10/04/2020 13:51

Những điều cần lưu ý khi chia thừa kế

Những điều cần lưu ý khi chia thừa kế

Chia thừa kế là một trong những vấn đề pháp lý thường gặp nhất trong cuộc sống cũng như trong học tập. Và việc chia thừa kế như thế nào cho đúng vẫn là bài toán khó đối với nhiều người. Sau đây là tổng hợp một số lưu ý khi chia thừa kế, mong rằng sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề chia thừa kế này một cách chính xác và trọn vẹn nhất, các bạn cùng tham khảo.

 1. XÁC ĐỊNH DI SẢN

Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 612. Di sản

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

Một số lưu ý:

- Đối với tài sản riêng của người chết: Cha mẹ chia đất cho các con nhưng không có hợp đồng tặng cho rõ ràng. Trong thực tiễn xét xử tòa án thường căn cứ vào các chứng cứ thể hiện ý chí của người quá cố trước khi chết để xác định có việc tặng cho hay không. Nếu ý chí người quá cố trước khi chết thể hiện đã cho con đất thì đây không còn là di sản nữa. 

- Trường hợp tài sản của người chết nằm trong khối tài sản chung với người khác.

+ Nếu là tài sản chung của Hộ gia đình: Hiện nay không có quy định rõ ràng về phần của từng thành viên. Mà thường tòa án sẽ xác định như sau: Ví dụ Hộ gia đình ông A có 4 thành viên có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với 400m2 đất thì khi ông A chết ¼ diện tích trên là di sản của ông A.

+ Nếu là tài sản chung của vợ chồng: Chỉ có Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định cụ thể tài sản chung của vợ chồng “chia đôi”. Các Luật Hôn nhân và gia đình các năm khác đều chia tài sản chung dựa trên nhiều yếu tố như công sức đóng góp nguồn gốc tài sản…hoàn toàn không phải cứ là tài sản chung vợ chồng thì đều “chia đôi”.

2. XÁC ĐỊNH NGƯỜI HƯỞNG THỪA KẾ

- Thừa kế theo di chúc

Lưu ý trường hợp người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.” 

- Thừa kế theo pháp luật

+ Khi xác định quan hệ cha mẹ nuôi đối với con nuôi thực tế: Sau Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 về nguyên tắc chỉ con nuôi có đăng ký mới được thừa nhận. Trước luật này thì con nuôi thực tế cũng được chấp nhận. Vì vậy cần xác định quan hệ con nuôi được xác lập vào thời điểm nào từ đó xác định quan hệ con nuôi đó có được pháp luật công nhận hay không.

+ Xác định quan hệ vợ chồng: Trường hợp quan hệ vợ chồng không đăng ký những vẫn được thừa nhận theo Nghị quyết 35. Trường hợp một người có nhiều vợ nhưng vẫn được công nhận cụ thể: người đó kết hôn trước khi Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực (trước ngày 13/01/1960) hoặc người đó là bộ đội, cán bộ có vợ, có chồng ở miền Nam tập kết ra miền Bắc, lấy vợ, chồng khác theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/2/1978. Vì vậy cần xác định thời điểm họ bắt đầu quan hệ như vợ chồng để xác định việc chia thừa kế cho chính xác.

+ Xác định thừa kế thế vị.

“Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Lưu ý: Chỉ cháu chắt của người để lại di sản được hưởng thừa kế thế vị; vợ hay chồng của người con của người để lại di sản không được liệt vào danh sách thừa kế thế vị.

+ Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế.

“Điều 654. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế,

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”

Như vậy nếu giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau thì vẫn được thừa kế di sản của nhau theo hàng thừa kế thứ nhất.

Một số lưu ý khác:

- Xác định có ai từ chối nhận di sản không? (Điều 620)

- Có ai không được quyền hưởng di sản không? (Điều 621) 

- Có ai bị truất quyền thừa kế không? (Điều 626)

- Có thai nhi (con của người để lại di sản)khi người để lại di sản chết không? (Điều 660)

3. NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI CHẾT ĐỂ LẠI

Nghĩa vụ của người chết để lại thường phát sinh từ việc vay, mượn, bồi thường thiệt hại… tiền phạt, tiền thuế của người đó trước khi chết và chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng, chi phí cho việc bảo quản di sản.

Lưu ý trường hợp: Người để lại di sản có con với người khác nhưng không chăm sóc nuôi dưỡng người con này; Thực tiễn xét xử thường người cha có trách nhiệm hoàn trả một khoản tiền cho người mẹ tương đương với trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng của họ. Vì vậy cần trích ra khoản cần hoàn trả này khi chia di sản thừa kế.

4. XÁC ĐỊNH THỜI HIỆU THỪA KẾ

Thời hiệu thừa kế được quy định cụ thể tại Điều 623 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:

“Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.”

Lưu ý: Những trường hợp mở thừa kế trước khi có pháp lệnh thừa kế

5. XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM MỞ THỪA KẾ

Thời điểm mở thừa kế được quy định cụ thể tại Điều 611 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:

“Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”

Lưu ý: Việc xác định thời điểm cá nhân chết thường căn cứ vào giấy chứng tử, tuy nhiên nhiều trường hợp thực tiễn xét xử còn căn cứ vào ngày trên bia mộ hay tập quán địa phương.  

6. HÌNH THỨC PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

(xác định chia thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật)

- Xác định có di chúc không?

- Di chúc có hợp pháp không? (đối chiếu theo quy định tại Điều 630 Bộ Luật dân sự 2015)

“Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. 

 Việc chia thừa kế theo pháp luật chỉ được thực hiện khi:

- Không có di chúc;

- Di chúc không hợp pháp;

- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Nguyễn Sáng
14157

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]