Tra cứu Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.
Điều kiện để được kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại
Chất thải nguy hại (viết tắt là CTNH) là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.
Dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại là dự án thuộc Dự án đầu tư nhóm I (có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao) nên thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đồng thời, dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại là đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Mỗi dự án đầu tư lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh odanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại
1.1. Điều kiện phân định, phân loại chất thải nguy hại
- Việc phân định chất thải nguy hại được thực hiện theo mã, danh mục và ngưỡng chất thải nguy hại.
- Các chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đối với các mã chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp.
- Nước thải nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở phát sinh thì được quản lý theo quy định về quản lý nước thải.
- Chất thải nguy hại phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào lưu giữ hoặc khi chuyển đi xử lý trong trường hợp không lưu giữ.
1.2. Điều kiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại thuộc đối tượng được phép vận chuyển chất thải nguy hại sau đây:
- Doanh nghiệp được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển.
- Lắp đặt thiết bị định vị đối với các phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại và cung cấp tài khoản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát, quản lý;
- Trường hợp có nhu cầu thuê phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại thì phải ký hợp đồng thuê và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của phương tiện vận chuyển trong thời gian thuê và không được cho thuê lại phương tiện vận chuyển đó.
- Doanh nghiệp thuê phương tiện vận chuyển công cộng như phương tiện đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển để vận chuyển chất thải nguy hại thì phải có văn bản báo cáo cơ quan cấp giấy phép môi trường trước khi thực hiện.
- Việc lưu giữ chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại;
+ Không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường;
+ Không làm phát tán bụi, rò rỉ chất thải lỏng ra môi trường;
+ Chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
- Chất thải nguy hại khi vận chuyển phải được lưu chứa và vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng phù hợp đến cơ sở xử lý chất thải. Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải lắp đặt thiết bị định vị; hoạt động theo tuyến đường và thời gian theo quy định của UBND cấp tỉnh.
- Các phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 35, 36 và 37 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
Lưu ý: Doanh nghiệp thực hiện hoạt động thu gom sản phẩm, bao bì phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, văn phòng cơ quan nhà nước, trường học, nơi công cộng thuộc danh mục sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục XXII (ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP) và danh mục chất thải nguy hại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành để thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định tại Mục 1 Chương VI Nghị định 08/2022/NĐ-CP không phải có giấy phép môi trường có nội dung xử lý chất thải nguy hại nhưng phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định tại Điều 71 Nghị định này.
1.3. Điều kiện xử lý chất thải nguy hại
Doanh nghiệp thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Phải có giấy phép môi trường trong đó có nội dung dịch vụ xử lý chất thải nguy hại theo quy định hoặc giấy phép môi trường thành phần là giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp quy định tại khoản 19 Điều 168 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
- Phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp cơ sở đồng xử lý chất thải nguy hại;
- Bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định;
- Công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng (xem chi tiết Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải nguy hại tại Điều 39 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT);
- Có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp;
- Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp;
- Có kế hoạch quản lý môi trường gồm nội dung kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; an toàn lao động, vệ sinh lao động; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đào tạo, tập huấn định kỳ hằng năm; chương trình giám sát môi trường; đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại; phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động;
- Ký quỹ bảo vệ môi trường trong trường hợp có hoạt động chôn lấp chất thải.
Lưu ý: Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, sử dụng, tái sử dụng chất thải nguy hại. Trường hợp chưa ban hành được quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật thì áp dụng tiêu chuẩn của một trong các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển.
Hình từ Internet
2. Thủ tục cấp Giấy phép môi trường
Hồ sơ cần chuẩn bị, bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường (theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP);
- Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường thực hiện theo Mẫu quy định tại Phụ lục VIII (ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP).
- Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, bao gồm:
+ Đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường: Bản sao báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng;
+ Đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc trường hợp nêu trên: chủ dự án, cơ sở không phải nộp tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
Cơ quan tiếp nhận: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Phương thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện hoặc bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến
Thời hạn giải quyết: không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Công việc tương tự:
- Kinh doanh dịch vụ tư vấn điều tra, đánh giá đất đai
- Kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Kinh doanh dịch vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm của hệ thống thông tin đất đai
- Kinh doanh dịch vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
- Kinh doanh dịch vụ xác định giá đất
- Điều kiện để được kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ
Câu hỏi thường gặp:
- Ký hiệu SKN trên sổ đỏ có nghĩa là gì?
- Xả nước thải phóng xạ ra môi trường tại Việt Nam được quy định như thế nào?
- Khi nào doanh nghiệp phải bố trí người phụ trách bảo vệ môi trường?