Chính sách mới >> Tài chính 15/12/2011 16:30 PM

15/12/2011 16:30 PM

58% giá trị tài sản của chín tập đoàn Nhà nước xuất phát từ nguồn vốn vay. Tái cơ cấu NH không thể thành công nếu không đi kèm với tái cơ cấu các Tập đoàn, TCT Nhà nước.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại sẽ khó thành công nếu các quan hệ tín dụng của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, với hệ thống ngân hàng vẫn không có gì thay đổi.

Có những việc ngoài tầm tay?

Không phải vô tình mà khi Ngân hàng BIDV công bố các thông tin về đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới, các nhà đầu tư đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến khoản nợ của tập đoàn Vinashin tại đây.

IPO ngân hàng thực ra là tái cấu trúc. Nó sẽ không thành công nếu các quan hệ tín dụng của hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn, tổng công ty, với hệ thống ngân hàng vẫn không có gì thay đổi.

Đợt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cách đây 11 năm chính là bài học. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) và NHTM nhà nước rơi vào khó khăn, thua lỗ, có nguy cơ phá sản do liên quan đến các vụ án knh tế lớn như Epco-Minh Phụng hoặc đầu tư vốn vào nhiều DNNN hoạt động kém hiệu quả.

Để tái cơ cấu ngân hàng vào thời điểm đó, theo các chuyên gia, khó nhất là việc xử lý nợ nhóm III (nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo nhưng con nợ còn tồn tại, đang hoạt động). Các khoản nợ này chủ yếu thuộc về DNNN. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với Bộ Tài chính thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá lại các khoản nợ nhóm III tại các NHTM quốc doanh nhưng việc xử lý cũng không có kết quả.

Quay trở lại câu chuyện nợ của Vinashin. Theo con số được Chính phủ công bố vào năm ngoái, đến tháng 9-2010, số nợ này lên đến 86.000 tỉ đồng với tiền lãi hàng năm ước tính khoảng 10.000 tỉ đồng.

Một chuyên gia ngân hàng tính toán rằng cơ cấu lại Vinashin đồng thời với việc chuyển nợ một phần qua tập đoàn Dầu khí (PVN) hay Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) 10.000 tỉ đồng thì bản chất tổng số nợ của DNNN không thay đổi. Có chăng, chỉ là thay đổi chủ nợ trực tiếp mà thôi. Còn kết quả xử lý đến đâu, tương tự như câu chuyện 11 năm trước, là phải chờ.

Do vậy, dù ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, có trấn an các nhà đầu tư tại buổi giới thiệu đợt IPO sắp tới tại Hà Nội rằng, tổng dư nợ của Vinashin tại BIDV hiện là 6.600 tỉ đồng, sẽ được chuyển qua Vinalines 1.600 tỉ, làm giảm dư nợ của Vinashin tại đây thì cũng chỉ là đổi chủ nợ trực tiếp.

Tình hình ở các chủ nợ mới cũng không sáng sủa gì khi Vinalines đã báo cáo với Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương cách đây hơn ba tháng rằng dự kiến năm nay họ sẽ lỗ 600 tỉ đồng.

Do vậy, việc trích lập dự phòng rủi ro hàng chục ngàn tỉ đồng cho các khoản nợ vẫn của Vinashin đang được thực hiện ở BIDV và 37 ngân hàng trong nước có quan hệ tín dụng với Vinashin trong nhiều năm qua. Cũng như câu chuyện của hơn 10 năm trước, việc cơ cấu lại các khoản nợ kiểu như vậy cũng không dễ có lời giải.

Quan hệ chằng chịt DNNN - ngân hàng

Lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng nói thẳng với Chính phủ hôm 9-12 rằng: nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm khoảng 75-80% tổng dư nợ của VDB.

“Có nhiều tập đoàn, tổng công ty gửi văn bản cho VDB đề nghị lùi và giãn nợ”, ông lo lắng. Điều này trùng hợp với cảnh báo từ cuối tháng 11 của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: “Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng không thể tách rời với cơ cấu lại đầu tư công và các DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Vốn đầu tư của DNNN hiện chiếm trên 20% đầu tư công và các DNNN cũng chiếm trên 30% tổng tín dụng, chưa kể tín dụng nhà nước thông qua VDB”.

Các chuyên gia ngân hàng từng đặt câu hỏi: nợ xấu của ngân hàng có bắt nguồn từ chủ trương cổ phần hóa, thành lập rộng rãi các tập đoàn kinh tế nhà nước mà thiếu kiểm soát chặt chẽ hay không? Mặc dù chưa có câu trả lời chính xác nhưng các phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) mới đây cho thấy có thể đây mới là phần nan giải nhất của công cuộc tái cấu trúc ngân hàng.

“Phần lớn tài sản của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được hình thành từ vốn vay”, Bộ KH-ĐT khẳng định và chỉ ra 58% giá trị tài sản của chín tập đoàn xuất phát từ nguồn vốn này.

Trong đó tập đoàn Điện lực (EVN) và tập đoàn Công nghiệp xây dựng - hai đơn vị hiện có hệ số an toàn vốn thấp lại có tỷ lệ tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng cao nhất, xấp xỉ 80%, và đang kinh doanh thua lỗ.

Nếu các tập đoàn này tiếp tục vay nợ để mở rộng quy mô là vô cùng nguy hiểm, nhất là khi điều lệ của các tập đoàn cho phép hội đồng quản trị hay tổng giám đốc có thể ra quyết định đầu tư đến 50% tổng giá trị tài sản và không có quy định hạn chế số lượng dự án đầu tư có quy mô tương tự hàng năm.

Chưa hết, tổng mức đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty rất lớn và chồng chéo, chủ yếu vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm... Điều này cũng sẽ tác động mạnh đến quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Ví dụ, theo thống kê của Bộ KH-ĐT, trong số 2.107 tỉ đồng đầu tư ra ngoài ngành của EVN thì 99,8% rót vào các lĩnh vực nêu trên. Ở PVN, tỷ lệ này là trên 84% (5636 tỉ/6708 tỉ đồng).

Điều đó cho thấy việc tái cấu trúc ngân hàng không thể tách rời với sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo Ngọc Lan
TBKTSG

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,951

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn