TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 01/2021/LĐ-PT NGÀY 16/07/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 16 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2021/TLPT - LĐ ngày 17 tháng 6 năm 2021 về việc “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường và trợ cấp do chấm dứt hợp đồng lao động”;
Do Bản án lao động sơ thẩm số 02/2021/LĐ - ST ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Quảng Nam bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 34/2021/QĐ - PT ngày 28 tháng 6 năm 2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: ông Lê Mạnh H, sinh năm 19xx; địa chỉ: Hẻm yy, đường D, Khối phố Y, phường X, thành phố T, tỉnh Q;
- Bị đơn: Trường Đại học Q;
Địa chỉ: Số xx, đường H, phường M, thành phố T, tỉnh Q. Người đại diện theo pháp luật: ông Huỳnh Trọng D, chức vụ: Hiệu trưởng. Người đại diện theo ủy quyền: ông Phạm Văn T, chức vụ: Trưởng phòng Tổ chức – Thanh tra (theo văn bản ủy quyền lập ngày 15 tháng 3 năm 2021).
- Người làm chứng: ông Dương Phương K, sinh năm 1971;
Chức vụ, đơn vị công tác: Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Q.
Địa chỉ: Số 102 đường H, phường M, thành phố T, tỉnh Q;
Người kháng cáo: nguyên đơn Lê Mạnh H;
Các đương sự, người làm chứng có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Ông Lê Mạnh H là người lao động làm việc tại Trường Đại học Q từ năm 2002, từ năm 2003 đến trước khi nghỉ việc là làm việc theo hợp đồng lao động không 1 xác định thời hạn. Ngày 09 tháng 9 năm 2020, Trường Đại học Q có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông H. Ngày 03 tháng 11 năm 2020, ông H nhận được Quyết định số 1102/QĐ – ĐHQN ngày 05 tháng 10 năm 2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Q về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Cho rằng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên ông H khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 1102/QĐ – ĐHQN ngày 05 tháng 10 năm 2020, buộc Trường Đại học Q nhận ông H trở lại làm việc, hỗ trợ cho ông H 01 tháng tiền lương hiện hưởng là 5.900.000 đồng, trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho ông H từ ngày 01 tháng 11 năm 2020 đến ngày xét xử, bồi thường tổn thất tinh thần cho ông H do đơn phương chấp dứt hợp đồng trái pháp luật tương ứng với 6 tháng tiền lương hiện hưởng. Ngoài ra, ông H yêu cầu Trường Đại học Q thanh toán trợ chấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tại phiên tòa sơ thẩm, ông H rút lại nội dung khởi kiện này do người sử dụng lao động đã chuyển trả số tiền trên.
Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; xác nhận lý do chấm dứt hợp đồng lao động với ông H là “lao động dôi dư do sắp xếp lại lao động theo chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật”; thực hiện đề án vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân tỉnh Q phê duyệt, Trường chấm dứt hợp đồng lao động với ông H là thuộc trường hợp bất khả kháng và theo nguyện vọng của ông H; Trường đã thực hiện đúng chủ trương của các cấp ủy Đảng, quy định của pháp luật trong việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông H, đã trả đầy đủ các chế độ cho ông H theo pháp luật quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.
Với nội dung như trên, tại Bản án lao động sơ thẩm số 02/2021/LĐ - ST ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Quảng Nam đã căn cứ các điều 32, 35, 39, 235, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 36, 38, 44, 49 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 12 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử: đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn ông Lê Mạnh H đối với bị đơn Trường Đại học Q về việc yêu cầu chi trả trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện nguyên đơn ông Lê Mạnh H với bị đơn Trường Đại học Q về các nội dung yêu cầu sau: yêu cầu Trường Đại học Q hỗ trợ 01 tháng tiền lương hiện hưởng; yêu cầu bồi thường danh dự, tổn thất tinh thần; yêu cầu tiếp tục trả lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kể từ thời điểm bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngày 01 tháng 11 năm 2020 đến thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án; yêu cầu hủy Quyết định số 1102/QĐ – ĐHQN ngày 05 tháng 10 năm 2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Q và nhận ông Lê Mạnh H trở lại làm việc.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 21 tháng 5 năm 2021, nguyên đơn Lê Mạnh H kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm phán quyết việc ban hành Quyết định số 1102/QĐ – ĐHQN là trái pháp luật; buộc Trường Đại học Q chi trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho ông H từ ngày 01 tháng 11 năm 2020 đến khi giải quyết xong vụ án, bồi thường cho ông H 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, chi trả tiền hỗ trợ 01 tháng tiền lương theo văn bản số 900/TB – ĐHQN của Trường Đại học Q. Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, ông H cho rằng Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc Trường Đại học Q chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông là sự ứng xử thiếu tình cảm, không quan tâm đến hoàn cảnh, điều kiện khó khăn của người lao động và trái pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến:
- Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc thụ lý vụ án, về thời hạn giải quyết vụ án, về việc chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu để tham gia xét xử. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các đương sự đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
- Về việc giải quyết vụ án: đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 02/2021/LĐ - ST ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Quảng Nam.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, không rút đơn kháng cáo, xác định không kháng cáo phần bản án sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết.
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn
[2.1] Về thủ tục tố tụng: việc kháng cáo của nguyên đơn được thụ lý đúng điều kiện, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2.2] Về nội dung:
[2.2.1]. Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm Việc tham gia xét xử của thành viên Hội đồng xét xử sơ thẩm là đủ điều kiện và đúng thủ tục theo quy định tại các điều 11, 63 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2.2.2]. Về việc rút một phần yêu cầu khởi kiện tại cấp sơ thẩm Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn tự nguyện rút phần yêu cầu bị đơn chi trả trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc, nên Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết phần yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là đúng pháp luật. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh phần quyết định của bản án sơ thẩm về nội dung này, bổ sung quyền khởi kiện lại của đương sự liên quan đến phần yêu cầu khởi kiện bị đình chỉ cho đúng với quy định tại các điều 217, 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2.2.3] Về xác định pháp luật áp dụng và quan hệ pháp luật tranh chấp - Các bên thực hiện hợp đồng lao động và phát sinh tranh chấp trong thời gian Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành, do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 để làm căn cứ xét xử vụ án là đúng pháp luật.
- Các yêu cầu khởi kiện cụ thể của nguyên đơn thuộc phạm vi quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, do vậy, Hội đồng xét xử điều chỉnh lại quan hệ pháp luật tranh chấp thuộc vụ án là “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.
[2.2.4]. Về tính hợp pháp của việc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động
Thứ nhất, về thời hạn báo trước và lý do chấm dứt hợp đồng lao động Các đương sự thừa nhận hai bên xác lập hợp đồng lao động không có thời hạn, người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với lý do “lao động dôi dư do sắp xếp lại lao động theo chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật”; trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động đã được thông báo trước hơn 45 ngày. Sự thừa nhận này phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và là các tình tiết sự việc không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động không vi phạm thời hạn báo trước, thuộc trường hợp “do thay đổi cơ cấu, tổ chức” theo quy định tại khoản 10 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012 là có cơ sở thực tiễn và phù hợp với pháp luật lao động.
Thứ hai, về điều kiện, trình tự, thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động - Phía bị đơn cho rằng: tại thời điểm lập thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông H thì Trường đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với các lao động khác và mong muốn hết thời gian tạm hoãn sẽ thu xếp lại công việc cho số lao động thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng. Vì vậy Trường chưa ban hành đầy đủ phương án sắp xếp lại lao động theo quy định. Mặc khác, do ông H không thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và có đơn cam đoan “nhà trường thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng” đối với ông H, nên Trường đã lập thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng theo nguyện vọng của người lao động. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông H không phản bác những nội dung này, nhưng cho rằng: việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là không đúng pháp luật; việc ông tự đề nghị Trường đơn phương chấm dứt hợp đồng là do Hiệu trưởng đồng ý (bằng lời nói) với ông về việc hỗ trợ 03 tháng tiền lương; ông nghi ngờ tính khách quan của những trường hợp tự nguyện đề nghị Trường đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sau thời điểm ông khởi kiện. Nhưng những nội dung ông H nêu đều không có chứng cứ chứng minh.
- Thực hiện đề án vị trí việc làm được Ủy ban nhân dân tỉnh Q phê duyệt, Trường Đại học Q đã ban hành Hướng dẫn số 523/HD – ĐHQN ngày 19 tháng 6 năm 2020 về sắp xếp nhận sự tại các đơn vị trực thuộc trong 6 tháng cuối năm 2020, giao cho các đơn vị trực thuộc tiến hành “xem xét lại vị trí việc làm, đề xuất chấm dứt hợp đồng lao động đảm bảo dân chủ, công bằng, tạo sự đồng thuận trong nội bộ cơ quan, tổng hợp danh sách báo lãnh đạo nhà trường” (BL 88 – 89); ngày 25 tháng 6 năm 2020, Phòng Hành chính – Quản trị (nơi ông H làm việc) và Tổ Công đoàn tổ chức họp, phổ biến, triển khai Hướng dẫn 523/HD – ĐHQ, đồng thời tiếp thu ý kiến của ông H và người lao động khác, lập danh sách tạm hoãn hợp đồng lao động 6 tháng đợt 1 (có tên ông H); ngày 26 tháng 6 năm 2020, Trường Đại học Q và đại diện Ban chấp hành Công đoàn Trường họp toàn thể viên chức, người lao động để thông báo các nội dung liên quan đến tạm hoãn hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động do thực hiện đề án vị trí việc làm (BL 90 – 91); ngày 30 tháng 6 năm 2020, Trường Đại học Q ban hành văn bản số 575/ĐHQN – TCTTr về tổ chức thực hiện sắp xếp lại nhân sự tại các đơn vị trực thuộc Trường. Trong tất cả các phiên họp về thực hiện sắp xếp nhận sự tại các đơn vị trực thuộc của Trường Đại học Q, ông Lê Mạnh H dự, có ý kiến đề nghị giải thích, hướng dẫn, bảo vệ về quyền lợi người lao động tại Trường, không có ý kiến phản bác gì đối với quyền lợi của cá nhân ông H.
- Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Ban chấp hành Công đoàn Trường khẳng định đã được thông tin và dự các cuộc họp về giải quyết quyền lợi của ông H; phía Công đoàn có nhận đơn đề nghị hỗ trợ khó khăn của ông H, trong đơn, do ông H cam đoan Trường thực hiện thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng nên Ban chấp hành Công đoàn thấy nguyện vọng của ông H là phù hợp và đồng ý với việc chấm dứt hợp đồng lao động của Trường; hiện nay, quyền lợi của ông H đã được giải quyết đảm bảo theo luật định.
- Trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, Trường Đại học Q gửi văn bản trao đổi ý kiến với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Q, Sở Tư pháp tỉnh Q (BL 108, 110). Như vậy, mặc dù Trường Đại học Q chưa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động như luật định, nhưng đã thể hiện trách nhiệm thông tin, tiếp thu quan điểm của cơ quan quản lý chuyên ngành về lao động tại địa phương trong việc xem xét, giải quyết quyền lợi của ông H.
Theo đó, Hội đồng xét xử thấy: trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn, Trường Đại học Q đã tiếp nhận nguyện vọng chấp dứt hợp đồng lao động của ông H. Trường đã tiến hành sắp xếp lại lao động đơn vị theo đề án vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quyết định; đã làm việc với người lao động và đại diện lãnh đạo công đoàn cơ sở về việc chấm dứt hợp đồng lao động; đã thông tin, tiếp thu ý kiến, quan điểm của cơ quan quản lý chuyên ngành về lao động tại địa phương trong giải quyết chế độ, chính sách của người lao động. Tuy chưa đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động, nhưng đã xem xét, giải quyết nguyện vọng của người lao động; đã thực hiện được nghĩa vụ, trách nhiệm cơ bản, cần thiết của người sử dụng lao động sau khi đơn vị có sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức dẫn đến dôi dư lao động theo quy đinh tại Điều 44 Bộ luật Lao động năm 2012.
Thứ ba, về trách nhiệm của người sử dụng lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông H khẳng định Trường đã chuyển xong các khoản trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, ông đã nhận sổ bảo hiểm và các giấy tờ liên quan. Định mức chi cao nhất theo Điều 32 Quy chế chi tiêu nội bộ là 1.000.000 đồng/người, khoản tiền này Trường Đại học Q đã đồng ý chi trả cho ông H nhưng ông H từ chối quyền hưởng số tiền này (BL 23). Theo đó, Hội đồng xét xử thấy: sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, Trường Đại học Q đã thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012.
Thứ tư, về nguyện vọng, quan điểm của người lao động khi người sử dụng lao động thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động Ông Lê Mạnh H biết rõ mình thuộc danh sách những người tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng không có ý kiến phản bác; trong đơn đề nghị hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, ông H cam đoan nội dung: “nhà trường thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tôi từ ngày 27 tháng 8 năm 2020”; sau khi nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, ông H có đơn đề nghị chi trả các khoản tiền hỗ trợ người lao động theo điều 32 Quy chế chi tiêu nội bộ, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, không thể hiện yêu cầu tiếp tục làm việc.
Ông H cho rằng vị trí làm việc của ông không thuộc diện dôi dư, nhưng ông không có ý kiến phản đối tại cuộc họp của Phòng Hành chính – Quản trị khi cuộc họp nhận định mức độ cần thiết của công việc ông đang làm và thống nhất đưa tên ông vào danh sách tạm hoãn thực hiện hợp đồng. Mặc khác, ông H thừa nhận Trường Đại học Q có hai người lao động đủ điều kiện, trình độ chuyên môn để làm công việc pháp chế, ngoài ông ra, người còn lại hiện là viên chức của Trường. Tại phiên tòa, Chủ tịch Công đoàn Trường xác nhận ông H thuộc những trường hợp lao động dôi dư khi thực hiện đề án vị trí việc làm.
Theo đó, Hội đồng xét xử thấy: trước khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, ông Lê Mạnh H đã nắm bắt, tiếp nhận thông tin về việc ông thuộc diện lao động dôi dư, thuộc danh sách đề nghị tạm hoãn hợp đồng lao động và nhận thức được quyền lợi của mình bị ảnh hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không có ý kiến phản bác, khiếu nại gì, đồng thời gửi đơn thể hiện nguyện vọng chấm dứt hợp đồng lao động đến người sử dụng lao động và đại diện tập thể người lao động (Công đoàn);
sau khi nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, ông H không phản bác, khiếu nại việc chấm dứt hợp đồng lao động hay có mong muốn tiếp tục làm việc. Tại phiên tòa, ông H khẳng định không có mong muốn tiếp tục làm việc tại Trường Đại học Q.
Thứ năm, về điều kiện tiếp tục sử dụng lao động của người sử dụng lao động tại thời điểm tranh chấp và giải quyết tranh chấp Tại phiên tòa, các đương sự và đại diện Ban chấp hành công đoàn thừa nhận hiện nay Trường Đại học Q gặp khó khăn trong tổ chức và hoạt động, không có nguồn tài chính để trả lương cho người lao động. Bị đơn và đại diện Ban chấp hành công đoàn khẳng định Trường tiếp tục xây dựng phương án sử dụng lao động theo hướng thực hiện đúng đề án vị trí việc làm được phê duyệt; lãnh đạo Trường đã phân công viên chức phụ trách công việc pháp chế của nhà trường và không có nhu cầu, điều kiện để tuyển dụng lao động mới.
Từ các nhận định trên, Hội đồng xét xử xác định: Trường Đại học Q đã đảm bảo thời hạn thông báo trước; triển khai hướng dẫn, thực hiện phương án sử dụng lao động sau khi thực hiện thay đổi cơ cấu, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; tiếp nhận nguyện vọng chấm dứt hợp đồng lao động của ông Lê Mạnh H, trực tiếp làm việc với người lao động, đại diện tập thể người lao động trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động; liên hệ, tiếp thu quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trước khi giải quyết các chế độ, chính sách đối với ông H; thực hiện đúng, đủ các chế độ, đảm bảo các quyền lợi của ông H sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Ông H gửi nguyện vọng chấm dứt hợp đồng lao động đến người sử dụng lao động và công đoàn; đã được người sử dụng lao động cung cấp thông tin, ghi nhận quan điểm phản hồi về quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước khi chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không phản bác hoặc thể hiện nguyện vọng tiếp tục làm việc; sau khi nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, ông H không phản bác việc chấm dứt hợp đồng lao động, không có nguyện vọng trở lại làm việc; trước khi xét xử sơ thẩm, ông H đã được chuyển đủ trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động, đã nhận sổ bảo hiểm, các giấy tờ liên quan.
Theo đó, Hội đồng xét xử đủ cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để kết luận: Trường Đại học Q đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Lê Mạnh H đúng quy định tại Điều 38, đảm bảo các nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định tại các điều 44, 46, 47, 48, 49 Bộ luật Lao động năm 2012, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh khách quan của người sử dụng lao động và nguyện vọng, mong muốn chủ quan của người lao động trước và tại thời điểm cho người lao động thôi việc cũng như tại thời điểm giải quyết tranh chấp, nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không chấp nhận các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn đưa ra trong vụ án này (thuộc những nghĩa vụ phát sinh khi người sử dụng lao động đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động trái pháp luật) là đã xem xét, cân nhắc thấu đáo, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, phù hợp với thực tiễn và đúng pháp luật.
[2.3]. Tại các phiên tòa, bị đơn đồng ý hỗ trợ cho nguyên đơn 1.000.000 đồng theo quy chế chi tiêu nội bộ nhưng nguyên đơn từ chối hưởng quyền nhận số tiền này nên Tòa án cấp sơ thẩm không ghi nhận nội dung này là đúng pháp luật.
[2.4]. Tại phiên tòa phúc thẩm không xuất hiện chứng cứ mới, tình tiết mới làm thay đổi kết quả xét xử sơ thẩm nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 02/2021/LĐ – ST ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố T.
[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: ông Lê Mạnh H được miễn theo quy định của pháp luật.
[4] Các phần còn lại của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308, các điều 11, 32, 35, 39, 63, 217, 218, 235, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 36, 38, 44, 46, 47, 48, 49 Bộ luật Lao động năm 2012; Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Lê Mạnh H, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 02/2021/LĐ – ST ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Quảng Nam;
2. Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về nội dung yêu cầu Tòa án buộc Trường Đại học Q chi trả trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc. Quyền khởi kiện lại của nguyên đơn đối với yêu cầu khởi kiện bị đình chỉ được đảm bảo theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu Tòa án buộc Trường Đại học Q thực hiện các nghĩa vụ sau: yêu cầu hỗ trợ 01 tháng tiền lương hiện hưởng; yêu cầu bồi thường danh dự, tổn thất tinh thần; yêu cầu tiếp tục trả lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động (ngày 01 tháng 11 năm 2020) đến thời điểm xét xử xong vụ án; yêu cầu bồi thường 02 tháng tiền lương; yêu cầu hủy Quyết định số 1102/QĐ – ĐHQN ngày 05 tháng 10 năm 2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Q và nhận ông Lê Mạnh H trở lại làm việc.
4. Về án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm: ông Lê Mạnh H được miễn.
5. Các phần còn lại của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự;
thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 16 tháng 7 năm 2021).
Bản án 01/2021/LĐ-PT ngày 16/07/2021 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 01/2021/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 16/07/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về