉ: Tổ T1, Khu phố K3, phường P4, Quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh.

(Văn bản ủy quyền: số 1105/UQ-CĐKTKTV ngày 16/11/2016).

- Người kháng cáo: Ông V là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và lời khai tại Tòa, ông V trình bày: Ông là viên chức của trường Cao đẳng X Thành phố Hồ Chí Minh theo hợp đồng làm việc số 80/HĐLV-CĐKTKTV ngày 25/9/2013. Trong quá trình làm việc, ngày 20/8/2015 trường có ban hành quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV về việc phân công giảng viên, theo đó giao cho ông làm cố vấn học tập chuyên trách tại khoa Quản trị kinh doanh. Vì không đồng ý với sự phân công này ông đã không nhận việc và khiếu nại nhưng không được chấp nhận.

Ngày 21/9/2015 ông V nhận được Quyết định số 1014/QĐ-CĐKTKTV về việc Thi hành kỷ luật ông với hình thức cảnh cáo do nghỉ việc 06 ngày, đồng thời ngày 20/10/2015, ông tiếp tục nhận được Quyết định 1120/QĐ-CĐKTKTV về việc thi hành kỷ luật viên chức bằng hình thức buộc thôi việc với lý do bỏ việc trong tháng 9/2015 với thời gian là 19,5 ngày và Quyết định số 1130/QĐ- CĐKTKTV về việc chấm dứt hợp đồng làm việc. Ngoài ra ngày 26/10/2015, Hiệu trưởng trường còn ra Quyết định 1175/ QĐ-CĐKTKTV về việc thu hồi tiền chế độ thu hút chất xám (có bằng thạc sĩ trở lên) với số tiền 16.660.000 đồng.

Ông V yêu cầu Tòa án hủy quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, Quyết định số 1130/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc với ông, đồng thời hủy Quyết định số 1175/QĐ-CĐKTKTV ngày 26/10/2015 về việc thu hồi tiền chế độ thu hút chất xám; nhận ông V về trường làm giảng viên, trả tiền lương còn thiếu từ tháng 8/2015 đến ngày xét xử là 20 tháng, lương bổ sung năm 2016 và bồi thường 02 tháng lương vì chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, với số tiền 38.718.400 đồng; chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 12.118.392 đồng; Ra quyết định tăng lương từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017 đồng thời truy lãnh tiền lương tăng trong thời gian này là 6.408.765 đồng; Công khai xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại danh dự nhân phẩm là 12.100.000 đồng. Tổng số tiền mà ông V yêu cầu là 273.074.293 đồng, buộc bị đơn thực hiện ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Theo ông V, các Quyết định nêu trên là trái pháp luật vì các căn cứ sau:

+ Căn cứ Điều 1 của Hợp đồng làm việc số 80/HĐLV-CĐKTKTV ngày 25/9/2013, thì Quyết định 876/QĐ-CĐKTKTV đã thay đổi chức danh và vị trí làm việc của ông từ Giảng viên thành Giáo viên. Theo Thông tư số 47/2014/TT- BGDĐT ngày 31/12/2014 quy định chế độ làm việc của Giảng viên thì không có quy định nhiệm vụ “cố vấn học tập chuyên trách”;

+ Vi phạm khoản 1 Điều 28 Luật Viên chức: khi điều chỉnh, thay đổi nội dung hợp đồng làm việc, không báo trước và chưa được sự đồng ý của ông V.

Đối với quyết định 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015:

+ 19,5 ngày trong tháng 9/2015, ông không được phân công tiết giảng, nên không bắt buộc ông phải có mặt tại trường.

+ Không chứng minh được lỗi của ông V theo Điều 123 Bộ luật Lao động:

không lập biên bản vi phạm kỷ luật những ngày bỏ việc;

+ Trình tự, thủ tục xét kỷ luật không đúng quy định của pháp luật: Biên bản họp xét kỷ luật không có chữ ký của đại diện công đoàn và không có chữ ký của ông V;

+ Vi phạm Điều 128 Bộ luật Lao động: xử lý kỷ luật đối với viên chức về hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động của nhà trường.

Đối với quyết định 1130/QĐ-CĐKTKTV:

+ Quyết định này dựa trên Quyết định 1120/QĐ-CĐKTKTV nên trái pháp luật;

+ Vi phạm khoản 5 Điều 5 Nghị định 41/CP ngày 06/7/1995 về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải người lao động;

+ Không có biên bản nhất trí với Ban chấp hành công đoàn sơ sở và không báo cáo Sở Lao động Thương binh Xã hội trước 20 ngày.

Đối với Quyết định số 1175/QĐ-CĐKTKTV ngày 26/10/2015:

+ Nhà trường tự cho ông thôi việc, bản thân ông không vi phạm cam kết giảng dạy, nên không thể bị thu hồi lại khoản tiền thu hút chất xám đã chi trả trước đây.

Bị đơn là Trường Cao đẳng X Tp. Hồ Chí Minh xác nhận ông V là viên chức theo hợp đồng số 80/HĐLV- CĐKTKTV ngày 25/9/2013. Do nguồn tuyển sinh của trường có sự biến động, số sinh viên của khoa Tài chính- Kế toán giảm, nên ngày 14/5/2015 nhà trường có cuộc họp thông báo chủ trương sẽ phân công một số giảng viên của khoa Tài chính - Kế toán kiêm nhiệm thêm một số công việc khác của giảng viên và được các giảng viên đồng thuận. Ngày 20/8/2015, Hiệu trưởng trường ban hành Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV về việc phân công giảng viên, theo đó nhà trường giao ông V làm cố vấn học tập chuyên trách tại khoa Quản trị kinh doanh (ngày 27/8/2017, khoa Tài chính Kế toán và khoa Quản trị kinh doanh được sáp nhập thành 1 khoa Kinh tế), nhưng thực tế vẫn phân công giảng dạy theo chuyên môn của ông V. Không đồng ý với quyết định phân công của nhà trường, ông V đã khiếu nại nhưng không được nhà trường chấp nhận và ông V cũng không làm việc kể từ thời gian có khiếu nại ( từ 24/8 đến 31/8/2015 ).

Ngày 21/9/2015 Hiệu trưởng ban hành Quyết định số 1014/QĐ- CĐKTKTV về việc thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông V với lý do tự ý nghỉ việc 06 ngày trong tháng 8/2015. Sang tháng 9/2015 ông V tiếp tục nghỉ việc 19,5 ngày không báo cáo, nên Hội đồng kỷ luật viên chức của trường đã họp và Hiệu trưởng nhà trường đã ban hành Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức với hình thức buộc thôi việc và đồng thời có Quyết định 1130/ QĐ-CĐKTKTV chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông V. Bà ĐD1, ông ĐD2 đại diện trường Cao đẳng X không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông V vì những căn cứ mà ông V nêu ra hoàn toàn không đúng.

Ti phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn và đại diện bị đơn đều giữ nguyên ý kiến, yêu cầu.

Ti bản án lao động sơ thẩm số 108/2017/LĐ-ST ngày 24 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

- Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; các Điều 271, 273 Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 104, Điều 123, Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2012.

- Căn cứ Điều 02; Điều 18; Khoản 1 Điều 19; điểm b Khoản 1 Điều 29; Điều 52; Điều 53 Luật Viên chức năm 2010.

- Căn cứ các Điều 11, 13, 16, 17, 18 Nghị định 27/NĐ-CP ngày 26/4/2012 của Chính phủ, quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ;

- Căn cứ Điều 48 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thu án phí, lệ phí Tòa án;

Xử:

1/ Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu: Hủy các Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức bằng hình thức buộc thôi việc, Quyết định số 1130/QĐ- CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc và Quyết định số 1175/QĐ-CĐKTKTV ngày 26/10/2015 về việc thu tiền thu hút chất xám, của Hiệu trưởng trường Cao đẳng X Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông V; nhận ông V về trường làm giảng viên; trả tiền lương còn thiếu, các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bồi thường thiệt hại danh dự nhân phẩm tổng cộng là 273.074.293 đồng.

2/ Án phí lao động sơ thẩm: Ông V không phải chịu.

3/ Quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Ngày 04/4/2017 Ông V là nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn là ông V và bị đơn là Trường Cao đẳng X Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là trường X) không thỏa thuận, hòa giải với nhau về việc giải quyết vụ án.

Nguyên đơn là ông V vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Nội dung và yêu cầu kháng cáo cụ thể như sau:

- Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 về việc phân công giảng viên đối với ông V là trái với hợp đồng làm việc số 80/HĐLV- CĐKTKTV ngày 25/9/2013 giữa ông với trường X vì đã thay đổi chức danh chuyên môn của ông từ giảng viên thành giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập chuyên trách và thay đổi địa điểm làm việc từ khoa Tài chính - Kế toán thành khoa Quản trị kinh doanh. Đồng thời quyết định trên cũng trái với quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về việc quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; trái với khoản 1 Điều 28 Luật Viên chức về việc yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc là phải thỏa thuận. Trong thời gian thỏa thuận thì phải thực hiện hợp đồng đã ký kết. Ông đã khiếu nại Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015, sau đó trường trả lời không đồng ý khiếu nại. Trong thời gian khiếu nại từ ngày 21/8/2015 đến ngày 30/8/2015 ông V vẫn đến trường làm việc theo lịch làm việc và không nhận được công việc, từ đó khoa Tài chính - Kế toán không chấm đủ ngày công cho ông tại khoa Quản trị kinh doanh.

- Quyết định số 1014/QĐ-CĐKTKTV ngày 21/9/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức với hình thức cảnh cáo đối với ông là trái pháp luật vì quyết định dựa trên biên bản họp hội đồng kỷ luật viên chức ngày 17/9/2015 không có chứng cứ vi phạm kỷ luật, không đủ nội dung, sai nội dung, biên bản lập sau khi họp không đọc lại, không có chữ ký của các thành viên hội đồng kỷ luật và chữ ký của người bị kỷ luật là vi phạm quy định của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động.

- Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức với hình thức buộc thôi việc đối với ông là trái pháp luật vì: Theo luật viên chức, tại Điều 30 khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng làm việc thì theo những quy định của pháp luật về lao động; biên bản họp hội đồng kỷ luật viên chức ngày 16/10/2015 không đưa ra các chứng cứ vi phạm kỷ luật là các biên bản vi phạm kỷ luật. Như vậy, căn cứ Luật Lao động về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động phía nhà trường phải chứng minh được lỗi của ông, biên bản họp hội đồng kỷ luật lập không đúng quy định pháp luật vì lập sau cuộc họp, không có đầy đủ chữ ký của các thành viên hội đồng và của ông. Ngoài ra, khi xử lý kỷ luật về hành vi bỏ việc của ông không có quy định trong nội quy lao động của trường và nội quy lao động năm 2015 của trường không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động nên nội quy không có giá trị pháp luật.

- Quyết định số 1130/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông V là trái pháp luật vì quyết định này dựa trên Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 trái pháp luật. Trường X không trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi ban hành quyết định sa thải đối với ông.

Yêu cầu cấp phúc thẩm sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông, buộc trường X phải:

- Hủy Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức với hình thức buộc thôi việc; hủy Quyết định số 1130/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông V; hủy Quyết định số 1175/QĐ-CĐKTKTV ngày 26/10/2015 về việc thu hồi tiền chế độ thu hút đối với ông V số tiền là 16.660.000 đồng vì do trường tự chấm dứt hợp đồng làm việc với ông mà không phải do ông V không thực hiện cam kết. Nhận trở về trường làm giảng viên, trả lương bổ sung còn thiếu năm 2015 theo quy chế chi tiêu nội bộ năm 2015 là 17.406.550 đồng; Bồi thường tiền lương những ngày không được làm việc từ tháng 8/2015 tạm tính đến tháng 8/2017 và 02 tháng tiền lương do trường chấm dứt hợp đồng làm việc trái pháp luật với ông. Tổng cộng là 29 tháng theo mức lương là 9.946.600 đồng/tháng, số tiền là 288.451.400 đồng; Tiền chi phí bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tạm tính đến tháng 8/2017 là 18.799.044 đồng;

Truy lĩnh tăng lương từ tháng 3/2016 với số tiền là 9.613.147 đồng; Công khai xin lỗi, cải chính, bồi thường danh dự nhân phẩm bị xúc phạm đối với ông tương đương 10 tháng tiền lương cơ bản số tiền là 12.100.000 đồng. Tổng cộng số tiền phải bồi thường là 346.370.141 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn là trường X có bà ĐD1 và ông ĐD2 là người đại diện theo ủy quyền trình bày và yêu cầu:

Việc trường X ban hành Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 là do tình hình khó khăn chung của trường được sự đồng thuận của tất cả giảng viên trong trường, trong đó có ông V. Quyết định nêu trên là đúng với tình hình thực tế của trường và đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ; Quy định chế độ làm việc của giảng viên do trường ban hành đã được thông qua cơ quan chủ quản là Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Do đó, ông V là giảng viên, viên chức của trường phải thực hiện và chấp hành quyết định. Tuy nhiên, ông V không chấp hành và khiếu nại nhưng không vào làm việc mặc dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm. Do đó, trường đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-CĐKTKTV ngày 21/9/2015 về việc thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông V với lý do tự ý nghỉ việc từ ngày 21/8/2015 đến ngày 31/8/2015. Tuy nhiên, ông V vẫn tiếp tục bỏ việc 19,5 ngày trong tháng 9/2015 nên ngày 20/10/2015 trường X đã ban hành Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV về việc thi hành kỷ luật viên chức với hình thức buộc thôi việc và đồng thời ban hành Quyết định số 1130/QĐ-CĐKTKTV cùng ngày chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông V. Khi ông V ký hợp đồng lao động làm việc với trường, giữa trường và ông V có thỏa thuận theo chính sách về thu hút chất xám có điều kiện và ông V đã nhận đủ tiền của thời gian 3 năm. Do ông V đã vi phạm thỏa thuận nên phải hoàn trả lại số tiền này theo Quyết định số 1175/QĐ-CĐKTKTV ngày 26/10/2015 của trường.

Trường X đã ban hành các quyết định nêu trên là đúng các quy định của pháp luật nên không chấp nhận các yêu cầu kháng cáo của ông V, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:

- Về thủ tục tố tụng:

Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và các đương sự đã chấp hành đúng pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm.

Ngày 24/3/2017, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức tuyên án sơ thẩm và ngày 04/4/2017 ông V nộp đơn kháng cáo là còn trong hạn luật định nên kháng cáo là hợp lệ và được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

- Về nội dung kháng cáo:

Việc trường Cao đẳng X Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1014/QĐ-CĐKTKTV ngày 21/9/2015 về việc thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông V; Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức với hình thức buộc thôi việc và đồng thời ban hành Quyết định số 1130/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông V; Quyết định số 1175/QĐ-CĐKTKTV ngày 26/10/2015 về việc thu hồi tiền chế độ thu hút đối với ông V là đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền ban hành theo quy định tại Điều 123 và Điều 124 Bộ Luật Lao động và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ. Do đó, yêu cầu kháng cáo của ông V là không có cơ sở chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng Khoản 1, Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông V, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng, tranh luận tại phiên Toà, Hội đồng xét xử nhận định:

Ngày 24/3/2017 Tòa án nhân dân quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm và tuyên án vụ án. Nguyên đơn là ông V nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vào ngày 04/4/2017 là còn trong thời hạn theo quy định tại Điều 271, 272, 273 Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó đơn kháng cáo của ông V được chấp nhận xem xét tại cấp phúc thẩm.

Căn cứ Hợp đồng làm việc số 80/HĐLV-CĐKTKTV ngày 25/9/2013; Căn cứ Quyết định số 4821/QĐ-BGDĐT ngày 01/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 3459/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập và đổi tên trường; Quyết định bổ nhiệm cán bộ số 399/QĐ-TĐDMVN ngày 17/9/2012 của Tổng Giám đốc tập đoàn dệt may Việt Nam bổ nhiệm ông T giữ chức vụ hiệu trưởng trường Cao đẳng X Thành phố Hồ Chí Minh; Căn cứ Điều 2, Điều 8 Luật Viên chức 2010 xác định ông V là viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp công lập là trường Cao đẳng X Thành phố Hồ Chí Minh. Do ông V là viên chức của trường X nên ông V làm việc và thực hiện nhiệm vụ; hưởng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Viên chức năm 2010.

Xét các yêu cầu kháng cáo của ông V:

[1] Đối với Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 về việc phân công giảng viên đối với ông V. Xét quyết định này do hiệu trưởng là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp ban hành căn cứ trên tình hình thực tế của trường. Căn cứ biên bản họp khoa Tài chính - Kế toán về việc danh sách giảng viên nhận nhiệm vụ mới trong đó có ông V được toàn thể giảng viên trong khoa biểu quyết thống nhất 100%. Hiệu trưởng trường X phân công, điều động ông V nhận nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập chuyên trách tại khoa Quản trị kinh doanh. Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 6 Luật Viên chức quy định về nguyên tắc quản lý viên chức thì phải bảo đảm sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và sự thống nhất quản lý của nhà nước; bảo đảm quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; Căn cứ quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 6 Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ; Căn cứ mức lương được lãnh của ông V có cơ sở xác định về hình thức và nội dung của quyết định này hoàn toàn không làm thay đổi chức danh viên chức của ông V, không thay đổi địa điểm làm việc ngoài trường X; không thay đổi mức lương và phụ cấp của ông V nên không thể chấp nhận lập luận đánh giá chứng cứ của ông V cho rằng Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 là trái pháp luật. Mặt khác, trong vụ án này ông V không tranh chấp và yêu cầu đối với việc nhà trường ban hành quyết định nêu trên nên Hội đồng xét xử không xem xét, quyết định đối với việc ông V cho rằng quyết này trái pháp luật.

- Ngoài ra, sau khi trường X ban hành Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 thì ngày 21/8/2015 ông V có khiếu nại đến hiệu trưởng để yêu cầu hủy quyết định nêu trên với lý do quyết định trái quy định của Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 và Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014; không công bằng việc phân công giờ giảng dạy đối với ông và việc khiếu nại nêu trên không có nội dung gì thể hiện là trường vi phạm hợp đồng làm việc mà hai bên đã thỏa thuận về công việc, chức danh nghề nghiệp cũng như việc phải thỏa thuận ký kết lại hợp đồng làm việc. Sau đó, trường X đã có quyết định giải quyết khiếu nại không chấp nhận yêu cầu của ông V. Ông V không tranh chấp khởi kiện đối với Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015. Như vậy về nguyên tắc ông V vẫn phải chấp hành Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 của nhà trường vì quyết định không có cơ sở là trái pháp luật, trái thỏa thuận hợp đồng làm việc của ông V. Do đó, kháng cáo của ông V cho rằng Quyết định số 876/QĐ- CĐKTKTV ngày 20/8/2015 của trường là trái pháp luật là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[2] Đối với Quyết định số 1014/QĐ-CĐKTKTV ngày 21/9/2015 về việc thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông V:

- Như đã phân tích ở phần trên, Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 là có căn cứ, đúng quy định pháp luật nên ông V với nghĩa vụ là viên chức theo quy định tại các Điều 16, 17, 19 của Luật Viên chức năm 2010 thì ông V phải thực hiện đúng các quy định, quy chế làm việc của đơn vị; chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền; không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao. Phía viên chức là ông V chỉ được giải quyết từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ mà công việc, nhiệm vụ đó trái quy định của pháp luật theo quy định tại Khoản 6 Điều 11 Luật Viên chức.

- Sau khi nhận Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 thì ông V có khiếu nại quyết định nêu trên và không chấp hành thời giờ làm việc, không đến nhận công việc tại khoa Quản trị kinh doanh (sau này là khoa Kinh tế) với lý do bị thay đổi chức danh công việc theo hợp đồng làm việc là không đúng với quy định tại Điểm C Khoản 2 Điều 12 Luật Khiếu nại vì trong thời gian khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải có nghĩa vụ chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.

- Xét lời trình bày của ông V cho rằng không nhận công việc đã được quy định trong Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 tại khoa Quản trị kinh doanh, có vào trường nhưng không có chứng cứ chứng minh và không được nhà trường xác nhận. Căn cứ Quyết định số 876/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/8/2015 thì từ ngày 20/8/2015 ông V sẽ nhận công việc tại khoa Quản trị kinh doanh (sau này là khoa kinh tế). Việc chấm công do đơn vị này thực hiện là đối với với toàn thể giảng viên của khoa. Ông V không chấm công từ ngày 21/8/2015 đến ngày 31/8/2015 xác định ông V không làm việc là có hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 27/20012/NĐ- CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật Viên chức.

- Khi ông V vi phạm như đã nêu trên, phía trường X đã có thông báo việc vi phạm và thông báo nhắc nhở nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khoa kinh tế nơi ông V phải nhận nhiệm vụ có tiến hành họp xem xét về việc kỷ luật ông V tại khoa nhưng ông V không tham dự. Khoa có báo cáo hội đồng kỷ luật của trường, sau đó hội đồng kỷ luật ban hành quyết định thành lập hội đồng kỷ luật viên chức ngày 11/9/2015, có triệu tập ông V theo giấy triệu tập ngày 11/9/2015 để ông V có mặt tham gia cuộc họp xét kỷ luật viên chức ngày 17/9/2015. Tại cuộc họp kiểm điểm viên chức ngày 17/9/2015 có đầy đủ thành phần của hội đồng kỷ luật và có mặt ông V. Do đó, về thời hiệu, trình tự thủ tục thi hành kỷ luật viên chức đối với ông V của trường X là đúng quy định tại Điều 53 Luật Viên chức và Điều 15 Nghị định số 27/20012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ.

- Về nội dung của cuộc họp kỷ luật, ông V cho rằng nhà trường quyết định kỷ luật cảnh cáo ông căn cứ biên bản họp xử lý kỷ luật ngày 17/9/2015 trên cơ sở là biên bản viết tay không đầy đủ nội dung, sau đó đánh máy lại; Các biên bản này không đầy đủ ý kiến của ông, không có chữ ký của các thành viên và bản thân viên chức bị kỷ luật là trái pháp luật theo quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 về việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động. Lập luận nêu trên của ông V là không có cơ sở, không đúng pháp luật bởi lẽ theo trình bày của phía bị đơn và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì biên bản họp hội đồng kỷ luật ngày 17/9/2015 có ghi biên bản thể hiện đủ nội dung chính là xử lý hành vi vi phạm của ông V nghỉ việc 06 ngày trong tháng 8/2015. Mặc dù biên bản viết tay có viết tắt nhưng sau đó đã được đánh máy hoàn thiện và có đầy đủ chữ ký của thành viên hội đồng kỷ luật là đúng quy định tại điểm i Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 27/20012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ về tổ chức họp hội đồng kỷ luật. Ngoài ra, ông V cho rằng nội dung và ý kiến của ông trong biên bản không đúng, không đầy đủ nhưng không có chứng cứ chứng minh và cũng không có thành viên nào trong hội đồng kỷ luật có mặt phản đối hoặc có ý kiến về biên bản này.

- Về hình thức kỷ luật, hội đồng kỷ luật đã áp dụng Khoản 2, Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 27/20012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ, Điều 52 Luật Viên chức để ban hành quyết định xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông V là có cơ sở vì ông V tự ý nghỉ việc 06 ngày trong tháng 8/2015 không có lý do chính đáng. Từ biên bản họp kỷ luật, hợp đồng kỷ luật có văn bản đề nghị hiệu trưởng trường ban hành quyết định kỷ luật viên chức số 1014 ngày 21/9/2015 là đúng quy định pháp luật. Do đó cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu hủy quyết định này của ông V là có căn cứ nên yêu cầu kháng cáo của ông V đối với quyết định này là không được chấp nhận. Ông V cho rằng việc xử lý kỷ luật của trường phải tuân theo quy định Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động là không có cơ sở vì ông V là viên chức, chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức và Nghị định số 27/20012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ.

[3] Đối với Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức với hình thức buộc thôi việc và Quyết định số 1130/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông V của trường X:

- Theo như những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì sau khi bị kỷ luật cảnh cáo, trong tháng 9/2015 ông V vẫn tiếp tục không vào khoa kinh tế làm việc theo nhiệm vụ được phân công và vắng mặt không lý do 19,5 ngày trong tháng 9/2015. Trên cơ sở bảng chấm công tháng 9/2015 của khoa kinh tế và các cuộc họp của khoa kinh tế trong tháng 9/2015 về việc ông V không làm việc và khoa đã biểu quyết đề nghị xử lý kỷ luật buộc thôi việc với ông V. Trong đó chỉ có ông V không đồng ý cho rằng quyết định phân công trái với việc phân công nhiệm vụ (Biên bản họp khoa ngày 19/10/2015).

- Ngày 16/10/2015 hội đồng kỷ luật viên chức của trường X họp kiến nghị kỷ luật buộc thôi việc đối với ông V.

- Ngày 20/10/2015, hiệu trưởng trường X ban hành Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức với hình thức buộc thôi việc đối với viên chức là ông V với hình thức buộc thôi việc do tự ý nghỉ việc 19,5 ngày trong tháng 9/2015. Đồng thời hiệu trưởng trường X cũng ban hành Quyết định số 1130/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông V kể từ ngày 20/10/2015.

- Xét thấy trình tự, thủ tục của trường X xem xét kỷ luật đối với ông V là đúng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 52 Luật Viên chức; đúng quy định tại Khoàn 5 Điều 13; Điều 14, 15, 16, 17, 18, 19 Nghị định số 27/20012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường hoàn trả. Cơ sở pháp lý mà ông V cho rằng khi trường X ban hành quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc và chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông là phải áp dụng quy định của Bộ Luật Lao động, Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 về việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động là không có cơ sở vì quan hệ giữa ông V với nhà trường là quan hệ làm việc giữa viên chức với đơn vị sự nghiệp công lập nên phải tuân theo phạm vi điều chỉnh của Luật Viên chức và quy định xử lý kỷ luật viên chức theo Nghị định số 27/20012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ.

- Đối với Điều 30 Luật Viên chức về giải quyết tranh chấp về hợp đồng làm việc có quy định rõ là tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thỏa thuận hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động. Quy định này có nghĩa khi ông V tranh chấp với trường X và khởi kiện thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp như đang giải quyết tranh chấp trong vụ án này. Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu hủy hai quyết định trên của ông V là có căn cứ. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của ông V.

[4] Đối với Quyết định số 1175/QĐ-CĐKTKTV ngày 26/10/2015 về việc thu hồi tiền chế độ thu hút đối với viên chức là ông V:

- Căn cứ bản cam kết phục vụ lâu dài của ông V ký tên ngày 01/4/2013 có cơ sở xác định ông V đã cam kết làm việc lâu dài tại trường X (Từ 06 năm trở lên); Thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được phân công; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, nội quy và quy chế của trường X; Nếu vi phạm phải hoàn trả lại cho trường X các khoản ưu đãi thu hút đã nhận.

- Căn cứ việc vi phạm của viên chức là ông V bị buộc thôi việc, xác định ông V đã vi phạm thỏa thuận, cam kết đối với trường nên phải trả lại khoản tiền tương ứng với số năm làm việc còn lại theo Quyết định số 1175/QĐ- CĐKTKTV ngày 26/10/2015 của trường X là có căn cứ nên kháng cáo của ông V yêu cầu hủy quyết định này của trường X không được chấp nhận, cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông V là có căn cứ.

Từ những phân tích, nhận định đánh giá chứng cứ nêu trên, xét thấy cấp sơ thẩm Tòa án nhân dân quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông V đối với trường X là có căn cứ. Ông V kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm hoặc hủy án sơ thẩm để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông V là không có cơ sở.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông V, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông V, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ông V được miễn nộp án phí lao động phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên, Căn cứ vào:

QUYẾT ĐỊNH

- Điều 293 và Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2016;

- Điều 104, Điều 123, Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2012;

- Điều 02; Điều 18; Khoản 1 Điều 19; điểm b Khoản 1 Điều 29; Điều 52; Điều 53 Luật Viên chức năm 2010;

- Điều 11, 13, 16, 17, 18 Nghị định 27/NĐ-CP ngày 26/4/2012 của Chính phủ, quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

- Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ;

- Điều 48 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thu án phí, lệ phí Tòa án;

Tuyên xử: Không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là ông V. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu: Hủy các Quyết định số 1120/QĐ-CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức bằng hình thức buộc thôi việc, Quyết định số 1130/QĐ- CĐKTKTV ngày 20/10/2015 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc và Quyết định số 1175/QĐ-CĐKTKTV ngày 26/10/2015 về việc thu tiền thu hút chất xám, của Hiệu trưởng trường Cao đẳng X Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông V; nhận ông V về trường làm giảng viên; trả tiền lương còn thiếu, các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bồi thường thiệt hại danh dự nhân phẩm tổng cộng là 273.074.293 đồng.

2. Án phí lao động sơ thẩm, án phí lao động phúc thẩm: Ông V không phải chịu.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

933
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 774/2017/LĐ-PT ngày 28/08/2017 về xử lý kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động, đòi tiền lương

Số hiệu:774/2017/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 28/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về