>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Phương pháp tính trực tiếp trong công ty TNHH một thành viên

tính thuế trực tiếp

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

Hiện nay có 02 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng và phương pháp khấu trừ.

Phương pháp tính trực tiếp, bao gồm: tính bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu và tính bằng GTGT nhân với thuế suất thuế GTGT (chỉ áp dụng với hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý).

1. Đối tượng áp dụng hình thức tính bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu

Hình thức tính bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu là hình thức tính thuế được sử dụng chủ yếu và được áp dụng với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc nhóm đối tượng sau:

- Đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới 01 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;

- Mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;

- Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

2. Cách tính thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng:

Số thuế GTGT phải nộp

 = 

Tỷ lệ %

 x 

Doanh thu

Trong đó:

Tỷ lệ % được quy định theo từng hoạt động như sau:

- Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể tra cứu tỷ lệ % của từng hoạt động cụ thể tại Bảng danh mục ngành nghề tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu (Tham khảo công việc Danh mục tỷ lệ % thuế suất trên doanh thu).

Lưu ý: Kể từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tính thuế GTGT theo phương pháp này được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT (nêu trên) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 94/2023/NĐ-CP.

Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng, bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.

Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên A thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Công ty A có doanh thu phát sinh từ hoạt động bán phần mềm máy tính và dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp thì công ty A không phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ (%) trên doanh thu từ hoạt động bán phần mềm máy tính (do phần mềm máy tính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT) và phải kê khai, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu từ dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp.

Nếu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có nhiều ngành nghề có mức tỷ lệ khác nhau thì phải khai thuế GTGT theo từng nhóm ngành nghề tương ứng với các mức tỷ lệ theo quy định. Trường hợp công ty nộp thuế không xác định được doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoặc trong một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động tại nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau mà không tách được thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Riêng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động trong lĩnh vực mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý thì việc tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp có những quy định riêng biệt, cụ thể:

Số thuế GTGT phải nộp

 =

 Giá trị gia tăng

 x 

Thuế suất thuế GTGT 

Trong đó:

- Thuế suất thuế GTGT đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý là 10%, trừ trường hợp được áp dụng thuế suất 0% quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

- Giá trị gia tăng được tính theo công thức sau:

Giá trị gia tăng

 = 

Giá bán ra

 - 

Giá mua vào

+ Giá bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế GTGT và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng. 

+ Giá mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.

Nếu trong kỳ tính thuế phát sinh GTGT âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào GTGT dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh GTGT dương (+) hoặc GTGT dương (+) không đủ bù trừ GTGT âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào GTGT của kỳ sau trong năm. Kết thúc năm dương lịch, GTGT (-) không được kết chuyển tiếp sang năm sau.

Ví dụ: Trong kỳ tính thuế, công ty A có phát sinh:

- GTGT âm đối với vàng 18K là: - 100 triệu đồng (do giá bán ra thấp hơn giá mua vào)

- GTGT dương đối với vàng 24K là 200 triệu đồng

Như vậy, công ty A được tính bù trừ GTGT âm của vàng 18K vào GTGT dương của vàng 24K. Theo đó, số tiền thuế GTGT mà công ty A phải nộp cho cơ quan thuế trong kỳ được xác định như sau:

(200 - 100) x 10% = 10 triệu đồng

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

12,700
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp: