01/03/2012 14:00 PM

TT - Ngày 29-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Hữu Lợi - vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cho biết chưa nhận được văn bản của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đề nghị xem xét việc thu phí quá cao trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Lấy thẻ thu phí ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Mễ Thuận

Theo ông Lợi, nếu nhận được văn bản, Vụ Chính sách thuế sẽ nghiên cứu, đánh giá lại và báo cáo lãnh đạo bộ để làm việc với Bộ Giao thông vận tải.

Mức phí do bên thu đề xuất

Ông Lợi cũng cho biết khi xây dựng thông tư về mức phí trên đường cao tốc này, Bộ Tài chính đã có cân nhắc. Cách làm hiện nay là xuất phát từ phía bên thu đề xuất, cơ quan quản lý xem xét và phê duyệt. Cụ thể, phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được Bộ Tài chính ban hành trên cơ sở Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo chi phí đầu tư, chi phí vận hành, thời gian thu hồi vốn do Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất.

Về việc xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1A để “nắn” các xe đi vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Lợi cho biết nếu khoảng cách giữa hai trạm thu phí dưới 70km thì sẽ không được. Việc thu phí trên quốc lộ 1A cũng không thể dùng để hỗ trợ nguồn thu của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Mức thu phí trên quốc lộ 1A sẽ áp dụng theo mức thu phí đường bộ thông thường.

Phải giãn thời gian thu hồi vốn

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, cho rằng mức phí thu trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là quá cao, gây ra cú “sốc” cho ngành vận tải. Nhưng thật ra bản chất là “sốc” cho người dân, những người sẽ chịu áp lực khi giá cả tăng, vì nói cho cùng, nếu cước vận tải hàng hóa tăng thì hành khách sẽ phải chịu. Đồng thời cước vận tải hàng hóa tăng sẽ được cộng vào giá hàng hóa, phí vận tải tăng lên bao nhiêu sẽ được đưa vào giá cước bấy nhiêu. Như thế, người dân sẽ phải chịu phần tăng thêm này. Còn doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, phí tăng, doanh nghiệp tất nhiên phải tăng cước vận chuyển.

Ông Hùng còn nói: “Hiện tôi được biết thông tin có khoảng 50% lượng xe vận tải hàng hóa sẽ vẫn đi quốc lộ 1A. Vì tất cả các đơn vị vận tải hàng hóa đã ký hợp đồng với khách hàng từ trước đó. Bây giờ muốn đưa giá phí mới vào cước là phải thỏa thuận lại. Nhiều đơn vị vận tải có đàm phán nhưng hầu hết khách hàng chỉ đồng ý trả tiền cước vận tải theo mức phí của quốc lộ 1A thôi”.

Theo ông Hùng, thu phí đường  cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì thôi thu phí trên quốc lộ 1A. “Nguyên tắc thu phí là người tham gia giao thông nộp phí trên cơ sở đi trên đoạn đường đó. Không đi trên đường cao tốc sao bắt trả tiền cho đường cao tốc?” - ông Hùng nhấn mạnh. Ông Hùng cho hay ông được biết còn có phương án là xin tăng phí trên quốc lộ 1A cao hơn, bằng khoảng 60% so với mức phí thu ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để buộc xe đi vào đường cao tốc.

Đối với mức phí của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Hùng đề nghị các bộ Tài chính, Giao thông vận tải cần phải xem xét lại. Việc giảm phí là hợp lý trong bối cảnh tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Nên kéo dài thời gian thu hồi vốn, thời gian thu hồi vốn càng dài, mức phí thu sẽ càng thấp. Ông Hùng phân tích: nếu mức phí giảm đi một nửa thì chắc chắn lượng xe tham gia lưu thông sẽ tăng lên. Như thế, tổng thu sẽ nhiều hơn nếu so với vẫn giữ mức phí cao.

L.THANH

Thu phí sai đối tượng

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, đến nay Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) đặt trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội (Q.9 và Q.Thủ Đức) để thu phí hoàn vốn đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) vẫn tiếp tục thu tiền đối tượng không đi trên đường Điện Biên Phủ. Cụ thể, từ khi đặt trạm thu phí ở xa lộ Hà Nội đến nay, những xe đi từ đường Trần Não (Q.2) hoặc từ khu dân cư Thảo Điền (Q.2) ra xa lộ Hà Nội hướng về Thủ Đức hoặc ngược lại đều bị trạm này thu phí giao thông.

Tương tự, Tổng công ty Xây dựng số 1 tổ chức thu phí giao thông hoàn vốn cho dự án cầu Đồng Nai mới (nằm cạnh cầu Đồng Nai cũ nối TP.HCM và Đồng Nai) ở trạm Sông Phan (tỉnh Bình Thuận), cách cầu Đồng Nai 142km. Đầu năm 2009, trạm thu phí Sông Phan bắt đầu thu phí hoàn vốn cho cầu Đồng Nai mới, dù đến tháng 12-2009 mới khánh thành chiếc cầu. Việc làm này khiến tỉnh Bình Thuận phản đối mạnh mẽ.

 Đến tháng 11-2011, Thủ tướng đồng ý cho đặt trạm thu phí ngay tại cầu Đồng Nai và giao cho các bộ có phương án xử lý trạm thu phí Sông Phan, trước khi tổ chức thu phí ở cầu Đồng Nai. Thế nhưng, việc thu phí cầu Đồng Nai mới hiện vẫn thực hiện ở trạm thu phí Sông Phan.

N.ẨN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,572

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn