Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Đến thời điểm hiện tại Luật Căn cước công dân 2014 và các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa đặt ra cơ chế xử phạt về việc không đổi thẻ CCCD mà chỉ có quy định về việc xử phạt liên quan đến CMND mà thôi.
Cụ thể Điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
Điều 9. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…..
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân.
Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định:
Điều 5. Đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân
1- Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân :
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
2- Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.
Như vậy, công dân nếu thuộc 05 trường hợp phải đổi và 1 trường hợp phải đề nghị cấp lại nêu trên (hiện tại khi đổi/cấp lại từ CMND thì công dân sẽ được cấp CCCD gắn chíp) mà không thực hiện thủ tục cấp đổi/cấp lại sang CCCD gắn chíp sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng.
Trường hợp của chị Thu Liên, nếu chị không thuộc các trường hợp nêu trên thì không bắt buộc phải đi đổi từ CMND sang CCCD gắn chíp và sẽ không bị phạt.
"Trường hợp đã được cấp CCCD mà hết hạn, mặc dù chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt nếu không đi đổi thẻ mới nhưng người dân nên lưu ý đổi đúng hạn. Lý do là trên thẻ CCCD có ghi thời hạn sử dụng dựa trên quy định về mốc tuổi phải đổi thẻ, hết thời hạn ghi trên thẻ, mọi giao dịch mới phát sinh có liên quan đến CCCD đều không thực hiện được (ví dụ không thể đi máy bay, không thể mở thẻ ngân hàng…" - Đây là chia sẻ của Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Quý Nguyễn