TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 22/2017/LĐ-PT NGÀY 01/12/2017 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ TIỀN LƯƠNG
Trong các ngày 28/11 và 01/12/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 14/2017/TLPT-LĐ ngày 02/10/2017 về việc “tranh chấp xử lý kỷ luật lao động và tranh chấp tiền lương”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 05/2017/LĐ-ST ngày 07/08/2017 của Tòa án nhân dân thị xã D, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 17/2017/QĐ-PT ngày 06/11/2017, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Trương Công Tr, sinh năm 1971. Thường trú: Thị trấn C, huyện T, tỉnh Hậu Giang. Tạm trú: Số A, đường số X, khu phố N, phường L, quận T, Thành phố Hồ chí Minh. Có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Việt Nam TH Sepre.N. Địa chỉ: Số M, khu phố B, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Trịnh Thanh Đ, sinh năm 1972. Địa chỉ: Số B, đường T, Phường Y, Quận O, Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ liên lạc: Số M, khu phố B, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 12/5/2017). Có mặt.
- Người làm chứng: Bà Cao Thị H, sinh năm 1988. Địa chỉ: Số C khu phố B, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Trương Công Tr.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn trình bày: Ngày 09/12/2015, giữa Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Việt Nam TH Sepre.N (sau đây gọi là Công ty TH) và ông Tr ký Hợp đồng lao động số T847. Thời gian hợp đồng là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 09/12/2015 đến ngày 08/12/2016 với nhiệm vụ là nhân viên bảo vệ, địa điểm làm việc là theo sự điều động của công ty, mức lương tối thiểu là 3.400.000 đồng/01 tháng, ngoài ra tùy từng nơi làm việc sẽ có phụ cấp. Ông Tr thừa nhận chữ ký và chữ viết của mình tại Hợp đồng lao động số T847/02 giữa ông và Công ty TH ký kết ngày 29/12/2015 nhưng không thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng.
Theo Hợp đồng lao động số T847 ký kết ngày 09/12/2015 giữa ông Tr và Công ty TH, theo ông Tr hiểu đây là mức lương thấp nhất mà ông Tr được nhận trong 01 tháng với thời gian làm việc 08 giờ/01 ngày, 06 ngày/01 tuần, 26 ngày/01 tháng. Vì vậy, tính ra một giờ làm việc hành chính của ông Tr là 16.345 đồng (3.400.000 đồng/26 ngày/8 giờ), 01 giờ làm thêm ngày thường là 16.346 đồng x 150% = 24.519 đồng, 01 giờ làm thêm ngày nghỉ là 16.346 đồng x 200% = 32.692 đồng, 01 giờ làm thêm ngày lễ, tết là 16.346 đồng x 300% = 49.038 đồng. Tuy nhiên, thực tế Công ty TH chỉ trả lương cho ông Tr lương giờ hành chính là 9.500 đồng/01 giờ, lương làm thêm là 19.000 đồng/01 giờ, lương ngày lễ, tết là 29.000 đồng/giờ. Như vậy là không đúng với thỏa thuận tại Hợp đồng T847 mà hai bên đã ký kết.
Tổng số tiền lương chênh lệch từ tháng 12/2015 đến tháng 12/2016 ông Tr yêu cầu Công ty TH phải trả là 39.818.000 đồng.
Hàng tháng, ông Tr nhận lương bằng tiền mặt từ chỉ huy trưởng, có ký nhận vào bảng lương. Đến ngày 19/12/2016, ông Tr có đơn xin nghỉ việc, Công ty TH đã giải quyết cho ông Tr nghỉ việc theo nguyện vọng, trong thời gian làm việc tại Công ty TH ông Tr không thắc mắc, khiếu nại gì về việc trả lương của Công ty TH. Tại phiên tòa ông Tr thừa nhận chữ ký, chữ viết tại sổ Thông báo ngày 31/12/2015 của Công ty TH và chữ ký, chữ viết tại Hợp đồng lao động số T847/02 ngày 29/12/2015 là của mình.
Đối với việc Công ty TH kỷ luật ông Tr, ông Tr chỉ nhận được Quyết định xử lý kỷ luật số: BD05/2016/QĐ-KL/VNTL- Sepre.N ngày 18/10/2016. Quyết định số 05 có nội dung là trừ 600.000 đồng tiền phụ cấp tháng 11/2016. Ông Tr thừa nhận có vi phạm lỗi như Quyết định số 05, tuy nhiên, việc Công ty TH trừ tiền 600.000 đồng vào lương tháng 10/2016 là không đúng pháp luật. Vì căn cứ Bộ luật Lao động hiện hành thì không được kỷ luật lao động bằng cách trừ vào tiền lương của người lao động và khi họp xử lý kỷ luật lao động không mời ông Tr tham gia cuộc họp. Tháng 10/2016, ông Tr ký bảng lương với số tiền là 5.645.839 đồng, nhưng thực tế số tiền ông nhận là 4.845.839 đồng, Công ty TH trừ 600.000 đồng do xử lý kỷ luật theo Quyết định 05 và 200.000 đồng tiền học nghiệp vụ, ông Tr cung cấp bảng lương tháng 10/2016, không có chữ ký, mộc dấu của Công ty TH. Nay ông Tr yêu cầu Công ty TH phải trả lại số tiền 600.000 đồng đã trừ lương tháng 10/2016.
Tổng số tiền ông Tr khởi kiện yêu cầu Công ty TH phải trả là: 40.418.000 đồng, trong đó 600.000 đồng tiền xử lý kỷ luật lao động, 39.818.000 đồng tiền lương chênh lệch.
Bị đơn Công ty TH trình bày: Thống nhất với lời khai của ông Tr về việc các bên ký Hợp đồng lao động số T847 ngày 09/12/2015, thời gian làm việc, số tiền lương hàng tháng ông Tr nhận khi làm việc tại Công ty TH. Tại Hợp đồng số T847 đã ghi rõ, thời gian làm việc và lương khoán, đồng thời tại mục 1.1 Điều 3 của hợp đồng lao động đã thỏa thuận rõ: Cụ thể theo quyết định và thông báo từng thời điểm của công ty gửi đến từng mục tiêu, hàng năm Công ty TH đều thông báo về lương cụ thể từng giờ làm việc hành chính, làm thêm giờ, làm vào ngày nghỉ lễ, tết. Đối với lương của năm 2016, Công ty TH có Thông báo ngày 25/12/2015 là 76.000 đồng/1 điểm quy định (1 điểm là 8 giờ), 152.000 đồng/1 điểm ngoài giờ, 228.000 đồng/1 điểm lễ, tương đương 9.500 đồng/01 giờ quy định, 19.000 đồng/01 giờ làm thêm, 28.500 đồng/01 giờ lễ. Công ty TH trả lương cho nhân viên theo đúng thông báo, đồng thời đã gửi thông báo về mức lương năm 2016 cho Chỉ huy trưởng từng mục tiêu và Chỉ huy trưởng có trách nhiệm thông báo lại cho nhân viên. Khi biết được mức lương năm 2016, ông Tr trực tiếp yêu cầu Công ty TH ký lại hợp đồng lao động với nội dung cụ thể về lương theo đúng Thông báo mức lương năm 2016 của Công ty. Giữa hai bên đã ký kết Hợp đồng lao động số T847/02 ngày 29/12/2015, hợp đồng này thay thế Hợp đồng lao động số T847 ngày 09/12/2015. Ngày 31/12/2015, ông Mai Huỳnh Thắng là chỉ huy mục tiêu có tổ chức thông báo mức lương của năm 2016, tại cuộc họp ông Tr có mặt và ký xác nhận tại Sổ thông báo. Vì vậy, từ tháng 12/2015 ông Tr đã biết về việc trả lương của Công ty TH là trả lương khoán theo giờ, hàng tháng khi nhận lương ông Tr đều có kiểm tra và ký nhận lương đầy đủ, không có ý kiến gì về việc trả lương của Công ty.
Công ty TH không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông Tr về việc đòi tiền lương chênh lệch với số tiền 39.818.000 đồng và yêu cầu Tòa án đình chỉ yêu cầu khởi kiện vì Công ty đã trả lương theo đúng thỏa thuận tại Hợp đồng lao động T847/02 đã ký kết với ông Tr vào ngày 29/12/2015, đồng thời ngày 25/12/2015, Công ty có thông báo về mức lương năm 2016 cho toàn bộ nhân viên biết nên thời hiệu khởi kiện đã hết.
Đối với việc Công ty TH kỷ luật ông Tr do nhiều lần vi phạm nội quy của công ty và khách hàng nên Công ty họp xử lý kỷ luật và ban hành Quyết định số BD05/2016/QĐ-KL/VNTL-Sepre.N ngày 18/10/2016 nhưng quyết định có sai sót nên Công ty TH ban hành Thông báo số 02/2016/QĐ-TH/VNTL-Sepre.N ngày 20/10/2016 để thu hồi Quyết định số 05 và ban hành Quyết định số: BD 06/2016/QĐ-KT/VNTL-Sepre.N ngày 22/10/2016 thay thế Quyết định 05. Quyết định số 05, Thông báo số 02 và Quyết định số 06 đều được giao cho ông Tr, tuy nhiên khi giao các quyết định không có biên bản giao nhận giữa công ty và ông Tr. Nội dung quyết định xử lý kỷ luật với hình thức là không được hưởng phụ cấp trong 02 tháng, trình tự xử lý kỷ luật đối với ông Tr: Công ty tổ chức cuộc họp để xử lý kỷ luật nhưng không mời ông Tr tham dự cuộc họp vì ông Tr đã có các bản kiểm điểm nhận lỗi, bản tường trình, có xác nhận của chỉ huy mục tiêu nơi ông Tr làm việc nên không cần thiết phải mời ông Tr lên dự họp xử lý kỷ luật lao động. Tại Công ty không có tổ chức công đoàn cơ sở, vì vậy tại cuộc họp không có đại diện công đoàn. Khi họp xử lý kỷ luật lao động xong công ty không báo cáo kết quả với Công đoàn cơ sở cấp trên. Công ty có ban hành quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Tr nhưng chưa thi hành, điều này được thể hiện tại Bảng lương tháng 10/2016 có ký xác nhận của ông Tr nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tr về việc trả lại số tiền 600.000 đồng.
Bản án sơ thẩm số 05/2017/LĐ-ST ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã D đã quyết định:
- Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện về tranh chấp tiền lương của ông Trương Công Tr với Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Việt Nam TH Sepre.N.
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện xử lý kỷ luật về việc hoàn trả 600.000 đồng của ông Trương Công Tr đối với Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Việt Nam TH Sepre.N.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 21/8/2017, ông Tr kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Nguyên đơn cho rằng Hợp đồng lao động số T847/02 ngày 29/12/2015 là hợp đồng giả tạo do bị đơn hợp thức hóa để cung cấp cho Tòa án và yêu cầu triệu tập bà Cao Thị H là Thủ quỹ Công ty để chứng minh Công ty đã trừ lương tháng 10/2016 của ông là 600.000 đồng.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người làm chứng bà Cao Thị H trình bày: Bà H là Thủ quỹ công ty TH, chức năng của bà H là phát lương cho tổ trưởng các mục tiêu và các tổ trưởng phát tiền lương trực tiếp lại cho các nhân viên trong tổ. Bà H không có chức năng làm Kế toán thanh toán lương. Bảng lương nhân viên tháng 10/2016 (bút lục 168) mà bà H được xem không phải là bảng lương của công ty, phần chữ viết ghi bên dưới không có chữ ký, ghi tên người viết, bà H không biết phần chữ viết trên thể hiện nội dung gì. Bà H không thừa nhận phần chữ viết trên bảng lương nêu trên là của bà H.
Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Về tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ khi tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung, Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ đối với yêu cầu tranh chấp tiền lương và xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Tr về việc đòi số tiền 600.000 đồng tiền lương bị công ty trừ trong tháng 10/2016 là có căn cứ. Ông Tr kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào khác để chứng minh nên không có có cơ sở để chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông Tr, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng: Ngày 07/8/2017, Tòa án nhân dân thị xã D xét xử vụ án và ban hành Bản án lao động sơ thẩm số 05/2017/LĐ-ST, ngày 21/8/2017 nguyên đơn có đơn kháng cáo bản án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự, nguyên đơn kháng cáo trong thời hạn luật định.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về việc tranh chấp tiền lương (tiền lương chênh lệch từ tháng 12/2015-12/2016) thấy rằng: Hợp đồng lao động số T847 ngày 09/12/2015 (bút lục 39) có xác định: Mức lương khoán mỗi tháng tối thiểu từ 3.400.000 đồng trở lên tùy thuộc vào từng vị trí và thời gian làm việc (cụ thể theo quyết định và thông báo vào từng thời điểm của công ty gửi đến từng mục tiêu). Hợp đồng số T847/02 ngày 29/12/2015 có quy định cụ thể về mức lương khoán được xác định theo số điểm quy định là 76.000 đồng/điểm, số điểm ngoài giờ 152.000 đồng/điểm và số điểm ngày lễ là 228.000 đồng/điểm.
Tại Thông báo mức lương khoán năm 2016 ngày 25/12/2015 của công ty phù hợp với quy định về mức lương khoán được xác định tại Hợp đồng số T847/02. Mặt sau Thông báo có chữ ký và chữ viết “Tr...” (ngày 31/12/2015). Tại phiên tòa sơ thẩm (bút lục 192, 193) ông Tr thừa nhận chữ ký, chữ viết trên là của ông Tr. Xem xét cách tính lương của công ty cùng bảng lương và bảng chấm công cho thấy công ty đã thực hiện đúng theo thông báo ngày 25/12/2015 và Hợp đồng số T847/02 ngày 29/12/2015.
Ông Tr cho rằng Hợp đồng số T847/02 ngày 29/12/2015 là giả tạo từ bản chính của Hợp đồng T847 ngày 09/12/2015 do Công ty đang giữ và yêu cầu Công ty phải cung cấp 02 bản chính của hợp đồng. Nếu Công ty cung cấp được bản chính của Hợp đồng T847 và Hợp đồng T847/02 có chữ ký của ông thì ông Tr thừa nhận Hợp đồng số T847/02 ngày 29/12/2015 là có thực. Tại phiên tòa, đại diện bị đơn đã cung cấp 02 bản hợp đồng theo yêu cầu của ông Tr, sau khi xem xét đối chiếu 03 chữ ký, dấu giáp lai tại 03 bản hợp đồng (trong đó có 01 bản Hợp đồng T847 do ông Tr nộp tại Tòa án cấp sơ thẩm), ông Tr thừa nhận đều là chữ ký của ông và thừa nhận Hợp đồng số T847/02 ngày 29/12/2015 là có thực, chính ông Tr đã ký vào hợp đồng.
Như vậy, có căn cứ xác định các ngày 29/12/2015 và ngày 31/12/2015 là thời điểm ông Tr được thông báo về mức lương năm 2016 nhưng đến tháng 02 năm 2017 ông Tr mới gửi đơn khiếu nại về việc Công ty chi trả lương và yêu cầu trả lại 39.918.000 đồng tiền lương chênh lệch từ tháng 12/2015-12/2016 do Công ty tính lương không đúng là đã hết thời hiệu khởi kiện vụ án lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động, Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Tr do hết thời hiệu khởi kiện là phù hợp pháp luật.
[3] Xét yêu cầu của ông Tr về việc trả lại cho ông Tr 600.000 đồng tiền phụ cấp lương tháng 10/2016 Công ty đã trừ của ông Tr do xử lý kỷ luật:
Ông Tr trình bày: Ngày 18/10/2016 Công ty ra Quyết định số 05 xử lý kỷ luật trừ phụ cấp 600.000 đồng vào lương của ông Tr là không đúng pháp luật, ông Tr yêu cầu công ty trả lại cho ông Tr do đã trừ vào lương tháng 10/2016 của ông Tr (lương tháng 10 ông Tr được nhận vào ngày 15/11/2016). Ông Tr cung cấp bảng lương nhân viên tháng 10 (bút lục 168) có chữ viết của nhân viên công ty ghi trừ kỷ luật 600.000 đồng để chứng minh.
Xét về việc xử lý kỷ luật, Công ty thừa nhận việc ban hành Quyết định số 05 là không đúng pháp luật nên ngày 20/10/2016 Công ty ban hành Thông báo số 02 về việc thu hồi quyết định xử lý kỷ luật số 05 và thay thế bằng Quyết định số 06 ngày 22/10/2016. Theo Quyết định số 06 thì hình thức kỷ luật áp dụng đối với ông Tr là không được hưởng phụ cấp 02 tháng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/10/2016 nhưng Công ty chưa thực hiện được do ông Tr chuyển vị trí công tác đến mục tiêu không có phụ cấp.
Xem xét bảng lương nhân viên tháng 10/2016 do Công ty cung cấp (bút lục 88) thể hiện lương và phụ cấp của ông Tr là 5.645.839 đồng, tại mục trừ không thể hiện khoản trừ tiền kỷ luật và ông Tr thừa nhận có ký tên nhận. Tuy nhiên, ông Tr cho rằng, ông có ký nhận vào bảng lương nêu trên nhưng trên thực tế lương tháng 10 ông chỉ nhận được số tiền 4.845.839 đồng (do công ty đã trừ của ông 600.000 phụ cấp và 200.000 tiền học nghiệp vụ) thể hiện qua bảng lương nhân viên tháng 10 do ông Tr cung cấp (bút lục 168) và đồng thời cho rằng ông không nhận được Thông báo số 02 cũng như Quyết định số 06 ngày 22/10/2016 nên khẳng định công ty đã căn cứ Quyết định 05 để trừ lương tháng 10 của ông. Xem xét chứng cứ ông Tr cung cấp không có chữ ký của người lập, kế toán và con dấu của công ty nên không có căn cứ để xem xét. Mặt khác, bà H là Thủ quỹ của Công ty không phải là Kế toán nên không có chức năng tính lương cho ông Tr. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Cao Thị H xác định bảng lương ông Tr cung cấp không phải do công ty phát hành và chữ viết trên bảng lương đó không phải của bà nhưng ông Tr không yêu cầu giám định chữ viết. Đồng thời, nếu căn cứ Quyết định số 05 (bút lục 19) như ông Tr trình bày thì việc trừ tiền phụ cấp nếu được công ty thực hiện sẽ bị công ty trừ vào lương trong tháng 11.
Như vậy, có căn cứ xác định Công ty đã ban hành quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức trừ phụ cấp của ông Tr là trái quy định của pháp luật nhưng không có căn cứ xác định Công ty đã trừ phụ cấp 600.000 đồng vào lương tháng 10/2016 của ông Tr. Do đó, ông Tr yêu cầu Công ty hoàn trả lại 600.000 tiền phụ cấp Công ty đã trừ của ông Tr là không có căn cứ. Bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Tr là phù hợp pháp luật.
[4] Từ những phân tích trên, xét thấy nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào khác để chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn; Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là phù hợp với quy định của pháp luật.
[5] Về án phí: Án phí sơ thẩm, phúc thẩm nguyên đơn phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ: Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Trương Công Tr, giữ nguyên phần quyết định của Bản án sơ thẩm số 05/2017/LĐ-ST ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã D, tỉnh Bình Dương.
Áp dụng:
Các Điều: 23, 35, 123, 125, 128, 201 và Điều 202 Bộ luật Lao động; Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động;
Khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Điều 12, khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của ông Trương Công Tr với Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Việt Nam TH Sepre.N về tranh chấp tiền lương.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trương Công Tr đối với Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Việt Nam TH Sepre.N về việc tranh chấp xử lý kỷ luật bằng hình thức khấu trừ lương 600.000 đồng.
3. Về án phí sơ thẩm: Ông Trương Công Tr phải chịu 300.000 đồng tiền án phí về xử lý kỷ luật lao động được khấu trừ vào 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009724 ngày 03/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D, tỉnh Bình Dương.
4. Về án phí phúc thẩm: Ông Trương Công Tr phải chịu 300.000 đồng, được trừ 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0010011 ngày 25/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 22/2017/LĐ-PT ngày 01/12/2017 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động và tiền lương
Số hiệu: | 22/2017/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 01/12/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về