Bản án 48/2018/DS-ST ngày 07/09/2018 về tranh chấp chấp yêu cầu chia thừa kế tài sản theo di chúc và đòi lại di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 48/2018/DS-ST NGÀY 07/09/2018 VỀ TRANH CHẤP CHẤP YÊU CẦU CHIA THỪA KẾ TÀI SẢN THEO DI CHÚC VÀ ĐÒI LẠI DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 07 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 98/2016/TLST-DS ngày 06 tháng 12 năm 2016, về việc “Tranh chấp yêu cầu chia thừa kế tài sản theo di chúc và đòi lại di sản thừa kế”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 79/2018/QĐXXST-DS ngày 16 tháng 07 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 63/2018/QĐST-DS ngày 13 tháng 08 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà A; Địa chỉ: ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

2. Bị đơn: Ông B; Địa chỉ: ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà C; Địa chỉ: ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.2. Bà D; Địa chỉ: Ấp X4, xã An Lạc Tây, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.3. Ông E; Địa chỉ: Ấp X3, xã Y2, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

3.4. Bà F; Địa chỉ: thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

3.5. Ông G; Địa chỉ: Ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

3.6. Bà H; Địa chỉ: Ấp X3, xã Y2, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

3.7. Bà K; Địa chỉ: Ấp X3, xã Y2, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

3.8. Bà L; Địa chỉ: Lãnh thổ Đài Loan. (vắng mặt)

3.9. Bà J; Địa chỉ: Ấp X2, xã Y2, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.10. Chị I; Địa chỉ: Ấp X2, xã Y2, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

* Người đại diện theo pháp luật của chị I: Ông M; Địa chỉ: Ấp X2, xã, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng (cha ruột chị I). (vắng mặt)

3.11. Ông N; Địa chỉ đăng ký HKTT: tỉnh Kiên Giang. Chỗ ở hiện nay: thành phố Hồ Chí Minh.

3.12. Ông P. Địa chỉ đăng ký HKTT: ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. Chỗ ở hiện nay: thành phố Hồ Chí Minh.

3.13. Bà Q. Địa chỉ đăng ký HKTT: tỉnh Kiên Giang. Chỗ ở hiện nay: thành phố Hồ Chí Minh.

3.14. Bà R. Địa chỉ đăng ký HKTT: ấp X1, xã Y1, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. Chỗ ở hiện nay: thành phố Hồ Chí Minh.

3.15. Bà S. Địa chỉ đăng ký HKTT: tỉnh Kiên Giang. Chỗ ở hiện nay: thành phố Hồ Chí Minh.

* Người đại diện theo ủy quyền của ông N, ông P, bà Q, bà R và bà S: ÔngB - là bị đơn trong vụ án (theo giấy  ủy quyền ngày 07/5/2018).

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện đề ngày 20/12/2013, bản tự khai, các biên bản lấy lời khai, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn bà A trình bày (BL 13, 20, 72, 165, 295, 297): Nguyên vào ngày 15/3/2004, cha nguyên đơn A là cụ T (chết ngày 25/7/2013) có lập di chúc để lại di sản cho bà một căn nhà kiên cố (ngang 5,9m, dài 11m) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích đất 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 084/C.766648 ngày 29/9/1994 của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Z cấp cho cụ T. Có tứ cận hướng Đông giáp ông GR1, hướng Tây giáp ông GR2, hướng Nam giáp sông, hướng Bắc giáp ông GR3 (lộ đal).

Đến năm 2013, sau khi cụ T chết di chúc được mở, lúc này bị đơn B (anh ruột nguyên đơn) làm ăn thất bại về ở chung với gia đình, nguyên đơn và các anh em họp bàn yêu cầu bị đơn B giao lại căn nhà và đất theo di chúc cho nguyên đơn, nhưng bị đơn B không đồng ý.

Nay nguyên đơn A yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế theo di chúc và buộc bị đơn B giao cho nguyên đơn đối với căn nhà kiên cố (ngang 5,9m, dài 11m) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích đất 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng.

- Theo tờ tường trình đề ngày 22/12/2013, bản tự khai ngày 01/6/2014, các biên bản lấy lời khai, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn ông B trình bày (BL 21, 24, 26, 167, 305): Nguồn gốc căn nhà kiên cố (ngang 5,9m, dài 11m) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích đất 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng đang tranh chấp là của cụ T (chết ngày 25/7/2013) và cụ W (chết ngày 30/4/2013) là cha mẹ ruột của nguyên đơn A và bị đơn B.

Năm 1990, bị đơn đi làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh. Đến khoảng năm2006 - 2007, cha mẹ cho lại bị đơn  phần nhà đất trên, khi đó trên đất căn nhà đã xuống cấp, vì là con cái trong gia đình nên việc cho nhà đất không có lập giấy tờ mà chỉ nói miệng. Đến năm 2008, do cha mẹ và các anh em thấy bị đơn làm thuê không nổi nên kêu bị đơn về sống chung với cha mẹ, lúc này bị đơn mới nâng cấp thành nhà kiên cố và chăm sóc cha mẹ lúc đau bệnh đến khi cha mẹ qua đời vào năm 2013. Hiện nay, trên phần đất tranh chấp chỉ có bị đơn và vợ là bà C sinh  sống.

Bị đơn B và bà C có với nhau tất cả 05 người con gồm các ông bà N, P, Q, R, S. Hiện nay, các con bị đơn đều đi làm và sống ở thành phố Hồ Chí Minh, không có sống ở trên đất tranh chấp nhưng việc giải quyết vụ án này có liên quan đến các con bị đơn vì trong trường hợp Tòa án giải quyết chia đất cho nguyên đơn A thì khi các con bị đơn về sẽ không còn chỗ ở nào khác. Đối với ông P do từ nhỏ đến lớn đã sống chung với cụ T nên trong hộ khẩu cụ T khai ông P là con cụ T, chứ thực tế ông P là con ruột của bị đơn và bà C (chỉ là cháu nội của cụ T).

Việc nguyên đơn A cho rằng vào năm 2004 cụ T có làm di chúc để lại phần đất và căn nhà nêu trên cho nguyên đơn A là không đúng sự thật, vì việc lập di chúc các anh em đều không hay biết, trong di chúc mẹ cha đều có tên (cụ T và cụ W), nhưng chỉ có cha ký tên, không có chữ ký của mẹ. Theo bị đơn di chúc này là do nguyên đơn A làm giả vì tại thời điểm năm 2004 cụ T đã già yếu, không còn minh mẫn nên di chúc không hợp pháp.

Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn A và yêu cầu Tòa án công nhận nhà, đất nêu trên thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp của bị đơn.

- Theo tờ tự khai ngày 04/7/2014 và biên bản lấy lời khai ngày 21/3/2017, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà D trình bày (BL 68, 189): Nguồn gốc phần nhà kiên cố (ngang 5,9m, dài 11m) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích đất 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng là của cụ T và cụ W (cha mẹ bà). Cha mẹ bà có tất cả 09 người con, nguyên đơn A và bị đơn B đều là em ruột của bà. Khi cha mẹ bà còn sống có nói làm di chúc cho một người nhưng không nói rõ là cho ai. Thời điểm đó cha mẹ bà vẫn còn minh mẫn. Sau này khi nguyên đơn A đem di chúc ra thì bà mới biết vào năm 2004, cha bà có làm di chúc cho nguyên đơn A nhà, đất nêu trên. Bà có xem tờ di chúc thì thấy bị rách một góc như mối ăn, nhưng chữ ký trong đó chính là chữ ký của cha bà, nên bà không có ý kiến gì đối với tờ di chúc.

Khi cha mẹ bà còn sống, bà không nghe cha mẹ bà nói cho bị đơn B nhà, đất nêu trên, chỉ nghe mẹ bà nói vợ chồng bị đơn B có kêu mẹ bà làm di chúc cho bị đơn B nhưng mẹ bà không đồng ý. Phần đất và nhà tranh chấp hiện nay do bị đơn B quản lý và ở. Nhà thì do cha mẹ bà cất sẵn, bị đơn B không có sửa chữa gì, sau này cha mẹ bà có lót gạch lại.

Bà không có ý kiến gì đối với việc tranh chấp giữa nguyên đơn A và bị đơn B. Bà yêu cầu chia đều hết cho các anh em, của ai thì người đó hưởng, hoặc anh em thỏa thuận cho lại ai thì cho.

- Theo biên bản lấy lời khai ngày 02/7/2014 và ngày 22/3/2017, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông E trình bày (BL 61, 191): Cụ T và cụ W là cha mẹ ông, các cụ có tất cả 09 người con, ông là anh ruột của nguyên đơn A và bị đơn B.

Lúc cha mẹ còn sống có chia đều tài sản cho các anh em, trong đó con trai có ruộng lẫn vườn, con gái thì cho ruộng. Bị đơn B làm ăn thất bại nên chuyển nhượng cho ông phần đất ruộng và chuyển nhượng cho ông G phần đất vườn. Thấy bị đơn B hoàn cảnh khó khăn, không chỗ ở nên cha mẹ kêu vợ chồng bị đơn B về ở chung để lo cho cha mẹ, lúc cha mẹ còn sống thì nói cho bị đơn B nhà, đất, không có làm giấy tờ chỉ nói bằng miệng nhưng các anh em có chứng kiến, thời điểm đó cha mẹ vẫn còn minh mẫn.

Việc nguyên đơn A cho rằng vào ngày 15/3/2004 cụ T có làm di chúc cho nguyên đơn A phần nhà kiên cố (ngang 5,9m, dài 11m) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích đất 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng là không đúng, vì khi cha mẹ còn sống không nghe nói và cũng không ai biết tờ di chúc đó, sau khi cha mẹ chết thì ông G có đem tờ di chúc ra và mời anh chi em họp gia đình là cha mẹ có di chúc cho A nhà và đất, ông G đưa ra tờ di chúc (bản sao), đến khi ra xã hòa giải ông mới thấy tờ di chúc bản chính. Phần đất và nhà tranh chấp hiện nay bị đơn B đang ở và quản lý, bị đơn B có lót gạch lại và xây nhà vệ sinh.

Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn A và yêu cầu Tòa án giải quyết cho bị đơn B nhà, đất nêu trên theo di nguyện của cha mẹ lúc còn sống.

- Theo biên bản lấy lời khai ngày 02/7/2014, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông G trình bày (BL 63): Nguồn gốc nhà và đất là tài sản của cụ T và cụ W là cha mẹ ông, các cụ có tất cả 09 người con, ông là anh ruột của nguyên đơn A và em ruột của bị đơn B.

Lúc cha mẹ còn sống có chia đều tài sản cho các anh em, trong đó con trai có ruộng lẫn vườn, con gái thì cho ruộng. Bị đơn B làm ăn thất bại nên chuyển nhượng cho ông phần đất ruộng và chuyển nhượng cho ông G phần đất vườn. Do hoàn cảnh khó khăn, không chỗ ở nên năm 2012 vợ chồng bị đơn B về ở chung để lo cho cha mẹ, tự bị đơn về ở chứ cha mẹ không có kêu.

Trước khi cha mẹ chết có lập tờ di chúc để lại tài sản nhà kiên cố (ngang5,9m, dài 11m) gắn liền với quyền sử  dụng đất diện tích đất 1.342m2, thuộc thửađất số 154, tờ bản đồ số 04,  tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng cho nguyên đơn A thừa hưởng, sau khi lập di chúc cha mẹ đưa cho ông cất giữ, sau khi cha mẹ chết ông có mời anh chị em ruột trong gia đình họp lại và ông đem tờ di chúc ra cho anh chị em biết, lúc bấy giờ anh chị em trong gia đình không đồng ý và cho là di chúc không đúng, di chúc giả (chỉ có ông E và bị đơn B không thống nhất), trong di chúc đúng là cha ký tên, mẹ không ký tên.

Ông yêu cầu để cho bị đơn B tiếp tục ở nhà và quản lý đất đến hết đời, không được quyền sang bán.

- Theo tờ tường trình ngày 04/7/2014 và biên bản lấy lời khai ngày 21/3/2017, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông H trình bày (BL 67,195): Nguồn gốc nhà và đất là tài  sản của cụ T và cụ W là cha mẹ bà, các cụ có tất cả 09 người con, bà là chị ruột của nguyên đơn A và em ruột của bị đơn B.

Lúc cha mẹ còn sống bà không nghe nói là nhà đất để lại cho ai hoặc di chúc cho ai, bà cũng không nghe nói cho ông B, bà chỉ nghe mẹ nói vợ chồng bị đơn B có kêu mẹ làm di chúc để lại nhà đất cho bị đơn B, nhưng mẹ không đồng ý. Đến khi cha mẹ chết thì nguyên đơn A đưa ra di chúc cho anh chị em xem, nhưng anh chị em không đồng ý và cho rằng di chúc giả, bà nhìn thấy di chúc chỉ có chữ ký của cha bà là cụ T, không có chữ ký của mẹ bà.

Do cha mẹ không cho nhà, đất cho người nào, nên bà yêu cầu chia phần đất đều cho anh chị em, căn nhà để cho bị đơn B tiếp tục ở và làm nơi thờ cúng.

- Theo biên bản lấy lời khai ngày 02/7/2014 và bản tự khai ngày 22/3/2017, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông K trình bày (BL 58, 197): Nguồn gốc nhà và đất là tài sản của cụ T và cụ W là cha mẹ bà, các cụ có tất cả 09 người con, bà là chị ruột của nguyên đơn A và em ruột của bị đơn B.

Bà không biết việc cụ T lập di chúc, nhưng lúc cha mẹ còn sống kêu bị đơn B về sống chung với cha mẹ và cha mẹ có hưa cho nhà đất bị đơn B. Về tờ di chúc không rõ ràng nên bà không đồng ý. Bà không yêu cầu chia di sản của cha mẹ.

Do bị đơn B ngheo khó, không chỗ ở và tài sản của cha mẹ hứa cho ông B, hiện ông B đang quản lý, sử dụng nên yêu cầu cho bị đơn B được thừa hưởng để thờ cúng ông bà.

- Theo giấy cam kết ngày 20/6/2014, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông F trình bày (BL 69): Nguyên cha bà cụ T và mẹ cụ W, khi cha mẹ còn sống có lập di chúc cho nguyên đơn A được hưởng một phần tài sản đã nêu trong di chúc là đúng sự thật. Nên bà cam kết không có khiếu nại gì về việc di chúc của cha mẹ bà, lời khai bà là sự thật.

- Theo biên bản lấy lời khai ngày 21/3/2017, ông M là người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị I trình bày (BL 203): Bà O là vợ của ông, bà O đã chết năm 2008. Nguyên đơn A là em vợ ông và bị đơn B là anh vợ ông. Giữa ông và bà O có với nhau 03 người con gồm J, L và I.

Nguồn gốc phần nhà đất tranh chấp là của cụ T và cụ W (cha mẹ vợ ông).

Khi cha mẹ vợ ông còn sống ông có nghe cha mẹ vợ ông nói là cho phần nhà đất này cho vợ chồng bị đơn B, còn việc khi cho đất có làm giấy tờ hay không và việc cha mẹ vợ có làm di chúc cho nguyên đơn A hay không thì ông không biết. Ông cũng chưa từng thấy tờ di chúc cụ T cho nguyên đơn A phần đất và nhà đang tranh chấp. Việc nguyên đơn A cho rằng vào năm 2004 cụ T có làm tờ di chúc cho nguyên đơn A phần nhà kiên cố (ngang 5,9m, dài 11m) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích đất 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng là không đúng vì lúc đó cụ T bệnh yếu và không còn minh mẫn.

Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn A và yêu cầu Tòa án công nhận nhà, đất nêu trên cho bị đơn B, vì khi cha mẹ vợ ông còn sống đã có chia đều đất đai cho các anh em của vợ ông.

* Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn A giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện yêu cầu được chia thừa kế theo di chúc và yêu cầu bị đơn giao trả di sản. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

* Kiểm sát viên phát biểu ý kiến Viện kiểm sát về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, theo phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [I] Về tố tụng :

 [1] Theo đơn khởi kiện ngày 20/12/2013 và tại biên bản lấy khai ngày 03/5/2018 (BL 13, 297) nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ T theo di chúc và buộc bị đơn B giao trả di sản cho nguyên đơn đối với căn nhà kiên cố gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp “Tranh chấp yêu cầu chia thừa kế tài sản theo di chúc và đòi lại di sản thừa kế” là đúng theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và Điều 256, Điều 631 và Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng Điều 166, Điều 609 và Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015).

 [2] Trong vụ án có đương sự ở nước ngoài và cần phải ủy thác tư pháp, việc tranh chấp giữa các đương sự có liên quan đến quyền đối với tài sản (là bất động sản nằm trên lãnh thổ Việt Nam) của đương sự ở nước ngoài. Do vậy, Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thụ lý, xét xử vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

 [3] Cụ W chết ngày 30/4/2013 và cụ T chết ngày 25/7/2013, đến ngày 20/12/2013 nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ T theo di  chúc là còn trong thời hiệu khởi kiện được quy định tại khoản 1 Điều 623 và khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 [4] Đối với bà L tại thời điểm khởi kiện định cư tại lãnh thổ Đài Loan, ngày 10/2/2017 Tòa án lập thủ tục ủy thác tư pháp tống đạt “Thông báo về việc thụ lý vụ án số 81/TB-TLVA ngày 06/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng”, đến ngày 07/11/2017 Bộ Tư pháp có văn bản trả lời (BL 210) là Cơ quan có thẩm quyền của lãnh thổ Đài Loan không thực hiện được ủy thác tư pháp cho bà L do địa chỉ không đầy đủ và đương sự trong vụ án cũng không cung cấp được địa chỉ mới. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan C, D, F, J, I đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không lý do và không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, việc vắng mặt cũng không ảnh hưởng đến việc xét xử, đương sự khác vắng mặt có người đại diện.

Do vậy, Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, tiến hành xét xử vụ án.

 [II] Về nội dung :

 [1] Các đương sự thống nhất số đo, diện tích đo đạc thực tế, tài sản trên đất và giá trị tài sản tranh chấp theo Biên bản (V/v xem xét, thẩm định tại chỗ) và Sơ đồ hiện trạng khu đất cùng ngày 22/5/2014 (BL 95 - 97); Biên bản (V/v xem xét, thẩm định tại chỗ phục vụ cho việc định giá tài sản) và Biên bản định giá tài sản cùng ngày 28/6/2018 (BL 469 - 482). Thống nhất toàn bộ quyền sử dụng đất diện tích 2.850m2 (đất ở 300m2, đất cây lâu năm 2.550m2), thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng là tài sản thuộc quyền sử dụng chung của cụ T và cụ W, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số C 766648 ngày 29/9/1994 của UBND huyện Z cấp cho hộ ông T, trong đó đất tranh chấp theo đo đạc thực tế diện tích là 1.342m2; diện tích thực tế còn lại của thửa 154 (không đo đạc) liền kề diện tích đất tranh chấp, các đương sự thừa nhận khi còn sống cụ T và cụ W đã chuyển nhượng cho vợ chồng nguyên đơn (A và GR1) theo “Tờ Sang đất ngày 29/6/1992” (BL 05) nên không tranh chấp; Căn nhà chính (có gác gỗ) là tài sản của cụ T và cụ W xây dựng; Nhà phụ, nhà tạm và sân trước do bị đơn xây dựng sau khi phát sinh tranh chấp; Cây trồng trên đất gồm xoài loại B 04 cây và xoài đài loan loại C 32 cây, mít loại B 05 cây, chuối loại A 50 cây, loại B 100 cây và loại C 200 cây, dừa loại C 50 cây, hạnh loại C 30 cây, cau loại B 13 cây và loại C 230 cây {trong đó bị đơn trồng sau thẩm định ngày 22/5/2014 gồm hạnh loại C 30 cây, cau loại C 230 cây, dừa loại C 30 cây và xoài đài loan loại C 32 cây (trị giá 14.640.000đồng); cây trồng còn lại là của cụ T và cụ W gồm xoài loại B 04 cây, mít loại B 05 cây, chuối loại A 50 cây, loại B 100 cây và loại C 200 cây, dừa loại C 20 cây và cau loại B 13 cây (trị giá 14.095.000đồng)}.

 [2] Các đương sự thừa nhận toàn bộ diện tích thửa đất số 146 và thửa đất số 172, lúc sinh thời cụ T và cụ W đã định đoạt, cắt chia cho các con, đang lập thủ tục tách quyền sử dụng đất nên không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.

 [3] Hiện tại các bên xác định di sản tranh chấp là căn nhà chính gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng; Đồng ý giá trị tài sản tranh chấp căn nhà chính trị giá 93.584.133đồng (Nhà 86.205.443đ + gác gỗ 7.378.690đ), giá trị quyền sử dụng đất 88.100.000đồng {36.000.000đồng (loại đất ở nông thôn 300m2 x 120.000đ/m2) + 52.100.000đồng (loại đất cây lâu năm 1.042m2 x 50.000đ/m2)}, tổng giá trị di sản là 181.684.000đồng (làm tròn số). Không yêu cầu phân chia giá trị cây trồng trên đất.

 [4] Đồng thời, các đương sự thống nhất, lúc sinh thời cụ T (chết ngày 25/7/2013) và cụ W (chết ngày 30/4/2013) có tất cả 09 người con chung, gồm các ông (bà) D, E, B, F, G, H, O (chết năm 2008, có chồng là ông M và các con L, J, I), K và A. Cụ T và cụ W không có con riêng và con nuôi, cha mẹ các cụ cũng đã chết hết.

 [5] Những tình tiết, sự kiện nêu tại [1], [2], [3] và [4] các bên đương sự không phải chứng minh theo quy định điểm a khoản 1 và 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

 [6] Bà O chết trước cụ T và cụ W, nên các con của bà O là L, J và I được hưởng phần di sản mà bà O được hưởng của cụ T và cụ W theo pháp luật nếu còn sống. Do đó, các ông (bà) D, E, B, F, G, H, O (chết năm 2008), K và A đều là người thừa kế và thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ T và cụ W theo quy định tại Điều 635 và điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng Điều 613 và điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015). Bà O chết nên các con bà O là L, J và I là những người thừa kế thế vị phần di sản của cụ T và cụ W theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng Điều 652 Bộ luật Dânsự năm 2015).

  [7] Theo nguyên đơn, cụ W chết không để lại di chúc và cụ T chết có để lại di chúc, di chúc lập ngày 15/3/2004 cụ T đã định đoạt tài sản là căn nhà kiên cố (nhà chính) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng cho nguyên đơn thừa hưởng khi cụ T và cụ W chết. Để chứng minh nguyên đơn cung cấp cho Tòa án “Tờ di chúc không ghi ngày, tháng và năm”.

 [8] Ngược lại, theo bị đơn cho rằng cụ W và cụ T chết đều không để lại di chúc, di chúc lập ngày 15/3/2004 do nguyên đơn cung cấp là giả tạo, nội dung không rõ ràng và anh chị em không ai biết, căn nhà kiên cố (nhà chính) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng cụ T, cụ W cho bị đơn thừa hưởng khi các cụ còn sống.

 [9] Tờ di chúc do nguyên đơn cung cấp, về hình thức lập thành văn bản, nhưng không ghi ngày, tháng và năm xác lập (sau đây viết tắt Tờ di chúc năm 2004), người di chúc cụ T, vợ cụ W và người hưởng di chúc thừa kế A, được chứng thực của UBND xã Y ngày 15/3/2004 (chứng thực không số) và cụ T được khám sức khỏe thể hiện tâm thần - thần kinh tỉnh táo, tiếp xúc tốt (Giấy chứng nhận sức khỏe ngày 11/11/2003 của Sở y tế Sóc Trăng); về nội dung thể hiện cụ T và cụ W sở hữu di sản căn nhà kiên cố (nhà chính) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 2.850m2, thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng, các cụ thống nhất lập di chúc này phân chia tài sản nhà, đất nêu trên cho A được thừa hưởng.

 [10] Tờ di chúc năm 2004 tuy bị đơn B và người có quyền, nghĩa vụ liên quan E, K đều không thừa nhận và cho là di chúc giả, nhưng bị đơn B trong quá trình giải quyết vụ án có thừa nhận chữ ký trong di chúc đúng là chữ ký của cụ T; đối với người có quyền, nghĩa vụ liên quan D, H, G, F đều thừa nhận chữ ký trong di chúc tại mục người lập di chúc đúng là chữ ký của cụ T và Tờ di chúc năm 2004 cụ T lập là đúng sự thật. Đồng thời, tại Biên bản xác minh ngày 03/4/2018 (BL 311) ông LC1 là người chứng thực Tờ di chúc năm 2004, xác nhận “Thời điểm ngày 15/3/2004 ông là Chủ tịch UBND xã Y, ông có chứng thực vào Tờ di chúc năm 2004, tại thời điểm lập Tờ di chúc năm 2004 thì có mặt ông T và bà A, hai bên ký tờ di chúc là hoàn toàn tự nguyện, việc chứng thực là đúng quy định pháp luật” và tại Biên bản xác minh ngày 30/8/2018 (BL 499) ông LC2 là người viết nội dung chứng thực Tờ di chúc năm 2004, xác nhận “Thời điểm ngày 15/3/2004 ông là cán bộ Hộ tịch Tư pháp xã, chữ viết nội dung chứng thực Tờ di chúc năm 2004 đúng là của ông, chính ông T là người trực tiếp đem Tờ di chúc năm 2004 đến yêu cầu UBND xã chứng thực, ông T có cung cấp kèm theo là Giấy khám sức khỏe của ông T, chính ông T ký tên vào Tờ di chúc năm 2004, lúc đó có bà A hay không thì ông không nhớ…”. Xét thấy, ông LC1 và ông LC2 là công chức và là những người thực hiện việc chứng thực Tờ di chúc năm 2004, không mâu thuẫn, thân thích và cũng không bị ảnh hưởng bên nào, lời xác nhận của ông LC1 và ông LC2 phù hợp với lời bày của nguyên đơn và lời thừa nhận của bà D, bà H, ông G, F, được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng quy định, nên lời xác nhận của ông LC1 và ông LC2 đảm bảo tính khách quan, trung thực, có giá trị pháp lý và đủ điều kiện xác định là chứng cứ để chứng minh theo quy định tại Điều 93, khoản 5 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Do vậy, có căn cứ xác định lúc sinh thời cụ T có lập Tờ di chúc năm 2004 là sự việc có thật và phù hợp với thực tế khách quan.

 [11] Tại thời điểm xác lập Tờ di chúc năm 2004 về tinh thần cụ T vẫn minh mẫn và sáng suốt, về hình thức được lập thành văn bản và có chứng thực theo quy định, về nội dung là cụ T hoàn toàn tự nguyện việc định đoạt tài sản để lại cho người thừa kế. Do đó, Tờ di chúc năm 2004 của cụ T xác lập là di chúc bằng văn bản có chứng thực, phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 650, Điều 652, khoản 3 Điều 653, Điều 655, Điều 656, Điều 660 và Điều 661 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng khoản 1 Điều 647, Điều 649, khoản 4 Điều 650, Điều 652, Điều 653, Điều 657 và Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 625, Điều 627, khoản 4 Điều 628, Điều 630, Điều 631, Điều 635 và Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2015).

 [12] Tuy nhiên, về nội dung Tờ di chúc năm 2004 xác định căn nhà kiên cố (nhà chính) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 2.850m2 (đất ở 300m2, đất cây lâu năm 2.550m2), thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng là tài sản của cụ T, cụ W và các cụ định đoạt toàn bộ tài sản này cho nguyên đơn thừa hưởng là không đúng với thực tế. Bởi lẽ, trước đó vào năm 1992 các cụ đã chuyển nhượng cho vợ chồng nguyên đơn diện tích 01 công (tầm 3m), tại thời điểm lập di chúc tài sản của các cụ là căn nhà kiên cố (nhà chính) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích còn lại là 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng, nhưng cụ T định đoạt toàn bộ diện tích đất đến 2.850m2 (đất ở 300m2, đất cây lâu năm 2.550m2) là vượt quá quyền về tài sản của mình.

 [13] Mặt khác, căn nhà kiên cố (nhà chính) gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích còn lại là 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung hợp nhất của cụ T và cụ W, mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi cụ không được xác định cụ thể và theo Tờ di chúc năm 2004 thể hiện người di chúc cụ T và vợ là cụ W, nhưng không có cụ W ký vào di chúc và cũng không có văn bản thỏa thuận về định đoạt tài sản chung, nhưng cụ T định đoạt toàn bộ nhà và đất cho nguyên đơn A là không đúng theo quy định tại các Điều 232, 233 và 237 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng các Điều 217, 219 và 223 Bộ luật Dân sự năm 2005; các Điều 210, 213 và 218 Bộ luật Dân sự năm 2015).

 [14] Đồng thời, theo Tờ di chúc năm 2004 cũng đã thể hiện rõ căn nhà và đất tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng là tài sản chung của cụ T và cụ W, người di chúc cụ T và vợ là cụ W, không có mặt cụ W, cụ W không ký vào di chúc và cũng không có văn bản thỏa thuận giao cho cụ T định đoạt tài sản chung nhưng UBND xã Y chứng thực là không đúng theo quy định tại Điều 6, Điều 38, khoản 1 Điều 41 và Điều 50 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 về công chứng, chứng thực (có hiệu lực ngày 01/4/2001) và quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2015).

 [15] Do vậy, mặc dù Tờ di chúc năm 2004 cụ T xác lập bằng văn bản, có chứng thực theo quy định, nhưng theo quy định của pháp luật cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật; cụ T định đoạt toàn bộ nhà và đất là tài sản chung với cụ W cho nguyên đơn A thừa hưởng là trái với quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015), nên Tờ di chúc năm 2004 là chưa hợp pháp và không phát sinh hiệu lực đối với phần di sản của cụ W trong khối di sản chung với cụ T.

 [16] Xét thấy, căn nhà chính gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng, có giá trị là 181.684.000đồng (căn nhà chính trị giá93.584.000đồng + quyền sử dụng đất trị  giá 88.100.000đồng) là tài sản chung của cụ T và cụ W, trong đó tài sản nhà và đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của cụ T, cụ W mỗi cụ (50%) giá trị tương ứng với số tiền là 90.842.000đồng vàsau khi các cụ chết thì tài sản  thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của các cụ để lại là di sản theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015).

 [17] Cụ W chết không để lại di chúc, nên di sản của cụ W được thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 674 và điểm a khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng Điều 649 và điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015). Cụ W chết ngày 30/4/2013 và cụ T chết ngày 25/7/2013 là cụ W chết trước cụ T và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015).

 [18] Do đó, cụ T và các ông (bà) D, E, B, F, G, H, O (chết năm 2008), K và A đều là người thừa kế và thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ W theo quy định tại Điều 635 và điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng Điều613 và điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015). Những người thừa kế của  cụ W đều không thuộc trường hợp từ chối nhận di sản và người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 642 và Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng Điều 620 và Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015). Hội đồng xét xử căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015) chia di sản của cụ W theo pháp luật cho cụ T và các ông (bà) D, E, B, F, G, H, O, K, A mỗi người được thừa hưởng một kỷ phần thừa kế di sản của cụ W bằng nhau.

 [19] Tuy nhiên, khi các cụ còn sống bị đơn B là người có công chăm sóc, nuôi dưỡng cụ T và cụ W, cũng như sau khi các cụ chết thì bị đơn B là người có công gìn giữ, bảo quản di sản, nên cần chia thêm cho bị đơn B một kỷ phần thừa kế để bù đắp lại công sức của bị đơn B nêu trên là hợp tình, hợp lý và đúng luật định.

 [20] Tổng cộng có 10 người thừa kế và thêm một kỷ phần thừa kế để bù đắp lại công sức của bị đơn B, nên di sản của cụ W chia đều 11 kỷ phần thừa kế bằng nhau, mỗi kỷ phần thừa kế trị giá tương đương số tiền là: 8.258.360đồng (90.842.000đ/11 kỷ phần). Do vậy, phần di sản của cụ W để lại cụ T và các ông (bà) D, E, F, G, H, O, K, A mỗi người được thừa hưởng một kỷ phần thừa kế trị giá tương đương số tiền là 8.258.360đồng và B được thừa hưởng hai kỷ phần thừa kế trị giá tương đương số tiền là 16.516.720đồng. Kỷ phần thừa kế của O giao cho L, J, I là những người thừa kế thế vị thừa hưởng. Tại phiên tòa, ông E và bà K cho lại bị đơn B kỷ phần thừa kế mà mình được hưởng, việc cho của ông E và bà K là hoàn toàn tự nguyện nên Hội đồng xét xử ghi nhận. 

 [21] Đối với phần di sản của cụ T chết để lại giá trị tương ứng với số tiền là 99.100.360đồng (trong đó bao gồm 50% trong khối di sản chung giá trị là 90.842.000đ và một kỷ phần thừa kế của cụ W trị giá tương đương số tiền là 8.258.360đ) và cụ T có lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế là bà A. Xét thấy, như phân tích trên tuy Tờ di chúc năm 2004 là chưa hợp pháp, nhưng do cụ T lập là sự thật, tại thời điểm lập di chúc cụ T vẫn minh mẫn, sáng suốt, trong di chúc thể hiện rõ ý chí của cụ T định đoạt toàn bộ tài sản của mình cho người thừa kế là bà A thừa hưởng khi cụ chết, việc định đoạt của cụ T hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc. Do vậy, toàn bộ phần di sản của cụ T chết để lại giá trị tương ứng với số tiền là 99.100.360đồng giao cho bà A được thừa hưởng.

 [22] Như vậy, toàn bộ khối di sản chung của cụ T và cụ W là căn nhà chính gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng, có giá trị là 181.684.000đồng, trong đó các ông (bà) D, F, G, H, O mỗi người được thừa hưởng trị giá tương đương số tiền là 8.258.360đồng, B được thừa hưởng trị giá tương đương số tiền là 33.033.440đồng (bao gồm kỷ phần của ông E và bà K) và A được thừa hưởng trị giá tương đương số tiền là 107.358.720đồng (99.100.360đ + 8.258.360đ).

 [23] Đối với cây trồng trên đất của cụ T và cụ W trồng gồm xoài loại B 04 cây, mít loại B 05 cây, chuối loại A 50 cây, loại B 100 cây và loại C 200 cây, dừa loại C 20 cây, cau loại B 13 cây (trị giá 14.095.000đồng) và cây trồng của bị đơn B trồng sau thẩm định ngày 22/5/2014 gồm hạnh loại C 30 cây, cau loại C 230 cây, dừa loại C 30 cây, xoài đài loan loại C 32 cây (trị giá 14.640.000đồng). Xét thấy, đối với các cây trồng nêu trên là trồng xen kẽ lẫn nhau trên đất, các bên đương sự không tranh chấp, không yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết và không yêu cầu phân chia giá trị cây trồng của cụ T và cụ W, thống nhất người nào nhận hoặc được giao hiện vật di sản là quyền sử dụng đất thì cây trồng của các cụ gắn liền trên đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người nhận hoặc được giao đất và không phải trả giá trị lại cho các đồng thừa kế. Dó đó, Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét, người thừa kế nào nhận đất thì cây trồng của các cụ gắn liền trên đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ. Riêng đối với cây trồng trên đất của bị đơn B trồng sau khi đã phát sinh tranh chấp và sau thẩm định ngày 22/5/2014, đất đang tranh chấp mà bị đơn B lại có hành vi trồng cây trên đất, hành vi trên của bị đơn B là không đúng pháp luật và không được pháp luật bảo vệ, nên cần buộc bị đơn B phải di dời toàn bộ cây trồng mà bị đơn trồng gắn liền trên phần đất giao cho đồng thừa kế khác nhận.

 [24] Xét thấy, nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có chỗ ở ổn định, bị đơn B và gia đình hiện nay có khó khăn về chỗ ở, không có chỗ ở nào khác, sau khi các cụ chết bị đơn B và gia đình cũng ở tại nhà đất tranh chấp, các đồng thừa kế cũng có yêu cầu cho bị đơn B tiếp tục ở, trên đất tranh chấp liền kề căn nhà chính thì bị đơn xây dựng thêm căn nhà phụ và nhà tạm. Do đó, cần giao căn nhà chính và một phần quyền sử dụng đất diện tích 650m2 (đất ở 150m2 và đất trồng cây lâu năm 500m2) gắn liền với nhà chính, nhà phụ, nhà tạm, một phần vườn và cây trồng trên đất của cụ T, cụ W cho bị đơn B sở hữu, sử dụng và bị đơn B có nghĩa vụ trả giá trị bằng tiền phần chênh lệch cho các đồng thừa kế khác.

 [25] Đồng thời, trong khối di sản của cụ T và cụ W phần của nguyên đơn A được thừa hưởng chiếm tỷ lệ hơn 59% (107.358.720đ/181.684.000đ), nên di sản bằng hiện vật còn lại là quyền sử dụng đất diện tích 692m2 (đất ở 150m2 và đất trồng cây lâu năm 542m2) tính từ mí đất giáp phần đất nguyên đơn đã nhận chuyển nhượng trở qua nhà chính (cạnh lộ đal) 25m và cây trồng trên đất của cụ T, cụ W cho nguyên đơn được quyền sử dụng, sở hữu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, buộc bị đơn phải di dời toàn bộ cây trồng của bị đơn gắn liền trên diện tích đất giao cho nguyên đơn.

 [26] Bị đơn B nhận phần di sản trị giá 136.584.133đồng {căn nhà chính trị giá 93.584.133đ + quyền sử dụng đất 650m2 trị giá 43.000.000đồng (T 150m2 x 120.000đ/m2 + LNK 500m2 x 50.000đ/m2)}, trừ phần bị đơn được hưởng trị giá trị 33.033.440đồng, giá trị di sản chênh lệch còn lại 103.550.693đồng (136.584.133đ -33.033.440đ) thì bị đơn có  nghĩa vụ giao trả bằng tiền cho các đồng thừa kế D, F, G, H, O mỗi người 8.258.360đồng (41.291.800đ/05 kỷ phần) và A 62.258.893đồng.

 [27] Nguyên đơn A nhận phần di sản là quyền sử dụng đất diện tích 692m2 trị giá 45.000.000đồng (T 150m2 x 120.000đ/m2 + LNK 542m2 x 50.000đ/m2), trừ vào phần nguyên đơn được thừa hưởng trị giá 107.358.720đồng, thì nguyên đơn vẫn còn thiếu nên nguyên đơn không phải trả giá trị chênh lệch cho các đồng thừa kế khác.

 [28] Như đã phân tích trên, theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn A yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ T theo di chúc và buộc bị đơn giao trả di sản là có căn cứ một phần, nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

 [29] Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ T theo di chúc và buộc bị đơn giao trả di sản là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

 [30] Về án phí dân sự sơ thẩm, các đương sự phải chịu án phí có giá ngạch tương ứng với phần di sản được hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 và khoản 1 Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Các ông (bà) D, F, G, H, O mỗi người phải chịu số tiền là 412.918đồng (8.258.360đ x 5%); A phải chịu số tiền là 5.367.936đồng (107.358.720đ x 5%); B phải chịu số tiền là 1.651.672đồng (33.033.440đ x 5%).

 [31] Về lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài số tiền 200.000đồng, nguyên đơn A phải chịu và đã nộp tạm ứng xong.

 [32] Về chi phí đo đạc, định giá tài sản tổng cộng 4.370.000đồng, các đương sự phải chịu theo quy định tại khoản 2 Điều 165 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Các ông (bà) D, F, G, H, O mỗi người phải chịu số tiền là 196.650đồng (4.370.000đ x 4,5%); bà A phải chịu số tiền là 2.600.150đồng (4.370.000đ x 59,5%) và ông B phải chịu số tiền là 786.600đồng (4.370.000đ x 18%). Số tiền các ông (bà) D, F, G, H, O và B phải chịu, khi nộp sẽ hoàn trả lại cho bà A vì bà A đã nộp tạm ứng trước.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 5 Điều 26, khoản 3 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 37, Điều 147, Điều 153, Điều 165, khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 235, Điều 266 và điểm a khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Áp dụng Điều 256, Điều 631, Điều 634, Điều 635, Điều 646, điểm a khoản 1 và 2 Điều 676, Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng Điều 166, Điều 609, Điều 612, Điều 613, Điều 624, điểm a khoản 1 và 2 Điều 651, Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015), khoản 1 Điều 623 và khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 và khoản 1 Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao;

Tuyên xử :

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn A về việc yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ T theo di chúc và buộc bị đơn B giao trả di sản.

1.1. Công nhận căn nhà chính gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 1.342m2, thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng là tài sản chung của cụ T và cụ W khi còn sống và hiện tại là di sản của các cụ T và cụ W mỗi cụ để lại tương ứng 50% khối di sản chung, giá trị tương ứng số tiền là 90.842.000đồng.

1.2. Chia di sản của cụ T và cụ W cho các ông (bà) (bà) D, F, G, H, O mỗi người được thừa hưởng trị giá tương đương số tiền là 8.258.360đồng, B được thừa hưởng trị giá tương đương số tiền là 33.033.440đồng và A được thừa hưởng trị giá tương đương số tiền là 107.358.720đồng. Phần thừa kế của O giao cho L, J, I là những người thừa kế thế vị thừa hưởng.

2. Giao cho bị đơn B được sở hữu, sử dụng căn nhà chính (có gác gỗ) và toàn bộ cây trồng trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 650m2 (đất ở 150m2, đất cây lâu năm 500m2), thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. Vị trí, tứ cận đất như sau:

+ Hướng Đông giáp rạch X, có số đo 8,15m + 17m;

+ Hướng Tây giáp lộ đal, có số đo 31,73m;

+ Hướng Nam giáp đất GR4, có số đo 22,62m;

+ Hướng Bắc giáp phần đất giao cho bà A, có số đo 24,44m;

3. Giao cho nguyên đơn A được sở hữu, sử dụng toàn bộ cây trồng trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 692m2 (đất ở 150m2, đất cây lâu năm 542m2), thuộc thửa đất số 154, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp X, xã Y, huyện Z, tỉnh Sóc Trăng. Vị trí, tứ cận đất như sau:

+ Hướng Đông giáp rạch X, có số đo 19,8m + 5,94m;

+ Hướng Tây giáp lộ đal, có số đo 25m;

+ Hướng Nam giáp phần đất giao cho ông B, có số đo 24,44m;

+ Hướng Bắc giáp phần đất còn lại của thửa đất số 154 (phần bà A đã nhận chuyển nhượng và không có tranh chấp), có số đo 27m;

Buộc bị đơn B di dời toàn bộ cây trồng do bị đơn trồng gắn liền với diện tích đất giao cho nguyên đơn A để giao đất cho nguyên đơn A như nêu trên.

4. Bị đơn B có trách nhiệm hoàn trả giá trị phần tài sản thừa kế bằng tiền đối với di sản thừa kế của cụ T và cụ W cho các đồng thừa kế gồm các ông (bà) D, F, G, H, O mỗi người số tiền là 8.258.360đồng và A số tiền là 62.258.893đồng.

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, các ông (bà) D, F, G, H, O (các con L, J, I yêu cầu) và A có đơn yêu cầu Thi hành án thì bị đơn B phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả đủ số tiền nêu trên cho các ông (bà) D, F, G, H, O (các con L, J, I nhận) và A theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Nếu bị đơn B không thực hiện thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/năm), tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

5. Về án phí dân sự sơ thẩm:

5.1. Các ông (bà) D, F, G, H, O (các con L, J, I chịu) mỗi người phải chịu số tiền là 412.918đồng.

5.2. Nguyên đơn A phải chịu số tiền là 5.367.936đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 1.350.000đồng theo Biên lai thu số 000258 ngày 11 tháng 02 năm 2014 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Z, tỉnh Sóc Trăng; A còn phải nộp tiếp số tiền là 4.017.936đồng.

5.3. Bị đơn B phải chịu số tiền là 1.651.672đồng.

6. Về lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài số tiền 200.000đồng, nguyên đơn A phải chịu và đã nộp tạm ứng xong.

7. Về chi phí đo đạc, định giá tài sản tổng cộng là 4.370.000đồng.

7.1. Các ông (bà) D, F, G, H, O (các con L, J, I chịu) mỗi người phải chịu số tiền là 196.650đồng, nguyên đơn A phải chịu số tiền là 2.600.150đồng và bị đơn B phải chịu số tiền là 786.600đồng.

7.2. Nguyên đơn A được trừ vào số tiền tạm ứng trước đã nộp là 4.370.000đồng; khi các ông (bà) D, F, G, H, O (các con L, J, I chịu) và bị đơn B nộp số tiền phải chịu nêu trên thì hoàn trả cho nguyên đơn A vì nguyên đơn đã nộp tạm ứng trước.

8. Báo các đương sự biết, án xử sơ thẩm công khai có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày niêm yết bản án tại UBND cấp xã nơi cư trú) để xin Tòa án cấp trên xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải Thi hành án có quyền thỏa thuận Thi hành án, quyền yêu cầu Thi hành án, tự nguyện Thi hành án hoặc bị cưỡng chế Thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu Thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2675
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 48/2018/DS-ST ngày 07/09/2018 về tranh chấp chấp yêu cầu chia thừa kế tài sản theo di chúc và đòi lại di sản thừa kế

Số hiệu:48/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kế Sách - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về