07 nguyên tắc quản lý an toàn đối với công trình thủy điện từ 01/02/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
19/12/2024 18:00 PM

Bài viết sau có nội dung về các nguyên tắc quản lý an toàn đối với công trình thủy điện từ 01/02/2025 được quy định trong Luật Điện lực 2024.

07 nguyên tắc quản lý an toàn đối với công trình thủy điện từ 01/02/2025

07 nguyên tắc quản lý an toàn đối với công trình thủy điện từ 01/02/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực 2024.

07 nguyên tắc quản lý an toàn đối với công trình thủy điện từ 01/02/2025

Theo quy định tại Điều 75 Luật Điện lực 2024 thì các nguyên tắc quản lý an toàn đối với công trình thủy điện bao gồm:

- Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy điện.

- Công tác quản lý an toàn công trình thủy điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy điện bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Điện lực 2024 và quy định của pháp luật về xây dựng, an toàn đập, hồ chứa nước, pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về phòng, chống thiên tai, pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân quản lý vận hành công trình thủy điện chịu trách nhiệm đối với an toàn công trình thủy điện do mình sở hữu và đầu tư, áp dụng đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật tiên tiến trong quản lý, khai thác công trình thủy điện để bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của hệ thống các công trình thủy điện, góp phần bảo đảm an toàn cho vùng hạ du đập.

- Trường hợp xảy ra sự cố trong quản lý vận hành đập, hồ chứa thủy điện, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng triển khai phương án ứng phó, biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện, vùng hạ du đập và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

- Công trình thủy điện được phân loại, phân cấp để phục vụ công tác thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, quan trắc, kiểm định bảo đảm an toàn công trình.

- Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật về công trình thủy điện.

- Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 Điều 75 Luật Điện lực 2024.

Lưu ý: An toàn công trình thủy điện là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm ngăn chặn các tác động có hại và bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa, tuyến năng lượng, nhà máy thủy điện, các công trình phụ trợ trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy điện. (Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Điện lực 2024)

12 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện từ 01/02/2025

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật Điện lực 2024 bao gồm:

- Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật Điện lực 2024.

- Trộm cắp điện.

- Trộm cắp phương tiện, trang thiết bị điện.

- Phá hoại phương tiện, trang thiết bị điện, công trình điện lực.

- Sử dụng phương tiện, thiết bị, chất gây cháy, nổ, ăn mòn và hành vi khác làm hư hỏng, gây sự cố công trình điện lực.

- Đóng điện, cắt điện trái quy định của pháp luật.

- Vi phạm quy định về bảo vệ công trình điện lực, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

- Trồng cây, khoan, đào, đắp, xây dựng công trình, khai thác khoáng sản, neo đậu tàu, thuyền, xả nước thải, chất ăn mòn, thả điều, vật bay và các hoạt động khác vi phạm quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.

- Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Điện lực 2024.

- Cung cấp thông tin không chính xác, thiếu minh bạch xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa chữa, cải tạo, khắc phục sự cố đối với công trình điện lực, kiểm tra, giám sát hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Sách nhiễu, gây phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Xem thêm Luật Điện lực 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025.

Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012) hết hiệu lực từ ngày Luật Điện lực 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 81 Luật Điện lực 2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]