10/04/2020 08:36

Khi nào con riêng được hưởng thừa kế của mẹ kế, cha dượng?

Khi nào con riêng được hưởng thừa kế của mẹ kế, cha dượng?

Mối quan hệ giữa mẹ kế, cha dượng và con riêng luôn là vấn đề khá nhạy cảm. Thực tế có nhiều trường hợp mẹ kế, cha dượng và con riêng hành hạ, hạch sách nhau nhưng cũng có những trường hợp họ chung sống hòa thuận yêu thương nhau như cha mẹ con ruột. Vậy, đối với mối quan hệ nhạy cảm này thì con riêng có được hưởng di sản thừa kế của mẹ kế, cha dượng?

Cụ thể tại Bản án 07/2018/DS-ST ngày 26-29/03/2018 về tranh chấp thừa kế, theo đó:

“Cụ Đàm Văn C1 sinh năm 1922, chết năm 1996 có vợ cả là cụ Nguyễn Thị B1 chết năm 2008; có vợ hai là cụ Nguyễn Thị B chết năm 2016. Cụ B1 không có con chung với cụ C1, khi chết hai cụ đều không để lại di chúc. Cụ B và cụ C1 sinh được 3 người con lần lượt là: Đàm Thị T, sinh năm 1959; Đàm Văn V, sinh năm 1963 và Đàm Văn C, sinh năm 1963. Ngoài ra, cụ B còn có một người con riêng là Nguyễn Văn N sinh năm 1959. 

 Theo lời khai của các đương sự và tài liệu xác minh của Tòa án thì bà T và ông V tuy là con của cụ B và cụ C1 nhưng từ lúc còn nhỏ đã sống chung cùng một nhà và được cụ C1 và cụ B1 chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp. Khi cụ B1 chết bà T, ông V đều cùng có trách nhiệm chung lo tang ma do đó có căn cứ để xác định giữa cụ B1 bà T, ông V có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Hội đồng xét xử xác định: di sản của cụ B1 có 97.754.400đ (81.462.000đ là khoản thanh toán tài sản chung với cụ C1 + 16.292.400đ là phần cụ B1 được hưởng thừa kế của cụ C1); xác định cụ B1 và bà T, ông V có quan hệ nuôi dưỡng phù hợp với các quy định của pháp luật về thừa kế. Quyết định chia thừa kế theo pháp luật di sản thừa kế của cụ B1 cho ông V và bà T mỗi người hưởng ½ = 48.877.200đ”.

Về thừa kế giữa con riêng và mẹ kế, cha dượng, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

“Điều 654: Quan hệ thừa kế giữa con riêng bố dượng mẹ kế

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”

“Điều 653. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”.

Như vậy, khi chứng minh được giữa con riêng với bố dượng mẹ kế có mối quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng lẫn nhau như cha con, mẹ con thì con riêng cũng sẽ được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất như các con đẻ khác mà không có sự phân biệt nào.

Thiết nghĩ đây là một quy định thiết thực và nhân văn trong đời sống; Để con riêng, bố dượng, mẹ kế những người dù không có quan hệ huyết thống nhưng nếu chung sống và có trách nhiệm với nhau như cha con, mẹ con thì quyền lợi được hưởng cũng không phân biệt giữa con riêng hay con chung.

Nguyễn Sáng
7703

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn