Bản án 16/2019/HS-PT ngày 17/01/2020 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 16/2019/HS-PT NGÀY 17/01/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 17 tháng 01 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 199/2019/TLPT-HS ngày 16 tháng 12 năm 2019 đối với bị cáo Đinh Văn T do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 46/2019/HS-ST ngày 07/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện TS.

- Bị cáo bị kháng nghị: ĐINH VĂN T, sinh năm 1994 tại Bình Định; nơi cư trú: Thôn M6, xã BT, huyện TS, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Bana; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đinh Văn T, sinh năm 1970 và bà Đinh Thị T, sinh năm 1968; vợ: Đinh Thị T, sinh năm 1993 và có 02 người con: lớn nhất sinh năm 2012, nhỏ nhất sinh năm 2013; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn T: Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Gia đình Đinh Văn T có rẫy đang canh tác tại khu vực rừng có tục danh “Rẫy Ông Bốn” thuộc thôn M6, xã BT, huyện TS. Trong quá trình canh tác, T thấy gần rẫy mình là khu vực rừng tự nhiên đã được quy hoạch là rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 228, xã BT, huyện TS (do Ban quản lý rừng phòng hộ TS quản lý, sử dụng vào mục đích phòng hộ theo Quyết định số 244/QĐ-UBND ngày 09/03/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định) có hai khu đất tương đối bằng phẳng, chủ yếu là cây bụi, dây leo và một số cây cầy, cây cóc, cây dền, cây nhãn… nên khoảng tháng 01/2016, T nảy sinh ý định chặt phá để lấy đất trồng hoa màu. Sau đó, hằng ngày T từ nhà mang theo 01 cái rựa, đồ ăn và nước uống đến khu vực rừng thứ nhất tại lô 20, khoảnh 3, tiểu khu 228, xã BT, theo bản đồ hiện trạng rừng năm 2015 (theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2016 là các lô 9e.1, lô 9f.1 và lô 10.1, khoảnh 3) để chặt phá cây rừng. T sử dụng rựa chặt phát dây leo, cây bụi, cây nhỏ, sau đó chặt hạ các loại cây lớn, theo hướng từ Bắc sang Nam, với diện tích 8.752m2. Trong thời gian T phá rừng ở khu vực này, chị Đinh Thị T là vợ của T, có 01 buổi mang cơm và giúp T phát dọn dây leo với diện tích khoảng 50m2; sau đó chị T không tiếp tục tham gia. Khoảng 2-3 ngày sau khi phá rừng tại khu vực này, T tiếp tục đi vào khu vực rừng khác, cũng tại lô 20, khoảnh 3, tiểu khu 228 (theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2016 là lô 9c.1, khoảnh 3) chặt phá cây rừng với diện tích 571m2. T phá rừng tại hai khu vực rừng nói trên trong khoảng 15 ngày (có ngày làm, có ngày nghỉ) với tổng diện tích là 9.323m2. Khoảng nữa tháng sau, khi cây rừng đã khô, T dùng 01 cái quẹt ga bật lửa đốt dọn, rồi tiến hành trồng cây mì trên diện tích đất rừng 8.752m2 và trỉa bắp trên diện tích đất rừng 571m2. Đến khoảng tháng 5/2016, Hạt kiểm lâm huyện TS kiểm tra phát hiện sự việc nêu yêu cầu T chấm dứt hành vi phá rừng. T đã nhổ bỏ cây trồng, tận thu nông sản trên hai diện tích đất rừng đã phá trái phép.

Ngày 27/12/2017 và 26/01/2018, Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp nông thôn tỉnh Bình Định có các thông báo giám định thiệt hại về rừng số 217/TB-TTQH, xác định: Địa điểm rừng bị thiệt hại là tại lô 20, khoảnh 3, tiểu khu 228, xã BT, huyện TS, tỉnh Bình Định (Theo bản đồ hiện trạng rừng năm 2015), với tổng diện tích là 9.323m2, là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh, có trạng thái rừng nghèo thuộc quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, tổng trữ lượng rừng bị thiệt hại 18,6m3.

Ngày 11/10/2018, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện TS kết luận: Giá trị lâm sản, giá trị môi trường của rừng bị thiệt hại tại lô 20, khoảnh 3, tiểu khu 228, xã BT, huyện TS, tỉnh Bình Định, với trữ lượng 18,6m3 có giá trị là 14.117.400 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 46/2019/HS-ST ngày 07/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện TS đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Đinh Văn T phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Xử phạt bị cáo Đinh Văn T 30 (ba mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 45 (bốn mươi lăm) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 07/10/2019.

Giao bị cáo Đinh Văn T cho Ủy ban nhân dân xã BT, huyện TS, tỉnh Bình Định giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo Đinh Văn T thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 05/11/2019 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định có kháng nghị số 08/QĐ-VKS: yêu cầu cấp phúc thẩm tăng thời gian thử thách của án treo.

Tại phiên toà Kiểm sát viên đề nghị quan điểm giải quyết vụ án: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật tố tụng Hình sự. Chấp nhận kháng nghị 08/QĐ- VKS ngày 05/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định; Sửa bản án sơ thẩm, tăng thời gian thử thách đối với bị cáo Đinh Văn T đủ 60 tháng theo quy định của pháp luật.

Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn T trình bày lời bào chữa: Thống nhất với đề nghị của Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, thể hiện: Vào khoảng tháng 01/2016 bị cáo Đinh Văn T đến khu vực rừng tự nhiên có tục danh “Rẫy ông Bốn” tại lô 20, khoảnh 3, tiểu khu 228 thuộc thôn M6, xã BT, huyện TS, tỉnh Bình Định, dùng rựa chặt, phá cây rừng với tổng diện tích là 9.323m2, là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh, có trạng thái rừng nghèo thuộc quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, tổng trữ lượng rừng bị thiệt hại 18,6m3 có giá trị là 14.117.400 đồng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm e khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, hội đồng xét xử thấy rằng: Bị cáo Đinh Văn T đã có hành vi chặt phá 9.323m2 rừng phòng hộ nên đã phạm vào điểm e khoản 2 Điều 243 của BLHS có khung hình phạt từ 3-7 năm tù. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt bị cáo 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo là phù hợp. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm ấn định thời gian thử thách 45 tháng là không đúng quy định của pháp luật, trái với quy định tại Điều 4 Nghị Quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự về án treo. Theo Điều 4 Nghị Quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 quy định “Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và quá 05 năm”. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, tăng thời gian thử thách đối với bị cáo Đinh Văn T đủ 60 tháng như đề nghị của kiểm sát viên là đúng quy định của pháp luật.

[3] Về án phí: Bị cáo Đinh Văn T không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị giữ nguyên.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; khoản 2 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự. Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định; Sửa bản án sơ thẩm.

- Áp dụng: Điểm e khoản 2 Điều 243; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65 của Bộ luật hình sự.

- Xử phạt bị cáo Đinh Văn T 30 (ba mươi) tháng tù tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 (sáu mươi) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 07/10/2019.

Giao bị cáo Đinh Văn T cho Ủy ban nhân dân xã BT, huyện TS, tỉnh Bình Định giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo Đinh Văn T thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo.

[2] Về án phí: Bị cáo Đinh Văn T không phải chịu án phí HSPT.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

302
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2019/HS-PT ngày 17/01/2020 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:16/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 17/01/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về