Quy định về tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong Công ty Cổ Phần
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
I. Công ty cổ phần có nghĩa vụ tổ chức công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động làm việc cho mình. Trong công tác này, các cá nhân trong công ty tham dự huấn luyện được phân chia vào 06 nhóm sau:
Nhóm 1: Người đứng đầu công ty cổ phần và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu nêu tại nhóm này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; bao gồm:
- Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của công ty - xem chi tiết tại công việc "Tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động";
- Người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Nhóm 3: Người lao động (bao gồm cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành - xem chi tiết tại "Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động".
Nhóm 4: Người lao động (bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho công ty) không thuộc các nhóm 1; 3; 5 và 6.
Nhóm 5: Người làm công tác y tế tại công ty - xem chi tiết tại công việc "Tổ chức bộ phận y tế trong công ty".
Nhóm 6: Các An toàn, vệ sinh viên trong công ty - xem chi tiết tại công việc "Xây dựng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên".
II. Công ty cổ phần tự tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các đối tượng thuộc Nhóm 1, 2, 5, 6 thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Xem chi tiết điều kiện và thủ tục cấp giấy chứng nhận tại công việc: Kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động).
III. Mỗi nhóm đối tượng tham gia huấn luyện sẽ có yêu cầu và phương thức huấn luyện khác nhau; Cụ thể là:
1. Đối với những người lao động thuộc Nhóm 4, công ty cổ phần có trách nhiệm tổ chức huấn luyện và tự chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện cho người lao động theo một trong các hình thức sau đây:
- Tự tổ chức huấn luyện nếu bảo đảm điều kiện về người huấn luyện theo quy định. Đồng thời:
+ Công ty có nhu cầu tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hạng B, C phải lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền để chứng minh đủ điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
+ Công ty đủ điều kiện tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hạng A tự công bố đủ điều kiện tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trên trang thông tin điện tử hoặc thông báo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở.
- Thuê tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho mình.
Những người lao động thuộc Nhóm 4 này phải được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, phù hợp với vị trí công việc được giao.
Công ty cổ phần ghi kết quả huấn luyện của người được huấn luyện thuộc Nhóm 4 vào Sổ theo dõi công tác huấn luyện (theo Mẫu số 11 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP) tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
2. Đối với người thuộc Nhóm 1, 2, 5 và 6 phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận (theo Mẫu số 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP) sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.
3. Đối với người lao động thuộc Nhóm 3, công ty tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn (theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP) trước khi bố trí làm công việc này.
Đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.
4. Thời gian huấn luyện lần đầu tối thiểu như sau:
Nhóm 1 và Nhóm 4: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
Nhóm 2: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra.
Nhóm 3: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
Nhóm 5: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
Nhóm 6: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
5. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc người tham gia huấn luyện thuộc Nhóm nào (Xem chi tiết tại Điều 18 Nghị định 44/2016/NĐ-CP được sửa đổi Điều 2 Nghị định 140/2018/NĐ-CP).
6. Trường hợp công ty cổ phần đủ điều kiện tự huấn luyện các nhóm này thì phải lập Sổ theo dõi cấp Giấy chứng nhận huấn luyện; Sổ theo dõi việc cấp Thẻ an toàn và Sổ theo dõi người thuộc nhóm 4 được huấn luyện (theo Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 140/2018/NĐ-CP; Mẫu số 10 và 11 ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP).
7. Việc huấn luyện cho các nhóm còn phải thực hiện định kỳ như sau:
- Huấn luyện cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động trong trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động:
Ít nhất 02 năm một lần, kể từ ngày Giấy chứng nhận huấn luyện và Thẻ an toàn có hiệu lực, những người được huấn luyện phải tham dự khóa huấn luyện để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện ít nhất bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
Công ty bố trí thời gian cho những người làm công tác y tế (Nhóm 5) tham gia các cuộc họp, hội nghị và giao dịch với cơ quan y tế địa phương hoặc y tế bộ, ngành để nâng cao nghiệp vụ và phối hợp công tác.
- Huấn luyện định kỳ cho người lao động thuộc Nhóm 4:
Người lao động thuộc Nhóm 4 được huấn luyện định kỳ ít nhất 01 lần mỗi năm để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện định kỳ bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
- Huấn luyện khi có sự thay đổi về công việc; thay đổi về thiết bị, công nghệ và huấn luyện sau thời gian nghỉ làm việc:
+ Thay đổi công việc hoặc thay đổi thiết bị, công nghệ: Trước khi giao việc phải được huấn luyện nội dung về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với công việc mới hoặc thiết bị, công nghệ mới.
Trường hợp đối tượng đã được huấn luyện trong thời hạn dưới 12 tháng kể từ khi chuyển sang làm công việc mới hoặc kể từ khi có sự thay đổi thiết bị, công nghệ thì nội dung huấn luyện lại được miễn phần đã được huấn luyện.
+ Trở lại làm việc sau thời gian nghỉ làm việc: Công ty ngừng hoạt động hoặc người lao động nghỉ làm việc từ 06 tháng trở lên thì trước khi trở lại làm việc, người lao động được huấn luyện lại nội dung như đối với huấn luyện lần đầu. Thời gian huấn luyện lại bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
8. Trong vòng 30 ngày trước khi Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn hết hạn; công ty cổ phần lập Danh sách những người được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kèm theo kết quả huấn luyện hoặc giấy tờ chứng minh việc cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động gửi tổ chức huấn luyện hoặc công ty tự huấn luyện. Nếu kết quả huấn luyện đạt yêu cầu thì được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn mới theo quy định.
Lưu ý:
Công ty cổ phần cần ý thức việc tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là một nghĩa vụ của mình. Nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này theo quy định, công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10,000,000 đồng đến 100,000,000 đồng (tùy thuộc vào số lượng người không được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động).
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Bài viết liên quan:
- Yêu cầu về an toàn sản phẩm mỹ phẩm năm 2024
- Trách nhiệm của doanh nghiệp về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc 2024
- Bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc với người lao động thi công trên công trường 2023 (Phần 2)
- Thủ tục hỗ trợ kinh phí hoặc mua công nghệ được tổ chức, cá nhân trong nước tạo ra từ kết quả nghiên cứu KH&PTCN để sản xuất sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực 2023 (cấp tỉnh)
- Mẫu báo cáo công tác an toàn - vệ sinh lao động của doanh nghiệp