Cơ quan nào cấp Phiếu lý lịch tư pháp sau tinh gọn bộ máy theo Công văn 05/CV-BCĐTKNQ18? (Hình từ Internet)
Ngày 12/01/2025, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ ban hành Công văn 05/CV-BCĐTKNQ18 bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo đó, việc điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được thực hiện theo quy định tại Công văn 05/CV-BCĐTKNQ18 năm 2025 như sau:
- Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Chuyển nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Nông nghiệp và Môi trường; ở cấp huyện, chuyển nhiệm vụ về giảm nghèo từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sang Phòng Nông nghiệp và Môi trường (hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường ở quận).
- Chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Y tế (chức năng chỉ đạo, quản lý công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh, thành phố của Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố được chuyển về Ban Tổ chức Tỉnh ủy, bảo đảm tương đồng với việc sắp xếp ở Trung ương; nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển về Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
- Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp sang Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chuyển nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Sở Giao thông vận tải sang Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin mạng từ Sở Thông tin và Truyền thông sang Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 có các nội dung được quy định cụ thể tại Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009 bao gồm:
- Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Tình trạng án tích:
+ Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;
+ Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;
+ Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
- Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009 không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.
Xem thêm tại Công văn 05/CV-BCĐTKNQ18 ban hành ngày 12/01/2025.