CSGT phạt sai: Người vi phạm khiếu nại thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
20/07/2021 09:12 AM

Hiện nay, rất nhiều trường hợp người dân bị xử phạt khi tham gia giao thông nhưng không tuân thủ quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người có thẩm quyền áp dụng sai quy định. Như vậy, người vi phạm khiếu nại thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình.

CSGT phạt sai: Người vi phạm khiếu nại thế nào? (ảnh minh họa)

Theo khoản 1 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012:

“Điều 15. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, khi cảm thấy CSGT áp dụng sai quy định về xử phạt hành chính, người vi phạm có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt đó. Việc khiếu nại có thể đúng hoặc không đúng. Tuy nhiên, người vi phạm có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại. Nếu việc khiếu nại không thành công thì người vi phạm cũng không bị xử phạt thêm về lỗi nào khác.

Trình tự khiếu nại khi CSGT phạt sai

Điều quy định tại Điều 7, 9 Luật Khiếu nại 2011 quy định về trình tự khiếu nại như sau:

- Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt hành chính  thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định xử phạt hoặc cơ quan có người đó hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Hình thức khiếu nại

Khoản 1, 2 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 quy định về hình thức khiếu nại bao gồm:

- Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

- Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

- Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như trên.

Có khiếu nại, vẫn phải thi hành quyết định nộp phạt trước

Khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp người giải quyết khiếu nại, khởi kiện đã ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,910

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn