Tự bảo vệ bản thân tốt hơn trước dịch Covid-19 với 04 thông tin sau

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thùy Liên
09/02/2021 09:35 AM

Hiện nay, Việt Nam liên tục ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng dẫn đến không ít lo lắng cho người dân. Theo đó, để có thể tự bảo vệ bản thân, gia đình mình tốt hơn trong mùa dịch, cá nhân cần tự trang bị kiến thức về dịch bệnh Covid-19 cho mình với 04 thông tin quan trọng sau:

1. Vi rút Corona là gì, lây truyền như thế nào?

Vi rút Corona (CoV) là một họ virút lây truyền từ động vật sang người và gây bệnh cho người từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh (NB) như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012.

Hiện nay chủng vi rút corona gây ra dịch bệnh Covid-19 được xác định là chủng SARS-CoV-2. Chủng này ngoài lây truyền từ động vật sang người, còn lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc, có khả năng lây truyền qua đường không khí qua khí dung (aerosol), đặc biệt tại các cơ sở y tế và những nơi đông người và ở không gian kín.

2. Người nhiễm bệnh sẽ có những biểu hiện, triệu chứng nào?

Người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.

Trong đó:

- Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.

- Hầu hết NB (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần.

- Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.

- Khoảng 14% số NB diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

3. Làm sao tôi "biết" được mình có đang nhiễm bệnh hoặc thuộc trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh?

Như đã phân tích ở trên, triệu chứng của NB rất đa dạng, trong một số trường hợp khá giống với triệu chứng của cảm cúm thông thường do đó, rất khó để tự xác định mình có nhiễm bệnh hay không. Tuy nhiên, cá nhân có thể tự "khoanh vùng" xác định nếu mình có thuộc trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh qua các dấu hiệu sau đây:

- Có một số triệu chứng như sốt, ho khan, đau họng, mệt mỏi, đau cơ...

- Không có triệu chứng nào NHƯNG có tiền sử đi/đến/qua/ở/về từ “vùng dịch tễ” có ca bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng HOẶC “tiếp xúc gần” với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

+ “Vùng dịch tễ” là gì?

Được xác định là những quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa, hoặc nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam theo “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19” của Bộ Y tế và được cập nhật bởi Cục Y tế dự phòng.

Ví dụ: Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo đối với công dân đã đi qua/đến TP Hà Nội, TPHCM, tỉnh Gia Lai, tỉnh Bình Dương: thực hiện cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân tại các xã, phường, thị trấn có điểm dịch đã được Bộ Y tế công bố, cập nhật đến tỉnh TT-Huế.

Như vậy, điểm dịch, vùng dịch ở đây được xác định là chỉ những quận, xã, phường...có ca nhiễm được Bộ Y tế công bố.

+ “Tiếp xúc gần” là gì?

- Tiếp xúc tại các cơ sở y tế có NB.

- Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

- Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

- Cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

- Cùng nhóm: du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp ... với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

- Di chuyển trên cùng phương tiện (ngồi cùng hàng, trước hoặc sau hai hàng ghế) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

Ngoài những dấu hiệu, lưu ý trên thì để có thể xác định chắc chắn, cá nhân khi có nghi ngờ mình nhiễm bệnh nên liên lạc với các cơ sở y tế tại địa bàn để được hướng dẫn, thực hiện xét nghiệm.

4. Khả năng tử vong do nhiễm bệnh Covid-19 có cao không?

Cho đến thời điểm hiện tại, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) khẳng định chỉ khoảng 14% số NB diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện. Đặc biệt chỉ khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, WHO cho biết các đối tượng thuộc nhóm có khả năng tử vong cao hơn là người từ 60 tuổi trở lên, người suy giảm miễn dịch và người có bệnh nền, người mắc các bệnh mạn tính kèm theo như ung thư, béo phì, bệnh tim...

Căn cứ:

- Quyết định 1125/QĐ-BYT năm 2021 hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Trang thông tin điện tử về Covid-19 của WHO tại www.who.int/covid-19

Thùy Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,167

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn