Trường hợp thu hồi giấy phép xe tập lái từ 01/01/2025 (Hình từ internet)
Ngày 18/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 160/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe.
Theo Điều 17 Nghị định 160/2024/NĐ-CP thì Giấy phép xe tập lái bị thu hồi trong các trường hợp sau:
(1) Cấp cho xe tập lái không đáp ứng một trong điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định 160/2024/NĐ-CP;
(2) Bị tẩy xóa, sửa chữa;
(3) Để cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng vào mục đích đào tạo lái xe;
(4) Cơ sở đào tạo lái xe giải thể hoặc bị thu hồi giấy phép đào tạo;
(5) Theo đề nghị của cơ sở đào tạo;
(6) Xe tập lái trong cùng một thời điểm sử dụng từ 02 thiết bị DAT trở lên. để truyền dữ liệu DAT hoặc sử dụng dữ liệu được truyền từ thiết bị DẠT của xe tập lái khác.
Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép xe tập lái, thực hiện thu hồi theo trình tự sau:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm hoặc theo đề nghị của cơ sở đào tạo thuộc một trong các trường hợp nêu trên, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi, thông báo đến các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện và công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải;
- Trường hợp thu hồi giấy phép xe tập lái theo đề nghị của cơ sở đào tạo thực hiện theo trình tự sau:
Cơ sở đào tạo gửi văn bản đề nghị thu hồi xe tập lái đến Sở Giao thông vận tải bằng một trong các hình thức: trực tiếp, bưu chính, dịch vụ bưu chính, văn bản điện tử, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ sở đào tạo, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi, thông báo đến các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện và công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải;
- Cơ sở đào tạo lái xe được cấp giấy phép xe tập lái phải dừng sử dụng xe ô tô đã bị thu hồi giấy phép xe tập lái trong hoạt động giảng dạy ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm, đồng thời nộp lại giấy phép xe tập lái cho cơ quan cấp ngay sau khi quyết định thu hồi giấy phép xe tập lái có hiệu lực.
Xe tập lái phải đảm bảo các điều kiện tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 160/2024/NĐ-CP như sau:
- Cơ sở đào tạo phải có xe tập lái của các hạng được phép đào tạo, thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng phải bảo đảm số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy thực hành lái xe;
- Xe tập lái các hạng phải sử dụng các loại xe tương ứng với hạng giấy phép lái xe quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Trong đó: xe tập lái hạng B gồm xe sử dụng loại chuyển số tự động (bao gồm cả ô tô điện) hoặc chuyển số cơ khí (số sản); xe tập lái hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, DIE, D2E và DE sử dụng loại chuyển số cơ khí (số sàn);
- Ô tô tải sử dụng để làm xe tập lái hạng B phải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế từ 2.500 kg đến 3.500 kg với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo;
- Xe tập lái được gắn 02 biển “TẬP LÁI” trước và sau xe theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 160/2024/NĐ-CP; có hệ thống phanh phụ được lắp đặt bảo đảm hiệu quả phanh, được bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe; xe tập lái trên đường giao thông có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên; xe tập lái loại ô tô tải thùng có mui che mưa, che nắng, ghế ngồi cho học viên; có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực;
- Xe mô tô ba bánh để làm xe tập lái cho người khuyết tật là xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe;
- Xe ô tô hạng B số tự động được dùng làm xe tập lái cho người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái; xe ô tô hạng B số tự động dùng làm xe tập lái cho người khuyết tật ngoài việc đáp ứng các quy định tại điểm a, điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 160/2024/NĐ-CP còn phải có kết cấu phù hợp để các tay và chân còn lại của người khuyết tật vừa giữ được vô lăng lái, vừa dễ dàng điều khiển cần gạt tín hiệu báo rẽ, đèn chiếu sáng, cần gạt mưa, cần số, cần phanh tay, bàn đạp phanh chân, bàn đạp ga trong mọi tình huống khi lái xe đúng chức năng thiết kế của nhà sản xuất ô tô hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cải tạo xe cơ giới xác nhận hệ thống điều khiển của xe phù hợp để người khuyết tật lái xe an toàn.