Ngày 27/11/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 14/2024/TT-BVHTTDL quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu.
Theo đó, 04 trường hợp được sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh bao gồm:
(1) Khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật;
(2) Tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định;
(3) Phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá.
(4) Các trường hợp khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định, phân loại phim.
Bên cạnh đó, trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, phân loại phim thì việc phổ biến phim phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Phim phải được phân loại theo tiêu chí và thực hiện mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định tại Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.
- Có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh.
Xem chi tiết tại Thông tư 14/2024/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 25/01/2025 và thay thế Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL .
Ngày 16/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi một số điều của Quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT .
Theo đó, sửa đổi khoản 2 Điều 5 Quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT như sau:
- Trường mầm non có quy mô tối thiểu 09 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, xã có quy mô dân số dưới 5.000 người và các trường dân lập, tư thục có quy mô tối thiểu 05 nhóm, lớp; trường tại khu vực hải đảo có quy mô tối thiểu 03 nhóm, lớp;
- Căn cứ điều kiện các địa phương, có thể bổ trí các điểm trường ở những địa bàn khác nhau đe tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường. Bố trí không quá 05 điếm trường; đổi với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 08 điểm trường, trường hợp đặc biệt tại các địa bàn có địa hình hiểm trở, chia cắt bổ trí không quá 12 điểm trường.
(Hiện hành, tại khoản 2 Điều 5 Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất về quy mô của các trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:
- Trường mầm non có quy mô tối thiểu 09 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 05 nhóm, lớp;
- Căn cứ điều kiện các địa phương, có thể bố trí các điểm trường ở những địa bàn khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường. Bố trí không quá 05 điểm trường; đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 08 điểm trường).
Xem nội dung chi tiết tại Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT và có hiệu lực thi hành từ 31/01/2025.
Ngày 16/12/2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 25/2024/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm có:
(1) Thuốc sử dụng trong nông nghiệp:
- Thuốc trừ sâu: 753 hoạt chất với 1834 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ bệnh: 725 hoạt chất với 1676 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ cỏ: 273 hoạt chất với 853 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ chuột: 08 hoạt chất với 49 tên thương phẩm.
- Thuốc điều hòa sinh trưởng: 63 hoạt chất với 187 tên thương phẩm.
- Chất dẫn dụ côn trùng: 08 hoạt chất với 08 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ ốc: 31 hoạt chất với 154 tên thương phẩm.
- Chất hỗ trợ (chất trải): 05 hoạt chất với 06 tên thương phẩm.
(2) Thuốc trừ mối: 16 hoạt chất với 27 tên thương phẩm.
(3) Thuốc bảo quản lâm sản: 07 hoạt chất với 08 tên thương phẩm.
(4) Thuốc khử trùng kho: 03 hoạt chất với 10 tên thương phẩm.
(5) Thuốc sử dụng cho sân golf:
- Thuốc trừ bệnh: 02 hoạt chất với 02 tên thương phẩm.
- Thuốc điều hòa sinh trưởng: 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.
(6) Thuốc xử lý hạt giống:
- Thuốc trừ sâu: 10 hoạt chất với 16 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ bệnh: 12 hoạt chất với 12 tên thương phẩm.
(7) Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch
- 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.
Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam quy định ở Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 25/2024/TT-BNNPTNT , gồm:
- Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất.
- Thuốc trừ bệnh: 06 hoạt chất.
- Thuốc trừ chuột: 01 hoạt chất.
- Thuốc trừ cỏ: 01 hoạt chất.
Thông tư 25/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/01/2025.
Ngày 13/12/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 15/2024/TT-BTTTT quy định một số nội dung về thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông.
Theo đó thì việc thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông được quy định như sau:
- Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có văn bản gửi Thanh tra Bộ đề nghị thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo mẫu Công văn đề nghị thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành được quy định tại Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 15/2024/TT-BTTTT.
- Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổng hợp và trình Bộ trưởng xem xét, ký Quyết định thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành. Mẫu Quyết định thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành được quy định tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư 15/2024/TT-BTTTT.
- Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bị tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành trong các trường hợp sau đây:
+ Có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật mà chưa có quyết định xử lý;
+ Đang trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật;
+ Bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam.
- Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bị thu hồi Thẻ Thanh tra chuyên ngành trong các trường hợp sau đây:
+ Chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác hoặc không được tiếp tục giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc nghỉ hưu, thôi việc; chết khi đang trong thời gian công tác;
+ Bị Tòa án kết án bằng bản án hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc;
+ Bị mất năng lực hành vi dân sự.
- Sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền chứng minh người được cấp Thẻ không vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi công vụ hoặc hết thời hạn xử lý kỷ luật, Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có văn bản gửi Thanh tra Bộ đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định chấm dứt việc tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành. Mẫu Quyết định chấm dứt việc tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành được quy định tại Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông tư 15/2024/TT-BTTTT.
Xem chi tiết tại Thông tư 15/2024/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 28/01/2025 và thay thế Thông tư 36/2017/TT-BTTTT.