Chính sách mới >> Tài chính 03/10/2011 14:33 PM

03/10/2011 14:33 PM

Điều chỉnh của NHNN ngay lập tức có tác dụng, lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng dưới 1 tháng đồng loạt rơi về mức 6%, thay vì các mức kịch trần 14%/năm chứa đựng nhiều bất bình thường trước đó.

Điều chỉnh của NHNN ngay lập tức có tác dụng, lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng dưới 1 tháng đồng loạt rơi về mức 6%, thay vì các mức kịch trần 14%/năm chứa đựng nhiều bất bình thường trước đó.
Rớt mạnh

Hầu như toàn bộ các ngân hàng trong ngày 1.10 đều tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn dưới một tháng xuống mức trần tối đa 6%/năm như quy định trong thông tư 30, có hiệu lực từ ngày 1.10 của NHNN. Hàng loạt NHTM theo đó rút bỏ các kỳ hạn huy động ngắn hạn theo ngày hay theo tuần (vốn từng được đưa lên với lãi suất lên tới 14%/năm) và thay vào đó áp dụng biểu lãi suất cao nhất chỉ còn 6%/năm cho hàng loạt các kỳ hạn huy động vốn dưới 1 tháng.

Động thái của NHNN được đưa ra trước thực tế nhiều NHTM ồ ạt tung ra các chương trình huy động ngắn hạn với lãi suất kịch trần như các kỳ hạn dài 1 tháng đến 12 tháng. Khiến mặt bằng lãi suất huy động vốn trên thị trường diễn biến theo đường thẳng ngang, chứa đựng nhiều bất bình thường, trái với quy luật tiền tệ và tiềm ẩn nhiều rủi ro thanh khoản.

Với việc bị khống chế lãi suất huy động vượt trần không quá 14%/năm, nhiều NHTMCP quy mô nhỏ như Western Bank, SCB, ABBank hay VietABank từng phải tung ra các chương trình đẩy mạnh huy động vốn với lãi suất ngắn hạn tuần, ngày lên sát trần quy định. Một số NHTM thậm chí chỉ vừa tung ra sản phẩm huy động ngắn hạn với lãi suất cao phải rút xuống ngay khi NHNN ban hành quy định.
VietABank đến sáng ngày 29.9 mới tung ra sản phẩm lãi suất ngày cao nhất 14%/năm, song chỉ đến sáng ngày hôm sau (30.9), NHTM này phải thông báo ngừng huy động và thay vào đó với mức lãi suất chỉ còn 6%.
Biểu lãi suất của SCB ngày 2.10 chỉ giữ lại kỳ hạn không kỳ hạn với lãi suất lĩnh lãi hằng tháng là 4,2%/năm. Western Bank thậm chí còn công bố áp dụng đồng loạt một mức lãi suất kịch trần 6%/năm cho 6 kỳ hạn huy động từ 1 ngày đến 6 ngày. Ngay trong ngày 1.10, ABBank cũng công bố biểu lãi suất huy động mới với mức 3% cho không kỳ hạn và kịch trần 6%/năm cho các kỳ hạn 1, 2 đến 3 tuần.
Sức ép thanh khoản?
Với việc áp dụng mức lãi suất 6% cho các kỳ hạn theo ngày theo tuần, một số tính toán cho thấy, khách hàng vẫn có thể nhận được lãi suất tương đương 14%/năm theo dạng dồn gốc và lãi từng ngày cộng lại. Mức sụt giảm từ 14% xuống còn 6% là khá lớn, song việc tung ra các chương trình huy động vốn theo ngày vẫn được cho là hình thức huy động vốn linh hoạt và phần nào giải quyết thanh khoản cho các NH nhỏ.
Thực tế, việc phải tung ra các kỳ hạn vốn huy động theo ngày hay theo tuần với lãi suất lên đến 14% là biện pháp mà các NHTM nhỏ khắc phục sự lép vế với các NHTM lớn khi việc thực hiện theo trần lãi suất huy động 14% bị siết chặt. Dù tiền ẩn nhiều rủi ro thanh khoản, song các NHTM vẫn buộc phải thực hiện nhằm giữ chân khách hàng trước sức hấp dẫn từ các NH lớn và nguy cơ vốn chảy sang các NH mạnh hơn.

Kể từ khi thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động 14%, nhiều NHTM nhỏ than thở tình trạng bị rút vốn. NamVietBank cho biết bị rút khoảng 537 tỉ đồng tính đến ngày 17.9, DaiABank cũng than số tiền huy động tính đến ngày 12.9 bị giảm khoảng 0,2% so với ngày 9.9 và VietABank cũng kêu mỗi ngày bị mất vốn khoảng 50-60 tỉ đồng.

Trong bối cảnh như vậy, việc các NH nhỏ ồ ạt đẩy mạnh huy động vốn ở các kỳ hạn ngắn bằng lãi suất khủng nhằm bù đắp sự thiếu hụt và giải bài toán thanh khoản trước mắt cũng là điều dễ được giải thích. Với việc khống chế và giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn như trên, nhiều ý kiến cho rằng, các NHTM nhỏ có thể sẽ lại gặp thêm khó khăn trong việc huy động vốn.
Tuy nhiên NHNN cho rằng sẽ tránh được rủi ro thanh khoản cho hệ thống NH và tạo được một đường cong hợp lý trong biểu lãi suất huy động. Song động thái này cũng đưa đến nhận định về khả năng NHNN có thể sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Theo Văn Nguyễn
Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,728

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn