Phương án tinh gọn bộ máy Tổng cục Thuế theo Báo cáo 219/BC-BNV (Hình từ Internet)
Ngày 11/01/2025, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo 219/BC-BNV về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; trong đó có đề cập đến phương án tinh gọn bộ máy Tổng cục Thuế.
Theo Báo cáo 219/BC-BNV, dự kiến phương án tinh gọn bộ máy Tổng cục Thuế như sau:
- Tổ chức lại Tổng cục Thuế thành Cục Thuế và Cục này sẽ có 12 ban/phòng;
- Sắp xếp, cơ cấu lại Cục Thuế của 63 tỉnh, thành phố thành 20 Chi cục Thuế khu vực;
- Sắp xếp, cơ cấu lại 420 Chi cục Thuế cấp huyện và khu vực liên huyện thành 350 Đội thuế khu vực liên huyện.
Sau khi thực hiện phương án tinh gọn bộ máy nêu trên, sẽ giảm khoảng 1005/4141 đầu mối (24,27%).
Nội dung trên được dựa vào Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ do Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành.
Tại đây, Ban Chỉ đạo đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc Bộ. Trường hợp cần thiết duy trì mô hình tổng cục, đề nghị các bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Tổng cục Thuế là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa trong phạm vi cả nước, bao gồm: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là thuế); tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuế được tổ chức thành hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất; cụ thể:
(1) Cơ quan Tổng cục Thuế ở Trung ương:
- Vụ Chính sách;
- Vụ Pháp chế;
- Vụ Dự toán thu thuế;
- Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế;
- Vụ Kê khai và Kế toán thuế;
- Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế;
- Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế;
- Cục Thuế doanh nghiệp lớn;
- Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân;
- Vụ Hợp tác Quốc tế;
- Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng;
- Vụ Tổ chức cán bộ;
- Vụ Tài vụ - Quản trị;
- Văn phòng;
- Cục Công nghệ Thông tin;
- Trường Nghiệp vụ Thuế;
- Tạp chí Thuế.
Trong đó:
- Trường Nghiệp vụ Thuế và Tạp chí Thuế là là đơn vị sự nghiệp;
- Các tổ chức còn lại là các tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước
Việc thành lập phòng thuộc Văn phòng và phòng thuộc cục thuộc Tổng cục Thuế phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
(2) Cơ quan Thuế ở địa phương:
- Cục Thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đơn vị hành chính cấp tỉnh (gọi chung là Cục Thuế cấp tỉnh) trực thuộc Tổng cục Thuế.
Cục Thuế thành phố Hà Nội và Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức không quá 11 phòng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý thuế và không quá 10 phòng Thanh tra - Kiểm tra.
Cục Thuế có số thu từ 2.500 tỷ đồng/năm trở lên (không kể thu từ dầu thô và đất) hoặc quản lý 2.000 doanh nghiệp trở lên (trừ Cục Thuế thành phố Hà Nội và Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh) được tổ chức không quá 09 phòng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý thuế và không quá 05 phòng Thanh tra - Kiểm tra.
Cục Thuế có số thu dưới 2.500 tỷ đồng/năm (không kể thu từ dầu thô và đất) hoặc quản lý dưới 2.000 doanh nghiệp được tổ chức không quá 08 phòng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý thuế và 01 phòng Thanh tra - Kiểm tra.
- Chi cục Thuế ở các quận, huyện, thị xã, thành phố; Chi cục Thuế khu vực (gọi chung là Chi cục Thuế cấp huyện) trực thuộc Cục Thuế cấp tỉnh.
Cục Thuế cấp tỉnh, Chi cục Thuế cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
(Điều 1 và Điều 3 Quyết định 41/2018/QĐ-TTg, sửa đổi tại Quyết định 15/2021/QĐ-TTg)