Đi đám cưới người lao động bao nhiêu tiền là hợp lý?

12/05/2017 16:58 PM

Chị Lê Thu Trang (Email: thutrangle***@gmail.com) thắc mắc: “Công ty đi đám cưới người lao động bao nhiêu tiền là hợp lý để được tính là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp?”.

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin được giải đáp như sau:

Tại Khoản 2.30 Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định:

2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

...

- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.

Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).”

Tiền đi đám cưới

(Ảnh minh họa)

Như vậy, tổng các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động (trong đó có đi đám cưới của người lao động) không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của công ty thì sẽ được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, còn vượt mức nêu trên thì khoản vượt sẽ không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 31,567

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn