5. Sẽ công khai báo cáo tài chính nhà nước trên Internet từ 2018
Nội dung đáng chú ý này được quy định tại Nghị định 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính nhà nước.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc bằng các hình thức:
- Đăng trên cổng thông tin điện tử;
- Phát hành ấn phẩm, niêm yết;
- Các hình thức khác theo quy định.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc được báo cáo trước Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc công khai này.
Báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên được lập theo số liệu tài chính năm 2018.
6. Bổ sung quy định về thu, nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước
Nghị định 123/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Theo đó, đối với trường hợp thuê đất, thuê mặt nước trả tiền thuê đất hàng năm thì việc nộp tiền thuê được chia làm 2 kỳ:
- Kỳ thứ nhất nộp tối thiểu 50% trước ngày 31/5;
- Kỳ thứ hai nộp hết số tiền còn lại trước ngày 31/10 hàng năm.
Trường hợp thời điểm xác định nghĩa vụ tài chính về tiền thuê phải nộp của năm đầu tiên từ ngày 31/10 đến hết ngày 31/12 của năm thì Cơ quan thuế ra thông báo nộp tiền cho thời gian còn lại của năm và thời hạn nộp là 30 ngày kể từ ngày ký Thông báo.
Quá thời hạn nộp tiền thuê của mỗi kỳ ghi trên Thông báo của cơ quan thuế, người thuê phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định.
7. Quy định về góp vốn đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí
Nghị định 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Theo đó, nhà đầu tư tiến hành đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí thực hiện góp vốn theo các hình thức:
- Gọi vốn của người điều hành dự án;
- Góp vào công ty liên doanh điều hành chung, công ty điều hành;
- Mua cổ phần của công ty sở hữu một phần hoặc toàn bộ dự án dầu khí;
- Cho công ty điều hành vay vốn;
- Hình thức khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư hoặc do Thủ tướng quyết định.
8. 04 trường hợp không cần niêm phong vật chứng
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị định 127/2017/NĐ-CP về niêm phong, mở niêm phong vật chứng.
Theo đó, mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ 04 trường hợp sau:
- Là động vật, thực vật sống;
- Là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án;
- Thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản;
- Những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong.
Nghị định 127/2017/NĐ-CP còn quy định rõ trình tự, thủ tục niêm phong và mở niêm phong vật chứng.
9. Quy định mới về trường hợp thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Nội dung nổi bật này được quy định tại Nghị định 144/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý.
Theo đó, Giám đốc Trung tâm đề nghị Giám đốc Sở tư pháp thu hồi thẻ cộng tác viên trong các trường hợp sau:
- Không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan (quy định hiện nay là 06 tháng kể từ ngày được cấp thẻ);
- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động trợ giúp pháp lý nhưng chưa đến mức bị thu hồi thẻ mà còn tiếp tục vi phạm;
- Hợp đồng bị chấm dứt hoặc không ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp thẻ mà không có lý do chính đáng.
Thẻ cộng tác viên hết giá trị sử dụng kể từ thời điểm quyết định thu hồi có hiệu lực, người bị thu hồi thẻ thì không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý.
(Còn nữa - tiếp tục cập nhật)
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY