“Của cho” không bằng “cách cho”

01/03/2016 09:29 AM

Nhiều năm trở lại đây, việc nhà nước thường xuyên hỗ trợ, thậm chí “cho không, cấp không” nhiều công trình, dự án... đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, do đồng bào bị xem đơn thuần là những người được thụ hưởng, mà chưa được coi là những chủ thể tích cực, đang khiến hiệu quả của nhiều chương trình không được như mong muốn.

Câu chuyện của ông Giàng A Vừ - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) - là một ví dụ. Do chương trình cung cấp nước sạch được nhà nước hỗ trợ, nên nhiều người dân ở Mù Cang Chải cứ mạnh ai nấy dùng. Nhà trên cao mở nước vô tội vạ, khiến nhà dưới thấp không có nước dùng. Vòi nước cũng thường xuyên bị hư hại bởi người dùng cho rằng, đó không phải của nhà mình, không cần giữ gìn, hỏng đã có “ông nhà nước”. Hay như tình trạng đã từng xảy ra ở thôn Pá Liềng – thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Phiêng Phằn, huyện Mai Sơn (Sơn La). Nhiều công trình đơn giản như cầu cống liên thôn, người dân đều có thể tự làm được, nhưng chính quyền lại giao cho nhà thầu. Nhà thầu làm xong rút đi, hết thời gian bảo trì, chẳng ai chịu trách nhiệm. Công trình dần trở thành vô tác dụng.

Từng nhiều năm giao theo dõi, quản lý thực hiện chính sách dân tộc, bà Bế Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (UBDT) -  chia sẻ, bà con rất cảm động khi được nhận nhà ở “cấp không”. Bởi nếu không có sự hỗ trợ như vậy của nhà nước, rất có thể nhiều hộ gia đình sẽ mãi cảnh “màn trời chiếu đất”. Vậy nhưng, 4 năm sau khi trao nhà, quay lại kiểm tra, bà Vân rất bất ngờ bởi nhìn cảnh nhà cửa bị xuống cấp trầm trọng. “Đồng bào không nghĩ đó là ngôi nhà của mình mà là nhà của Chính phủ cho để ở, nên việc sửa chữa Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ. Đồng bào vẫn bị động, chưa có ý thức cùng Chính phủ duy trì sự hỗ trợ đo” - bà Vân nhìn nhận.

Rõ ràng, quy trình làm chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay là từ trên xuống và thiếu sự gắn kết, đồng bộ về chiến lược. Cán bộ khi đi khảo sát để xây dựng chính sách vẫn mang tính chủ quan của người làm chính sách. Bản thân người xây dựng chính sách cố thủ với định kiến: đồng bào là những đối tượng “thiếu hiểu biết”, “lạc hậu” và “cần được trợ giúp” (!?). Do đó, mục tiêu chương trình mang tính áp đặt, không cho đồng bào sự lựa chọn. Bản thân đồng bào đã vốn dĩ thiếu tự tin, khi được “cho không” một cách áp đặt, họ lại càng thụ động đối với việc tham gia trong tất cả các khâu xây dựng, thực hiện chính sách.

Thực tế trên cho thấy, khi xây dựng những chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số cần phải biết phát huy nội lực và sức mạnh cộng đồng, trong đó có việc trao cho đồng bào tiếp cận cơ hội. Cố gắng làm sao để người dân không “bị động” thụ hưởng chính sách mà phải là chủ thể cùng tham gia xây dựng và triển khai thực hiện chính sách.

Rõ ràng, “của cho” quan trọng, nhưng “cách cho” còn quan trọng hơn nhiều. Bởi lẽ, chỉ những công trình “dân cần, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” thì mới mong có được hiệu quả cao nhất và thời gian sử dụng bền vững nhất.

Theo Báo Công thương

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,324

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn