1. Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Luật này, bổ sung thêm 02 tội mà pháp nhân thương mại (PNTM) phải chịu trách nhiệm hình sự, đó là:
- Tội tài trợ khủng bố quy định tại Điều 300 Bộ luật hình sự 2015: PNTM phạm tội quy định tại Điều này thì mức phạt lên đến 15 tỷ đồng hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
- Tội rửa tiền quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự 2015: PNTM phạm tội quy định tại Điều này thì mức phạt lên đến 20 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đồng thời, Luật cũng bổ sung thêm trường hợp phân loại tội phạm là PNTM theo mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
2. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 có nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đơn cử như sau:
Về thuế, DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.
Ngoài ra, DNNVV còn được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực cũng như về thông tin, tư vấn và pháp lý.
Đồng thời, Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 cũng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư 2014, Luật đấu thầu 2013, đơn cử như:
Bổ sung các ngành nghề kinh doanh được ưu đãi đầu tư như:
- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của DNNVV;
- Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV, cơ sở ươm tạo DNNVV;
- Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV.
3. Luật Trợ giúp pháp lý 2017
Luật này bổ sung tiêu chuẩn và điều kiện để thực hiện trợ giúp pháp lý, cụ thể, tư vấn viên pháp luật phải có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên mới được thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong khi Luật TGPL 2006 không quy định về số năm kinh nghiệm.
Luật mới cũng bổ sung thêm tiêu chuẩn trở thành trợ giúp viên pháp lý là “không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật”
Ngoài ra, Luật còn điều chỉnh về đối tượng được TGPL, trong đó “Người cao tuổi” và “người khuyết tật” phải gặp khó khăn về tài chính mới được TGPL.
Đồng thời, bổ sung thêm các đối tượng được TGPL, đơn cử như:
- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo
- Người thuộc 1 trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
+ Cha đẻ. Mẹ đẻ, vợ chồng, còn của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
+ Người nhiễm chất độc da cam;
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng chống mua bán người;
+ Người nhiễm HIV.
(Còn nữa - tiếp tục cập nhật)
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY