TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 98/2017/LĐ-PT NGÀY 18/07/2017 VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT SA THẢI
Ngày 18 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 02/2016/TLPT-LĐ ngày 20 tháng 4 năm 2016 về “xử lý kỷ luật sa thải” do bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/LĐST ngày 25 tháng 02 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam bị kháng cáo, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 828/2017/QĐ-PT ngày 03 tháng 04 năm 2017 giữa các đương sự:
* Nguyên đơn:
1- Chị Đinh Thị Ngọc A, sinh năm 1991; trú tại: Tổ 21, phường L, thành phố P, tỉnh Hà Nam.
2- Chị Trần Thị T, sinh năm 1992; trú tại: Xóm 2, xã L, huyện B, tỉnh Hà Nam.
3- Chị Bùi Thị Trà G, sinh năm 1991; trú tại: Xóm 5, xã L, huyện B, tỉnhHà Nam.
4- Chị Lưu Thị Thanh B, sinh năm 1988; trú tại: Xóm 5, xã L, huyện B,tỉnh Hà Nam.
5- Chị Trần Thị Lan T, sinh năm 1992; trú tại: Xóm 9, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam.
6- Chị Cao Thị P, sinh năm 1991; trú tại: Xóm 4, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam.
7- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1988; trú tại: Xóm 6, xã , huyện B, tỉnhHà Nam.
* Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn:
Ông Phạm Linh L, sinh năm 1945, là Luật sư của Công ty Luật TNHH Nvà Cộng sự; địa chỉ văn phòng tại: Số 17 phố N, thành phố Hà Nội.
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Đình P, Luật sư của Công ty luật A, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; địa chỉ văn phòng tại: quận T, thành phố Hà Nội.
* Bị đơn: Công ty TNHH V; địa chỉ tại: Khu công nghiệp V, huyện T, tỉnh Hà Nam. Đại diện theo pháp luật: Ông Kim Young K là Tổng giám đốc công ty; đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Kim H, sinh năm 1984; địa chỉ tại: Xóm 4, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam.
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Hà Đắc H,luật sư của Công ty Luật T thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hà Nam.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Công ty Trách nhiệm hữu hạn V (sau đây gọi tắt là Công ty) là Công ty có100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Ngày 11/4/2013 Công ty V ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng đối với chị Đinh Thị Ngọc A với công việc chính là công nhân, mức lương khởi điểm là 1.944.000đ; ngày 11/4/2013 Công ty ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng đối với chị Trần Thị T với công việc chính là công nhân, mức lương khởi điểm là 1.944.000đ; ngày 01/11/2013 Công ty ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng đối với chị Bùi Thị Trà G với công việc chính là công nhân lắp ráp, mức lương khởi điểm là 1.944.000đ; ngày 02/6/2013 Công ty ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng đối với chị Lưu Thị Thanh B với công việc chính là công nhân lắp ráp, mức lương khởi điểm là 1.944.000đ; ngày 12/9/2013 Công ty ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng đối với chị Trần Thị Lan T với công việc chính là công nhân lắp ráp, mức lương khởi điểm là 1.944.000đ; ngày 15/11/2013 Công ty ký hợp đồng lao động xác định thời hạn12 tháng đối với chị Cao Thị P với công việc chính là công nhân lắp ráp, mức l- ương khởi điểm là 1.944.000đ; ngày 26/9/2013 Công ty ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng đối với chị Nguyễn Thị H với công việc chính là công nhân lắp ráp, mức lương khởi điểm là 1.944.000đ.
Ngày 24/12/2013 Công ty ban hành các Quyết định kỷ luật sa thải người lao động, cụ thể: Quyết định số 03/QĐ-NR đối với Đinh Thị Ngọc A, Quyết định số 02/QĐ-NR đối với Trần Thị T, Quyết định số 07/QĐ-NR đối với Bùi Thị Trà G, Quyết định số 05/QĐ-NR đối với Lưu Thị Thanh B, Quyết định số 09/QĐ-NR đối với Cao Thị P, Quyết định số 06/QĐ-NR đối với Nguyễn Thị H; lý do đều căn cứ vào biên bản phiên họp xử lý kỷ luật ngày 24/12/2013 và đều với lý do các công nhân trên đã có hành vi biểu tình bất hợp pháp; riêng chị Trần Thị Lan T tại Quyết định số 05/QĐ-NR ngày 24/12/2013 cũng căn cứ vào phiên họp xử lý kỷ luật sa thải ngày 21/12/2013 với lý do đã có hành vi chống đối không làm việc theo hợp đồng đã ký kết với Công ty.
Sau khi bị Công ty ra quyết định sa thải, những người lao động nêu trên đã làm đơn tố cáo gửi đến Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Hà Nam về việc Công ty sa thải người lao động trái pháp luật và việc Công ty có nhiều hành vi xâm phạm danh dự nhân phẩm đối với người lao động, như đặt ra quy định về thời gian đi vệ sinh, vi phạm quy định thì Công ty nhiều lần bêu người lao động bằng cách dán ảnh lên tường.
Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra, ngày 20/01/2014, Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Hà Nam có kết luận số 01/KL-TTr, trong đó xác định: Việc sa thải người lao động của Công ty V là trái pháp luật; yêu cầu phía Công ty thông báo đến những người lao động đã bị sa thải và nhận người lao động trở lại làm việc trong thời gian không quá 10 ngày, kể từ ngày ra kết luận thanh tra; Công ty phải trả đủ tiền lương cho người lao động trong những ngày bị sa thải trái pháp luật; đối với đơn tố cáo của người lao động về việc thực hiện giờ giấc làm việc thì kết luận cũng yêu cầu phía công ty đảm bảo thời giờ làm việc không quá 08 giờ trong 01 ngày theo quy định của Điều 104 Bộ luật lao động.
Ngày 08/9/2015, 07 công nhân (có tên trên) làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam với nội dung yêu cầu Công ty phải bồi thường các khoản sau: (1) Bồi thường về việc Công ty sa thải trái pháp luật người lao động; (2) Bồi thường công lao động ngoài giờ chưa được trả; (3) Bồi thường danh sự nhân phẩm. Tổng cộng mức bồi thường cụ thể của từng người như sau:
1. Chị Đinh Thị Ngọc A đề nghị bồi thường: Lương từ ngày bị sa thải đến ngày xét xử (từ 24/12/2013 đến ngày 24/02/2016) là 26 tháng x1.944.000đ/tháng + phụ cấp 500.000đ/tháng + 04 tháng lương tối thiểu + tiền công lao động tương ứng 30 ngày không báo trước + làm thêm giờ mỗi ngày 15’ x số thời gian 9 tháng 13 ngày = 12 ngày lương x150% lương/ngày + bồi thường danh dự nhân phẩm 05 tháng lương + bảo hiểm xã hội; tổng cộng là 115.000.000đ.
2. Chị Trần Thị T đề nghị bồi thường: lương từ ngày bị sa thải đến ngày xét xử(từ 24/12/2013 đến ngày 24/02/2016) là 26 tháng với mức lương 1.944.000đ/tháng+ phụ cấp 300.000đ/tháng + tiền bồi thường danh dự nhân phẩm 04 tháng lương tối thiểu + tiền công lao động tương ứng 30 ngày không báo trước + làm thêm giờ mỗi ngày 15’ tính bằng = 12 ngày lương; tổng là 109.577.000đ.
3. Chị Bùi Thị Trà G đề nghị bồi thường: lương từ ngày bị sa thải đến ngày xét xử (từ 24/12/2013 đến ngày 24/02/2016) là 26 tháng, với mức 1.944.000đ/tháng+phụ cấp 300.000đ/tháng + bồi thường danh dự nhân phẩm03 tháng lương tối thiểu + tiền công lao động tương ứng 30 ngày không báo tr-ước + bảo hiểm xã hội, y tế; tổng cộng 94.978.000đ.
4. Chị Lưu Thị Thanh B lương từ ngày bị sa thải đến ngày xét xử (từ24/12/2013 đến ngày 24/02/2016) là 26 tháng + phụ cấp 500.000đ/tháng+bồi thường danh dự nhân phẩm 04 tháng lương + tiền công lao động tương ứng 30 ngày không báo trước+làm thêm giờ mỗi ngày 15’ = 07 ngày lương + bảo hiểm xã hội, y tế; tổng cộng là 110.921.000đ.
5. Trần Thị Lan T lương từ ngày bị sa thải đến ngày xét xử (từ 24/12/2013 đến ngày 24/02/2016) là 26 tháng, lương tháng là 1.944.000đ/tháng + phụ cấp 400.000đ/tháng+ 04 tháng lương tối thiểu + tiền công lao động tương ứng 30 ngày không báo trước + bảo hiểm xã hội, y tế; tổng cộng là 92.277.000đ.
6. Chị Cao Thị P lương từ ngày bị sa thải đến ngày xét xử (từ 24/12/2013 đến ngày 24/02/2016) là 26 tháng + phụ cấp 800.000đ/tháng + 03 tháng lương tối thiểu + tiền công lao động tương ứng 30 ngày không báo trước+danh dự nhân phẩm 06 tháng lương+bảo hiểm xã hội, y tế; tổng cộng là 121.617.000đ.
7. Nguyễn Thị H lương từ ngày bị sa thải đến ngày xét xử (từ 24/12/2013 đến ngày 24/02/2016) là 26 tháng, tính lương là 1.944.000đ/tháng + phụ cấp 300.000đ/tháng + 06 tháng lương tối thiểu + tiền công lao động tương ứng 30 ngày không báo trước + tiền làm thêm giờ tương ứng 1,5 ngày + danh dự nhân phẩm 03 tháng lương + bảo hiểm xã hội, y tế; tổng cộng là 106.507.000 đồng.
Với nội dung và yêu cầu khởi kiện nêu trên, tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/LĐ-ST ngày 24 và 25 tháng 02 năm 2016, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam quyết định:
Áp dụng các Điều 196, 197,198, 199, 202, 207, 208, 210, 238 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 158, 159 Bộ luật dân sự; Điều 22, Điều 98, 125, 126 của Bộ luật lao động; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của 07 người lao động về việc yêu cầu bồi thường tiền lương do bị sa thải trái pháp luật (tương ứng thời gian bị sa thải trái pháp luật).
Buộc phía Công ty phải trả tiền lương cho người lao động trong thời gian họ bị sa thải trái pháp luật, thời gian từ ngày 24/12/2013 đến ngày10/02/2014 (theo tự nguyện của phía Công ty), cụ thể, bồi thường cho:
+ Chị Đinh Thị Ngọc A đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiềnlương của 16 ngày còn lại là 75.000đ/ngày x16 ngày = 1.200.000đ.
+ Chị Trần Thị T đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiền lương của 16 ngày còn lại là 75.000đ/ngày x16 ngày = 1.200.000đ.
+ Chị Bùi Thị Trà G đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiền lương của 16 ngày còn lại là 75.000đ/ngày x16 ngày = 1.200.000đ.
+ Chị Lưu Thị Thanh B đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiền lương của 16 ngày còn lại là 75.000đ/ngày x16 ngày = 1.200.000đ.
+ Chị Trần Thị Lan T được nhận 01 tháng 16 ngày lương bồi thường sa thải: 75.000đ/ngày x16 ngày=1.200.000đ + 1.944.000đ =3.144.000đ.
+ Chị Cao Thị P đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiền lương của 16 ngày còn lại là 75.000đ/ngày x16 ngày = 1.200.000đ.
+ Chị Nguyễn Thị H được nhận 01 tháng 16 ngày lương bồi thường sa thải: 75.000đ/ngày x16 ngày = 1.200.000đ + 1.944.000đ =3.144.000đ.
Tổng cộng Công ty V phải có trách nhiệm thanh toán, bồi thường cho 07người lao động số tiền 12.288.000đ. Bác yêu cầu khác của đương sự.
Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 04/3/2016, các nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập và tiến hành thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe ý kiến của các bên đương sự và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, đồng thời nghiên cứu quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa phúc thẩm; Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; tại phiên tòa phúc thẩm các nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các bên đương sự không thỏa thuận hoặc hòa giải được với nhau về việc giải quyết vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:
[1.1] Về nội dung tranh chấp: 07 công nhân (nguyên đơn) có tên nêu trênđược nhận vào làm việc tại Công ty V (sau đây gọi tắt là Công ty) theo hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng với mức lương khởi điểm đều là 1.944.000đ/tháng. Ngày 24/12/2013 phía Công ty đã ra các quyết định “kỷ luật sa thải” người lao động với lý do biểu tình bất hợp pháp và không làm việc theo đúng hợp đồng lao động (đối với Trần Thị Lan T) nên đã áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với 07 người lao động trên. Tuy nhiên các quyết định này bị những người lao động khiếu nại, tố cáo. Sau khi có kết luận thanh tra của Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Hà Nam, đại diện Công ty thừa nhận có sai phạm trong việc ra các quyết định sa thải và sau khi có kết luận thanh tra đã tự nguyện nộp phạt 15 triệu đồng, đồng thời đã khắc phục sai phạm bằng cách ra các quyết định thu hồi các quyết định sa thải. Cụ thể: Ngày 28/01/2014 Công ty đã ra các quyết định sau: Quyết định số 11 thu hồi Quyết định sa thải số 03 ngày 24/12/2013 đối với Đinh Thị Ngọc A; Quyết định số 10 thu hồi Quyết định sa thải số 03 ngày 24/12/2013 đối với Trần Thị T; Quyết định số 15 thu hồi Quyết định sa thải số 03 ngày 24/12/2013 đối với Bùi Thị Trà G; Quyết định số 13 thu hồi Quyết định sa thải số 03 ngày 24/12/2013 đối với Lưu Thị Thanh B; Quyết định 18 thu hồi Quyết định sa thải số 03 ngày 24/12/2013 đối với Trần Thị Lan T; Quyết định số 17 thu hồi Quyết định sa thải số 03 ngày 24/12/2013 đối với Cao Thị P; Quyết định số 14 thu hồi Quyết định sa thải số 03 ngày 24/12/2013 đối với Nguyễn Thị H. Ngày 06/2/2014 Công ty đã có Giấy mời các công nhân đến làm việc nhưng 07 công nhân không chấp nhận trở lại làm việc mà làm đơn khởi kiện đến Tòa án.
[1.2] Xét yêu cầu khởi kiện của 07 người lao động, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Việc Công ty TNHH V ra Quyết định kỷ luật sa thải đối với những người lao động là trái quy định của pháp luật; về phía công ty cũng đã thừa nhận những vi phạm này và đã thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, tuy nhiên từ những quyết định trái pháp luật đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người lao động, do đó Công ty phải bồi thường cho những người lao động theo quy định của pháp luật.
[1.3] Thêm nữa, trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn còn cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến yêu cầu của nguyên đơn buộc Công ty phải bồi thường công lao động ngoài giờ chưa được trả (15 phút đầu giờ và 15 phút cuối giờ làm việc mỗi ngày) là không đảm bảo quyền lợi cho những người lao động. Về nội dung này, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty cũng thừa nhận Công ty có quy định như vậy song không chấp nhận yêu cầu bồi thường vì Công ty cho rằng thời gian lao động này là làm những việc như vệ sinh khu vực làm việc, lau chùi máy móc, phương tiện làm việc…nên không phát sinh lợi nhuận. Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá cho rằng, lập luận này của đại diện Công ty là không thuyết phục, bởi lẽ quy định này của Công ty là trái quy định của pháp luật lao động về “thời giờ làm việc” theo Điều 104 của Bộ luật lao động, do đó cũng phải buộc Công ty bồi thường tiền công lao động ngoài giờ chưa trả cho những người lao động, theo đó cộng dồn thời gian mỗi ngày lao động 30 phút tương ứng tổng thời gian lao động ngoài giờ chưa được trả, làm tròn tương đương với 01 tháng lương là phù hợp(1).
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:
[2.1] Thứ nhất: Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại do Công ty sa thải trái pháp luật: Theo diễn biến đã nêu trên, cho thấy, ngày 24/12/2013 Công ty ra các quyết định kỷ luật sa thải người lao động, đến ngày 28/01/2014 Công ty ra Quyết định thu hồi các quyết định sa thải và mời người lao động trở lại làm việc, song người lao động không trở lại làm việc nên Công ty đã trả lương cho số công nhân này đến 10/2/2014. Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phiên tòa phúc thẩm, các nguyên đơn đều xác nhận đã được phía Công ty trả lương đến tháng 12/2013; đối với khoản tiền bồi thường sa thải, chị Đinh Thị Ngọc A, Trần Thị T, Lưu Thị Thanh B, Bùi Thị Trà G, Cao Thị P xác nhận đã được phía Công ty trả 01 tháng lương là 1.944.000đ; căn cứ hồ sơ (các công nhân ký đã nhận tiền bồi thường sa thải) và lời trình bày của đại diện Công ty tại phiên tòa xác định đó là tiền bồi thường sa thải 01 tháng lương của người lao động; đối với trường hợp chị Nguyễn Thị H chưa có chữ ký nhận tiền và danh sách không có tên chị Trần Thị Lan T nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định 02 người lao động này chưa được nhận tiền bồi thường do bị sa thải, theo đó, căn cứ sự tự nguyện của phía Công ty được đại diện theo ủy quyền của Công ty xác nhận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tính tiền bồi thường do bị sa thải cho toàn bộ 07 người lao động từ ngày 24/12/2013 đến hết ngày 10/2/2014.
[2.2] Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường do bị sa thải trái pháp luật của người lao động tương ứng với thời gian bị sa thải (từ ngày 24/12/2013 đến hết ngày 10/02/2014, tính ra là 01 tháng 16 ngày, mức lương tính theo hợp đồng lao động là1.944.000đ/tháng), có xem xét theo sự tự nguyện của phía Công ty, cụ thể đối với từng người như sau:
Đinh Thị Ngọc A đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiền lương của 16 ngày cồn lại là 75.000đ/ngày (làm tròn) x 16 ngày = 1.200.000 đồng;
Trần Thị T đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiền lương của16 ngày còn lại là 75.000đ/ngày (làm tròn) x 16 ngày = 1.200.000 đồng;
Bùi Thị Trà G đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiền lương của 16 ngày còn lại là 75.000đ/ngày (làm tròn) x 16 ngày = 1.200.000 đồng;Lưu Thị Thanh B đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiền lương của 16 ngày còn lại là 75.000đ/ngày (làm tròn) x 16 ngàv = 1.200.000 đồng;
Trần Thị Lan T được nhận 01 tháng 16 ngày lương bồi thường sa thải, 75.000đ/ngày (làm tròn) x 16 ngày = 1.200.000đ + 1.944.000đ =3.144.000 đồng; Cao Thị P đã nhận 01 tháng lương bồi thường sa thải, tiền lương của 16 ngày còn lại là 75.000đ/ngày (làm tròn) x 16 ngày =1.200.000 đồng; Nguyễn Thị H được nhận 01 tháng 16 ngày lương bồi thường sa thải,75.000đ/ngày (làm tròn) x 16 ngày = 1.200.000đ + 1.944.000đ = 3.144.000 đồng;
[2.3] Tuy nhiên,Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Tại Điều 33 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/3/2015) quy định: “Người sử dụng lao động phải khôi phục quyền và lợi ích của người lao động bị vi phạm do quyết định xử lý kỷ luật lao động hoặc quyết định tạm đình chỉ công việc hoặc quyết định bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động. Trường hợp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện các quy định các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 42 của Bộ luật Lao động”. Như vậy, trường hợp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì người sử dụng lao động cũng phải có nghĩa vụ thực hiện theo các quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 42 của Bộ luật Lao động năm 2012.
[2.4] Tại Điều 42 của Bộ luật lao động năm 2012 quy định: Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc sa thải trái pháp luật: (1) Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. (2) Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
[3.1] Theo quy định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, để đảm bảo quyền lợi cho những người lao động, cần buộc Công ty phải bồi thường thêm cho những người lao động 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động,
[3.2] Thứ hai: Về yêu cầu bồi thường công lao động ngoài giờ chưa trả cho những người lao động: Như trên đã đánh giá (1), việc quy định người lao động phải làm thêm15 phút đầu giờ và 15 phút cuối giờ làm việc mỗi ngày của Công ty là trái quy định của pháp luật lao động về “thời giờ làm việc” theo Điều 104 của Bộ luật lao động, do đó cũng buộc Công ty phải bồi thường công lao động ngoài giờ chưa được trả cho người lao động, theo đó cộng dồn thời gian mỗi ngày lao động 30 phút tương ứng với tổng thời gian lao động ngoài giờ ch- ưa được trả, làm tròn thời gian, Hội đồng xét xử thấy cần buộc Công ty bồi thường cho mỗi người lao động tương đương với 01 tháng lương là phù hợp.
Như vậy tổng cộng các khoản (bồi thường thiệt hại do Công ty sa thải trái pháp luật và bồi thường công lao động ngoài giờ) buộc Công ty phải bồi thường thêm cho mỗi người lao động là 03 tháng lương theo hợp đồng lao động, ngoài phần bồi thường mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định.
[3.3] Thứ ba: Về các yêu cầu khác của người lao động như: Yêu cầu về việc bồi thường danh dự nhân phẩm, yêu cầu buộc Công ty xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng vì đã xâm phạm tới danh dự người lao động…Quá trình điều tra thu thập chứng cứ, xác minh cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm đều không có căn cứ xác định sự việc như những người lao động đã nêu ra như: Công ty đặt ra quy định về thời gian mỗi lần đi vệ sinh không quá 10 phút), cấm đi vệ sinh trong giờ làm việc, vi phạm thì Công ty bêu người lao động bằng cách dán ảnh lên tường…Đại diện Công ty khẳng định không có những việc làm như vậy, những người lao động cũng chỉ nêu ra yêu cầu song không có căn cứ chứng minh, do đó cũng như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo về nội dung này.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;
[1] Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn; sửa Bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/LĐ-ST ngày 24 và 25 tháng 02 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam; cụ thể :
[2] Áp dụng quy định tại các Điều 196, 197, 198, 199, 202, 207, 208,210, 238 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 158, 159 Bộ luật dân sự; Điều 22, Điều 98 của Bộ luật lao động; áp dụng thêm Điều 42 của Bộ luật lao động, buộc Công ty TNHH V phải bồi thường thêm cho 07 người lao động (07 nguyên đơn) có tên trên, với mức bồi thường cho mỗi người bằng 03 tháng lương theo hợp đồng lao động với mức cụ thể là: 1.944.000 đ x 03 tháng = 5.832.000 đồng (ngoài mức bồi thường mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định).
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[4] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 98/2017/LĐ-PT ngày 18/07/2017 về xử lý kỷ luật sa thải
Số hiệu: | 98/2017/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 18/07/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về