>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trong công ty TNHH một thành viên

Để hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT đầu vào thì phải đáp ứng đủ các điều kiện và thủ tục theo quy định, cụ thể:

1. Việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cho cá nhân, tổ chức nước ngoài phải được thể hiện dưới dạng hợp đồng, như hợp đồng mua bán, hợp đồng gia công, hợp đồng cung ứng dịch vụ.

Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu là Hợp đồng ủy thác xuất khẩu, Biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác xuất khẩu (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc biên bản đối chiếu công nợ định kỳ giữa bên ủy thác xuất khẩu và bên nhận ủy thác xuất khẩu có ghi rõ:

- Số lượng, chủng loại sản phẩm, giá trị hàng ủy thác đã xuất khẩu;

- Số, ngày hợp đồng xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu ký với nước ngoài;

- Số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng với nước ngoài của bên nhận ủy thác xuất khẩu;

- Số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán của bên nhận ủy thác xuất khẩu thanh toán cho bên ủy thác xuất khẩu;

- Số, ngày tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu.

2. Phải có tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, theo đó, tờ khai phải làm xong các thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trừ các trường hợp sau thì không cần tờ khai hải quan:

- Xuất khẩu dịch vụ, phần mềm qua phương tiện điện tử (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục xác nhận bên mua đã nhận được dịch vụ, phần mềm xuất khẩu qua phương tiện điện tử). Trường hợp xuất khẩu sản phẩm phần mềm dưới các hình thức tài liệu, hồ sơ, cơ sở dữ liệu đóng gói cứng thì phải đảm bảo thủ tục về tờ khai hải quan như đối với hàng hóa thông thường.

Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan.

- Cung cấp điện, nước, văn phòng phẩm và hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất gồm: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng (bao gồm cả bảo hộ lao động: quần, áo, mũ, giầy, ủng, găng tay).

3. Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng

Thanh toán qua ngân hàng là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng.

Việc thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải có chứng từ thanh toán như Giấy báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản ngân hàng của công ty nhập khẩu.

Trường hợp thanh toán chậm trả thì phải có thỏa thuận ghi trong hợp đồng xuất khẩu, đến thời hạn thanh toán cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Trường hợp ủy thác xuất khẩu thì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của phía nước ngoài cho bên nhận ủy thác và bên nhận ủy thác phải thanh toán tiền hàng xuất khẩu qua ngân hàng cho bên ủy thác. Trường hợp bên nước ngoài thanh toán trực tiếp cho bên ủy thác xuất khẩu thì bên ủy thác phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và việc thanh toán như trên phải được quy định trong hợp đồng.

Bên cạnh đó, các trường hợp thanh toán dưới đây cũng được coi là thanh toán qua ngân hàng:

- Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được thanh toán cấn trừ vào khoản tiền vay nợ nước ngoài. Trong trường hợp này, phải có hợp đồng vay nợ (đối với những khoản vay tài chính có thời hạn dưới 01 năm); hoặc giấy xác nhận đăng ký khoản vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đối với những khoản vay trên 01 năm); chứng từ chuyển tiền của phía nước ngoài vào Việt Nam qua ngân hàng; bản xác nhận của phía nước ngoài về cấn trừ khoản nợ vay.

Trường hợp sau khi cấn trừ giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vào khoản nợ vay của nước ngoài có chênh lệch, thì số tiền chênh lệch phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng. 

- Công ty xuất khẩu sử dụng tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để góp vốn với cơ sở nhập khẩu ở nước ngoài, cơ sở kinh doanh;

Công ty phải có đủ thủ tục và hồ sơ sau: Hợp đồng góp vốn, hợp đồng xuất khẩu thể hiện rõ việc sử dụng tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để góp vốn vào cơ sở nhập khẩu ở nước ngoài. Nếu số tiền góp vốn nhỏ hơn doanh thu hàng hóa xuất khẩu thì số tiền chênh lệch phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

- Phía nước ngoài ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán. Việc ủy quyền thanh toán phải được thể hiện trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có).

- Trường hợp phía nước ngoài yêu cầu bên thứ 3 là tổ chức ở Việt Nam thanh toán bù trừ công nợ với phía nước ngoài bằng thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền phía nước ngoài phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu:

Việc yêu cầu thanh toán bù trừ nêu trên có quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng- nếu có) và có chứng từ thanh toán là giấy báo có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của bên thứ 3, đồng thời bên xuất khẩu phải xuất trình bản đối chiếu công nợ có xác nhận của bên nước ngoài và bên thứ 3.

- Trường hợp phía nước ngoài (bên nhập khẩu) ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán; bên thứ ba yêu cầu tổ chức ở Việt Nam (bên thứ tư) thanh toán bù trừ công nợ với bên thứ ba bằng việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền bên nhập khẩu phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu thì cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải có đủ các điều kiện, hồ sơ như sau:

+ Hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có) quy định việc ủy quyền thanh toán, bù trừ công nợ giữa các bên.

+ Chứng từ thanh toán là giấy báo có của ngân hàng về số tiền cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu nhận được từ tài khoản của bên thứ tư.

+ Bản đối chiếu công nợ có xác nhận của các bên liên quan (giữa cơ sở kinh doanh xuất khẩu với bên nhập khẩu, giữa bên thứ ba ở nước ngoài với bên thứ tư là tổ chức ở Việt Nam).

- Phía nước ngoài ủy quyền cho Văn phòng đại diện tại Việt Nam thực hiện thanh toán vào tài khoản của bên xuất khẩu. Việc ủy quyền thanh toán nêu trên có quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có).

- Phía nước ngoài (trừ trường hợp phía nước ngoài là cá nhân) thanh toán từ tài khoản tiền gửi vãng lai của phía nước ngoài mở tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Việc thanh toán này phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng- nếu có) và chứng từ thanh toán là giấy báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản vãng lai của người mua phía nước ngoài đã ký hợp đồng. 

Trường hợp xuất khẩu cho người mua phía nước ngoài là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và việc thanh toán thông qua tài khoản vãng lai của chủ công ty mở tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam và được quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng-nếu có) cũng được xác định là thanh toán qua ngân hàng.

- Số tiền thanh toán trên chứng từ không phù hợp với số tiền phải thanh toán như đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng thì phải có văn bản giải trình lý do, đồng thời nếu số tiền thanh toán nhỏ hơn số tiền trong thỏa thuận bởi việc điều chỉnh giảm giá do hàng kém chất lượng hoặc thiếu hụt thì phải bổ sung văn bản thỏa thuận giảm giá giữa hai bên.

- Chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên ngân hàng phải thanh toán đã thỏa thuận mà các nội dung trong chứng từ vẫn thể hiện được đúng người thanh toán, tên người thụ hưởng, số hợp đồng xuất khẩu, giá trị thanh toán thì chứng từ đó vẫn được chấp nhận là hợp lệ.

- Thanh toán bù trừ của các bên khi mua và xuất khẩu hàng hóa. Ví dụ: Bên A xuất khẩu hàng hóa cho bên B, đồng thời bên A có nhập khẩu hàng hóa từ bên C, thì bên A có thể thỏa thuận với bên B và C về việc bù trừ thanh toán. Nhưng lưu ý là việc bù trừ thanh toán này phải được thể hiện trong hợp đồng và phải có bản đối chiếu công nợ có xác nhận của các bên.

Trong trường hợp này, nội dung bù trừ thanh toán giữa các bên phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu hoặc hợp đồng mua hàng (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có) và công ty phải xuất trình bản đối chiếu công nợ có xác nhận của các bên liên quan.

- Có sự sai khác về tên khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài nhưng vì lý do khách quan phía nước ngoài từ chối không nhận hàng và công ty xuất khẩu tìm được khách hàng mới cùng quốc gia với khách hàng ký kết hợp đồng mua bán ban đầu.

Hồ sơ hoàn thuế gồm toàn bộ hồ sơ xuất khẩu liên quan đến hợp đồng xuất khẩu ký kết với khách hàng ban đầu (hợp đồng, tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, hóa đơn), công văn giải trình lý do có sự sai khác tên khách hàng mua (trong đó cơ sở kinh doanh cam kết tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, đảm bảo không có gian lận), toàn bộ hồ sơ xuất khẩu liên quan đến hợp đồng xuất khẩu ký kết với khách hàng mới (hợp đồng, hóa đơn bán hàng, chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định và các chứng từ khác - nếu có).

Một số trường hợp thanh toán khác đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, cụ thể:

- Công ty xuất khẩu lao động có thu tiền trực tiếp của người lao động: phải có chứng từ thu tiền của người lao động.

- Xuất khẩu hàng hóa để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài:  nếu thu và chuyển về nước bằng tiền mặt ngoại tệ tại nước tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại thì công ty phải có chứng từ kê khai với cơ quan Hải quan về tiền ngoại tệ thu được do bán hàng hóa chuyển về nước và chứng từ nộp tiền vào ngân hàng tại Việt Nam.

- Xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ để trả nợ nước ngoài cho Chính phủ thì phải có xác nhận của ngân hàng ngoại thương về lô hàng xuất khẩu đã được phía nước ngoài chấp nhận trừ nợ hoặc xác nhận bộ chứng từ đã được gửi cho phía nước ngoài để trừ nợ; chứng từ thanh toán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Thanh toán chi phí xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, tiền công gia công hàng hóa xuất khẩu với giá trị hàng hóa, dịch vụ mua của phía nước ngoài (hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thanh toán bằng hàng).

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thanh toán bằng hàng phải có thêm thủ tục hồ sơ như sau: hợp đồng xuất khẩu (trong đó phải trình bày rõ về phương thức thanh toán bằng hàng); hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ của phía nước ngoài; tờ khai hải quan về hàng hóa nhập khẩu thanh toán bù trừ với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; văn bản xác nhận với phía nước ngoài về việc số tiền thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu, dịch vụ mua của phía nước ngoài.

- Trường hợp sau khi thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu có chênh lệch, số tiền chênh lệch phải thực hiện thanh toán qua Ngân hàng. Chứng từ thanh toán qua Ngân hàng theo hướng dẫn tại công việc này.

- Xuất khẩu hàng hóa sang các nước có chung biên giới.

Các trường hợp xuất khẩu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng nhưng vẫn được khấu trừ, hoàn thuế:

- Bên phía nước ngoài mất khả năng thanh toán chi phí nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Trong trường hợp này, công ty xuất khẩu phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng: tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã đăng ký với cơ quan hải quan tại nước nhập khẩu hàng hóa (01 bản sao); hoặc đơn khởi kiện đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước nơi người mua cư trú kèm giấy thông báo hoặc kèm giấy tờ có tính chất xác nhận của cơ quan này về việc thụ lý đơn khởi kiện (01 bản sao); hoặc phán quyết thắng kiện của tòa án nước ngoài cho cơ sở kinh doanh (01 bản sao); hoặc giấy tờ của tổ chức có thẩm quyền nước ngoài xác nhận (hoặc thông báo) bên mua nước ngoài phá sản hoặc mất khả năng thanh toán (01 bản sao).

- Hàng hóa xuất khẩu không đảm bảo chất lượng phải tiêu hủy bên phía nước ngoài.

Trong trường hợp này, công ty xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng biên bản tiêu hủy (hoặc giấy tờ xác nhận việc tiêu hủy) hàng hóa ở nước ngoài của cơ quan thực hiện tiêu hủy (01 bản sao), kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với chi phí tiêu hủy thuộc trách nhiệm chi trả của cơ sở xuất khẩu hàng hóa hoặc kèm giấy tờ chứng minh chi phí tiêu hủy thuộc trách nhiệm của người mua hoặc bên thứ ba (01 bản sao).

Trường hợp người nhập khẩu hàng hóa phải đứng ra làm thủ tục tiêu hủy tại nước ngoài thì biên bản tiêu hủy (hoặc giấy tờ xác nhận việc tiêu hủy) ghi tên người nhập khẩu hàng hóa.

- Hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất khi đến nước ngoài.

Công ty muốn được hoàn thuế, khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp này thì phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng: giấy xác nhận việc tổn thất ngoài biên giới Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền liên quan (01 bản sao); hoặc biên bản xác định tổn thất hàng hóa trong quá trình vận chuyển ngoài biên giới Việt Nam nêu rõ nguyên nhân tổn thất (01 bản sao).

Nếu cơ sở xuất khẩu hàng hóa đã nhận được tiền bồi thường hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất ngoài biên giới Việt Nam thì phải gửi kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng về số tiền nhận được (01 bản sao).

4. Phải có hóa đơn thương mại. Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.

Trong các trường hợp này, nếu công ty đã có xác nhận của cơ quan Hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không có đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

1,869
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp: